Nói Về Hoạt Động Trí Não

Trí óc vận hành bằng cách tự chuyên môn hóa với sự chia chẻ manh mún, với những hoạt động cô lập lại nó trong địa hạt giới hạn của thời gian. Trí óc không có khả năng nhìn thấy toàn thể sự sống; dù có được giáo hóa đến đâu, trí óc cũng chỉ là một phần chứ không phải là toàn thể. Chỉ có tâm mới thấy được cái toàn thể, và phạm vi của tâm bao trùm luôn trí óc; trí óc dù có làm gì đi nữa cũng không thể chứa đựng được tâm.

* Trí óc vận hành trong cái manh mún, từng phần, chia chẻ. Nó tự chuyên môn hóa. Nó không bao giờ là cái toàn thể, cái mà nó muốn nắm giữ, muốn hiểu biết nhưng vô hiệu. Vì chính bản chất của nó, nên tư tưởng luôn luôn không toàn vẹn, cảm thức cũng thế; tư tưởng, phản ứng của kí ức chỉ có thể vận hành trong cái đã biết, hoặc lí giải từ kiến thức. Trí óc là sản phẩm của sự chuyên môn hóa. Nó không thể vượt lên trên chính nó. Nó chia chẻ và tự chuyên môn hóa thành nhà khoa học, nghệ sĩ, giáo sĩ, luật gia, kĩ thuật gia, nông gia… Nó hoạt động bằng cách phóng chiếu lên giai cấp xã hội, đặc quyền, quyền hành, uy thế của nó. Sự vận hành não bộ và giai cấp xã hội liên kết với nhau chặt chẽ, vì trí óc là một cơ quan tự bảo vệ. Chính từ nhu cầu này mà những yếu tố đối nghịch và chống trái của xã hội phát sinh. Nhà chuyên môn thì không có khả năng nhìn được toàn diện.

(…) Năng khiếu và thiên tư hiển nhiên là nguy hại, vì củng cố tính vị ngã; vì mang tính chia chẻ vụn vặt nên nuôi dưỡng xung đột. Năng khiếu chỉ có giá trị trong sự nhìn thấu toàn diện đời sống, sự nhìn thấu này nằm trong lĩnh vực của tâm chứ không phải của trí óc. Năng khiếu với sự vận hành của nó nằm trong giới hạn của trí óc, do đó năng khiếu trở nên nhẫn tâm, lãnh đạm đối với tiến trình toàn thể của đời sống. Năng khiếu gây ra lòng kiêu hãnh, ham muốn, và sự thành tựu của nó trở thành ưu tiên hàng đầu, nó đưa đến thù ghét, vô trật tự, đau khổ; nó chỉ có giá trị nếu nhận thức được toàn thể sự sống. (…).

(…) Trí óc vận hành bằng cách tự chuyên môn hóa với sự chia chẻ manh mún, với những hoạt động cô lập lại nó trong địa hạt giới hạn của thời gian. Trí óc không có khả năng nhìn thấy toàn thể sự sống; dù có được giáo hóa đến đâu, trí óc cũng chỉ là một phần chứ không phải là toàn thể. Chỉ có tâm mới thấy được cái toàn thể, và phạm vi của tâm bao trùm luôn trí óc; trí óc dù có làm gì đi nữa cũng không thể chứa đựng được tâm.

Để nhìn thấy toàn thể, trí óc phải ở trong trạng thái buông xả. Buông xả hoặc phủ nhận không phải là đối nghịch của khẳng định; những cái đối nghịch đều liên kết với nhau. Sự phủ nhận không có cái đối nghịch. Để có được cái nhìn toàn thể, trí óc phải ở trong trạng thái phủ nhận tuyệt đối; nó không được can thiệp vào bằng cách lượng giá, biện bạch, kết án và tự vệ. Trí óc phải im lặng mà không bị ép buộc; ép buộc sẽ làm cho trí óc chết cứng, chỉ có khả năng mô phỏng và tùy hợp. Chính trong trạng thái phủ nhận mà trí óc tĩnh lặng không lựa chọn. Chỉ chính lúc đó cái nhìn toàn thể mới phát sinh. Lúc đó tâm hoàn toàn tỉnh thức, và trạng thái này không gồm có người quan sát cũng như vật bị quan sát, mà chỉ có ánh sáng, chỉ có sáng suốt. Sự đối kháng và xung đột giữa người tư duy và tư tưởng kết thúc. (Jiddu Krishnamurti-danh nhân giác ngộ. Bút hoa (The Krishnamurti’s notebook); Ẩn Hạc dịch).

* Cần phải thừa nhận rằng trong các khoa học tự nhiên cũng có một phần lớn mang tính chủ quan. Với vai trò là sinh vật biết tư duy, nhà khoa học không thể quan sát Tự nhiên một cách hoàn toàn khách quan. Einstein từng nói: “Các khái niệm vật lí là những sáng tạo tự do của trí tuệ con người, ngay cả khi chúng có vẻ như được quyết định chỉ bởi thế giới bên ngoài. Những cố gắng của chúng ta nhằm nắm bắt hiện thực cũng tựa như những nỗ lực của người tìm cách hiểu cơ chế hoạt động của một chiếc đồng hồ kín mít. Anh ta chỉ nhìn thấy mặt đồng hồ và các kim chuyển động, thậm chí còn nghe cả tiếng tích tắc, nhưng anh ta không có cách nào để tháo vỏ đồng hồ ra. Nếu đủ thông minh, anh ta sẽ tạo ra hình ảnh của một cơ cấu đã gây ra tất cả những gì anh ta quan sát được, nhưng anh ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng hình ảnh mà anh ta tạo ra là duy nhất có thể giải thích được những quan sát của mình. Anh ta sẽ không bao giờ có thể so sánh được mô hình của mình với cấu trúc thực, và thậm chí cũng không thể hình dung ra được liệu sự so sánh này có một ý nghĩa nào không”. (Trịnh Xuân Thuận-nhà vật lí thiên văn.Cái vô hạn trong lòng bàn tay; (đồng tác giả: Mathieu Ricard); Phạm Văn Thiều & Ngô Vũ dịch).

* Thực ra, ngành sinh học thần kinh đã chứng tỏ được rằng “hiện thực” chỉ xuất hiện đồng nhất đối với các sinh vật cùng loài có cùng một hệ thần kinh. Các loài khác nhau thì cảm nhận thế giới theo các cách khác nhau. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu đối với loài cá, chim và côn trùng đã chứng tỏ rằng màu sắc và hình dạng của các vật được các loài vật này cảm nhận theo những cách hoàn toàn khác với con người. Hiện thực chắc chắn bị thay đổi tùy theo hệ thống thần kinh cảm nhận nó. (Trịnh Xuân Thuận; sách đã dẫn).

* Nếu người ta phân tích một trong những cách tri giác nào đó, như cách tri giác của con người chẳng hạn, thì người ta sẽ nghiệm thấy đơn giản rằng, trong một số điều kiện, người ta quan sát và đo lường một số hiện tượng theo cách có thể tái tạo được. Nhưng làm như vậy, hiện thực của “vật” không vượt qua thân phận ban đầu của nó, tức là cái “nhãn mác tinh thần”. Quá trình thực nghiệm này chưa bao giờ chứng tỏ rằng cái mà người ta quan sát là tồn tại tự thân và có các đặc tính nội tại. Chúng ta có thể nhìn thấy một nghìn lần hai Mặt trăng bằng cách áp một nghìn lần hai ngón tay vào nhãn cầu của chúng ta, và chắc chắn là việc nhìn thấy hai Mặt trăng này không hề có nghĩa là có hai Mặt trăng thật! (Mathieu Ricard-nhà sinh học; sách đã dẫn).

* Định lí về tính không đầy đủ của Godel thực tế ngụ ý rằng có tồn tại những giới hạn đối với sự suy luận logic, chí ít là trong toán học. Định lí này thường được coi là một phát minh logic quan trọng nhất của thế kỉ XX. (…) Năm 1931, ông đưa ra một định lí có lẽ là tuyệt vời và bí hiểm nhất trong số các định lí toán học. Ông đã chứng tỏ được rằng một hệ thống số học nhất quán và phi mâu thuẫn chắc chắn sẽ chứa các mệnh đề “không giải quyết được”, tức là các phát biểu toán học mà người ta không thể bằng logic nói được chúng là đúng hay sai. Mặt khác, không thể chứng minh được rằng một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẫn chỉ dựa trên cơ sở của các tiền đề (các mệnh đề đầu tiên được chấp nhận không cần chứng minh) có trong hệ thống này. Ngược lại, cần phải “đi ra ngoài hệ thống” và đưa ra các tiền đề phụ bên ngoài hệ thống. Theo nghĩa này, hệ thống tự bản thân nó chỉ có thể là không đầy đủ. Chính vì thế, định lí của Godel cũng thường được gọi là “định lí về tính không đầy đủ”.

Định lí này quả thật chẳng khác gì cú sét trong thế giới toán học. Godel đã chứng minh rằng logic có những giới hạn và rằng giấc mơ của Hilbert (biết chứng minh một cách chặt chẽ sự nhất quán của toàn bộ toán học) là một ảo tưởng. Nó cũng có những ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực khác của tư duy như triết học hay tin học. (Trịnh Xuân Thuận; sách đã dẫn).

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.