Thuyết Bốn Ðế – Phần VI

Giới đại thừa:

Ðặc điểm của giới đại thừa là cường điệu tính lợi tha. Ðại thừa có khái niệm ba nhóm giới trong sạch:

1. Nhiếp luật nghi giới.

2. Nhiếp thiện pháp giới.

3. Nhiếp chúng sanh giới (cũng gọi nhiêu ích hữu tình giới).

Vì cả ba nhóm giới này, cả đại và tiểu thừa đều tôn trọng cho nên gọi là thông giới.

Nhiếp luật nghi giới:

S samvarsa-sila. Gọi tắt là luật nghi giới tương đương với các giới tại gia, xuất gia của Phật giáo Nguyên thủy, nhưng theo Ðại Thừa giáo thì là Thập thiện giới, hay là thập trọng cấm giới và 48 khinh giới.

Nội dung của Nhiếp luật nghi giới, chủ yếu là ngăn chặn mọi điều ác.

Nhiếp thiện pháp giới:

S.kusala-oharma-samgraha-sila. Chỉ riêng cho 10 giới thiện.

Nhiếp chúng sanh giới:

S.sattrarthakriya-sila. Chỉ mọi việc làm, có ý nghĩa từ bi và lợi lạc đối với chúng sanh.

Ba nhóm giới này được các kinh như “Anh lạc bổn nghiệp kinh”,… nói tới, và thường được gọi là ba nhóm giới thanh tịnh (tam tụ tịnh giới).

Thập thiện (10 thiện) và ba nhóm giới:

Các kinh Bát Nhã (kể cả Ðại phẩm và tiểu phẩm) đều lấy 10 thiện làm giới đại thừa, kinh Hoa Nghiêm cũng theo thuyết này.

Trong kinh Bát Nhã, giới Ba La Mật tức là Bồ tát tự mình làm 10 thiện, và khuyến khích người khác cũng làm 10 thiện thực hành đầy đủ cả hai mặt nhiếp luật nghi giới và nhiếp thiện pháp giới.

Kinh Hoa Nghiêm thì thêm Nhiếp chúng sanh giới thành có ba nhóm giới đầy đủ.

Bộ luận Du Già sư địa nói cả ba nhóm giới Nhiếp luận nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới, đầy đủ như kinh Hoa Nghiêm. Ba nhóm giới này cũng gọi là Du Già giới.

Mười thiện giới:

1. Không sát sanh,

2. Không trộm cắp,

3. Không tà dâm,

4. Không nói dối,

5. Không nói ác,

6. Không nói chia rẽ ,

7. Không nói phù phiếm,

8. Không tham,

9. Không sân,

10. Chánh kiến.

Mười cấm giới nặng (trọng giới)

Bồ tát nếu phạm mười giới nặng này, vi phạm tội nặng gọi là Ba La di. Ðiều này được ghi trong kinh Phạm Võng, cho nên cũng gọi là Phạm Võng giới.

Mười cấm giới nặng là:

1. Không sát sanh,

2. Không trộm cắp,

3. Không phạm dâm (tà dâm)

4. Không nói dối,

5. Không bán rượu,

6. Không nói lỗi người khác,

7. Không tự khen mình và vùi dập người,

8. Không keo kiệt đối với Pháp và tài sản,

9. Không giận,

10. Không phỉ báng Tam bảo.

Giới Ðại thừa của Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Nhật Bản:

Người Trung Quốc kết hợp Du già giới (tức ba nhóm giới), Phạm Võng giới (10 giới nặng và 48 giới nhẹ) thành ra Ðại thừa giới, cũng gọi là Bồ tát giới, Phật tính giới, Kim cang bảo giới. Phật giáo Trung Quốc kết hợp dùng luật Tứ Phần (Thường gọi là luật Tiểu thừa), với luật Ðại thừa (Kinh Phạm Võng). Nói chung, từ đời Tùy Ðường về sau, đều kết hợp sử dụng như vậy.

Ở Nhật Bản, vào đời Nại Lương (Nara) có sư Giám Châu truyền kinh nghiệm kết hợp dùng giới Ðại thừa và Tiểu thừa (của Trung Quốc) vào Nhật Bản. Nhưng đến thời Ðại sư Tối Trừng, thì Ngài bỏ giới Tiểu thừa, chỉ dùng giới Ðại Thừa mà thôi gọi là viên đốn giới (hay Viên giới). Tông Thiên Thai (tendai) và các lưu phái khác ở Nhật, đều theo lập trường đó của Ngài Tối Trừng.

Tông Tào Ðộng của sư Ðạo Nguyên lập ra 16 giới gọi là Bồ tát giới, gồm Tam quy giới, Tam tụ tịnh giới và thập trọng cấm giới. Cái khác của Ðạo Nguyên là xem thọ Tam quy là giới. Còn Tam tụ tịnh giới (ba nhóm giới thanh tịnh) và thập trọng cấm giới thì giống như trên.

Tông Lâm Tế ở Nhật cũng theo lập trường này của Tào Ðộng.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.