Những Câu Chuyện Thiền Môn – Chịu Đựng

Trận bão lớn vừa qua làm cho cây cối xơ xác tiêu điều và nhà cửa đều bị sập đổ tiêu tan gây thiệt hại nặng nề. Một vài ngôi nhà lá cũ kỹ nằm dưới chân đồi nay không còn nữa. Có những căn nhà bị sập đổ cột, kèo, rui, lá… nằm thành đống chồng chất lên nhau. Đồ đạc phần nhiều đều bị tiêu hủy. May mắn là không có ai bị thương tích nặng hay tử vong. Cây cối xung quanh chùa, có cây thì bị gãy tét nhánh; có cây thì bị trốc gốc nằm rải rác đó đây phơi bày ngổn ngang.

Cái dàn bầu và những cây chà tre cắm sâu dưới đất để cho mấy dây khổ qua leo lên, nay đều bị sập xuống và tiêu tan. Mấy liếp rau cải cũng bi hư dập. Chú Huệ Minh đi cắt mấy trái bầu còn non để đem vô cho bà Bảy nấu canh. Hai chú Huệ Minh và Huệ Tân cùng một vài cậu thanh niên trai trẻ trong làng đến chùa phụ thu dọn lại khu vườn và làm gọn lại những cây cối bị ngã. Hôm đó, trời giông to gió lớn mưa bão sấm sét, hai chú Huệ Minh và Huệ Tân đều lo sợ chùa bị hư sập. Còn bà Bảy thì ngồi tay lần chuỗi miệng niệm Phật lâm râm như để thầm cầu nguyện. Mỗi người đều thầm lo lắng và mang tâm tư ý nghĩ khác nhau.

Trong khi đó, Nhà Sư trụ trì ngồi trầm ngâm, như đang tư lự nghĩ đến những ngôi nhà cũ kỹ xiêu vẹo, mái tranh vách lá của những người dân nghèo khổ lam lũ một nắng hai sương lặn lội kiếm ăn từng ngày, giờ đây đã bị cơn bão càn quét nhà cửa đã bị sập đổ tan nát, hoa màu ruộng vườn cũng bị thiệt hại nặng nề. Rồi đây cuộc sống của họ không biết sẽ ra sao? Thiên tai luôn đe dọa đến sự sống của con người. Nghĩ đến tình cảnh của họ phải sống nheo nhóc trong cảnh màn trời chiếu đất, bữa đói, bữa no, trẻ con đói khát, bệnh tật không thuốc men, thì than ôi! thật là não nuột chua xót chạnh lòng! Lòng từ bi của người tu hành trước hoàn cảnh tang thương đó, thử hỏi không chua xót chạnh lòng sao được? Làm sao có thể khoanh tay ngoảnh mặt làm ngơ?! Tất nhiên, là phải tìm phương cách cứu giúp cho họ trong cơn đói khát hoạn nạn ngặt nghèo nầy.

Nghĩ thế, Nhà Sư liền đứng ra hô hào vận động kêu gọi lòng hảo tâm thiện nguyện của mọi người. Trước hết, Nhà Sư mời một vài người có đạo tâm họp lại để lập thành một Ban Cứu Trợ. Một số người hưởng ứng tham gia vào trong Ban nầy. Họ mở rộng chiến dịch cứu trợ bằng cách đi lạc quyên từng nhà. Họ cùng nhau lặn lội xuống phố để quyên tiền và đồ đạc. Tin đồn lan xa mọi người hưởng ứng phát tâm đóng góp. Có được một số tài vật, họ liền mang ra ủy lạo phân phát cho những nạn nhân. Họ cùng nhau phụ giúp cho một số dân làng xây dựng lại nhà cửa và rồi tạo công ăn việc làm cho họ. Nhờ thế, mà họ đã vượt qua được cái tai nạn thảm khốc ác liệt nầy. Họ bày tỏ nỗi lòng biết ân đối với Nhà Sư và những người đứng ra vận động trong phong trào lạc quyên cứu trợ cho họ.

Sau cuộc cứu trợ đó, tiếng tăm của nhà sư vang xa và đã được nhiều người biết đến. Nhất là những dân làng ở các vùng phụ cận, họ về chùa ngày càng đông hơn. Những nạn nhân thiên tai họ tỏ ra mang ơn Nhà Sư rất nhiều. Nếu không có sự giúp đỡ và kêu gọi của Nhà Sư, thì không biết đời sống của họ sẽ ra sao? Ai có lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn đau thương ngút ngàn nầy, thì mới có thể thấu hiểu được tâm trạng của họ. Đói khát, bệnh đau, nhà cửa không có, tài sản tiêu hao, bao năm trời làm lụng vất vả, dành dụm từng đồng, từng cắc không dám tiêu xài, thế mà hôm nay đành phải cam chịu trắng tay không còn gì cả! Còn cảnh đau khổ nào hơn! nhất là đối với các trẻ con, bệnh tật nằm lây lất, đói khát kêu la. Một tình cảnh thật vô cùng bi đát thương tâm! Đã nghèo lại thêm mắc phải cái eo tai nạn thật là khổ khổ. Sau tai nạn nầy, họ cảm thấy cuộc đời thật là mỏng manh vô thường giả tạm khác nào như một giấc chiêm bao!

Đâu có ai biết trước được những gì sẽ xảy ra. Mới hôm qua cuộc sống của họ còn êm ấm hạnh phúc, bỗng phút chốc lâm vào cảnh nhà tan cửa nát, không còn manh áo để che thân. Quả cuộc đời nầy tràn đầy đau khổ. Có thân đã là khổ rồi, ấy thế mà còn phải chịu bao nhiêu thứ khổ lụy khác đè nặng, vì những hoàn cảnh chung quanh gây nên. Hết nhơn tai rồi đến thiên tai họa hại. Chiến tranh cũng đã làm cho người ta đau khổ quá nhiều. Có cuộc chiến tranh nào mà không tàn phá thiêu hủy, gây nên cảnh chết chóc tang thương?! Mạng sống của con người như đứng trên bờ vực thẳm giữa sống và chết. Do ý thức như thế, nên họ thức tỉnh tu hành nhiều hơn. Quả đúng với câu nói của người xưa: “Nhơn vô hoạn họa bất hồi đầu”. Con người nếu không gặp hoạn nạn thì không ai chịu hồi đầu thức tỉnh tu hành, làm lành lánh dữ. Nếu đời sống của con người luôn gặp vận may, hanh thông suôn sẻ, ước gì được nấy, chắc là không ai nghĩ gì đến sự tu hành. Bởi tu làm chi cho tốn công hao hơi nhọc sức.

… Bẳng đi một thời gian, người ta ít thấy Nhà Sư lui tới chăm sóc ở khu vườn kiểng. Mỗi lần đi ngang qua vườn kiểng người ta hay chú ý đến những cây kiểng rất có giá trị mà Nhà Sư thường hay chăm sóc cắt tỉa. Bởi Nhà Sư là người rất khéo tay và có óc nghệ thuật thẩm mỹ. Có những cây bonsai cắt tỉa uốn cong lên xuống rất đẹp. Ai trông thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi. Chơi kiểng cũng là một cái thú vui, nhưng phải biết cách chăm sóc cho có nghệ thuật. Nhất là đối với những người trọng tuổi, họ thường tìm cho mình những thú vui tiêu khiển nhẹ nhàng để di dưỡng tinh thần. Tuy nhiên, không phải ai lớn tuổi cũng thích tìm cho mình cái thú vui chơi kiểng hết đâu. Có thể có những người họ đi tìm cho mình những cái thú vui riêng khác. Như đánh cờ tướng, uống trà hoặc cà phê ở những nơi quán xá chỗ họp mặt bạn bè để tán ngẫu, bình luận sự đời. Đây là hạng người mà họ chuyên tìm hiểu chuyện thiên hạ sự để rồi đem ra bình phẩm thị phi phù phiếm.

Nói chung, những người già hay tìm cho mình những thú vui riêng để quên lãng thời gian. Có những thú vui đem lại nhiều lợi ích cho đời sống tâm linh, cũng có những thú vui mang tác hại cho thể xác và tinh thần. Như có người đam mê hút xách, bài bạc rượu chè, cái thú đam mê say sưa nầy không sớm thì chầy gia đình của họ cũng sẽ tán gia bại sản mất hết hạnh phúc. Người xưa nói: “Đó là thú vui chỉ mở đường cho đau khổ” quả đúng như vậy. Vui đó rồi khổ đó. Cười đó rồi khóc đó. Biết bao nhiêu người đi tìm cái thú vui nầy, nhưng vui đâu thì không thấy mà chỉ thấy toàn là đau khổ nhà tan cửa nát, vợ chồng con cái ly tán, kẻ một nơi người một ngã. Đó là hậu quả của cái thú đam mê lao đầu vào cửa tử. Các bậc Cổ Đức thường răn dạy nhắc nhở người ta bằng câu nói ngắn gọn: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Xưa nay, có ai chơi bài bạc mà làm giàu đâu? Từ chết tới bị thương thì có.

Trở lại vấn đề trên, sở dĩ người ta ít thấy Nhà Sư lai vãng ở khu vườn kiểng là vì chứng bệnh cũ của Nhà Sư bị tái phát nặng. Một chứng bệnh nan y mà Nhà Sư đã phải chịu đựng trong suốt mấy mươi năm qua. Đó là chứng bệnh phong thấp các khớp xương đều bị đau nhức. Bề ngoài thì Nhà Sư tỏ ra như không có gì, nhưng kỳ thật bên trong thì Nhà Sư luôn phải kiên nhẫn chịu đựng. Chứng bệnh nầy mỗi khi thời tiết trở lạnh, thì Nhà Sư đau nhức rất khó chịu và đi lại rất khó khăn. Trong lúc Nhà Sư nằm điều dưỡng, thì hai chú Huệ Minh và Huệ Tân thường xuyên thay phiên nhau ở bên cạnh sư phụ của mình. Hai chú hết lòng lo lắng chăm sóc cho Nhà Sư. Bà Bảy cũng vậy. Tội nghiệp, lúc nào bà cũng ân cần hỏi thăm và lo cho Nhà Sư trong vấn đề ăn uống. Khi hay tin Thầy trở bệnh nặng, thầy Huệ Văn cũng xin phép Ban Giám Đốc ở nhà trường để về thăm sư phụ.

Một hôm, nhân có đủ mặt mọi người, Nhà Sư liền bảo chú Huệ Minh dìu nhà sư đến cái ghế trường kỷ. Đây là bộ ghế xưa cũ kỹ mà Nhà Sư thường hay ngồi uống trà hoặc xem kinh. Bộ ghế nầy, ngoài Nhà Sư ra, không một ai dám ngồi. Ngoại trừ những vị khách đặc biệt như các bậc Tôn Túc cao đức chẳng hạn. Sau khi Nhà Sư ngồi xuống ghế, chú Huệ Tân liền mang trà đến và trịnh trọng rót trà mời Nhà Sư dùng. Nhà Sư vừa dùng trà vừa dạy bảo thức nhắc các vị đệ tử của mình. Nhà Sư ôn tồn nói: Qua trận bão vừa rồi, các con thấy dân làng họ phải chịu đựng rất là đau khổ. Hôm nay, thầy muốn cho các con cần phải hiểu rõ hai chữ “Chịu Đựng”. Chịu đựng là nghĩa của hai chữ nhẫn nhục. Nhưng hai chữ nhẫn nhục của chữ Hán, ý nghĩa của nó không hay bằng hai chữ chịu đựng của tiếng Việt. Chữ “Chịu” có nghĩa là chấp nhận. Còn chữ “Đựng” có nghĩa là ôm lấy.

Khi có việc gì khó khăn mà người ta không thể làm được, thì họ nói đành phải chịu vậy. Hoặc nói: thằng đó mất dạy quá, tôi nói nó không nghe thôi đành chịu. Nghĩa là đành phải chấp nhận. Như vừa rồi có một cậu thanh niên nào đó la lối om sòm, thầy nghe Huệ Minh nói với Huệ Tân, rằng, huynh không chịu nổi thái độ la lối om sòm của anh ta. Như vậy, Những điều gì khó khăn mà mình không làm được hoặc những gì xảy ra mà mình không thể khắc phục được, thì chỉ có cách cắn răng chịu đựng chấp nhận mà thôi. Đó là nghĩa của chữ “Chịu” theo nghĩa bình diện thông thường của thế gian. Người ta chỉ chịu đựng ở một mức độ nào đó thôi. Khi không còn chịu đựng được nữa thì nó sẽ nổ tung làm cho mình và người phải chịu đau khổ. Bởi do đè nén ức chế lâu ngày nên sự việc mới xảy ra như thế.

Chữ chịu nầy, đối với những người thế gian thật khó có thể vượt qua, vì họ không biết cách thực tập. Còn đối với người tu chúng ta, nhất là người xuất gia, các con cũng phải thực tập lắm mới được. Mình phải thực tập mở rộng trái tim rộng lớn như trái tim của chư Phật và Bồ tát. Có thế thì mình mới dễ dàng chấp nhận được cả tánh tốt và tánh xấu của con người, Như tánh tình của người nào đó khó ưa, khó chơi, mà mình vẫn có thể chấp nhận không có gì cảm thấy bực bội, khó chịu cả. Các con thấy, chữ chịu đâu có mang ý nghĩa tầm thường đâu. Nó mang một ý nghĩa rất rộng lớn, đòi hỏi người đó phải có một tấm lòng rộng lớn mới được. Đó là thầy nói sơ qua về nghĩa của chữ chịu.

Bây giờ thầy giải thích cho các con nghe về ý nghĩa của chữ “Đựng”. Đựng có nghĩa là chứa đựng. Chữ nầy là một hình dung từ nói lên cái dung lượng nghĩa là cái để đựng chứa. Một vật nhỏ như cái ly, cái tách thì sức dung chứa của nó nhỏ. Còn một vật lớn thì sức dung chứa của nó lớn. Đó là nói về cái sức dung chứa trọng lượng bên ngoài. Vật càng to lớn chừng nào thì nó chứa đựng càng nhiều chừng nấy. Đối với tâm thức của các con cũng vậy. Tinh thần, tuy nó không có hình tướng như một vật chất cụ thể, nhưng nó cũng có một sức dung chứa tùy theo cái tâm địa nhỏ lớn. Nếu tâm địa càng nhỏ hẹp chừng nào thì sức chứa càng nhỏ hẹp chừng đó. Nếu nỗi khổ niềm đau của mình lớn quá, mà cái tâm chứa đựng của mình nhỏ quá, thì làm sao chứa hết. Vậy mình cần phải có cái tâm rộng lớn hơn mới có thể chứa hết những nỗi khổ niềm đau. Cái tâm chứa càng lớn chừng nào, thì các con có nhiều an lạc hạnh phúc chừng nấy. Con thấy vật để chứa thì nhỏ, còn cái cần chứa thì nhiều, như vậy thì làm sao tương xứng được. Tất nhiên là cái bị chứa sẽ tràn ra ngoài.

Các vị Bồ tát khác với chúng ta là khác hơn ở chỗ chứa. Tâm của các Ngài có một sức chứa quá rộng lớn. Rộng đến đổi không có giới hạn. Vì vậy, nên các Ngài có quá nhiều hạnh phúc. Bởi cái tâm chứa của các Ngài không còn phân biệt hay dở, xấu tốt, phải trái, thù bạn, thương ghét v.v… nghĩa là vượt ra ngoài những cặp đối đãi nhị nguyên. Do đó, nên các Ngài không có cái tâm thủ xả, lấy cái nầy bỏ cái kia, ghét người nầy, thương người nọ. Còn thấy có hai, tức còn thấy có sự khác biệt. Tâm địa của mình vì nhỏ hẹp nên mình không có được cái hạnh phúc chơn thật như các Ngài. Đối với mình, cái gì mình ưa, mình thích, mình thương, thì mình mới chấp nhận, mới chứa. Bằng ngược lại, thì mình không chấp nhận và không chứa. Bởi thế mà mình mãi chịu đau khổ không có được cái hạnh lớn như các Ngài.

Bao nhiêu năm kinh nghiệm trong việc tu hành, thầy thấy có người tu lâu ở trong đạo mà họ vẫn không có hạnh phúc. Vì họ không biết mở rộng trái tim. Càng sống ích kỷ chỉ nghĩ riêng cho mình chừng nào thì càng đau khổ nhiều chừng nấy. Ngược lại, có người họ không cần phải mang cái nhãn hiệu tôn giáo hay tên tuổi nào hết, họ chỉ cần có trái tim rộng lớn khéo biết bao dung tha thứ, không cố chấp với bất cứ điều gì, dù điều đó là điều tốt hay điều xấu. Họ chỉ thực tập mở rộng cõi lòng chấp nhận và dung chứa, thì đời sống của họ sẽ giảm đi đau khổ rất nhiều. Đức Phật là người đã mở rộng trái tim hoàn toàn, cho nên Ngài mới có được tràn đầy hạnh phúc. Các vị Bồ tát tuy không hạnh phúc bằng Phật, nhưng các Ngài có hạnh phúc hơn chúng ta quá nhiều. Các con chỉ cần tập sống với hai chữ nầy, thì các con sẽ có hạnh phúc ngay. Hạnh phúc hay đau khổ không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm thức của các con. Điều đó các con có biết không?

– Dạ biết. Thầy Huệ Văn hỏi tiếp:

– Bạch sư phụ, có phương pháp nào mình thực tập được như vậy không?

– Có. Như có lần thầy nói cho các con biết. Các con muốn mở rộng cõi lòng, không phải chỉ nói mở rộng là nó mở rộng được. Bởi cái tập khí lâu đời lâu kiếp của chúng sinh là ích kỷ là chấp ngã. Chỉ biết có mình thôi. Sống vì mình mà chết cũng vì mình. Nói là thương người, giúp người nhưng thực tế thì cũng chỉ vì mình thôi. Mình nói, mình yêu thương người đó, nhưng kỳ thật là mình chỉ yêu thương mình. Nếu thực sự thương người, thì khi người đó ra đi thì đừng có bịn rịn khóc than hãy để cho người ta ra đi được bình an. Đằng nầy không, hễ người đó ngáp ngáp sắp sửa lìa khỏi cõi đời thì mình kêu réo khóc la inh ỏi thảm thiết chỉ muốn họ ở lại với mình. Vì mất họ mình cảm thấy bơ vơ lạc lỏng không ai bảo vệ che chở giúp đỡ cho mình. Như vậy, con thấy vì người hay vì mình?

– Dạ. thưa chỉ vì mình thôi.

– Nếu không vì mình, thì mình nên vui mà cầu chúc cho người đó ra đi được toại nguyện của họ. Đó mới thật là thương họ.

Trở lại câu hỏi của con, con muốn mở rộng trái tim như trái tim của Bồ Tát Quan Thế Âm, thì trước tiên, con cần thực tập cho mình có được hơi thở chánh niệm. Có chánh niệm thì con mới có cái nhìn sâu sắc vào sự vật. Cái nhìn đi sâu vào thiền quán không thấy có mình và người riêng biệt. Nhờ có chánh niệm và thiền quán như thế, các con mới có được tình thương rộng lớn. Các con không còn thấy cái đáng ưa hay không đáng ưa, cái đáng ghét hay không đáng ghét. Mà con chỉ thấy vạn vật không ngoài mình. Vì sự sống của mình là sự sống của tất cả muôn loài. Các con nên biết, trên đời nầy không có vật gì độc lập mà có thể sinh tồn được. Nhỏ như hạt bụi hay lớn như quả địa cầu cũng nằm trong phạm trù của lý duyên sinh cả. Đã do duyên sinh thì đâu có cái gì ngoài mình. Nếu sự sống mà không có những tác dụng ảnh hưởng qua lại thì sao thành sự sống? Về vấn đề nầy, như có lần thầy cũng đã giảng giải cho các con nghe rồi. Có cái nhìn sâu sắc như thế thì các con mới có tình thương rộng lớn. Tâm của Phật thì mở rộng như thái hư và Phật ôm cả thái hư vào lòng. Bản tâm của mình cũng rộng lớn như thái hư. Nhưng tại vì mình chưa có thực tập thiết thiệt để mở rộng đó thôi. Chớ không phải cái đó mình không sẵn có. Tuy sẵn có, nhưng mình bị các thứ vô minh phiền não che ngăn nên nó không hiển hiện đó thôi. Khi nào vô minh phiền não không còn thì Phật tánh sẽ hiện bày. Chư Phật, Bồ Tát, và các vị Tổ sư, các Ngài cũng đều có sẵn cái bản tâm như mình, nhưng các Ngài khác hơn mình là ở chỗ các Ngài đã khéo biết mở rộng và sống hòa nhập với vạn hữu vũ trụ đó thôi.

Nói gần và thực tế hơn, là khi các con có bệnh, các con không nên có ý nghĩ buồn trách ai cả. Vì bệnh không ai đem cái đó lại cho mình. Các con chỉ cần đối diện chấp nhận bệnh là một sự thật và rồi các con phải ôm lấy cái bệnh đó. Coi bệnh như là một người bạn thân của các con cùng lớn lên với các con trong một môi trường sống. Thử hỏi, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già có mấy ai không bệnh? Vì lúc nhỏ nhờ mình có bệnh nên mình mới có những con vi trùng chống bệnh. Như vậy không phải bệnh là bạn thân của mình sao? Như có lần thầy nói với các con là trong Luận Bảo Vương Tam Muội có câu: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh hoạn, vì không bệnh hoạn thì dục vọng dễ sanh”. Dù các con không muốn chấp nhận ôm lấy nó, thì nó vẫn có mặt hiện hữu với các con. Thay vì sợ hãi chạy trốn, thì mình nên tỏ ra thân thiết và an ủi xoa dịu nó. Đó là những cơn đau nhức làm mình bực bội khó chịu, mình chỉ cần nhận diện sâu sắc về cơn đau, và rồi mình hãy tự an ủi hóa giải nó. Đó là các con khéo biết áp dụng tinh thần của hai chữ chịu đựng rồi.

Ở đời nầy, các con thấy đâu có cái gì hoàn toàn vừa ý mình hết. Nếu cái gì cũng vừa ý mình hết thì đâu còn có khổ nữa. Các con thấy có nhiều gia đình vì thiếu thực tập kiên nhẫn chịu đựng, nên họ dễ dàng gây ra sự đổ vỡ. Bởi cái gì họ cũng muốn hơn người khác và họ muốn người khác phải làm theo ý của họ. Chính vì cái ý niệm độc tài, độc đoán đó, mà có biết bao gia đình phải đổ vỡ chia ly tan nát. Vì không ai chịu tìm hiểu, thông cảm và nhường nhịn nhau. Và cũng không ai muốn chịu đựng những cái mà mình không hài lòng. Như trường hợp, một đứa con trai đem bạn gái về sống chung trong nhà, nhưng khổ nỗi, người bạn gái đó lại có những thái độ bất kính, thất lễ, nghịch ngợm, cứng đầu, ương ngạnh, gàn bướng với cha mẹ của người bạn trai. Thái độ đó không thể nào cha mẹ của người bạn trai kia chấp nhận chịu đựng tha thứ nổi. Không chịu đựng nổi thì chỉ còn có nước là phải đuổi chúng nó đi thôi. Đuổi thì chúng đi, chúng đâu có lo lắng nghĩ gì đến hậu quả sau nầy. Chúng chỉ muốn làm cho thỏa mãn cái lòng tự ái và sự ham muốn khát vọng của chúng thôi. Chúng không cần biết đến sự buồn lo gì của cha mẹ. Thế là cha mẹ đành phải mất đứa con trai của mình. Vì nó nghe theo người tình bạn gái của nó hơn. Nó chạy theo tiếng gọi của tình yêu, vì tình yêu có một hấp lực sức mạnh rất lớn.

Trong trường hợp nầy, nếu cha mẹ không muốn mất đứa con trai của mình, thì họ nên mở rộng cõi lòng bao dung tha thứ và chịu khó tìm hiểu rõ nguyên nhân và thông cảm cho tánh tình của tuổi trẻ, phải kiên nhẫn tìm cách sửa đổi hóa giải, thì hậu quả có thể chuyển đổi khác đi. Hoặc giả nếu như chúng nó muốn dọn ra ngoài có đời sống tự lập, thì làm cha mẹ mình cũng nên phân tích lợi hại về mặt tài chính chi tiêu và những vật dụng cần thiết khi chúng nó dọn đi. Nếu sau khi phân tích giải bày cân nhắc lợi hại cặn kẽ mà chúng nó vẫn cương quyết dọn đi, thì cha mẹ chỉ còn có cách là đành phải chấp nhận và tìm cách hỗ trợ giúp cho chúng vui mà thôi. Cha mẹ không nên buồn phiền và vì mình mà chận đứng đời sống tự lập của chúng nó. Có nhiều người, vì thiếu thực tập mở rộng cõi lòng bao dung tha thứ, chỉ biết ích kỷ nghĩ cho riêng mình, nên rầy la chửi bới mắng nhiếc con cái đủ điều, cuối cùng họ phải lãnh lấy cái hậu quả là mất con.

Việc đời hay việc đạo cũng thế. Điều cần yếu là các con muốn được an ổn hạnh phúc, lợi mình, lợi người, thì các con cần phải thực tập đức tánh “Chịu Đựng” cho thật sâu sắc. Nghĩa là các con nên có tấm lòng rộng lượng thương yêu đối với tất cả muôn loài. Đó là các con khéo biết thể hiện cái “Ân Đức”. Ân đức là một trong ba đức. Như có lần thầy nói, các con cần phải cố gắng tu tập ở nơi ba đức. Đức đầu tiên là Trí đức. Có trí tuệ chiếu soi thì các con mới có thể nhận diện và chuyển hóa các thứ vô minh phiền não. Đó là Đoạn đức. Khi vô minh phiền não không có thì các con mới có được cái lượng bao dung tha thứ rộng lớn. Đức tánh hỷ xả bao dung rộng lớn không có giới hạn nầy, chính đó là Ân đức. Đây là cách chịu đựng mang tính siêu xuất thế gian. Chỉ cần mở rộng cái lượng bao dung hỷ xả nầy thì cuộc đời của các con sẽ có được tràn đầy hạnh phúc.

Thầy chỉ nêu ra một trong nhiều trường hợp mà mình phải chịu đựng trong tinh thần bao dung và hỷ xả. Có thế, thì cuộc sống mới đem lại cho người ta có thêm nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc không ở đâu xa, mà nó chỉ ở trong trái tim của các con, của mọi người mà thôi. Thầy mong bài học “Chịu Đựng” nầy các con phải cố gắng thực tập và phải thực tập một cách sâu sắc theo gương hạnh của chư Phật Tổ đã làm. Có thế, thì các con sẽ được nhiều lợi lạc ngay trong đời sống thực tế nầy.

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.