Vài quan niệm về Đức Phật và Đạo Phật

Ngài hiện hữu trên cuộc đời này, bên trong thân tứ đại hàm chứa một Báo thân viên mãn. Nghĩa là cuộc sống của Đức Phật tỏa sáng lòng từ bao la, đức hạnh cao quý, hiểu biết siêu quần, thể hiện thành những việc làm cứu đời, lợi ích cho người. Nhờ đó, chúng sanh mới hướng về Ngài và phát tâm tiến bước theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.
I. QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT

Theo lịch sử, Đức Phật Thích-ca xuất thân là Thái tử, sống trong cảnh quyền uy nhung lụa, nhưng thường băn khoăn về kiếp sống trầm luân khổ đau của con người. Ngài từ bỏ nếp sống xa hoa vật chất để đi tìm con đường giải thoát sanh tử cho mình và mọi người. Trải qua 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh chốn rừng già và 49 ngày tư duy dưới cội bồ-đề, Ngài đã chứng quả Vô thượng Chánh đẳng giác.

Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, Đức Phật trước tiên đến độ 5 anh em Kiều-trần-như, lập thành mô hình Tam bảo đầu tiên của Phật giáo. Với thời gian, giáo đoàn dưới sự hướng dẫn của Đức Phật đã phát triển, lên đến 12.000 Tỳ-kheo và 6.000 Tỳ-kheo-ni cùng nhiều cư sĩ, từ vua chúa cho đến thường dân đều quy ngưỡng theo Phật. Đến năm Ngài 80 tuổi, thân tứ đại cũng hoại diệt như mọi người, kết thúc một đời giáo hóa độ sanh. Tuy nhiên, cách đánh giá sự nghiệp của Đức Phật một cách giản đơn như vậy không được chấp nhận ở thời kỳ Phật giáo phát triển. Để xác định tư cách siêu phàm của Đức Phật, nhiều quan niệm khác nhau kiến giải về Ngài đã được hình thành theo hướng nhìn về chiều sâu tâm linh.

Trước kia, người ta nghĩ rằng Ngài xuất hiện trên cuộc đời này, bỏ ngôi vua đi tu, ngồi cội bồ-đề thành Phật; tức quan niệm Ngài vừa mới tu thành Phật. Nhưng nay, theo tinh thần Phật giáo phát triển, Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp hành Bồ-tát đạo, tích lũy đạo hạnh và tri thức, nên hiện đời mới kết thành quả Vô thượng Đẳng giác. Kinh Bổn Sanh, Bổn Sự cũng nhằm nói lên quá trình tu Bồ-tát hạnh của Phật.

Trên nền tảng ấy, dưới lăng kính Đại thừa Phật giáo, Đức Phật hiện hữu cao quý và trường tồn chính là vì Ngài đã thành tựu Báo thân. Nghĩa là Đức Phật không chỉ có nếp sống đơn thuần như một con người bình thường, nhưng cuộc đời Ngài là kết tinh của phước đức, trí tuệ và việc làm siêu việt. Ngài đã thành công trong việc giáo hóa là do đức hạnh và tri thức của Ngài đã tác động cho người thăng hoa thánh thiện.

Từ căn bản nhận thức về Báo thân Phật hay thân phước đức, trí tuệ, kinh Hoa Nghiêm triển khai thêm, đưa ra quan niệm về Tỳ-lô-giá-na Pháp thân. Phật Tỳ-lô-giá-na tiêu biểu cho ánh sáng tuệ giác, có khả năng truyền thông khắp pháp giới, truyền đến tâm thức của tất cả chúng sanh mà không hề chướng ngại. Khi Tỳ-lô-giá-na Pháp thân chi phối đến đâu, chúng sanh tiếp nhận thì phát Bồ-đề tâm tu hành, ai cũng thành Phật. Với lý giải ấy, Phật không còn mang hình thức nào cố định, không có một cái gì không phải là Phật mới là Phật.

Lý giải Pháp thân Tỳ-lô-giá-na biến chiếu, thể hiện vô tất cả loại hình. Từ loài người cho đến loài thú, kể cả cây cỏ, đều là Phật. Quan niệm một Đức Phật như thế quá bao la, khó nắm bắt.

Từ đó, chuyển sang kinh Pháp Hoa, đưa ra quan niệm kết hợp Pháp thân Phật của Hoa Nghiêm với Báo thân Phật, để hình thành một Đức Phật thường trú, hiện hữu ở dạng thức gọi là thế gian thường trụ Tam bảo.

Lý Hoa Nghiêm mà không có giải thích bổ sung của Pháp Hoa thì dễ làm chúng ta lầm tưởng Pháp thân Tỳ-lô-giá-na biến chiếu bàng bạc, vô ảnh vô hình.

Nhưng kinh Pháp Hoa đã kéo ý niệm ấy trở lại thực tế; theo đó, Tỳ-lô-giá-na Pháp thân cũng phát xuất từ tứ đại ngũ uẩn thân. Vì Đức Phật cũng tu tập từ sanh thân tứ đại mà tạo thành Tỳ-lô-giá-na Pháp thân, và Ngài sử dụng Pháp thân ấy để tác động ngược lại chúng sanh.

Nói khác, Ngài hiện hữu trên cuộc đời này, bên trong thân tứ đại hàm chứa một Báo thân viên mãn. Nghĩa là cuộc sống của Đức Phật tỏa sáng lòng từ bao la, đức hạnh cao quý, hiểu biết siêu quần, thể hiện thành những việc làm cứu đời, lợi ích cho người. Nhờ đó, chúng sanh mới hướng về Ngài và phát tâm tiến bước theo con đường giải thoát của Phật vạch ra.

Đức Phật dùng Báo thân viên mãn đầy đủ phước đức trí tuệ để làm hạt nhân tạo thành Pháp thân Tỳ-lô-giá-na Phật. Tỳ-lô-giá-na Pháp thân hay ánh sáng trí tuệ rọi vào các pháp, điều động các pháp thành phương tiện giáo hóa của Như Lai, chuyển hóa xã hội đương thời.

Ta chưa thành Phật vì không có Báo thân viên mãn, tức chưa đầy đủ phước đức trí tuệ, nên Pháp thân Tỳ-lô-giá-na Phật của ta không có tác dụng, gọi là Như Lai tại triền.

Vì vậy, theo tinh thần Pháp Hoa, việc quan trọng trên bước đường tu là phải nuôi lớn Báo thân Phật của chính chúng ta, tức nỗ lực tu hành phát triển hiểu biết, đạo hạnh giống như Phật, bằng với Phật.

Thấm nhuần sâu sắc tinh thần này, Nhật Liên thánh nhân được nhân dân Nhật kính trọng như Thượng Hạnh Bồ Tát, là một trong bốn vị Bồ-tát tùng địa dũng xuất của kinh Pháp Hoa. Ngài đả phá cực mạnh những ai tu hành mà chỉ lo cầu khẩn ông Phật bên ngoài. Vì càng chạy theo tìm kiếm cái gì ở ngoài ta, thì càng làm cho Phật bên trong ta ốm o, gầy mòn. Ngài đưa ra hình ảnh chim trong lồng lắng nghe tiếng chim bên ngoài hót mà nó hình dung ra bầu trời bao la, tự do, tươi mát. Chúng ta ví như chim trong lồng, gia công tu tập theo dấu chân Phật, để đánh thức được Phật tâm bên trong của chúng ta mới là việc chính yếu phải thực hiện.

Thiết nghĩ, mặc dù có Phật lực gia bị cho ta trên bước đường vượt 500 do tuần đường hiểm, nhưng điều cốt lõi là chúng ta nương theo lực của Phật để cải tạo thân tâm ta, thăng tiến lên địa vị hiền thánh, không phải núp bóng Phật để Ngài che chở cho ta mãi mãi. Chẳng thể có sự chở che của bất cứ vị Thánh nào lại dành cho những con người ăn bám, giúp đỡ những tâm hồn hèn mọn.

Với tinh thần huân tu để thành tựu thân thanh tịnh, hòa hợp, trang nghiêm bằng phước đức, trí tuệ ở ngay trên cuộc đời này, thể hiện rõ nét ý nghĩa thường trụ Tam bảo hiện hữu đầy đủ trong mỗi con người chúng ta.

Tóm lại, trên lộ trình Pháp Hoa, trở về với chính mình, tiến tu ngõ hầu phát huy đạo hạnh, tri thức, việc làm vô ngã vị tha, lợi lạc cho người. Theo thời gian tu học, hành Bồ-tát đạo, đến khi nào thân tâm chúng ta cũng kết tinh bằng phước trí vẹn toàn, viên mãn hạnh lợi tha như Đức Phật, thì chúng ta chính là Phật vậy.

II. PHẬT GIÁO, ĐẠO GIÁC NGỘ

Phật giáo có phải là một tôn giáo không? Có rất nhiều câu trả lời khẳng định cũng như phủ định, nhưng tựu trung, đó vẫn là một vấn đề khó khăn đối với các học giả nghiên cứu Phật giáo.

Khi Đức Phật tại thế, trong 5 năm tìm đạo, Ngài quan sát thấy các tôn giáo đương thời bày ra nhiều phương cách tu có tính cách mê tín, huyễn hoặc như tự hành hạ thân xác hay chủ trương hưởng thụ khoái lạc cùng cực, hoặc giết hại súc vật v.v… để cúng tế, cầu khẩn Thượng đế che chở, ban phước, và sau khi chết, mong được trở về làm con dân phục vụ cho Thượng đế.

Tất cả hiểu biết và hành xử sai lầm của hàng ngoại đạo bấy giờ là một đề tài lớn cho Đức Phật suy gẫm. Ngài suy tư đến cao độ, gọi là nhập thiền định, thấy được đáp số của vấn đề sanh tử, hiện hữu, chuyển biến đổi thay của muôn loài trong vũ trụ. Nói khác, Đức Phật đắc đạo, đạt đến đỉnh cao giác ngộ, thấy biết muôn sự muôn vật đúng như thật.

Từ đó, Ngài bắt đầu giáo hóa độ sanh, dạy người tu tập thiền quán để đạt hiểu biết đúng đắn, sống tự tại, an vui trong hiện đời và trong kiếp tương lai. ng dụng lời Phật dạy, phần lớn đệ tử Ngài đắc A-la-hán, giải thoát được phần vật chất và thức uẩn.

Quan sát người tu ở dạng thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, được thành quả giác ngộ như vậy, chúng ta thấy rõ đạo Phật chưa hề có chút biểu hiện nào của tôn giáo.

Tuy nhiên, vì có giáo chủ là Đức Thích-ca và tổ chức giáo đoàn gồm những vị đức hạnh, vượt trội hơn các tôn giáo khác, cũng như Ngài có truyền bá tư tưởng, người nghe theo được lợi lạc, sanh niềm tôn kính Phật và Thánh chúng. Vì vậy, Phật giáo được coi như một tôn giáo, mặc dù Đức Phật chưa bao giờ xác định lời Ngài dạy là một tôn giáo cần phải tuân thủ; và cũng chưa bao giờ Phật chủ trương thờ phụng, cúng bái Ngài hay bất cứ cái gì.

Nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt, các vị Tổ sư tiếp nối, thể hiện những tư tưởng và việc làm cao quý trong cuộc sống. Điều này tác động cho người tu ở thời kỳ Phật giáo phát triển hình dung ra mối quan hệ mật thiết, vô hình giữa Phật và chư vị thừa kế. Với lòng hoài vọng kính ngưỡng, họ bắt đầu tạc tượng Phật và Thánh chúng để tôn thờ, lễ lạy. Khởi điểm từ đây, Phật giáo mang màu sắc tôn giáo.

Trong thời kỳ này, các sư tụng niệm, lễ bái, cầu nguyện, tức thể hiện hình thức tín ngưỡng giống như các tôn giáo khác. Tuy nhiên, điều khác biệt chính yếu của Phật giáo là hành giả không hề phó thác vận mạng cho đấng sáng tạo hay thần linh, nhưng biết kết hợp việc cầu nguyện, lễ bái với công phu tu hành.

Thể nghiệm pháp này, tu sĩ Phật giáo Mật tông chuyên trì chú, cầu nguyện, nhờ lực siêu nhiên tác động qua con người thực. Khi kết hợp được với lực siêu nhiên, tức giữa hành giả và thiên nhiên hòa nhập thành một, tạo thành lực bất tư nghì, mà Mật tông tiêu biểu bằng đồ hình tổng thể Mạn-đà-la. Mặc dù cầu nương vào lực tam mật gia trì, nhưng hành giả Mật tông cũng phải tự tịnh hóa bản thân, đạt đến chứng đắc vô ngã vị tha, mới có thể sử dụng được toàn lực của tổng thể Mạn-đà-la. Thực tế cho thấy các tu sĩ Mật tông ở Tây Tạng thành tựu pháp, tạo được khả năng vượt hơn con người bình thường như đi trong hư không, đi trên nước dễ như đi trên đất liền hoặc nằm trên tuyết vẫn khỏe mạnh v.v… Đó là sự phát triển của Phật giáo Mật tông thể hiện rõ nét tính thần bí của tôn giáo.

Bên cạnh sự phát triển pháp tu mang đậm màu sắc thần bí của Mật tông, lại nảy sanh ý tưởng của những người kém cỏi hơn, không có khả năng kết hợp lực cá nhân và tổng thể. Họ cảm thấy thân phận bé nhỏ, cần nương tựa vào một lực khác để tồn tại, thăng hoa. Từ đó, hình thành pháp môn Tịnh độ, hành giả hướng tâm cầu nguyện Đức Phật A-di-đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, cũng cảm nhận an lành, quên đi oi bức của cuộc đời. Tất nhiên, gá tâm đến thế giới khác để cầu nguyện như vậy đã đi khá xa giáo lý chính thống của Đức Phật.

Khi tư tưởng của Tịnh độ tông không được chấp nhận nữa, chúng ta thấy phát sanh chủ trương quan sát ngược lại thời nguyên thủy, xem Đức Phật làm gì. Hiển nhiên, ai cũng biết Đức Phật do tu tập thiền định, khai mở tâm trí, thấy rõ chân lý và sử dụng phương tiện đưa người đến chân lý một cách toàn bích. Nhận thức sâu sắc điều đó dẫn đến sự ra đời của tông phái Thiền.

Thiền tông không trì chú hay sử dụng lực siêu nhiên như Mật tông và cũng không cầu tha lực như Tịnh độ tông. Hành giả cố tìm lại thời Phật tại thế tu tập và hành đạo như thế nào, đạt kết quả ra sao, để rồi suy tư và ứng dụng giáo lý nguyên thủy vào cuộc sống, ngõ hầu minh tâm, kiến tánh, trở thành thánh thiện, minh triết ngay trên cuộc đời này. Trên nền tảng ấy, hành giả không quan tâm đến cúng kính, lễ bái, nhưng đặt nặng vấn đề tham khảo công án hay thể nghiệm cuộc sống như Phật.

Tóm lại, kết hợp ba dạng thức tu của Mật tông, Tịnh độ tông và Thiền tông, chúng ta thấy được Thường Tịch Quang chơn cảnh. Nói khác, chúng ta hành thiền, lắng yên suy nghĩ xem thế giới mầu nhiệm Tịnh độ như thế nào, thế giới do lực siêu nhiên tác động như thế nào, và mang đối chiếu với cuộc sống của Phật cùng Thánh chúng để tự vạch cho mình cách hành xử trên lộ trình tu Bồ-tát đạo. Dần dần, chúng ta cũng đắc đạo, nhận ra được chân lý mà Phật và Thánh chúng đã chứng ngộ.

Trên bước đường tu, đối với chúng ta, Thường Tịch Quang chơn cảnh là thế giới quan lý tưởng với hiện hữu của Phật, Bồ-tát và Thánh chúng. Vì vậy, chúng ta không bao giờ rời bỏ thế giới đó. Làm thế nào để trực nhận bản tâm thanh tịnh của chính mình và hài hòa được với thế giới lý tưởng ấy, để trở lại thực tế hàng phục được mọi chướng ngại của thế giới Ta bà, khai tri kiến Phật cho chúng hữu tình ngay trên cuộc đời này.

Phật giáo là tôn giáo hay không phải là tôn giáo, thiết nghĩ chẳng có gì quan trọng. Làm sống dậy hình ảnh cao quý của Đức Từ Tôn, thể hiện cuộc sống thánh thiện như Ngài, mang tình thương, hiểu biết, an lạc, giải thoát cho mọi loài. Đó mới chính là những gì Đức Phật truyền trao cho hàng đệ tử và là chất liệu vô giá nối kết mạng mạch Phật giáo trường tồn hơn 25 thế kỷ.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.