Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần III

Bảy ngày khai thị Phật thất

(Hòa thượng Diệu Liên)

NGÀY THỨ NHẤT

Núi non đêm ngày thanh tịnh,
Danh hiệu Phật rửa sạch trần tâm

1. Trời cao không phụ công lao người khổ nhọc

Chư vị về chùa Linh Nham tu Phật thất, ngày nay chỉ là ngày đầu tiên của khóa tu. Chư vị biết niệm Phật rất tốt, song trong khi niệm Phật, cần phải giữ nhịp độ ổn định. Không nên niệm cao quá sẽ tổn hao thần lực, cũng không niệm nhỏ quá sẽ bị hôn trầm. Nhịp độ niệm phải vừa phải, không nhanh cũng không chậm. Vì thời gian chúng ta còn dài, chúng ta niệm Phật làm sao phải như dòng suối tuôn chảy, êm đềm mà không gián đoạn. Có như thế thân tâm mới an tịnh, nghiệp chướng mới tiêu trừ, phước đức mới tăng trưởng. Nếu có thể niệm niệm không gián đoạn thì đạo nghiệp nhất định sẽ mau thành tựu.
Cách dụng công niệm Phật phải như thế nào? Chúng ta phải có thời gian, công phu tu tập phải trường kỳ khổ nhọc thì mới có thể thành tựu. Cho nên, tục ngữ có câu: “Trời cao không phụ người khổ nhọc” ý là thế. Đây là ngày khởi điểm của khóa tu, chư vị phải dụng công cho tốt. Có như thế những ngày còn lại mới có kết quả. Điều đáng sợ nhất của người tu niệm Phật là không có tâm thành kính.

2. Trong cung kính ngoài mới chí thành

Phật pháp có thành tựu hay không cũng ở tâm chí thành. Cho nên, người xưa có nói: “Trong cung kính, ngoài mới chí thành”. Nội tâm nếu có thành kính sẽ biểu hiện ra bên ngoài sự cung kính. Hiện tại, chư vị đang chắp tay nghe khai thị, hành động chắp tay là hành động biểu hiện cho sự cung kính của nội tâm. Nếu chư vị có tâm thành kính, không bảo chư vị chắp tay, chư vị cũng tự nhiên chắp tay; không bảo quý vị quỳ, quý vị cũng tự quỳ. Chắp tay là hành động thể hiện cho sự cung kính. Nếu chư vị thấy chắp tay là việc khó nhọc thì tạm thời có thể bỏ xuống. Hiện tại, chúng tôi nghiêm khắc bắt chư vị chắp tay, là muốn cho chư vị có hành động cung kính. Hành động chỉ là biểu hiện của thân. Chẳng những thân cung kính mà miệng phải niệm niệm rõ ràng, tai nghe rõ ràng, tâm cũng thấu suốt rõ ràng, tâm miệng nhất như. Nếu chư vị mặc niệm, tuy miệng không niệm, tâm phải luôn luôn niệm, tai cũng nghe rõ ràng. Tai và tâm nhất như, niệm Phật một thời gian dài, thân tâm sẽ an nhiên. Lúc đó, chư vị sẽ không còn thấy chắp tay là việc khổ nhọc nữa.

Chắp tay chỉ là phương tiện, song trong khi ngồi công phu, nhất định mọi người cần phải ngồi xếp bằng, tối thiểu nhất là phải ngồi được bán già, vì sao? Vì chân không chịu đau được thì thời gian công phu sẽ ít, dẫn đến công phu tâm lực không tương ưng, tâm khó an định. Vì thế, chư vị phải nhẫn nhịn chịu đau một thời gian thì công phu mới có thể tiến bộ vào sâu được, sự nhẫn nhịn đó cũng phải xuất phát từ tâm thành kính. Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu chư vị thấy khó chịu, thế nhưng dần dần sẽ quen thôi. Điều quan trọng chúng ta có ý chí quyết tâm hay không đó mới là quan trọng.

3. Người học đạo như kẻ chèo thuyền ngược nước

Người tu đạo thuận duyên không có, thếnhưng chướng duyên lại nhiều. Đơn giản nói về thân thể thôi, nếu không được khỏe một tí, công phu tu hành đã bỏ bê, ngồi thiền một chút đã không chịu được, hà huống là làm công việc gì lớn, đó là do nghiệp chướng của chúng ta từ vô thỉ đến nay. Nghiệp chướng thì dầy, trong khi thiện căn lại mỏng. Chúng ta đã tạo tác nghiệp chướng rất nhiều. Song người có thiện căn, tuy biết dụng công tu hành là khổ nhọc, biết nghiệp chướng tuy nặng, thế nhưng họ lại không sợ chướng ngại mà lại còn phát tâm tu hành để tiêu trừ nghiệp chướng. Hạng người này rất có hy vọng. Ngược lại, người biết nghiệp chướng của mình đã nặng rồi, thấy tu hành khó khăn, lại nản chí, dù có gặp được thiện duyên đi chăng nữa, cũng khó phát tâm tu hành. Do đó, chúng ta phải xét lại mình là người có thiện căn hay không, phải dùng trí tuệ chiếu soi lại chính mình. Đã biết mình là người có nghiệp dầy phước mỏng, nếu không phát tâm tu hành thì nghiệp chướng khó mà tiêu trừ được, nghiệp chướng không tiêu trừ làm sao dám nói đến việc liễu sinh thoát tử! Chư vị cần phải nỗ lực tinh tấn quyết tâm hạ thủ công phu, thì không có việc gì khó. Trong thế gian không có việc gì là khó, mà sợ lòng người không có quyết tâm. Tục ngữ có câu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Giống như học sinh cùng học một bài văn, thế nhưng đứa có trí thông minh, đọc hai ba lần, thậm chí nghe qua liền thuộc. Còn đứa không thông minh thì phải đọc đi đọc lại ba bốn mươi lần mới có thể thuộc. Người dụng công niệm Phật cũng như thế.

Phật pháp giảng nói ba đời nhân quả. Nếu đời trước chư vị là người nghe pháp nhiều, tu hành nhiều, thiện căn dầy, tu hành phước báo nhiều mà đời nay không gặp được Phật pháp, thậm chí sinh ra một xứ sở hoàn toàn không có Phật pháp thì thiện căn của các bạn cũng không bao giờ bị thối chuyển, cũng không tạo tác việc ác. Các bạn chỉ cần nhìn cảnh mùa Xuân trăm hoa đua nở, mùa Thu lá vàng rơi lả tả, thấy được cảnh sinh diệt vô thường của vạn vật, các bạn có thể khai ngộ hay minh tâm kiến tánh liền. Giống như thời Phật còn tại thế, các vị nghe Phật giảng pháp, rồi y theo pháp Thập nhị nhân duyên mà ngộ được đạo, gọi là Duyên giác. Còn có một số vị sinh ra đời không gặp Phật, không được nghe pháp, thế nhưng họ nhờ vào việc quán sát sự thay đổi vô thường của vạn vật mà ngộ được, gọi là Độc Giác. Những người này có thiện căn không thể nghĩ bàn mới được như thế.

Người có thiện nghiệp dầy, ác nghiệp mỏng, tu hành rất thuận lợi. Thế nhưng, chúng ta ở đây toàn là những người có phước mỏng nghiệp dầy, cho nên con đường tu của chúng ta, như khách lữ hành chèo thuyền ngược nước. Nếu chúng ta không vững tay chèo, không có nỗ lực tinh tấn, chắc chắn bị nước cuốn trôi. Vì thế, cổ đức có nói: “Người tu đạo như người chèo thuyền ngược dòng, không tiến sẽ bị lùi”. Chúng ta phải dụng công hết mình, thậm chí phải dùng hết sức mình họa may mới không bị trôi theo dòng sông sinh tử. Người thế gian, đa phần là buông mình theo dòng sinh tử, nên đối với họ không còn gì phải nói. Chúng ta là người tu đạo, là người đang lội ngược lại dòng sinh tử, cho nên khó khăn rất nhiều. Do đó, xin chư vị hãy dụng công. Vào đây niệm Phật rồi, không nên lãng phí thời giờ.

4. Gia công tinh tấn tiêu nghiệp chướng

Người có phước đức nhân duyên, nếu gia công tu hành tốt, dễ dàng được cảm ứng, cho nên họ xưng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Cầu tài được tài, cầu con được con, cầu Tam-muội được Tam-muội, cầu Bát-nhã được Bát-nhã, nói chung cầu chi được nấy, nên nói: “Có cầu ắt sẽ có ứng” là vậy. Song, đối với người không có phước đức, dù cầu nguyện bất cứ điều gì cũng không có cảm ứng. Nói như vậy, Quan Âm Bồ-tát có thiên vị không? Xin thưa là không! Bạn cầu nguyện cũng có cảm ứng. Vậy cảm ứng cái gì? Cảm ứng nghiệp chướng tiêu trừ. Một khi nghiệp chướng của bạn tiêu trừ hết rồi thì bạn cầu gì được nấy. Bằng ngược lại, nghiệp chướng chưa tiêu trừ thì dù bạn có cầu nguyện đến đâu cũng không có cảm ứng. Một khi nghiệp chướng được tẩy sạch, bạn không cần cầu cũng tự nhiên có cảm ứng.
Những người lần đầu tiên vào đây dụng công tu hành, tâm lý có loạn động, liền nghĩ: “Không hiểu tại sao ở nhà, bình thường mình niệm Phật ít thấy có vọng tưởng, tâm lý lại được định tĩnh, thế nhưng vào đây niệm Phật, cứ một khi khởi niệm Phật lại thấy vọng tưởng quá nhiều, tâm lý lại không an, nguyên nhân đó xuất phát từ đâu?”. Chỉ vì ở nhà niệm Phật không có tập trung, niệm Phật một cách mơ mơ hồ hồ, vọng tưởng suy nghĩ cái này, nhớ nghĩ việc kia, vọng khởi triền miên, lại thêm ngoại cảnh ồn ào, nhộn nhịp nên khó nhận thấy được vọng khởi. Vào đây thì cảnh núi non yên tĩnh, nương nhờ ánh sáng từ bi của chư Phật, tâm cảnh được sáng suốt, trí tuệ phát sinh, tự nhiên nhận thấy được vọng tưởng tạp niệm nhiều. Chư vị nhờ vào đây mới có cảm nhận như vậy, nếu nói ở nhà niệm Phật tốt hơn, là chư vị không có lương tâm rồi.

5. Phải cầu diệu pháp xuất thế gian

Như trên vừa nói, người niệm Quan Âm Bồ-tát cầu tài được tài, cầu làm thân trai được thân trai, cầu thân gái được thân gái… Như vậy, chúng ta là người học Phật có phải cầu tài không? Xin thưa là có! Nhưng tài ở đây là công đức pháp tài. Lại nữa, có nên cầu thân trai hay thân nữ không? Cũng có! Nhưng cầu trí tuệ phước đức của người nam, cầu tướng đoan chính của người nữ, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là cầu pháp xuất thế gian.

Như Phật Đà “ba kỳ tu phước đức, trăm kiếp mới có tướng đoan nghiêm”. Do đó, chúng ta phải có trí tuệ, có phước đức mới có thể độ chúng sinh được. Có trí tuệ, có phước đức, lại phải có tướng tốt; tướng nếu không tốt, mọi người nhìn thấy khó mà khởi tâm cung kính. Như thời đức Phật còn tại thế, mọi người một khi được nhìn thấy ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm của Ngài, tự nhiên liền sinh tâm cung kính, Ngài rất dễ dàng hóa độ. Cho nên, người học Phật cũng có cầu nguyện, nhưng cầu nguyện ở đây phải cầu nguyện Thật tướng diệu pháp xuất thế gian, chứ không phải cầu nguyện pháp hư vọng đối đãi của thế gian.

6. Lìa tướng tu tất cả thiện pháp

Mọi người cần phải chú ý! Tuy nói chúng ta cầu nguyện, song phải cầu như thế nào cho hợp với Phật pháp đây? Phải cầu với nhận thức không có tướng ngã, tướng nhân và tướng chúng sinh. Tuy là không tướng nhưng phải tu tất cả thiện pháp. Nếu ngộ nhận đã không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, từ đó không chú trọng đến nhân quả, xả bỏ tu Sự mà chuyên tu Lý thì có hại cho bản thân vô cùng.

Phải biết, Phật pháp giảng nói lý nhân quả, Sự Lý cần phải phối hợp hài hòa. Nếu thiên lệch về Lý mà phế bỏ nhân quả, không tu sự tướng nhân quả thì không thể nào đạt được chân lý thực tiễn của Phật pháp. Tuy là không có tướng ngã, tướng nhân, lìa tất cả pháp, lìa tất cả tướng, nhưng đứng trên mặt sự tướng cần phải tu tất cả các pháp. Muốn tu được tốt, chúng ta phải có tinh tấn, thành khẩn tha thiết, trong tương lai chúng ta sẽ cảm ứng quả báo vô vi. Quả báo vô vi thì không sinh, không diệt, đó mới chính là Phật pháp thiết thực. Nếu lấy tâm Hữu tướng tu hành tất cả các pháp thì sẽ cảm ứng quả báo hữu vi. Tất cả quả báo hữu vi đều là vô thường, sinh diệt. Tu thiện cảm ứng quả báo thiện, một khi hưởng hết rồi lại hoàn không. Tạo ác nghiệp phải thọ ác báo, quả khổ thọ rồi cũng trở nên không. Tất cả đều vô thường, sinh diệt.

Chánh nhân vô thường, cho nên “sinh” vẫn mãi mãi sinh, “chết” cũng vĩnh viễn chết. Chánh nhân đã như vậy, sinh không ngừng, chết cũng không đoạn. Sinh sinh tử tử, tử tử sinh sinh, mãi mãi chịu khổ không cùng tận. Chúng ta phải tu hành thôi. Tại sao phải tu? Chỉ có tu thì chúng ta mới có trí tuệ Bát-nhã, thấu rõ các pháp vốn không có sở hữu. Tuy không có sở hữu nhưng phải luôn tu hành sự tướng cho viên tròn. Tôi không bảo chư vị phải lìa xa chúng sinh trong thế gian để mà tu, vì Phật pháp vốn không xa lìa thế gian. Đức Phật Bổn sư cũng là chúng sinh, từ chúng sinh mà thành tựu đạo quả. Do đó, chúng ta không thể xa lìa chúng sinh trong thế gian mà tu hành được. Ngược lại, còn phải rộng kết thiện duyên với họ mới có thể độ được họ. Chư vị có hiểu không?

7. Có không trong mộng đều là hư giả

Phật pháp giảng “vô ngã”, có thật là vô ngã không? Nếu tất cả các pháp đều là vô ngã rồi thì tu hành làm gì? Nếu đã là vô ngã, thì tạo nghiệp ác, ai là người thọ khổ địa ngục? Nếu quả thật vô ngã, tu phước tu thiện ai là hưởng thọ? Cho nên nói “hữu ngã” mới có thể thông được, nếu nói “vô ngã”, đức Phật giảng nhân quả, “nhân” ai tạo, “quả” ai hưởng?

Như vậy, làm sao giảng cho chư vị tiếp thọ được đạo lý vô ngã đây? Vì đây là đạo lý không dễ dàng gì nghe qua có thể hiểu được. Nay, xin đơn cử thí dụ cho bạn hiểu được. Chư vị! Chúng ta ai cũng có nằm mộng. Trong mộng tất cả chúng sinh hữu tình, đại địa vô tình, chung quy có hay là không? Nếu có thì không thể nói là không được. Tuy nói có, song tất cả là hư giả, huyễn hóa không có thật. Nếu tất cả trong mộng đều là thật, khi nằm mơ bạn thấy mình mua vé số trúng, khi tỉnh dậy, bạn có phát tài hay không? Trong mộng vui không có, khổ cũng không. Trong giấc mơ bạn thấy mình bị rắn cắn, sợ quá liền thức dậy, bạn thấy thân thể mình có bị rắn cắn hay không? Trên giường có con rắn nào không? Đó chẳng qua tự ý thức của bạn khởi vọng tưởng mới thấy có thật. Nói theo góc độ Duy thức học thì những hình ảnh đó hoàn toàn do Độc đầu ý thức tạo nên, tất cả đều là hư giả không có thật. Như vậy, làm sao bạn nhận cái giả cho là thật được? (lời chú giải của người dịch: ý thức là thức thứ sáu trong tám loại thức tâm vương. Thức này tác dụng rộng sâu hơn năm thức trước và làm chủ năm thức trước. Thức này duyên với các tâm sở, Căn bản phiền não và Tùy khởi phiền não mà tạo nên nghiệp. Vì nó có tác dụng suy đoán, phân biệt và quyết định đưa đến thể hiện hành động cụ thể của thân và miệng, hoặc bằng hành động tình cảm như: yêu ghét, tham muốn… Về suy nghĩ làm việc phải, thức này đứng đầu, còn tính toán tạo việc ác, thức này cũng hơn các thức còn lại. Cho nên, trong Duy thức có nói: “Công vi thủ, tội vi khôi”, chính là nói đến hoạt dụng của thức này vậy. Thức này có đủ ba tánh: thiện, ác và vô ký. Khi nó duyên với 51 món tâm sở thì nó được chia thành hai loại: Độc đầu ý thức và Ngũ câu ý thức. Ý thức độc đầu là ý thức hoạt động độc lập, không có cộng tác với năm thức trước. Ý thức độc đầu lại được chia thành năm loại:

1. Ý thức tán vị: là ý thức phát khởi trong trạng thái phân tán.

2. Ý thức trong mộng: là hoạt động trong trạng mê ngủ, hoặc nằm chiêm bao. Vì trong mộng mị, người ta thường nghĩ rằng thế giới trong mộng là thế giới có thật. Thật ra, những cảnh tượng đó chỉ là những phát hiện của chủng tử độc ảnh trong kho chứa A-lại-da thức.

3. Ý thức cuồng loạn: là ý thức phát khởi khi điên loạn.

4. Ý thức trong định: là ý thức trong trạng thái Thiền định, ý thức này chỉ có những người tu Thiền định mới có kinh nghiệm.

5. Ý thức tán loạn: là ý thức bị loạn động phát khởi. Chúng ta làm việc quá sức, cũng gọi là trạng thái lơ đãng, hoảng hốt… (Hòa thượng Diệu Liên đang nói đến loại thứ hai của ý thức độc đầu).

Theo bạn, những cảnh tượng trong mộng có hay là không? Nếu nói có thật, thì trong mộng có sợ hãi, lúc tỉnh dậy tâm cũng vẫn còn sợ hãi, trong mộng vui sướng lúc tỉnh lại tâm cũng còn vui sướng, như vậy cứu cánh có hay là không? Kỳ thật, chẳng có cũng chẳng không. Nói có nói không đều rơi vào biên kiến, không còn trung đạo. Từ góc độ Tục đế mà nói thực tại của vạn vật vừa có lại vừa không. Nhưng đứng từ góc độ Chân đế, phải xa lìa thực tại, lìa ngôn ngữ thì đó mới là cứu cánh. Nếu chư vị có thể hiểu được bản chất thực tại, lý giải được tánh không hữu Thật tướng của vạn pháp, trì danh với cái nhận thức như thế chắc chắn vãng sinh Thượng phẩm.

Phật pháp nói tất cả đều vô ngã, là muốn nói tất cả vạn vật không có tướng hay một cái ngã cố định, vì bản chất của vạn vật là duyên sinh, do nhiều yếu tố hợp lại mà có không có gì gọi là thật ngã. Nếu bạn không hiểu được đều đó thì chứng tỏ bạn là người kém phước đức trí tuệ. Vì vậy, bạn phải tu phước và trí tuệ một. Khi phước trí viên mãn bạn sẽ nhận thức được vạn vật là hư giả, thế gian là mộng huyễn. Trong kinh có nói: “Vô ngã thì không có người tạo và người thọ, nghiệp thiện nghiệp ác cũng đều không”. Do đó, kính khuyên chư vị đối với Phật pháp hãy đọc nhiều, nghe nhiều, suy tư cho sâu, siêng năng lễ bái và niệm Phật cho nhiều thì nhất định đến một ngày nào đó quý vị tự nhiên sẽ đại ngộ.

8. Cuộc sống Ta-bà tất cả đều là mộng

Chư vị! Khi chúng ta ngủ nằm mộng liền sực tỉnh, khi tỉnh rồi thì những cảnh mộng không có thật nữa. Song hằng ngày, tuy chúng ta thức nhưng tất cả đều như nằm mộng, có lúc nào là thật sự tỉnh đâu! Thật thương thay cho chúng ta, đã bao kiếp sống như mộng, mà cứ ngỡ mình đang tỉnh, khổ đau chúng ta thọ nhận không ngừng mà vẫn chưa có ngày nào sực tỉnh. Nói thì như vậy, thế nhưng là người tu hành, chúng ta không nên sợ khổ đau, mà phải luôn luôn dụng công niệm Phật. Một khi chúng ta được vãng sinh đến thế giới Tây Phương rồi, đến lúc đó chúng ta mới thật sự là tỉnh. Thế giới Ta-bà tất cả vốn là giả danh, mộng huyễn, bản lai của nó vốn không có khổ vui, mà khổ vui đó do chúng ta tạo nên rồi trở lại thọ nhận lấy nó. Do vui khổ mà chúng ta đã tạo ra biết bao nhiêu tội chướng. Đến một lúc nào đó chúng ta tỉnh ngộ rồi mới nhận được tất cả đều không có.

Chúng ta phải thấy tất cả mọi vật trên thế gian không có cái gì trường tồn bất diệt, không có gì là có ngã, tất cả như mộng như huyễn. Có nhận thức như thế mới có đầy đủ nhân duyên thành Phật. Nếu thấy tất cả đều là thật thì mãi mãi chịu khổ đau. Tại sao? Vì thấy tất cả vạn vật trên thế gian đều là thật, tất nhiên là thấy không biến đổi, không dao động thì làm sao có thể dụng công tu hành và cũng không làm sao có thể thành Phật được. Đó là đạo lý quan trọng mà mọi người cần phải giác ngộ. Hiện tại, chúng ta đã biết và đang tu thì làm sao chúng ta phải chứng được đạo lý vô ngã đó. Có như thế mới có thể phóng hạ vạn duyên thành tâm niệm Phật, cầu phước đức chân thật. Không nên nhàn rỗi, tán gẫu, suy nghĩ tà vạy, chỉ thêm mang nghiệp chứ không có lợi ích gì. Phải giác ngộ vạn pháp là vô ngã, chân thật dụng công tu niệm Phật, có như thế đời nay mới mong được giải thoát. Cổ đức có nói: “Thân này đời nay không chịu độ, biết có khi nào độ được thân”.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo, Sách Truyện. Bookmark the permalink.