Pháp Tứ Niệm Xứ Áp Dụng Vào Đời Sống Hiện Đại

Áp Dụng Pháp Tứ Niệm Xứ Vào Ðời Sống Hiện Ðại” là đề mục buổi nói chuyện của tôi chiều nay.

Trước tiên tôi sẽ cố gắng trình bày cùng quý vị vài ý niệm về Tứ Niệm Xứ, rồi sau tôi sẽ vạch rõ tình trạng đặc biệt và phức tạp của thời đại hiện tại như thế nào để quý vị nhận thức rằng hơn lúc nào cả, Pháp Tứ Niệm Xứ rất cần thiết cho thời đại của chúng ta.

Cũng như quý vị đã biết, Pháp Tứ Niệm Xứ đề cập đến sự phát triển một khả năng rất quý của Tâm là “Sati”, hay “Niệm” (chú tâm). Sự phát triển ấy có bốn cách. Tứ Niệm Xứ có nghĩa là củng cố Niệm, hoặc thực hành Niệm. Bốn cách Niệm mà ta trông thấy trong Kinh là:

1.    – Niệm Thân (niệm hơi thở thuộc về khoảng này): Kàyànupassanà.

2. – Niệm Thọ: Vedanànupassanà

3. – Niệm Tâm: Cittànupassanà

4. – Niệm Pháp: Dhammànupassanà Niệm là một trong tám Chi của Bát Chánh Ðạo; nó là một trong Ngũ Căn (Indriya) và cũng là một trong Thất Giác Chi (Bojjhanga).

Như vậy quý vị cũng đủ thấy là Niệm (Sati) có một vị trí rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Thật vậy, Ðức Phật đã gọi nó là “Ekàyano Maggo” – con đường duy nhất, “sattànam visuddhiyà” – làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh, “soka pariddavànam samatikkamàya” – làm cho ta vượt qua phiền não và ta thán, “dukkha domanassànam tthangamàya” – làm cho ta tiêu diệt khổ não và âu sầu, “nàyassa adhiga màya” – đem ta vào Chánh Ðạo, “nibbànassa sacchikiriyàya” – để chứng quả Niết Bàn.

Bởi thế nên theo quan điểm của người thường, Niệm cũng là một đức độ rất đáng kỳ vọng. Lẽ thường cho ta hiểu rằng thực hành Niệm sẽ làm cho ta trở nên tinh vi đúng mực hơn, nhặm lẹ hơn và làm giảm bớt những điều sai, những lỗi lầm, những sơ xuất, những tai nạn. Và lẽ thường cũng cho ta hiểu thêm rằng nếu thực hành Niệm thành một thói quen, tâm ta sẽ được quân bình, ta sẽ ý thức được sự tương xứng trong mọi việc, ta sẽ có một tinh thần minh mẫn và luôn luôn ta sẽ thận trọng. Nhưng, xin quý vị nên nhớ rằng Ðức Phật còn cho ta biết nhiều hơn nữa về kết quả của Niệm. Ðức Phật, với những lời lẽ hết sức là rõ ràng, như tôi vừa trích trên đây, dạy ta rằng Niệm có tác dụng làm cho chúng sanh trở nên thanh tịnh, làm cho ta vượt qua phiền não, đưa ta vào Bát Chánh Ðạo và cuối cùng làm cho ta chứng được Niết Bàn.

* * *

Song, làm thế nào để đạt được những kết quả cao quý và tốt đẹp ấy? Cho đặng thành tựu như thế thì cái Niệm mà ta thực hành không phải chỉ thuộc về thế gian này, không phải là Niệm “tại thế” (lokiya), nhưng phải là Niệm “siêu thế” (lokuttara), nghĩa là phải có một đặc tính riêng biệt thuộc về tinh thần, và do đó phải có một kỹ thuật đặc biệt để thực hành Niệm. Pháp Tứ Niệm Xứ đề cập đến bốn cách Niệm và phương pháp cần thiết để thực hiện. Như vậy, khi ta hành về một trong Tứ Niệm Xứ bằng phương pháp đặc biệt của nó, ta có thể thu thập được những kết quả hứa hẹn.

Niệm cho đúng phương pháp có đặc điểm là nó đòi hỏi phải nhìn sự vật một cách khách quan, chứ không chủ quan; nếu Niệm không chứa đựng được yếu tố quan trọng là nhìn sự vật một cách khách quan, thì chưa chắc phải là Niệm đúng theo nghĩa của nhà Phật mà trong Kinh gọi là Sati. Ta phải cần phân biệt giữa lối nhìn khách quan và lối nhìn chủ quan. Khi có người yêu cầu Pythagore định nghĩa nhà hiền triết là như thế nào, thì ông trả lời với một ý nghĩa cũng tương tợ như trên là khi mọi người trên thế gian này được mời đến dự “tiệc đời”, thì có một số người đến đặng hưởng lạc, một số nữa đến đặng cầu tiếng tăm, danh vọng, nhưng cũng có một số người khác đến để mà xem. Những hạng người sau này chính là những nhà hiền triết vậy. Tỷ dụ ấy ngụ ý là bậc triết nhân không đồng nhất mình với cuộc đời. Bậc triết nhân nhìn đời một cách bàng quan. Người tập luyện Sati cũng phải nhìn sự vật như thế.

Khi quý vị nhìn một vật gì một cách chủ quan thì giữa quý vị và vật ấy có một ái lực về tinh thần. Quý vị đem Tâm mình đến rất gần vật ấy. Quý vị liên kết mình với đối tượng và nếu có mối liên kết nào giữa quý vị và đối tượng, thì quý vị sẽ không cố gắng để ngoài Tâm mối liên hệ ấy. Trái lại, mối liên hệ ấy còn ảnh hưởng rất nhiều và sẽ tô màu việc quan sát của quý vị. Rốt cuộc, quý vị không còn là người quan sát vô tư nữa. Còn như quý vị nhìn vật gì một cách khách quan thì quý vị cầm giữ tâm mình cho xa đối tượng, quý vị tách mình ra khỏi đối tượng và nếu có mối liên hệ nào giữa quý vị và đối tượng, thì quý vị sẽ không cho nó ảnh hưởng đến việc quan sát của mình. Như vậy, quý vị là người chỉ quan sát mà thôi, khác hẳn với người quan sát thiên vị. Người quan sát khách quan không bị ngoại cảm ảnh hưởng, tất nhiên sẽ thấy rõ hơn và đúng hơn người quan sát thiên vị, vì sự nhìn của người quan sát thiên vị có thể bị sai lệch bởi tư kiến, tư lợi. Người đứng ngoài thấy rõ nước cờ hơn người đánh cờ hoặc người đánh ké. Vậy, khi ta thực hành Niệm, ta phải thoát ra khỏi tất cả ý tưởng về bản ngã hay tư lợi, phải rán gắn Tâm vào đối tượng mà thôi, không lưu ý đến một giả thuyết nào, một phỏng đoán nào, thiên kiến nào, thành kiến nào hay ức đoán nào cả. Tóm lại, ta cố gắng có một hình ảnh thật của đối tượng và chỉ có hình ảnh ấy mà thôi. Chính đó là đặc tính của Niệm mà ta phải đào luyện cho kỳ được.

Tôi đã nói rằng có bốn đối tượng của Niệm: Thân, Thọ (cảm giác), Tâm (ý tưởng), và Pháp (đối tượng của ý), và đối với mỗi đối tượng ấy, ta phải hành Niệm một cách khách quan. Bất cứ là đối tượng nào của Niệm, quý vị phải nhìn chỉ đối tượng ấy mà thôi. Ðó là bí quyết trong việc thực hành Satipatthàna (Tứ Niệm Xứ) để có hiệu quả, và bí quyết ấy Ðức Phật đã giải thích rõ ràng trong rất nhiều cơ hội. Quý vị có thể tưởng tượng tầm quan trọng của điều ấy khi tôi nhắc lại câu chuyện sau đây:

Một hôm, trên đường đi trì bình, Ðức Phật dừng bước lại để giải thích bí quyết ấy cho một người nọ. Hàng ngày, Ðức Phật luôn luôn áp dụng một thời khắc biểu nhứt định và không khi nào thay đổi, như chẳng hạn trong lúc đi trì bình thì không bao giờ dừng bước lại để làm một việc nào khác. Thế mà trong trường hợp đặc biệt này, Ngài dừng chân lại để đàm luận cùng Bàhiya, nhà lãnh đạo một tôn giáo nọ. Ông Bàhiya này đã sống một cuộc đời lương thiện và ông đã tự cho rằng mình có thể đạt đến tầng A La Hán. Nhưng một hôm nọ có một vị Thần đến bảo ông rằng: “Người chưa phải là A La Hán đâu, cũng chưa đến A La Hán đạo nữa. Người đâu có biết được “kỹ thuật” (patipadà) để trở thành bậc A La Hán. Người hãy đến hỏi với Ðức Phật đi! Ngài là bậc A La Hán và Ngài đang dạy phương pháp đưa chúng ta đến tầng A La Hán. Ngài ở cách xa đây, tại thành Sàvatthi (Xá Vệ)”.

Những lời khuyên của vị Thần làm cho Bàhiya rất xôn xao. Ông tức khắc lên đường thẳng đến Sàvatthi. Trong Kinh chép rằng ông khao khát học tập “kỹ thuật” để trở thành bậc A La Hán đến nỗi ông chỉ ngừng lại có một đêm trong suốt cuộc hành trình của ông. Khi đến Jetavana (Kỳ Viên) tại thành Sàvatthi, ông được biết rằng Ðức Phật đã đi trì bình. Rất bối rối, ông bèn noi theo hướng Ðức Phật đã đi. Gặp được Ngài, ông liền quỳ xuống, đặt trán lên chân Ngài và khẩn cầu Ngài chỉ dạy cho “kỹ thuật” để trở thành A La Hán. Hai lần thỉnh nguyện và cả hai lần Ðức Phật đều không chấp thuận lời yêu cầu của ông, nói rằng: “Này Bàhiya, anh đến không đúng lúc. Chúng tôi đã lên đường đi trì bình”. Khi ông thỉnh cầu đến lần thứ ba, vì biết nghiệp ông phải chết nội ngày ấy, nên Ðức Phật dừng chân lại mà giải thích một cách tóm tắt như sau đây: “Này Bàhiya, anh phải luyện tập như thế này:

“Ditthe dittha – mattam bhavissati Sute suta – mattam bhavissati Mute muta – mattam bhavissati Vinnàte – vinnàta – mattam bhavissati”.

“Khi trông thấy vật gì, anh chỉ nên thấy vật ấy mà thôi. Khi nghe tiếng gì, anh chỉ nên nghe tiếng ấy mà thôi. Khi có một ý tưởng nào, anh chỉ nên nhận thức ý tưởng ấy mà thôi. Khi có sự hiểu biết nào, anh chỉ nên nhận thức sự hiểu biết ấy mà thôi”.
Bấy nhiêu lời đủ làm cho Bàhiya giác ngộ.

Ðó là những lời rất uyên thâm, đầy ý nghĩa. Với sự trình bày trước đây, tôi chắc rằng quý vị đã lãnh hội được đầy đủ. Nếu quý vị thực hành Niệm trên một sắc tướng nào thì quý vị phải chỉ thấy sắc tướng ấy mà thôi, chứ đừng thấy gì khác nữa. Những ý nghĩ và cảm kích nào do lợi ích riêng tư đã phát sinh khi quý vị thấy sắc tướng ấy, cũng không được làm sai lệch sự trông thấy của quý vị. Khi đối tượng của Niệm là một tiếng động thì phải chỉ có tiếng động ấy mà thôi, chứ không nên có những ý nghĩ và cảm kích nào tạo ra vì tư lợi. Khi ta nghe một việc gì cũng vậy, chỉ nên nghe việc ấy mà thôi. Ðối với ba cách Niệm kia quý vị cũng nên giữ một thái độ tinh thần như thế.

Khi Ðức Phật cùng các đệ tử trì bình xong trở về, Ngài thấy Bàhiya nằm chết bên lề đường, vì bị một con bò con húc. Ðức Phật bảo đệ tử của Ngài đem thi hài ông đi hỏa táng. Sau đó, Ðức Phật nói rằng: “Bàhiya đã vâng theo lời ta dạy. Anh đã chứng ngộ đạo quả A La Hán”.

Giờ đây ta mới thấy sự quan trọng của lối nhìn sự vật một cách khách quan. Mỗi khi cái gì đến ta, ta không nên để nó ảnh hưởng đến ta. Ta phỉ nhìn nó một cách thật khách quan. Cái gì đến ta có thể là sắc, hoặc thinh, hoặc hương, hoặc vị, hoặc xúc, hoặc một ý tưởng. Trong Anh ngữ không có danh từ nào đồng nghĩa với ý tưởng “cái gì đến trên con đường ta”. Danh từ Pàli là “àrammana”, thường được dịch là “đối tượng”. Ấy là những gì đến với ta trên đường đời và nếu ta nhìn những việc ấy một cách khách quan, thay vì để nó chế ngự ta, thì ta sẽ trải qua cuộc đời đúng đắn, không lầm lạc. Hiện nay thế gian đang khổ vì không quan sát đúng những “sự việc gặp gỡ” ấy. Trước những “sự việc gặp gỡ” ấy ta hồi tưởng lại bao nhiêu là phản ứng của ta đối với nó trong quá khứ, bao nhiêu là khuynh hướng của ta trong hiện tại, rồi ta vội vàng hành động. Như vậy là điên cuồng. Ta cứ để cho hình ảnh thật tự nó in vào đầy đủ trong tâm thức ta. Trái lại, hiện nay ta không chịu chờ có một hiểu biết đầy đủ nào về “sự việc gặp gỡ” đó. Những nét sơ thiển của nó đủ ảnh hưởng ta và khiến ta vội vàng hành động.

Thí dụ, quý vị thử xem một điều gọi là ác. Quý vị nên nhìn nó một cách khách quan, thay vì để những phản ứng thường tình do nó gây nên xen vào trong tâm thức quý vị. Quý vị hãy cố gắng đạt hết ý nghĩa của cảnh tượng ấy. Hãy vô tư, hãy thành thật, hãy bình tĩnh xem. Hãy nhìn nó cho lâu, đừng để cho những dục vọng, những cảm kích, những quan niệm mà cảnh tượng ấy có thể gợi lên trong tâm thức quý vị, làm xao xuyến quý vị. Ðừng kết luận, cũng đừng ước đoán. Cứ chỉ nhìn, nhìn một cách khách quan, thì chắc chắn rằng bộ mặt giả dối bên ngoài của điều xấu sẽ mất đi và quý vị sẽ không bị sai lầm. Cái bề ngoài dễ thương của mọi điều ác quyến rũ một số không ít những người nhẹ dạ, không nghi ngờ gì cả, nhưng sẽ biến mất trước cái nhìn chăm chăm, không lay chuyển của người quan sát khách quan. Và người này sẽ thấy vạn vật dưới ánh sáng thật của nó. Quý vị sẽ thấy vạn vật đúng chân tướng của nó – yathà bhutanana dassana – và một khi quý vị thấy vạn vật đúng theo chân tướng của nó thì quý vị không còn là nạn nhân của si mê nữa. Ðó là sứ mệnh cao cả của Satipatthàna (Tứ Niệm Xứ).

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.