Thông Điệp Từ Kinh Trái Tim

Hanh-tinh-cua-anh-sangTHÔNG ĐIỆP TỪ KINH TRÁI TIM-  HÀNH TINH CỦA ÁNH SÁNG

Lời dẫn vào Thông điệp

Bạn thân mến,

Mười năm trước đây khi viết bức thông điệp của Kinh Trái Tim, tôi đã viết với tất cả tấm lòng. Lúc đó tôi tự nói với lòng mình rằng, “công việc này quả thực là liều lĩnh nhưng đầy hứng thú; “Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với bức thông điệp đó. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao? Thế rồi mười năm sau, khi đọc lại bản cũ, tôi cảm thấy mình cần phải quay trở về với công việc này thêm một lần nữa. Và đó là sự ra đời của bức thông điệp mà bạn đang cầm trên tay.

Khi viết bức thông điệp này, tôi không mang một ý thức rằng mình đang cắt nghĩa hay giải minh về triết học Bát nhã, mà trái lại, tôi viết từ một cảm xúc mà có lúc muốn bật khóc vì thấm thía cái đẹp tuyệt vời trong lời dạy của Đức Phật. Lời dạy của Ngài đã cứu rỗi tôi, ban cho tôi một sự bình yên nội tại mà không làm sao tôi có thể sánh với cái gì trên thế gian này.

Ước mong rằng, qua bức thông điệp này, chúng ta có thể dìu dắt nhau đi qua những đa đoan thế sự để trở về với miền hạnh phúc-thực tại không bản ngã. Khi vui cũng như khi buồn, xin bạn hãy đọc bức thông điệp này để sưởi ấm cõi lòng nhân gian. Hy vọng, nụ cười của bạn sẽ xóa tan đau khổ của sinh linh khắp trong ba nghìn thế giới.

Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát

  Los Angeles, Mùa an cư 2007.

Khải Thiên

Bạn thân mến,

Bức thông điệp mà bạn đang cầm trên tay là “một phần tinh hoa”được rút ra từ Kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng. Khi nói đến “một phần tinh hoa”, tôi muốn nói rằng, chúng ta đang chiêm nghiệm cái đẹp siêu việt và toàn bích của Bát nhã trong một chiều kích rất giới hạn của một tâm hồn còn nhiều xao xuyến bởi được, mất, hơn, thua…Tuy nhiên, như ánh sáng của mặt trăng, những ai có mắt đều nhìn thấy được; song cái đẹp của ánh sáng đó như thế nào là tùy thuộc ở mỗi đôi mắt hay nói khác hơn là ở mỗi tâm hồn. Chúng ta, ở đây, đang chia sẻ với nhau về bức thông điệp kỳ vĩ của Bát nhã không phải trên bình diện của lý thuyết mà ngay trong đời sống thực tại. Chắc chắn rằng những ai lĩnh hội được bức thông điệp của Bát nhã, cho dù chỉ là một phần rất nhỏ, sẽ có được một đời sống hạnh phúc và bình an thực thụ, một đời sống “xa rời cuồng si mộng tưởng”một đời sống tự tại giữa trùng điệp khổ đau.

Để có thể đi vào đời sống mầu nhiệm của Bát nhã trước hết, bạn cần phải một lần, hay ít ra là ngay trong giờ phút này, bước vào hành tinh của ánh sáng. Vì lẽ, sinh mệnh của Bát nhã chính là ánh sáng trí tuệ, một thứ ánh sáng vượt lên trên mọi giới hạn cuả tâm hồn trần thế, hay nói khác hơn đó là ánh sáng trí tuệ (prají) ở bên kia bờ (pramit). Chính nhờ ánh sáng này mà một “linh hồn”khổ đau có thể được “cứu rỗi”, một đời sống hạnh phúc thực thụ có thể được dựng lập, và trên hết, một tâm thức giác ngộ hy vọng được bừng lên không phải ở đoạn kết của cuộc đời hay ở bên kia thế giới mà ở chính tại mảnh đất này và con người này. Bạn nên nhớ rằng, chúng ta có nhiều loại ánh sáng: ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, ánhsáng của thế giới tự nhiên, ánh sáng sinh học, ánh sáng của khoa học, ánh sáng của tri thức. v.v…Ở đây, ánh sáng trí tuệ bên kia bờ (prajípramit), gọi tắt là Bát nhã, là một loại ánh sáng tâm linh phi thường, bạn không thể đạt được bằng con đường lý luận, mà trái lại, bạn chỉ có thể đạt được bằng con đường thể nghiệm và tu tập hằng ngày của chính bản thân. Điều rất quan trọng mà bạn cần phải tỉnh thức ngay bây giờ và ở đây là, đời sống hạnh phúc của thế gian –tình yêu, tiền bạc, danh vọng,địa vị, quyền lực.v.v. – trên thực tế hoàn toàn không có gì được bảo đảm và chắc chắn, bởi vì tất cả đều không ngừng thay đổi theo định luật vô thường. Chỉ một cơn giận hay một sự hiềm tỵ nổi lên trong dòng lưu chuyển của tâm thức, trong tích tắc mọi thứ có thể sẽ hoàn toàn đổi khác; lúc bấy giờ cái mà chúng ta cho là tình yêu, là hạnh phúc…có thể biến thành khổ đau. Vì thế, đời sống hạnh phúc của thế gian sẽ rất bấp bênh nếu như nó không được soi sáng và dắt dẫn bởi ánh sáng của Bát nhã.

Vậy đặc tính ánh sáng của Bát nhã là gì và nó đến từ đâu?

Bát nhã, như đã nói, là một loại ánh sáng của trí tuệ mà tự thân nó vượt lên trên mọi định kiến, cố chấp về “hữu, vô; sinh, diêt; thường, đoạn; đồng, dị;khứ,lai”. Do dựa vào bản chất siêu việt mọi định kiến, cố chấp nên Bát nhã được định nghĩa là “trí tuệ ở bên kìa bờ”(trí tuệ đáo bỉ ngạn), hay còn gọi là “trí tuệ vô ngã”. Cũng vậy, nhờ vào tính siêu việt này mà Bát nhã luôn cưu mang trongchính nó một khả tính vô bờ. Thử lấy bàn tay làm thí dụ. Khi ta đã cầm chắc một vật nào đó trong tay, thì bàn tay tự nó không còn khả năng cầm thêm một vật khác. Ngược lại, khi ta không cầm nắm hay bám víu (thủ trước) bất kỳ cái gì, lúc bây giờ bàn tay của ta sẽ có một khả năng vô hạn, nghĩa là vó có thể cầm bất cứ cái gì nó muốn. Đó chính là ý nghĩa và khả tính của sự không bám víu (thủ trước). Tương tự như thế, khi một tâm thức không bám víu hay không bị chi phối bởi tham, sân, chấp ngã, phiền não, nhiễm ô, lúc bấy giờ, thực tại của tâm sẽ lưu chuyển như một nguồn ánh sáng bao la không giới hạn, và không chướng ngại. Đấy chính là một loại “thần lực” đặc thù của tâm thức không bám víu. Do vậy, ánh sáng siêu việt của Bát nhã được kết thành từmột tâm thức không có định kiến và cố chấp, hay nói khác hơn là một tâm thức xả ly, thanh tịnh.

Trên thực tế, thực tại của tâm luôn cưu mang hai dòng năng lượng: sáng (thiện) và tối (bất thiện). Dòng năng lượng của ánh sáng là tâm từ bi, tâm yêu thương, tâm khoan dung , tâm hỷ xả…và ngược lại, làdòng năng lượng tối tăm, tức là tham lam, sân hận,thù oán, cố chấp, phiền não, và nhiễm ô. Vì lý do này, Bát nhã được gọi là hành tinh của ánh sáng, một hành tinh không có bất kỳ một bòng mờ nào của phân biệt, cố chấp; một hành tinh của đời sống xả ly thực thụ. Và đấy cũng là lý do tại sao, bạn được mời gọi ngay từ đầu hay một lần bước vào hành tinh của ánh sáng để có thể lĩnh hội bức thông điệp hùng vĩ của Bát nhã ba la mật (prajípramit).

Nói tóm lại, bạn không cần thiết phải vướng bận quá nhiều vào ngôn từ để đi vào thể nghiệm đời sống Bát nhã; một điều duy nhất bạn cần thực hành đó là hãy sống tự tại giữa lòng hiện hữu, sống buông bỏ mọi bám víu, cố chấp, nhất là sự bám víu vào một khát vọng vĩnh cửu. Vì khát vọng vĩnh cửu trên thực tế không gì khác hơn là hiện thân của lòng chấp ngã. Nên nhớ rằng bạn sẽ không mất cái gì hết khi thực hành tâm xả ly, mà trái lại, chính sự xả ly hay không bám víu của tâm sẻ đem lại cho bạn một đời sống nhẹ nhàng hơn và an lạc hơn rất nhiều. Xả ly chừng nào thì hạnh phúc chừng đó. Bạn sẽ là người rất hạnh phúc khi mọi gánh nặng (sự bám víu) trong tâm của chính bạn được đặt xuống (xả ly).

KHẢI THIÊN – Lời Phật trong đời sống – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 40

http://tapchivanhoaphatgiao.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.