Quán Cháo Trắng Của Giới Sân

Tấm gương bị vỡ

Còn nhớ năm nọ, có một thời gian khá dài, khi đi ngang qua tiệm của nhà họ Ích, Giới Sân đều không nhìn thấy bà chủ đâu hết, bèn rất lấy làm thắc mắc.

Giới Ngạo đoán mò: hay do bà ta cãi lộn với ông chủ nên đã trở về nhà mẹ ruột rồi?

Giới Sân nghiêng đầu suy nghĩ. Không thể nào! Bất luận là cãi lộn hay đánh lộn, bà chủ tiệm đều luôn chiếm thế thượng phong, đừng nói chi đến việc bỏ về nhà mẹ ruột.

Một tháng sau, nghe đâu bà chủ vừa sanh con gái, thì ra bà đi sanh con.

Bà chủ rất thương yêu con, mỗi năm đều bồng bé đến chùa lễ Phật vài lần để cầu phước và xin Phật gia hộ cho con.

Cô gái nhỏ của bà dễ thương hoạt bát, trong chùa ai cũng thích. Giới Sân ưa lén rờ gương mặt tròn ủm dễ thương của bé. Bé cũng lại thích giỡn cùng với hai chú tiểu Giới Si, Giới Trần.

Sắp sinh nhật bốn tuổi của bé, Giới Trần đề nghị mua quà sinh nhật, Giới Si cũng đồng ý, hai chú xuống trấn cả ngày, đem về một hộp quà gói rất đẹp.

Giới Sân tôi biết tỏng hai chú chẳng có bao tiền, chắc chắn không phải món gì đắt lắm, hỏi hai chú bên trong là cái gì, hai chú đều lắc đầu giữ bí mật.

Hôm bà chủ dẫn con gái đến chùa, Giới Trần đem món quà tặng cho bé. Bà chủ rất ngạc nhiên, sau đó mới biết là hai chú tặng quà sinh nhật cho con gái, bèn rất lấy làm hoan hỷ.

Bé gái nhanh tay mở quà. Giới Sân tò mò nhìn xem, thì ra đó là một tấm gương rất đẹp. Bé gái thích thú chạy chơi cùng chùa, đem tấm gương để dưới nắng, tấm gương khúc xạ ánh mặt trời chiếu vào mặt mọi người, khiến ai cũng không dám mở mắt.

Bà chủ la: Con, không được nghịch ngợm!

Bé gái lè lưỡi, chạy đi chỗ khác chơi. Một chút sau, nghe tiếng trẻ khóc, bà chủ giật mình, cùng mấy chú chạy ra xem thử có chuyện gì.

Bé đang đứng giữa chùa, chiếc gương trong bị tay rớt xuống đất, bể ra thành vài mảnh, bé nhìn vào đó và khóc ầm ĩ.

Bà chủ tưởng con gái có chuyện gì, giờ đã an tâm vì thấy con gái chỉ làm bể tấm gương mà hai chú tiểu đã tặng và cũng có phần ái ngại.

Giới Trần cười vô tư chạy tới an ủi bé, bé gái cứ khóc to. Giới Trần chỉ tấm gương bể và nói với bé: Bé xem tấm gương dưới đất kìa, khi chưa bể thì chỉ nhìn thấy có mỗi một gương mặt, nhưng khi bể thành nhiều mảnh rồi thì sẽ nhìn thấy rất được nhiều gương mặt, bé hãy thử cười chút đi, sẽ nhìn thấy nhiều gương mặt đang cười!

Bé gái liền nhìn xuống đất và cười rất lâu. Tuy tiểu Giới Trần cũng chỉ là một đứa bé, nhưng hắn nói rất đúng!

Trước tấm gương đã bị bể mà khóc, bạn sẽ nhìn thấy nhiều gương mặt đang khóc, chỉ khi bạn nhìn vào đó và cười thì sẽ có nhiều gương mặt đang cười cùng bạn. Phải chăng, đó chính là sự khúc xạ của cuộc đời đối với mỗi chúng ta?

Cô giáo ưa cãi lộn

Trong trấn có một ngôi trường tiểu học. Trước đây vài năm, do giáo viên dạy kém chất lượng, nên lượng học trò cứ ít ỏi dần. Ông hiệu trưởng rất lấy làm đau đầu, dự định sẽ tuyển một đội ngũ giáo viên có chất lượng. Sau đó, ông đã mời thêm các giáo viên tốt nghiệp từ trường sư phạm để dạy tiểu học, nên thành tích của học sinh càng ngày càng cao. Bộ mặt của trường do đó càng ngày càng khả quan hơn.

Trong số những người mà trường bổ về có một nữ giáo viên giỏi. Có lẽ do điều kiện tìm việc không mấy khả quan nên cô mới đến trấn này để dạy học. Trình độ của cô rất cao, khả năng truyền đạt tốt, tuy còn trẻ nhưng cô rất được xem trọng. Mọi người hay kháo nhau rằng, cô này tương lai sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, đối với mọi người cô đều rất nhiệt tình, nếu có chuyện gì nhờ giúp đỡ, chắc chắn cô sẽ dốc hết sức mình.

Tuy vậy, không phải cô giáo này không có khuyết điểm. Mà khuyết điểm lớn nhất của cô chính là tính nóng nảy. Cô lên lớp hay nặng nhẹ với học trò, khiến hiệu trưởng đã phải nhiều lần khuyên nhủ. Hễ nhìn thấy ai đó làm điều gì không đúng, dù không liên quan đến cô, cô vẫn đến góp ý, có khi còn cãi cọ to tiếng với mọi người.

Có hôm, cô giáo này gây sự với một người trong trấn. Người đó bảo cô hãy về mà kiểm soát lại hành vi bản thân. Cô về tới nhà, suy nghĩ xem mình có gì không đúng, bắt đầu phản tỉnh lại hành động từ trước tới giờ, rằng có làm gì sai không. Suốt đêm, cô xem xét lại những việc đã phát sinh trong giai đoạn này, cảm thấy mọi việc đều chính xác, không tìm được chỗ nào phạm lỗi cả.

Vì điều này mà cô cảm thấy khổ não, nên lên núi thỉnh giáo sư phụ Trí Duyên. Cô kể chuyện vừa mới xảy ra cho sư phụ nghe, kể xong mỗi câu chuyện, cô đều hỏi sư phụ, quan điểm của cô có chính xác không?

Sư phụ Trí Duyên gật đầu nhiều lần, đồng ý với tất cả quan điểm của cô.

Cô lại cảm thấy mình càng không có lỗi. Cô hỏi sư phụ, nếu như tất cả việc làm của cô đều chính xác, vậy thì tại sao có nhiều người không hiểu, lại còn hay gây sự với cô?

Sư phụ đáp: Tuy mỗi việc làm và suy nghĩ của cô đều đúng, nhưng phương pháp xử lý lại có vấn đề. Nếu không nghĩ đến việc mình làm có tổn thương đến lòng tự trọng của người khác hay không, thì làm càng nhiều, làm càng tốt, cũng trở nên vô ích.

Suy nghĩ có khi chính xác, kết quả chưa chắc đã chính xác. Khi xử lý một việc tranh luận, khiêm tốn để thể hiện ý kiến bất đồng của mình là điều vô cùng cần thiết.

Lão tiên sinh quán trà Chiêu Phước

Gần Trấn Diểu có vài khu sản xuất trà, nên người đến trấn mua trà tương đối nhiều. Cả thảy có ba nơi bán trà, một là chợ bán trà trong trấn, hai là xí nghiệp chế biến trà, ba là quán trà Chiêu Phước.

Giới Sân chưa đến các nơi khác, chỉ nghe anh Giới Yên nói phương thức kinh doanh của quán trà Chiêu Phước không giống với các quán trà trên thành thị. Quán trà trên thành thị thường dựa vào việc bán nước trà và thức ăn điểm tâm mà kiếm tiền; còn quán trà Chiêu Phước thì không, ông chủ quán không nhắm vào việc bán nước trà để kiếm tiền, vì cư dân trong trấn ít người quen việc uống trà lúc nhàn rỗi.

Ông chủ Tần tạo quán này làm nơi cho người mua trà và người bán trà đàm phán chuyện mua bán. Quán trà Chiêu Phước chủ yếu kinh doanh hai tháng, vào mùa thu hoạch trà lá tháng 4 và tháng 5, còn thời gian khác chỉ cần duy trì nhịp độ bình thường. Nước trà của quán Chiêu Phước rất rẻ, bình dân 5 cắc một ly, mắc cũng không hơn 2 đồng. Rẻ là rẻ vậy, nhưng trà ở đây ngon nhất, do các ông chủ vườn trà tặng cho quán Chiêu Phước để quảng cáo thương hiệu của mình.

Buôn bán tốt nên có người bắt chước; có hai thí chủ ở thành thị đến nơi này mở quán trà, vị trí gần quán trà Chiêu Phước, chất lượng trà cũng giống nhau, vì cạnh tranh nên bán giá còn rẻ hơn. Vì lẽ này mà quán trà Chiêu Phước bị phân chia bớt khách.

Ông chủ Tần có chút bực mình hai quán kia, nhưng không muốn hạ giá để giành giựt khách, vì thật ra bán nước trà cũng không lời bao nhiêu.

Ông quyết định mở một số hoạt động quảng cáo, cho mời đoàn hát kịch từ trấn bên cạnh về. Diễn viên không nhiều, chỉ có bốn người, một lão tiên sinh và ba đệ tử, nhưng đoàn hát của họ rất có tên tuổi, mỗi tháng đều biểu diển ở quảng trường của trấn. Diễn xuất của họ rất đặc sắc, chỉ cần họ đến, quảng trường luôn luôn đông nghẹt người.

Lão tiên sinh trưởng đoàn hát mang họ Trần, vốn là một Phật tử thuần thành, ông quen với chúng tôi, vì mỗi lần đến trấn Diểu biểu diễn ông đều đến chùa Thiên Minh lạy Phật.

Giữa quán trà Chiêu Phước có một khán đài nhỏ, mỗi tuần sắp xếp một lần để cho ban hát biểu diễn tiết mục. Điều kiện ở đây lại tiện hơn ở quảng trường, ông chủ Tần còn tặng một số tiền chi phí cho ban hát, nên ông trưởng đoàn rất vui được đến quán trà biểu diễn.

Sách lược này rất có hiệu quả, lối biểu diễn đặc sắc của ban hát đã khiến cho việc buôn bán của quán trà ngày một phát triển, hai quán trà mới mở cũng khó duy trì được việc buôn bán của mình.

Có dạo, mỗi khi có ông Trần và ban hát đến quán trà biểu diễn, mấy chú tiểu chúng tôi đều muốn chạy đến xem. Quý sư phụ biết ý của các tiểu quỷ nên cũng không ngăn cản, có vài lần sư phụ Trí Duyên còn dẫn chúng tôi đi xem.

Ông lão Trần nhìn thấy chúng tôi rất vui, khi biểu diễn tiết mục cũng không quên nhắc tới chùa Thiên Minh, khi kết thúc, lại dẫn ban hát đến chùa bái Phật.

Ông lão Trần mỗi khi lên khán đài thường cười rất tươi để lấy lòng khán giả, nhưng ông lại rất nghiêm khắc với học trò. Trên đường đến chùa Thiên Minh, thế nào ông cũng tổng kết các điểm không tốt, thậm chí nhiều chỗ khán giả không hề chú ý. Ông cứ thế chỉ ra, rồi nghiêm khắc phê bình, và đệ tử của ông cứ thế gật đầu vâng dạ.

Sư phụ Trí Duyên nghe nhưng không nói gì. Chỉ đến khi ông lão Trần lạy Phật xong, sư phụ mới mời ông lại, rồi bảo hai chú tiểu Giới Si và Giới Trần đến tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã. Ông lão Trần lẳng lặng ngồi nghe.

Sau khi hai tiểu tụng xong, sư phụ hỏi ông Trần cảm thấy như thế nào? Ông nói, hai chú tụng kinh nghe hay lắm!

Sư phụ Trí Duyên bảo, thật ra hai tiểu tụng còn nhiều chỗ trật nhịp, nhưng không ảnh hưởng gì đến cái tâm kính Phật của ông.

Tâm cảnh ông lão Trần luôn nghĩ về Phật, nên không bị sự tụng kinh không chuẩn làm lạc đi. Thật ra, khán giả ngồi xem ở quán trà Chiêu Phước cũng vậy, không vì sự biểu diễn không hoàn mỹ mà ảnh hưởng đến tâm tình.

Có vài việc giống như khi chúng ta thi cử, đạt được 10 điểm cố nhiên là rất tốt, đạt được 9 điểm cũng không có gì là kém, muốn đạt sự tiến bộ là thích đáng, nhưng truy cầu sự tốt đẹp quá đáng, sẽ bị phiền não trói buộc.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.