Trì Danh Niệm Phật Tối Thượng

Ðối với phương pháp niệm Phật, giả như bình thường mọi người đã có phương pháp thực hành rồi, lại thấy phương pháp đó thích hợp, công phu có thành tựu thì cứ nên theo đó mà thực hành. Những người sơ phát tâm nếu chưa có phương pháp nào thực hành thì xin hãy lắng tâm nghe tôi nói đây.

1.- Ba nghiệp tương ưng công phu thành tựu

Công phu niệm Phật không phải một ngày, hai ngày mà có thể thành tựu. Làm sao cho nhanh chóng? Nếu ngày nay dụng công không tốt, thì ngày sau lại dụng công, nếu ngày sau nữa lại không tốt thì lại tiếp tục ngày ngày sau nữa, cứ thế dụng công đến khi nào thấy tốt mới dừng. Dụng công như thế nào là tốt? Ðó là ba nghiệp thân, khẩu, ý có thể tương ưng với Phật, không loạn tưởng, ngày đêm an lành, tâm nhớ Phật, miệng niệm Phật, thân lễ Phật, có thể chấp trì danh hiệu không quên không gián đoạn như vậy mới tốt.

Trước tiên nói về thân nghiệp. Khi ngồi cần phải thẳng thắn, thân không cúi về phía trước hay ngã về phía sau, luôn giữ cho lưng thẳng đứng. Chân cần phải ngồi xếp bằng, bán già hoặc kiết già tùy theo năng lực. Ðầu không nghiêng qua phải, qua trái mà luôn giữ cho thẳng thắng, không nên cúi tới trước, hoặc ngã về phía sau. Ðối với tay, lấy tay phải để lên tay trái đặt trên đùi. Mắt không liếc trái, liếc phải, mà nhìn theo sống mũi, cách chỗ ngồi khoảng ba hoặc bốn tấc. Nếu thấy trong người mệt mỏi, hoặc buồn ngủ nên mở mắt, nếu nhắm mắt sẽ đưa đến hôn trầm. Trong khi công phu nếu thấy tinh thần sảng khoái nên khép mắt lại. Chú ý toàn thân các cơ luôn buông thả, chỉ giữ sao cho cột sống luôn thẳng đứng, lưng không được cong, vì cong sẽ dẫn đến đau lưng, cũng không được ưỡn về phía trước quá, vì ưỡn quá sẽ dẫn đến tức ngực.

Ðối với khẩu nghiệp, không kể là niệm thầm, niệm lớn hay niệm trung bình, Kim cang niệm hay mặc niệm tất cả đều tốt, chỉ quý ở chỗ là làm sao “niệm niệm tương tục”, không cho gián đoạn.

Trong quá trình công phu, bạn thấy mình bị hôn trầm hay tán loạn nên niệm lớn, niệm lớn không có nghĩa là bạn niệm quát tháo lên, để cho tổn hao thần lực, mà niệm ở đây là niệm vang rền từng câu từng chữ rõ ràng, âm thanh vừa đủ tai nghe. Âm thanh niệm không nên cao quá, cũng không nhỏ quá, mà nên trung bình. Ðó là những phương pháp, bạn xem thử mình thích hợp với phương pháp nào, rồi chọn lấy một mà thực hành. Song, hiện tại chư vị đang tu tập theo đại chúng, nhất nhất đều nên theo chúng. Không nên chúng niệm nhanh mình lại niệm chậm, chúng niệm chậm mình lại niệm nhanh, mà cần phải hòa đồng với chúng, cùng chúng dị khẩu đồng âm mới dễ thu nhiếp thân tâm, tâm mới có thanh tịnh được.

Kim cang niệm, tức là niệm chỉ có một mình bạn biết, người bên cạnh không thể thấy biết được. Nếu miệng không động, chỉ niệm trong tâm gọi là mặc niệm, mặc niệm là niệm không ra tiếng. Tuy không niệm ra tiếng, song tự tâm của bạn phải niệm từng chữ từng câu cho rõ ràng, tai cũng nghe từng chữ từng câu rõ ràng, có như thế mới dễ tương ưng.

Như thế nào là ý nghiệp tương ưng? Trong khi niệm Phật bạn cần phải chú ý, nắm lấy câu danh hiệu mà niệm. Ý niệm từng câu, từng chữ rõ ràng, như vậy bạn niệm nghìn vạn câu mà trong tâm không có tạp loạn, dụng công lâu ngày ắt sẽ có tự tại và an lạc, không hôn trầm, không tán loạn, công phu trở nên thành thục tương ưng “một niệm tương ưng một niệm Phật”. Công đức niệm Phật như thế không thể nghĩ bàn, kính thỉnh mọi người thành tâm dụng công niệm Phật. Mỗi câu danh hiệu có thể niệm như trên, thì mỗi một câu niệm Phật ba ngàn thế giới đều có thể nghe được, âm thanh chu biến khắp ba ngàn thế giới, công đức như thế có lớn không? Nếu có thể “niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật” thì mười phương các nước chư Phật đều nghe được, như vậy một câu danh hiệu, âm thanh chu biến khắp pháp giới, công đức đó mới chân thật là lớn. Kính thỉnh chư vị chí tâm niệm Phật, nếu không thời gian trôi qua thật tiếc thay! Thật tiếc thay!

2.- Phật thủ bất tận dụng bất kiệt

Chúng ta mở mắt ra thấy tượng Phật, nhắm mắt lại thấy tượng Phật đó là Quán tượng niệm Phật. Hiện tại ở đây chúng ta chỉ chú trọng Trì danh niệm Phật, nên quán tưởng như thế nào? Quán nghĩa là quán chiếu, cũng có nghĩa là chú ý, tập trung tâm lực lại một chỗ. Chúng ta tu trì danh là tập trung chú ý vào danh hiệu, niệm từng câu từng chữ sao cho rõ ràng, chú ý vào âm thanh câu thánh hiệu, dụng nhĩ căn quán chiếu. Nếu miệng niệm mà tâm không chú ý, đó là tâm bạn đã bị loạn tưởng rồi. Người niệm Phật là đem âm thanh danh hiệu tập trung lại, phản quan nghe lại âm thanh, tức là tu nhĩ căn, từng tiếng từng tiếng rõ ràng tâm nhớ không quên đó là bạn nhớ Phật niệm Phật. Niệm Thánh hiệu là Phật A Di Ðà, tai nghe rõ ràng là Quán Thế Âm, nhớ Phật là Ðại Thế Chí, như vậy người niệm Phật là lấy Tây phương Tam thánh làm cảnh giới y chính trang nghiêm, làm cảnh giới cho chánh niệm.

Danh hiệu Phật phải lưu xuất từ đâu? Phải lưu xuất từ tâm của bạn, lưu xuất từ tâm mới có thể trì niệm lâu dài, như thế mới có thành tựu. Vì tâm là chủ thể của các pháp, tâm được ví như nguồn nước không bao giờ cạn. Bạn thấy giếng nước có những mạch nước luôn luôn chảy không gián đoạn, nó cung cấp nước cho chúng ta, có bao giờ bạn xài hết giếng nước không? Cho nên tục ngữ mới có câu “thủ chi bất tận, dụng chi bất kiệt” là vậy.

“Thủ chi bất tận” chỉ cho tự tính Phật, “dụng chi bất kiệt “ chỉ cho âm thanh câu Thánh hiệu A Di Ðà Phật mãi mãi chuyển biến khắp mười phương, hiện nay các nhà khoa học cũng đã chứng minh được điều đó. Lấy thí dụ cho dễ hiểu, khi bạn ở bờ Tây biển Thái Bình Dương, bạn lấy tay khuấy động lên mặt biển lập tức sẽ có một làn sóng chạy đến bờ Ðông, tuy khuấy nhẹ như vậy mà làn sóng chuyển biến khắp nơi. Cũng giống như vậy, khi chúng ta niệm Phật, công đức A Di Ðà Phật chu biến khắp pháp giới, cho nên một câu Thánh hiệu cũng là viên chứng pháp giới, và một câu A Di Ðà Phật cũng chính là pháp giới, pháp giới cũng chính là Thánh hiệu A Di Ðà Phật. Hiện tại âm thanh niệm Phật của chúng ta không chỉ giới hạn trong phạm vi niệm Phật đường này, không chỉ có những người trong niệm Phật đường nghe thôi, mà các thế giới khác cũng nghe được. Danh hiệu Phật chu biến khắp pháp giới thì mười phương thế giới chư Phật cũng nghe được.

Như vậy, hiện tại sao chúng không nghe được âm thanh niệm Phật của các địa phương khác? Vì nhĩ căn chúng ta có giới hạn, giống như người điếc làm sao có thể nghe được? Nếu nhĩ căn chúng ta viên thông như Quán Thế Âm Bồ tát thì mười phương thế giới không có âm thanh gì mà không thể nghe được. Cao hơn nữa, lục thông viên thông, chẳng những nghe thấy, mà có thể ngửi, có thể nếm được nữa là khác. Vì lục căn chúng ta bị che đậy đầy dẫy bởi lục trần, lục trần không trừ lấy năng lực gì để nghe?

3.- Lợi ích niệm Phật có thể thành Phật

Chúng ta niệm Phật có công dụng gì? Có công dụng nghiệp chướng được tiêu trừ, phước tuệ tăng trưởng, cao hơn nữa là được giải thoát sinh tử, độ chúng sinh thoát khỏi luân hồi. Phật pháp giảng nói muốn khai mở trí tuệ Bát nhã, phải phát tâm Bồ đề, phải có đại bi đại nguyện, phát đại hạnh. Hiện tại chúng ta có thể thực hành được đại trí của Văn Thù Bồ tát, đại bi của Quan Âm Bồ tát, đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền, đại nguyện lực của Bồ tát Ðịa Tạng không? Hiện tại, bản thân chúng ta không có những năng lực đó, song nếu bạn nhờ vào tha lực cũng có thể làm được, nhờ vào tha lực gì? Ðó là nhờ vào công đức niệm Phật A Di Ðà.

Phàm phu chúng ta bản thân vốn khổ não vô lượng, tự mình không có công đức bố thí hết cho mọi người được. Song, Phật A Di Ðà là đại từ bi, danh hiệu của Ngài vốn có công đức vô lượng, một câu Thánh hiệu đầy đủ tất cả các phước đức, cho nên chúng ta đem công đức của niệm Phật mà hồi hướng đến khắp cả mười phương thế giới chúng sinh, đó là hành đại bố thí. Công đức bố thí đó so với công đức làm bố thí hằng ngày của bạn rộng lớn hơn nhiều, lại trường tồn tại bất diệt. Nói như thế sẽ có nhiều người hiểu lầm cho rằng công đức niệm Phật đã lớn rồi cần gì phải làm các việc thiện khác nữa. Bạn phải biết rằng công đức niệm Phật là chánh nhân để giải thoát, còn bố thí làm phước mà bạn tạo mỗi ngày là trợ nhân cho giải thoát. Nếu bạn có khả năng nên làm cả hai thì công đức sẽ rất lớn, nếu không đủ khả năng nên làm cách bố thí như trên. Song, bạn nên biết rằng công đức tối cao của niệm Phật vẫn là giúp cho chúng ta thoát khỏi luân hồi sinh tử, thành tựu Phật đạo, độ chúng sinh, vì thế các bạn nên chí thành mà niệm.

4.- Ðoạn nghi, sinh tín vãng sinh Tây phương

Phật pháp giảng nói duy tâm: “Tâm tức là Phật, Phật tức là chúng sinh”, tâm bạn nhớ Phật thì bạn là Phật, tâm bạn nhớ nghĩ đến chúng sinh, trộm cắp, dâm dục, thì “tâm là địa ngục, địa ngục cũng là tâm”. Trong Kinh Ðịa Tạng có nói đến tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, và vô gián địa ngục. Những địa ngục đó đều do tâm biến hiện, tâm tạo ác mà có cảm ứng như vậy. Nếu như tạo ác nghiệp sát, đạo, dâm, làm ô uế già lam, phá hoại ngăn cản mọi người làm thiện, trợ giúp người khác làm ác hạnh, thì những ác nghiệp đó đều do tâm tưởng tâm tạo, tâm tạo địa ngục thì tâm cũng cảm ứng địa ngục, địa ngục cũng do tâm tạo. Quốc độ của Phật A Di Ðà cũng là do tâm tạo, tại sao Phật A Di Ðà tạo nên quốc độ Tây phương? Vì Ngài muốn cứu độ tất cả chúng sinh đồng thoát khỏi luân hồi sinh tử, cho nên Phật Thích Ca thấy chúng sinh ở cõi Ta Bà quá khổ đau nên Ngài mới chỉ dạy cho chúng ta phát nguyện vãng sinh Tây phương để không còn chịu khổ đau nữa.

Phật A Di Ðà có phát ra lời nguyện rằng: “Nếu có chúng sinh nào nghe được danh hiệu tôi, chí tâm tin mến, muốn sinh về nước tôi, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sinh, tôi thề không thành Chánh giác”. Ðó là nguyện lực của Phật A Di Ðà, cho nên mọi người muốn được vãng sinh cần phải có lòng tin kiên cố, phát tâm chí thành, nếu có đầy đủ lòng tin, tin sâu, tất nhiên công phu sẽ được viên mãn mà thành tựu việc vãng sinh. Nói đến việc vãng sinh, có nhiều người không đủ lòng tin, không dụng công niệm Phật, lại nghi ngờ rằng thế giới Tây phương không có thật, hoặc cho mình nghiệp chướng nặng nề không có khả năng vãng sinh, không thể thành Phật. Suy nghĩ như vậy là sai lầm. Vì có nghi là có chướng ngại, nghi là căn bản phiền não, vì thế chúng ta nhất định phải đoạn nghi mà sinh tín. Ðức Phật Thích Ca đích thân lấy kim khẩu bảo với chúng ta niệm Phật là có thể vãng sinh, nhất định chúng ta tin sâu lời Phật, quyết không nghi ngờ, có bao giờ Phật Bồ tát lại nói dối không?

PHẬT THẤT VIÊN MÃN

Chúc mừng chư vị! Chúng ta có đầy đủ phước duyên tham gia Phật thất bảy ngày, công đức bảy ngày đến đây đã viên mãn, có gieo nhân ắt sẽ gặt được quả, chúng ta gieo nhân xuất thế gian thì nhất định sẽ lìa khổ mà được an lạc. Chúng ta cùng nhau hồi hướng công đức niệm Phật bảy ngày đến tất cả chúng sinh đồng sinh về Tịnh độ.

Ngày nay chư vị sẽ trở lại thế gian, điều mà chúng tôi muốn nhắn nhủ cùng chư vị, là phải luôn nhớ bài kệ cảnh tỉnh của ngài Duy Ma: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước nào có chi vui, đại chúng hãy cùng nhau tinh tấn tu tập hết mình, nhớ đến vô thường chớ nên phóng dật”.

Ngày mai đây chúng ta về lại tổ ấm gia đình, trở lại công việc thế gian. Chư vị phải luôn nhớ rằng mạng sống chúng ta mỗi ngày mỗi ngày trôi qua là tiến dần đến cái chết. Chúng ta phải luôn nghĩ mình như con cá đang ở trong một hồ nước vào mùa nắng hạn, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nước cạn. Những con cá ở trong đó làm sao vui để mà sống được, vì mạng sống của chúng như đèn treo trước gió, có gì là vui. Chúng ta cũng như vậy, đã mang thân người tức phải chịu bốn quy luật, sinh, lão, bệnh, tử không có một ai tránh khỏi định luật đó, sự chết sống chúng ta nào ai biết được, mà chỉ biết rằng mình rồi cũng chết. Cổ đức có nói: “Sinh hữu hạn, tử vô kỳ” là vậy.

Phật dạy chúng ta cảnh đời này là vô thường giả tạm, thân này do ngũ uẩn hợp lại mà thành, đủ duyên là hợp lại, hết duyên phải phân ly, không có gì là thật cả. Thân đã không thật, vạn vật trong vũ trụ này cũng không có gì trường tồn bất diệt, mà tất cả đang thầm lặng biến đổi không ngừng, đến một lúc nào đó rồi cũng bị diệt thôi. Cho nên chư vị phải có chánh kiến thấy được thế gian là như vậy, để rồi làm sao? Ðể rồi phải cố gắng mà nỗ lực tu hành, không nên phóng dật như người thế gian. Chúng ta là đệ tử Phật, Phật nghĩa là giác ngộ, giác ngộ về cái gì? Giác ngộ về vũ trụ nhân sinh là vô thường, vô ngã, thế gian này là khổ đau, tất cả vạn vật không có trường tồn, mạng sống con người như điện chớp, như sương sớm, như dây leo thành giếng, không thể trường tồn mãi. Phải giác ngộ như vậy thì mới có được tâm buông xả để lo chuyên niệm Phật. Người thế gian sở dĩ họ khổ đau cũng do chấp trước thân này là thật, tất cả đều là thật, cho nên lo tham đắm tạo nghiệp, rồi mãi mãi trôi lăn trong vòng sinh tử khổ đau, không ngày giải thoát. Chúng ta là người tu theo Phật pháp, phải nương theo chánh pháp mà giác ngộ.

Mai đây chư vị về nhà rồi, cần phải luôn ghi nhớ những điều đó. Nhớ không được tham đắm như người thế gian, hãy mau mau công phu niệm Phật, phát tâm chí thành xưng niệm danh hiệu Phật. Bảy ngày công phu ở đây tuy rất ngắn ngủi, song cũng có thể giúp được chư vị phần nào trong việc phát khởi tín tâm mà niệm Phật. Thời gian trôi qua không đợi chờ một ai cả, mỗi ngày trôi qua là mạng sống giảm dần, chúng ta càng tiến dần đến cái chết, cho nên kính thỉnh chư vị hãy mau mau gấp rút tu trì, vì thân người khó được, một khi mất thân rồi biết có tìm lại được không. Chúng ta phải chí thành tin sâu, nguyện thiết mà niệm Phật, vì đời mạt pháp này chỉ có niệm Phật mới giải quyết được sinh tử thôi. Chúc chư vị niệm Phật thành tựu vãng sinh, chúng ta hãy cùng nhau hẹn gặp lại tại thế giới Tây phương vậy.

http://cuclac02.blogspot.com.au/2012/11/tri-danh-niem-phat-toi-thuong.html

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.