Nghiệp Báo Phần Cuối: Những Hiểu Biết Sai Lầm Hay Tà Kiến Về Karma (Nghiệp)

Nghiệp vô tận tức Nghiệp trả quả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi là Nghiệp quan trọng nhất đối với chúng ta. Khi Nghiệp trả quả tức khắc và Nghiệp trả qua trong kiếp tới không đủ điều kiện thì chúng trở thành vô hiệu, nhưng Nghiệp vô tận giúp chúng sinh ở trong các cảnh khổ có cơ hội tái sinh làm người và làm trời sẽ theo ta cho đến lúc chấm dứt vòng luân hồi.

1. Tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm thứ nhất:

“Tất cả những cảm thọ mà một người nhận chịu dầu đó là lạc thọ, khổ thọ hay vô ký thọ đều là kết quả của Nghiệp quá khứ, người nào quan niệm như vậy là tà kiến”.

Bạn có đồng ý như vậy chăng? Tôi xin lập lại “Những cảm thọ mà một người nhận chịu: Lạc thọ, khổ thọ hay vô ký thọ đều là kết quả của Nghiệp quá khứ, ai quan niệm như vậy là tà kiến”.

Muốn hiểu câu nói này thì bạn phải hiểu về những cảm thọ hay hiểu tất cả những tâm quả đi kèm với tâm sở thọ, chúng đi kèm với những tâm thiện và bất thiện, và chúng đi kèm với tâm Kiriya (tâm duy tác), khởi sinh trong tâm vị A La Hán.

Đối với những cảm thọ đi kèm với tâm quả thì câu này đúng, phải không? Đúng vậy. Bởi vì, giả sử tôi đau ở đây. Kinh nghiệm về sự đau là kết quả của Nghiệp quá khứ. Đó là tâm quả; điều này đúng. Nhưng ngay trong khi chúng ta làm các hành vi thiện hay bất thiện trong hiện tại thì chúng ta có “tâm thiện” và “tâm bất thiện”. Trong tâm thiện và bất thiện đó có sẵn lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ. Những thọ này đâu phải là kết quả của Nghiệp quá khứ, những thọ này là những gì ta tạo trong hiện tại. Tâm khởi sinh trong các vị Phật và các vị A La Hán cũng vậy. Các Ngài cũng có lạc thọ, khổ thọ (về thân) hay vô ký thọ. Những cảm thọ của các Ngài hay những kinh nghiệm về những cảm thọ của các Ngài không phải là kết quả của Nghiệp. Như vậy, nếu bạn nói rằng những cảm thọ: lạc khổ hay vô ký mà một người đã nhận chịu là quả của Nghiệp trong quá khứ thì đó là quan niệm sai lầm.

2. Một loại tà kiến hay hiểu biết sai lầm khác là:

“Những cảm thọ lạc, khổ và vô ký mà ta kinh nghiệm được tạo ra bởi đấng sáng tạo hay Thượng Đế.” Điều này có nghĩa là những cảm thọ mà một người có thể kinh nghiệm được do Thượng Đế tạo ra. Thượng Đế tạo ra niềm vui, tạo ra sự khổ cho họ. Nếu bạn quan niệm như vậy thì đó cũng là tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm về Kamma. Thật vậy, cho rằng Thượng Đế tạo ra niềm vui, tạo ra sự khổ là một quan niệm thật sai lầm!

3. Một loại tà kiến khác là:

“Tất cả các cảm thọ: lạc, khổ, vô ký mà một người nhận chịu chẳng có nguyên nhân, chẳng có điều kiện gì cả”.

Chẳng có cảm thọ nào khởi sinh mà không có nhân duyên. Mọi cảm thọ đều tùy thuộc vào nhân duyên. Không có nguyên nhân (nhân), không có điều kiện (duyên) thì cảm thọ không thể khởi sinh. Nói rằng: “Hạnh phúc hay đau khổ của người này… chẳng có nhân duyên gì cả” Đó là câu nói sai lầm”.

Nói rằng: “Lạc thọ, khổ thọ được tạo ra bởi Chúa Trời hay Thượng Đế” thì cũng sai lầm. Bởi vì tất cả mọi sự vật đều phát sinh do một số điều kiện nào đó chứ không phải được sáng tạo bởi Trời hay Thượng Đế.

Nói rằng: “Những cảm thọ khởi sinh chẳng do nguyên nhân hay điều kiện nào cả”. Đó cũng là một câu nói sai lầm bởi vì “tất cả mọi sự vật đều phát sinh do một số điều kiện nào đó chứ không phải tự nhiên phát sinh”.

Quan niệm sai lầm thứ hai: “Cảm thọ được tạo ra bởi Chúa Trời” và quan niệm sai lầm thứ ba: “Cảm thọ khởi sinh chẳng do nhân duyên nào cả”, Hai quan niệm này thật dễ hiểu, nhưng quan niệm sai lầm đầu tiên: “Những cảm thọ mà một người nhận chịu đều là kết quả của Nghiệp quá khứ” hơi khó hiểu một chút. Muốn hiểu quan niệm đầu tiên này bạn phải hiểu Abhidhamma.

Có một đoạn văn rất quan trọng, nhưng cũng rất khó hiểu là: “Ta không hề dạy rằng Nghiệp đã làm có thể bị tiêu diệt mà không phải trả các quả trong đời sống này, trong đời sống kế tiếp hay trong đời sống kế tiếp nữa”. Tôi nghĩ rằng câu này cũng không khó hiểu lắm, chúng ta có thể hiểu như vầy: “Nghiệp sẽ không bị tiêu diệt nếu chưa trả quả”, có nghĩa là “khi Nghiệp chưa trả quả thì Nghiệp chưa diệt” và “sau khi đã trả quả thì Nghiệp diệt mất”, đại khái như vậy. Điều này không khó hiểu.

Nhưng câu kế tiếp rất khó hiểu: “Ta không dạy rằng: Có thể làm cho Nghiệp đã tạo chấm dứt mà không cần phải trả”. Câu này có nghĩa là: “Ta không dạy rằng có thể chấm dứt đau khổ mà không cần phải trả quả của các Nghiệp đã tạo”. Có nghĩa là trước khi chấm dứt sự đau khổ bạn phải nhận chịu những hậu quả của nó.

Câu này khiến tôi suy nghĩ nhiều. Thật là khổ cho tôi: “Trước khi chấm dứt sự đau khổ bạn phải nhận chịu những hậu quả của nó”. Nghĩa là: “Nếu bạn chưa nhận chịu quả của các Nghiệp đã tạo thì bạn không thể chấm dứt đau khổ”. Như vậy, nếu bạn muốn chấm dứt đau khổ thì bạn phải trả hết các quả của Nghiệp đã tạo? Không phải vậy?

Thế thì câu này có nghĩa như thế nào? Tôi cũng không biết nữa! Tôi muốn các bạn suy nghĩ về điều đó. Nhưng đừng suy nghĩ trong khóa thiền này. Sau khóa thiền này các bạn hãy suy nghĩ nhiều lần và tôi sẽ cho biết ý kiến của tôi trong khóa thiền tới.

Khi tôi đọc câu trên, tôi không hiểu, tôi bèn đọc chú giải. Nhưng chú giải chẳng giải thích tý nào về câu này. Chú giải giữ im lặng. Tôi bèn giở phụ chú giải ra để xem. Nhưng phụ chú giải cũng chẳng nói gì. Cả hai chú giải và phụ chú giải đều làm tôi đau khổ. Như vậy, khi hỏi câu hỏi này, tôi cũng làm các bạn đau khổ. Các bạn hãy suy nghĩ về điều này và chúng ta sẽ gặp lại trong kỳ tới…

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.