Tâm Hiếu Của TS.Tông Diễn

Mỗi năm vào rằm tháng bảy mùa Vu Lan Hiếu Hạnh lại trở về, mùa của những con tim rộn ràng thổn thức, hy vọng đợi mong nhớ thương cha mẹ người thân tìm về ngự trị. Cũng là dịp để chúng ta tri ơn, nhớ ơn, báo ơn, đền ơn đến với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, người còn kẻ mất, những anh hùng liệt nữ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn, đã hy sinh cho sự sống còn của Dân Tộc, cho đến muôn loài chúng sanh. Mấy ngàn năm có mặt Đạo Phật Việt luôn đồng hành với Dân Việt, từng bước vươn lên, từng chặng đường đi tới, có lúc trôi nỗi điêu linh có khi huy hoàng rực rỡ, đều cận kề sát cánh bên nhau, hòa quyện với nhau như bóng với hình, như hoa với hương. Hiếu đạo vốn có trong nếp sống văn hoá từ lâu của người dân Việt. ” Thờ cha kính mẹ mới là đạo con “ là điểm son nổi bật và niềm tự hào trong mỗi chúng ta. Khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam đạo hiếu được nâng cấp trở thành lý tưởng sống cao đẹp, bằng tất cả tâm, hạnh, và trí tuệ. Phụng sự cha mẹ bằng vật chất chưa đủ mà còn về mặt tinh thần, tạo duyên lành để cùng nhau thực hành chánh pháp, thoát khỏi khổ đau tìm đến giải thoát, đó là phương cách báo hiếu trọn vẹn nhứt. Vu Lan về, đóa hoa màu hồng cài trên áo, diễm phúc cho những ai còn mẹ, còn có dịp gọi hai tiếng ” mẹ ơi ” nghe thân thương ngọt ngào, được che chở trong vòng tay yêu thương trìu mến. Đóa hồng trắng cài trên ngực áo, bất hạnh cho những ai không còn có mẹ, ” mất mẹ như mất cả bầu trời ” nổi đớn đau hụt hẩng, mẹ ra đi bỏ ta côi cút ở lại thế gian nầy. Báo Hiếu là đền đáp thâm ân không những cho một đời mà nhiều đời, không những chỉ có song thân phụ mẫu, mà là tứ thân phụ mẫu, cửu huyền thất tổ nội ngoại. Tâm nguyện cùng hạnh nguyện độ sanh, vẫn ngày đêm vang vọng, tâm hiếu cùng hạnh hiếu, vẫn luôn tỏa sáng làm chổ dựa mong tìm về bến bờ an lạc.

Trong Đạo Phật có bốn ân đức cao cả, chúng ta luôn khắc dạ ghi tâm, ngày đêm hướng nguyện: ÂN CHA MẸ, ÂN THẦY TỔ BẠN HỮU TRI THỨC, ÂN QUỐC GIA XÃ HỘI CHÚNG SANH, ÂN TAM BẢO. Ngoài ơn cha mẹ cho ta hình hài, nuôi ta khôn lớn, ơn thầy tổ bạn lành mở mang trí tuệ, dạy dỗ nên người, còn có ơn trọng đối với gia đình, xã hội, con người, chúng sanh, và thâm ơn ba ngôi báu hướng dẫn ta từ bến mê tìm về giác ngộ, trong sự tương quan, tương duyên, tương hợp. Hiếu đạo không những là bổn phận thiêng liêng, mà là nền tảng tâm linh cao tột, ta phải tôn thờ, bằng tất cả cõi lòng và công hạnh, quyết tâm phụng sự và hoàn thành sứ mạng cứu độ, tự độ, độ tha. Cũng chính từ trong tâm hiếu, hạnh hiếu ấy Đạo Phật Việt đã sản sinh ra một vị thiền sư mà công hạnh và tấm lòng hiếu đạo của ngài mãi ngát hương thơm, soi đường dẫn lối cho chúng ta trên con đường hoàn thiện nhân cách, và đi đến giải thoát. Đó là thiền sư Tông Diễn hiệu Chơn Dung (1640 – 1711). Đời thứ 37 dòng Tào Động. ( Những trích đoạn về ngài dưới đây từ sách: Thiền Sư Việt Nam, của Thiền Sư Thích Thanh Từ, từ trang 374- 382, người viết tạm chia ra làm bốn phân đoạn) chuyện kể rằng:

Khi còn bé cha mất sớm, mẹ tảo tần buôn gánh bán bưng để nuôi con. Khi Sư được 12 tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: “Mẹ có mua sẵn một giỏ cua để ở ao, con giã cua nấu canh, trưa về mẹ con mình cùng ăn “. Vâng lời mẹ gần trưa Sư ra ao xách giỏ cua lên định đem giã nấu canh, khi nhìn thấy mấy con cua tuôn những hạt bọt ra, như khóc rơi từng giọt nước mắt. Sư xót thương quá, không đành đem giã, bèn đem thả hết. Trưa mẹ đi bán về, hai mẹ con cùng ngồi ăn, bà không thấy món canh cua liền hỏi nguyên do. Sư thưa: “Con định đem đi giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết.” Mẹ nổi trận lôi đình, buông đũa xuống, lấy roi đánh, Sư sợ quá chạy một mạch không dám ngó lại, bỏ nhà ra đi biền biệt từ đó “.

Ngay từ tuổi thơ, lòng từ bi thương xót chúng sanh đã thể hiện nơi ngài, sợ mẹ đánh để phải bỏ nhà ra đi thì ít mà thương chúng sanh không nở giết hại thì nhiều. Bỏ nhà ra đi, bỏ mẹ ở lại một mình, thoạt nghe có vẻ như ngài bất hiếu, nhưng âu đó cũng là nhân duyên, chủng tử lành nhiều kiếp khiến ngài tìm đến với đạo. Đi tu là đi trên con đường nghịch dòng, con đường gian khổ, nhưng đó là con đường cao cả, con đường cứu độ, độ mình và độ chúng sanh.

1. ÂN CHA MẸ

Ai trong chúng ta từng làm cha mẹ, đã đi qua chặng đường nuôi con khôn lớn, mới thấm thía được câu ” công cha nghĩa mẹ ” mới thấy được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ to lớn như thế nào. Quả thật “ cao lớn như núi, rộng sâu như biển “, từ ẳm bồng bú mớm ” chổ ráo con nằm chổ ướt mẹ lăn ” cho đến mọi thứ đều đưa tận miệng trao tận tay, không nề gian khổ, không biết mõi mệt từ nan. Khi bé thơ đi đứng nói cười cho đến khi trưởng thành, ta luôn sống trong sự yêu thương che chở của đấng sinh thành, cha mẹ dù vất vả khổ cực cũng ráng lo cho con, có ăn có mặc, bằng bạn bằng người. Khi khôn lớn bước chân vào đời, dù cảnh sống của ta có được sung sướng hay khổ đau, có thành công hay thất bại, dòng đời có phong ba bảo tố, lòng người có hất hủi ngã nghiêng, hoặc khi lầm lỡ mất phương hướng, thì bóng hình của cha mẹ và những lời dạy bảo của người, vẫn mãi bám theo an ủi vỗ về, trở thành điểm tựa vững chắc cho ta ở cuộc đời nầy. Dù học hành đến nơi đến chốn, công danh đổ đạt, sự nghiệp hơn người, hoặc chẳng may ốm đau tật bệnh, ngang trái phủ phàng đớn đau phủ ngập, thì tấm lòng yêu thương của cha mẹ dành cho con cái vẫn không hề phai nhạt, vẫn cuồn cuộn dâng trào, vẫn là con bé bỏng của cha mẹ như lúc còn ẩm bồng. Tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái, là thứ tình yêu thương cao cả không bến bờ, không gì có thể ngăn chia thay thế hoặc đổi chác được. Chính nhờ vào tấm lòng yêu thương không giới hạn, không cần đáp trả, và cũng nhờ vào bài học yêu thương đầu đời đến từ cha mẹ đó, mới đọng lại trong ta một thứ tình yêu thương, để mai sau ta biết đem dâng hiến đến cho đời, cho tha nhân, đồng loại, chúng sanh.

Hạnh phúc cho những ai còn cha mẹ, bất hạnh cho những ai không còn cha mẹ, đau khổ cho những ai không có dịp gọi được hai tiếng mẹ cha từ thuở lọt lòng. Điều bất hạnh ăn năn, ray rức nhất, là khi cha mẹ còn sống ta đã không làm tròn hiếu đạo, không hết lòng phụng dưỡng. Vì tha phương cầu thực, công ăn việc làm, lợi danh tiền bạc, cơm áo vợ con, tất tả ngược xuôi, nợ nần chồng chất, việc nầy đè lên việc kia, cái nọ vừa đi cái khác lại đến, khiến ta không kịp thở, mà ta quên mẹ quên cha, quên ông quên bà? Hoặc mãi vui, mãi buồn, mãi cô đơn, mãi lận đận, mãi lặn hụp, mãi nỗi chìm, khiến ta quên cha quên mẹ? Ta quên mất mẹ, ngày ngày dựa cửa ngóng trông, đêm đêm giấc ngũ không trọn vì nhớ thương đợi chờ. Ta quên mất cha, ngược xuôi lo lắng từng miếng cơm manh áo, hai vai trĩu nặng vì con cái, vì nợ nhà, nợ nước. Cứ thế tháng ngày trôi qua, mà ” Ơn nghĩa sinh thành chưa trả xong “. Đến khi cha mẹ tuổi già sức yếu, bệnh tật ốm đau, hoặc khi vô thường sanh tử đến, một hôm ta bàng hoàng nhận được hung tin, thì đã nghìn trùng xa cách. Lúc đó, cho dù ta có tất cả, đánh đổi tất cả, thì tất cả đều trở nên vô nghĩa, chẳng bao giờ tìm lại, có lại, thấy lại, được lại. Hởi những người con của cha của mẹ, đừng để mình phải rơi vào sự hối hận, dày vò, ăn năn, khi mọi thứ trở nên muộn màng.

Ở đời, không phải người con nào cũng có hiếu, và cha mẹ nào cũng thương yêu con cái đúng nghĩa. Có những mảnh đời bị bỏ rơi, mồ côi bất hạnh, hận cha oán mẹ, hoặc cha mẹ thương không đồng đều, chia năm xẻ bảy, thương theo bản năng, trọng nam khinh nữ, thương những đứa con biết vâng lời, thành đạt, đứa ngỗ nghịch hư hỏng bỏ bê không màng tới. Tình yêu thương thật sự, không phải ta cung cấp vật chất cho con cái đến độ dư thừa phủ phê, mới gọi là thương, không phải ta thỏa mãn tất cả yêu cầu mới gọi là yêu. Yêu thương thì lúc nào cũng trọn vẹn, nhưng vật chất chỉ cho lúc cần thiết, biết vừa biết đủ, người cho và kẻ nhận luôn sống trong sự tỉnh thức, không nhằm thoả mãn bản năng, chạy theo cảnh theo người. Ta hướng dẫn con cái thực hành nếp sống cao cả, phù hợp với chánh pháp, bằng chính lối sống và cách sống của ta, mang lại lợi ích thiết thực cho mình và tha nhân, rộng mở cõi lòng, dùng trí tuệ sáng soi ngôn hành và tư tưởng, biết cư xử lắng nghe, cùng nhau tu tập và phụng sự. Nhờ vào chất liệu sống cao đẹp của cha mẹ, nhờ vào thành quả thường xuyên tu tập, con cái lấy đó làm tấm gương noi theo, làm hành trang mai sau bước vào đời. Người con nào may mắn được huân tập giáo dưỡng trong môi trường tốt và lành mạnh, thì mới đem lại lợi lạc cho chính bản thân, gia đình và thành người hữu dụng cho xã hội. Sự có mặt của chúng ta ở cuộc đời nầy, đều do nhân duyên, nghiệp quả, mới thành người thân, mới gặp nhau, cùng chung sống dưới một bầu trời, khi hoạn nạn còn có nhau. Nhưng không phải vì không bằng lòng vừa ý, bất đồng quan điểm, ta vội đổ lỗi cho nghiệp, lấy nghiệp làm bình phong chắn lối. Đã là nghiệp thì đương nhiên ta phải nhận lãnh, chịu phần trách nhiệm, vì ta tác nghiệp, nhưng đừng phó mặc đổ thừa, cố chấp, chạy trốn. Chỉ có đương đầu trực diện, chuyển đổi, hoá giải nghiệp, thì ta mới thảnh thơi nhẹ bước, còn không thì nghiệp mãi theo ta đến muôn kiếp. Ta không chịu, không hết lòng hoán chuyển, thì mọi ngăn ngại cứ thế đong đầy dâng cao. Hiếu đạo không phải là sự đòi hỏi mà là bổn phận, không phải là sự ban phát đến từ một phía, mà phải công bình sòng phẳng với người cho và kẻ nhận. Bởi lẽ nó vốn xuất phát từ tấm lòng thủy chung, tấm lòng nói lên tất cả, làm được tất cả.

” Khoảng hơn ba mươi năm sau, sư về quê cũ tìm kiếm mẹ, đến một cái quán bán nước trà, có một bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách. Sư vào quán ngồi, chờ bà lão rảnh, hỏi thăm lai lịch, bà thở dài than:

– Tôi chồng mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không ai săn sóc, tôi phải lập quán bán nước trà, kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày.

Sư hỏi:

– Bà lão có ưng ở chùa không? Chúng tôi thỉnh bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu bệnh hoạn.

Bà nói:

– Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.

Sư nói:

– Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi, nấu cơm, người yếu quét sân, nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, thì giờ còn lại thì tụng kinh niệm Phật là tốt.

Bà lão bèn nói:

– Nếu Thầy thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.

Sư cho cất am tranh gần chùa, thường ngày Sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy vào sức khỏe của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở Bà tu hành. Thời gian sau, bà lão bệnh, Sư cảm biết bà không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng vài hôm. Trước khi đi, Sư dặn dò trong chúng: “Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau.” Đúng như lời Sư dặn, vài hôm sau bà mất, Tăng chúng làm đúng như lời Sư bảo, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Khi Sư trở về, nghe bà lão mất còn để trong áo quan. Sư nhìn mặt lần chót rồi đậy nắp quan lại. Sư nói to:

– Như lời Phật dạy: ” Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật “.

Sư liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ xuống. Ngang đây mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư.”

Về sau chỗ quán bán trà của mẹ, Sư lập một ngôi chùa tên “ Mại Trà Lai Tự ” ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Và Am bà đã ở để tên là “Dưỡng Mẫu Đường” .

Nhớ mẹ mà tìm về, đền đáp thâm ân cưu mang nuôi dưỡng, ngài không tỏ thân phận mình là con vì không muốn mẹ rơi vào sự ỷ lại, và cũng không dám cho đại chúng biết đó là mẹ mình, khiến sinh lòng lo lắng không cần thiết. Ngài khuyến khích mẹ làm công quả trong điều kiện sức khoẻ cho phép, để không mang nợ của đàn na tín thí, nhắc nhở mẹ thường xuyên niệm Phật để có được sự an lạc. Ngài làm tròn hiếu đạo bằng sự nổ lực tu tập giác ngộ của mình, gây cảm động đến nhân thiên. Tâm hiếu và hạnh hiếu, cũng chính là tâm Phật và hạnh Phật, vừa là lý tưởng và là con đường để hoàn thành đạo nghiệp giải thoát, cứu độ quần sanh. Đó cũng là phương cách báo đáp công ơn của cha mẹ một cách hoan hỷ và trọn vẹn.

Ta cúi đầu lạy tạ công ơn cao dày nhiều đời nhiều kiếp của cha mẹ, nguyện hết lòng báo đáp bằng sự tu tập như chánh pháp, nguyện đem lòng từ bi yêu thương chia xẻ đến muôn loài, đem trí tuệ sớt chia đến muôn phương, hồi hướng cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau, tìm về bờ giác.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.