Sử Dụng những Phương Pháp Phật Giáo để Hỗ Trợ Chúng Ta trong Đời Sống Hàng Ngày

Tối nay, chúng ta sẽ nói về cách sử dụng những phương pháp của Phật giáo để hỗ trợ ta trong đời sống hàng ngày. Khi chúng ta nói về những phương pháp của Phật giáo hay Phật pháp, thì chữ tiếng Phạn là “Pháp” (“Dharma”). Nếu chúng ta tra cứu ý nghĩa thật sự của từ “Pháp”, thì nó có nghĩa là “điều gì giữ gìn chúng ta.” Pháp nghĩa là điều gì đó giữ gìn hoặc ngăn chận nỗi khổ và các vấn đề.

Tứ Diệu Đế

Điều đầu tiên Đức Phật đã dạy là “tứ diệu đế.” Điều này có nghĩa là có bốn sự thật mà bất kỳ những ai có thực chứng cao và có thể thấu hiểu được thực tại, sẽ hiểu rằng những điều đó là đúng. Bốn sự thật này là:

  • Những vấn đề thật sự mà tất cả chúng ta đều đối mặt.
  • Những nguyên nhân thật sự gây ra chúng.
  • Sự việc sẽ ra sao nếu những vấn đề này thật sự chấm dứt, để ta không mắc phải chúng nữa.
  • Cách hiểu biết, hành động và v.v…, để chấm dứt mọi vấn đề của chúng ta.

Những Vấn Đề Thật Sự của Chúng Ta

Đạo Phật nói rất nhiều về những vấn đề và cách để giải quyết chúng. Trên thực tế, tất cả giáo huấn của Đức Phật đều nhằm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Phương pháp tiếp cận thật sự rất hợp lý và thực tiễn. Phương pháp ấy cho rằng bất kỳ vấn đề nào mà chúng ta gặp, đều xuất phát từ những nguyên nhân. Vì vậy, chúng ta phải quán xét nội tâm của chính mình một cách rất trung thực và sâu sắc, để thấy được những khó khăn mình đang đối mặt là gì. Đối với nhiều người trong chúng ta thì đó không phải là một quá trình thật dễ dàng. Thật ra, việc quán xét để thấy được các lĩnh vực khó khăn trong đời sống của chúng ta là một việc khá đau lòng. Rất nhiều người phủ nhận điều đó. Họ không sẵn sàng thừa nhận rằng họ có những vấn đề – ví dụ như trong một mối quan hệ không lành mạnh – tuy vậy, họ lại kinh qua nỗi khổ. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở mức độ “Tôi không hạnh phúc.” Chúng ta cần nhìn sâu hơn để thấy vấn đề thật sự là gì.

Những Nguyên Nhân Thật Sự của Các Vấn Đề của Chúng Ta

Sau đó, chúng ta cần quán xét để khám phá những nguyên nhân gây ra các vấn đề của mình. Các vấn đề không tự chúng tồn tại, không có xuất xứ. Nó phải có nguyên do, và tất nhiên có nhiều cấp độ của các yếu tố liên quan vào việc gây ra một tình huống bất như ý. Ví dụ, khi có những mâu thuẫn về cá tính trong một mối quan hệ, có thể có thêm những yếu tố phức tạp về mặt kinh tế như không có đủ tiền, v.v…, những vấn đề với con cái, hay những người họ hàng khác. Có thể có tất cả các loại tình huống góp phần gây ra vấn đề, nhưng Đức Phật đã nói rằng chúng ta phải đi sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn nữa, để tìm ra nguyên nhân sâu xa nhất gây ra các vấn đề của chúng ta; và đó là sự lầm lẫn về thực tại.

Chúng ta có sự bất hạnh, có nỗi đau đớn, và dĩ nhiên điều đó xuất phát từ loại nguyên nhân nào đó. Ví dụ, ta có thể hành động một cách rất đáng lo ngại – với rất nhiều sân hận chẳng hạn. Chẳng có ai hạnh phúc khi đang giận dữ cả, có phải thế không? Vì vậy, chúng ta cần nhận ra rằng ở đây, tâm sân hận đang gây ra nỗi bất hạnh cho mình và ta phải loại bỏ tâm sân, bằng cách này hay cách khác.

Vấn đề khiến chúng ta không cảm thấy hạnh phúc cũng có thể là việc luôn luôn lo lắng. Lo lắng là một tâm trạng rất khó chịu. Chẳng có ai hạnh phúc khi lo lắng cả, phải không? Ngài Tịch Thiên, một đạo sư Phật giáo Ấn Độ vĩ đại, đã nói rằng nếu đang ở trong tình huống khó khăn mà bạn có thể làm điều gì để thay đổi nó, thì tại sao phải lo lắng? Chỉ cần thay đổi nó thôi. Lo lắng sẽ không hữu ích gì cả. Và nếu bạn không làm được gì để thay đổi, thì tại sao phải lo lắng? Điều đó sẽ không hữu ích gì cả. Vì vô minh về sự vô dụng của lo âu mà ta lại lo lắng tiếp tục. Điểm mấu chốt ở đây là lo lắng không có lợi ích nào cả.

Rồi chúng ta cũng có vấn đề ở một cấp độ khác, đó là vấn đề bất mãn. Tất nhiên, ta có trải qua những khoảng thời gian hạnh phúc, nhưng đáng tiếc là chúng không kéo dài mãi mãi, và ta luôn muốn được hạnh phúc nhiều hơn. Không bao giờ ta có sự thỏa mãn. Chúng ta không thỏa mãn nếu chỉ ăn những món mình thích một lần thôi, có phải thế không? Ta muốn ăn nó một lần nữa và lần nữa. Và nếu ta ăn quá nhiều trong một lúc, thì niềm vui mình có lúc đầu sẽ trở thành một cơn đau bụng. Thế là ta hơi bối rối về loại hạnh phúc này. Thay vì chỉ cần tận hưởng sự việc như thế và nhận thức rằng nó sẽ không bền lâu, và sẽ không bao giờ làm mình thỏa mãn, thì ta lại bám chấp vào nó; và khi đánh mất niềm hạnh phúc ấy, chúng ta cảm thấy rất buồn.

Điều đó tương tự như được ở bên cạnh một người bạn thân hoặc người mình yêu quý, và sau đó, họ rời bỏ ta. Tất nhiên họ sẽ rời xa ta vào một lúc nào đó, vì vậy, ta cần phải tận hưởng khoảng thời gian được ở bên họ. Có một hình ảnh rất đẹp mà thỉnh thoảng chúng ta sử dụng. Khi một người tuyệt vời nào đó mà ta rất yêu mến bước vào cuộc đời mình, thì giống như một loài chim hoang dã bay vào cửa sổ của ta. Khi con chim hoang ghé vào cửa sổ của mình, ta có thể thưởng thức sự hiện diện của nó, nhưng sau một lúc, dĩ nhiên nó sẽ bay đi, bởi vì nó có tự do. Và nếu chúng ta hành xử rất nhẹ nhàng thì con chim có thể sẽ quay lại. Nhưng nếu ta bắt chim và nhốt vào lồng, thì con chim sẽ rất khổ sở, thậm chí có thể chết. Tương tự như vậy, những người này bước vào cuộc đời chúng ta như loài chim hoang xinh đẹp này, và điều tốt nhất là tận hưởng khoảng thời gian họ ở bên mình. Khi họ ra đi vì bất kỳ lý do gì, trong bao lâu đi nữa – thì điều đó vốn dĩ sẽ xảy ra. Nếu chúng ta thanh thản và bình tâm về điều đó và không đòi hỏi rằng – “Đừng bao giờ rời bỏ tôi. Tôi không thể sống thiếu bạn,” đại loại như thế – thì họ có thể quay lại. Nếu không, việc chúng ta níu kéo và đòi hỏi sẽ chỉ xua đuổi họ bỏ đi mà thôi.

Khi chúng ta lầm lẫn về bản chất của hạnh phúc và niềm vui thông thường trong cuộc sống, tất nhiên, ta sẽ gặp những vấn đề. Thậm chí, ta không thể tận hưởng những khoảng thời gian hạnh phúc mà mình có được, bởi vì ta lo lắng và e sợ rằng mình sẽ đánh mất chúng. Chúng ta giống như một con chó với tô thức ăn – con chó đang ăn mà còn nhìn xung quanh và gầm gừ để đảm bảo là không ai đến lấy thức ăn của nó. Đôi khi, chúng ta giống như vậy, có phải không, thay vì chỉ cần tận hưởng điều ta có và chấp nhận rằng khi nó kết thúc thì nó sẽ kết thúc. Nhưng tất nhiên điều này không đơn giản như vậy – thậm chí có lẽ nó không có vẻ đơn giản – nhưng nó đòi hỏi sự rèn luyện, làm quen với một nhãn quan khác để nhìn sự việc trong cuộc sống.

Sự Chân Diệt của Các Vấn Đề của Chúng Ta

Đức Phật đã nói rằng chúng ta có thể chấm dứt các vấn đề của mình mãi mãi, và phương cách thực hiện điều đó là loại bỏ các nguyên nhân. Đó là một phương pháp rất phải lẽ, rất hợp lý. Nếu ta loại bỏ nhiên liệu thì sẽ không có lửa nữa. Và Đức Phật đã nói rằng có thể loại bỏ những vấn đề này theo cách mà chúng sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Chúng ta không chỉ thỏa mãn với sự giải thoát tạm thời khỏi những vấn đề này, đúng không? Điều đó tương tự như việc đi ngủ – khi đang ngủ thì bạn không có vấn đề gì với mối quan hệ khó khăn. Vì vậy, đó không phải là giải pháp, vì khi bạn thức dậy thì vấn đề vẫn còn đấy. Tương tự như bạn đi nghỉ mát ở đâu đó, nhưng rồi bạn phải trở về nhà, và khi về đến nhà thì các vấn đề vẫn còn đó. Vì vậy, một kỳ nghỉ mát không phải là giải pháp tốt nhất, bền vững và sâu sắc nhất.

Đức Phật cũng không nói rằng chỉ cần câm lặng chấp nhận các vấn đề của mình và chung sống với chúng, bởi vì đó cũng chẳng phải là giải pháp rất tốt, có phải thế không? Vì sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy khá bất lực – ta không thể làm được gì, do đó, ta bỏ cuộc và thậm chí không cố gắng nữa. Việc nỗ lực để khắc phục các vấn đề của mình rất quan trọng. Thậm chí, nếu không có tiến triển nhiều, ít nhất, chúng ta cũng cảm thấy rằng mình đã nỗ lực.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.