Phật Giáo Và Môi Sinh

Ngày nay thế giới chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa hiểm họa do sự ấm dần của trái đất (global warming). Sự ấm dần hay nhiệt độ tăng cường của trái đất là do sự tích tập qúa nhiều lượng khí carbon dioxide (CO2), và những thán khí khác như methane (CH4) và N2O. Những khí thải này đã làm mỏng tầng Ozone – vốn là tầng khí quyển có khả năng lọc những tia sáng cực tím (ultraviolet radiation). Khi những tia sáng cực tím này có qúa nhiều trong khí quyển, nó sẽ gây tác hại cho đời sống con người và sinh vật. Nguy hiểm hơn, khi tầng ozone đã mỏng thì trái đất sẽ hấp thụ năng lượng bức xạ của mặt trời nhiều hơn, nhưng không thoát ra được vì bị hơi nước và khí quyển giữ lại. Kết qủa là trái đất chúng ta càng ngày càng ấm dần, tương tự như môi trường của nhà ươm cây, thường giữ độ ấm không cho thoát ra ngoài (green house effect).

Theo kết qủa nghiên cứu về CO2 trên môi trường của Daniel Schrag, Gíam đốc Trung tâm về môi trường tại Đại học Harvard, nồng độ của CO2 trong không khí vào năm 1958 chỉ là 315 ppm (parts per million), nhưng đến năm 2005, thì nồng độ của nó lên đến 380 ppm. Schrag và một số cộng sự viên còn dự đoán rằng, cứ theo đà này và không có biện pháp hạ giảm CO2 trong không khí, thì chỉ đến năm 2050, nồng độ của CO2 sẽ là 500 ppm, và kết qủa là băng tuyết ở bắc cực và nam cực sẽ tan, mực nước biển sẽ tăng lên 3.50 mét. Khi đó miền nam Florida, cùng với các nước và thành phố dọc theo bờ biển trên thế giới (trong này có Việt Nam) sẽ bị tràn ngập nước. (Harvard Magazine: May – June 2006, P.42-43). Và kết qủa là hàng trăm triệu người sẽ rơi vào cảnh đói khát, bịnh tật, tổn thất tính mạng và tài sản.

Đứng trước nguy cơ trái đất bị hâm nóng và hậu qủa tai hại liên hệ, Phật giáo có thể làm được gì để ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự tai họa này? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải thấy rõ hàm lượng gia tăng CO2 và các thán khí khác trên trái đất phát xuất từ những nguyên nhân chính sau đây: Sự khai thác và tiêu thụ than đá và khí đốt qúa độ của các công ty sản xuất kỷ nghệ lớn, nạn đốt phá rừng, khi thải từ giao thông vận tải, và nạn xả rác, phóng uế trong môi trường. Nói chung, trái đất bị hâm nóng và hậu qủa tai hại liên hệ điều phát xuất từ con người. Do đó, theo Phật giáo, để ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự nguy cơ này, điều chúng ta phải làm trước tiên là thay đổi lối nhìn hay tư duy của chúng ta về sự tương quan giữa con người với môi trường. Lối nhìn hay tư duy này theo Phật giáo là nhận thức Duyên sinh (interdependence), giáo lý được Đức Phật chứng ngộ. Giáo lý Duyên sinh cho chúng ta nhận thức rằng, không có một thực thể hay cá nhân nào có thể tồn tại độc lập trong một thế giới tương quan mật thiết. Nói cách khác, sự tồn tại của một thực thể hay cá nhân điều tùy thuộc vào sự tồn tại của những thực thể và cá nhân khác. Sự tương quan mật thiết này được diễn tả qua hai mức độ – Tương quan mật thiết trong sinh tồn và tương quan mật thiết trong sự hủy diệt:

Cái này có nên cái kia có
Cái này không nên cái kia không
Cái này sinh nên cái kia sinh
Cái này diệt nên cái kia diệt.

Giáo lý Duyên sinh giúp cho chúng ta nhận thức rằng, sự sinh tồn của con người và môi sinh tùy thuộc vào lòng từ bi, tôn trọng sự sống của mọi loài và mọi vật và bảo vệ môi trường của chúng ta. Cuộc đời Đức Phật và những lời dạy của ngài phản ảnh trung thực tính tương quan mật thiết trong sự sinh tồn. Giới thứ nhất trong Năm giới, Đức Phật dạy chúng ta không được sát sinh, trái lại phải tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi loài. Sự thể hiện lòng từ bi thâm sâu của ngài còn được thấy qua lời dạy cho các Tỳ Kheo. Thầy Tỳ Kheo không được dùng nước có trùng và không được may tọa cụ bằng tơ tằm hay lông của các loài thú (Luật Tỳ Kheo).

Trong liên hệ với môi trường, Đức Phật khuyên các thầy Tỳ Kheo không được khạc nhổ, tiểu tiện và bỏ đồ dơ trên cỏ tươi, không được đại tiểu tiện trong giòng nước trong (Luật Tỳ Kheo)

Trong Kinh Anguttara Nikaya, Đức Phật cấm các đệ tử không được làm nhiễm ô nguồn nước, không được vất các vật ô uế vào sông hồ (Vol 25, P.313), và Đức Phật còn dạy rằng, ai phá hoại hay làm nhiễm ô nguồn nước, người đó tạo nên một nghiệp xấu (Ibid., Vol.104.P.174). Ngoài ra, Đức Phật là một sự thể hiện hài hòa tuyệt hảo giữa bản thân ngài với thiên nhiên. Ngài sinh ra dưới cây Vô Ưu, thành đạo dưới cây Bồ Đề, chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển và nhập Niết Bàn dưới cây Tala.

Ngược lại, dựa trên giáo lý Duyên sinh, nếu chúng ta không có lòng từ bi, tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi loài, thì chúng ta là tác nhân chính tạo ra sự hủy diệt đời sống chúng ta và môi trường. Nói cách khác, tác nhân chính gây ra sự hủy diệt đời sống con người và môi trường là lòng tham lam ích kỷ và độc ác. Chính do lòng tham lam và ích kỷ, con người tiêu thụ phung phí nguồn tài nguyên của thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường và kết qủa tất yếu là sự nóng dần của trái đất, hạn hán, bão lụt, đói khát, bịnh tật và hủy diệt hệ sinh thái.

Do vậy, để cứu vãn những hiểm họa kể trên, người Phật tử phải thực tập loại bỏ ý niệm tham lam, ích kỷ và độc ác bằng cách thực tập tâm từ bi. Để phát triển tâm từ bi một cách hiệu qủa, người Phật tử phải có ý thức rõ ràng hay chánh niệm được rằng mọi tư tưởng và hành động của cá nhân điều có tác động đến sự an nguy cho xã hội và môi trường. Sự thực tập chánh niệm này giúp chúng ta loại bỏ tư tưởng và hành động làm tổn hại đến con người và môi trường, đồng thời giúp chúng ta thể hiện đức tính từ bi qua hành động, tôn trọng bảo vệ sự sống mọi loài và mọi vật, không tiêu thụ phung phí tài nguyên, và không làm nhiễm ô môi trường. Thực hiện được điều này, Phật tử chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc ngăn chặn hiểm họa môi trường mà chúng đang sống.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.