Ý Nghĩa Pháp Y

Y là áo che thân, nhưng hàm chứa một kho tàng quý báu của Đức Phật gọi là pháp. Pháp vốn tịch diệt, không dùng lời nói chỉ bày được. Chính Đức Phật Thích Ca cũng xác định trong suốt 49 năm thuyết pháp, thực sự Ngài chưa nói một lời nào. Kinh Pháp Hoa mở ra pháp môn phương tiện để hiển bài tướng chân thật. Pháp y cũng thuộc phương tiện nhằm giúp chúng ta tu hành, đạt được giải thoát.

Vì pháp y tiêu biểu cho pháp Phật, nên không thọ được pháp mà đeo y, thì y chỉ là miếng vải không có tác dụng, không mang lại kết quả lợi lạc nào. Vì vậy, hành giả thọ pháp y phải chuẩn bị thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, tạo điều kiện để cảm Đức Phật qua trung gian Thầy. Hành giả không có cảm giác Thầy đeo và một miếng vải. Thầy truyền pháp không dùng lời nói, hành giả thọ pháp không cảm ơn. Trong một đạo tràng hoàn toàn yên tĩnh, tâm của đạo tràng hoàn toàn yên tĩnh, tâm của người thọ thật vắng lặng, tạo thành một sự cảm thông kỳ diệu nối liền giữa hành giả với Thầy và Phật.

Thọ pháp và đắc được pháp thì tâm tư và cuộc sống của hành giả phải đổi khác. Nhờ an trú trong pháp, hành giả trở thành người hiền lành, nhịn chịu được một cách dễ dàng mọi việc ác độc tràn đầy trong đời ngũ trược ác thế; vì vậy y này mang tên là Nhẫn nhục y.

Hành giả không bị giao động bởi trần lao chi phối, vì đã quan sát thấy được mọi việc, mọi loài trên thế gian đều do nhân duyên mà có, từ điên đảo vọng tưởng mà sanh. Từ đó, hành giả không quan tâm, tính toán; nhưng mọi việc tự giải quyết tốt đẹp, tâm được an nhiên tự tại, gọi là Giải thoát Y.

Trước khi thọ pháp, lòng hành giả nhiều tham muốn, nhưng đời sống thật là hẩm hiu và khó khăn, thậm chí không đủ cơm ăn áo mặc. Nay nhận chân được rằng y báo tùy thuộc chánh báo, chánh báo thanh tịnh, cao quý thì y báo mới tốt đẹp. Hành giả biết sống an vui với hoàn cảnh của mình, không khởi tâm tham lam, theo đuổi, mong cầu, chỉ một lòng an trụ pháp Phật, phước báo tự đến với hành giả. Nhờ đó, cuộc sống trở nên dễ dàng, sung túc hơn, nghĩa là hành giả đã nhận được Phước điền y.

Ngoài ra, y còn mang tên là Cứu mạng y, nghĩa là cứu được giới thân huệ mạng. Hành giả hiện hữu trên thế gian không phạm lỗi lầm, thân tâm thanh tịnh, trong suốt như lưu ly, bảo toàn được giới-thân-huệ mạng để làm hạt nhân thăng tiến trên lộ trình Bồ tát đạo.

Tôi cảm nhận pháp này một cách sâu sắc, dù xuất thân từ nơi biên địa hạ tiện, nghèo khổ; nhưng nhờ đời đời kiếp kiếp còn pháp y che chở giới-thân-huệ mạng, nên mới được xuất gia, sống trong chánh pháp và trở thành Pháp sư.

Từ khi thọ pháp, hành giả không bị phiền não nhiễm ô chi phối, tinh thần trở nên sáng suốt, hiểu biết chính xác; nói cách khác, hành giả nhận được Trí tuệ y.

Với Trí tuệ y, hành giả hiểu biết bằng trực giác, do trí tuệ vô lậu của Như Lai truyền đến. Và chỉ khi nào hành giả sống trong chân thật pháp thì trí tuệ hoàn hảo mới phát sanh.

Với 5 ý nghĩa trên, pháp y có 5 tên:

    Nhẫn nhục y

    Giải thoát y

    Phước điền y

    Cứu mạng y

    Trí tuệ y.

Tuy nhiên, pháp y còn có vô số ý nghĩa khác tùy theo trình độ tu chứng của mỗi hành giả cảm nhận khác nhau. Nhưng dù mang ý nghĩa nào, điều quan trọng là chiếc pháp y luôn giúp hành giả cảm nhận an lành, xa rời trần cấu và mỗi ngày sống gần với thế giới chư Phật hơn và là biểu tượng được nhiều người quý trọng.

* Về hình thức, pháp y có hình dáng một miếng vải vàng bao bọc lớp vải trắng bên trong. Lớp vải trắng, tiêu biểu cho tâm của người cầu pháp hoàn toàn trong trắng. Tâm trong sạch mới lãnh hội được pháp bí yếu của Đức Như Lai. Vì vậy, khi mang pháp y mà lòng hành giả gợn lên một niệm không thanh tịnh, phải biết ngay là mình đã rời pháp và phải lập tức trở về trạng thái thanh tịnh của tâm.

Lớp vải vàng bên ngoài, tiêu biểu cho Phật lực. Hành giả ý thức sâu sắc rằng sống trong đời ngũ trược khó có thể bình ổn tiến tu nếu không được Phật lực gia bị. Tuy nhiên, muốn nhận được sự hộ niệm của chư Phật, hành giả phải nương vào chư Tăng là sứ giả của Như Lai, thay thế Ngài hoằng truyền chánh pháp ở thế gian. Nhờ tâm thanh tịnh, hành giả thông được với tâm Tăng, nên tự nhiên cũng tương ưng được với tâm Phật.

Phần dưới pháp y có đai màu vàng, tiêu biểu cho ý nghĩa: hành giả tu theo Phật, hoàn toàn sống theo tinh thần Phật dạy, được lưu lại trong kinh điển. Hành giả không có suy nghĩ riêng theo ý mình, vì đã đặt trọn niềm tin tuyệt đối ở Đức Phật là Vị đại đạo Sư hoàn toàn sáng suốt. Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này là dùng niềm tin vào đạo. Niềm tin trong trắng của hành giả đối với Phật, đối với giáo pháp do Phật chỉ dạy, được tiêu biểu bằng miếng vải trắng được dấu trong ruột của pháp y. Chỉ có đai vàng bên ngoài thể hiện sự phát tâm của hành giả nghĩ theo Phật, nói theo Phật và làm theo Phật.

Trải qua quá trình tu hành 8 năm, trần lao nghiệp cấu của hành giả được đoạn sạch, nên cái đai màu vàng được đổi thành đai màu trắng.

Y thì vẫn màu vàng mang ý nghĩa rằng hành giả vẫn một lòng một dạ theo Phật, nhưng Y có đai màu trắng, thể hiện việc gánh vác Phật sự của hành giả bằng tâm trong sạch, thấy được việc nên làm, người nên tiếp xúc.

Ở giai đoạn trước còn mang y đai vàng thì hành giả không dám làm, không dám tiếp xúc với bên ngoài, vì tâm còn yếu kém, sợ bị nhiễm trần. Nhưng trải qua quá trình tu hành, tâm đã được chuyển hóa thành tốt đẹp, nên được phép tiếp cận với cuộc đời, ở trong mọi ngành nghề, mọi tình huống, đều thể hiện tâm trong sạch. Đây là mẫu người tiêu biểu cho đệ tử Phật, được nhiều người thương quý.

Trải qua thêm một thời gian 8 năm làm việc cho chúng hội đạo tràng, cho sinh hoạt Đạo pháp, hay phục vụ cho đời một cách tốt đẹp, tâm vẫn hằng thanh tịnh, an vui, là biết hành giả đã tiến tu đạo hạnh.

Với thành quả ấy, Thầy cho phép thọ y màu nâu tiêu biểu sức chịu đựng của hành giả. Dù việc tốt hay xấu, oan hay ưng dồn dập xảy đến, tâm hành giả vẫn thanh thản và đối xử bình đẳng với mọi người, mọi việc. Phần dưới y màu nâu là chiếc đai cũng màu nâu, thể hiện ý nghĩa dung hợp được tất cả.

Đức Phật dạy rằng, mọi vật từ đất sanh ra, công đức lành cũng từ tâm địa của người tu mà có được. tâm địa đó là sức chịu đựng mọi thứ xấu ác của thế nhân đổ dồn lên hành giả trên bước đường phục vụ chúng sanh. Chịu đựng với tấm lòng thanh thản, vui vẻ, tha thứ cho người vô tình hay cố ý gây khó khăn, ám hại hành giả. Có như vậy, hành giả mới hài hòa được với mọi người, nên tạo được phước đức, khiến người phải cảm mến, quý trọng, xứng đáng với Phước điền y mà hành giả thọ nhận từ Thầy.

Trước kia, pháp y có 8 cánh sen trắng tiêu biểu cho Bát chánh đạo. Nay chúng ta tu Bổn Môn Pháp Hoa lấy ý nghĩa “Hoa lạc liên thành”, nên 8 cánh sen được chuyển đổi thành 7 hột.

Con số 7 tiêu biểu cho pháp giới, trong đó vạn pháp đều thanh tịnh, nên tất cả công đức lành đều được dung nhiếp đầy đủ trong pháp giới. Đối với người tu, mọi công đức lành sanh ra từ bản tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì không thể nào có công đức; trái lại, tất cả việc làm, lời nói, suy nghĩ phát xuất từ bản tâm thanh tịnh thì đều dung nhiếp được mọi người, mọi việc.

Trải qua 16 năm tu học, cúng dường, công quả, hành giả đã rèn luyện được tâm trong sáng, thuần hòa, không nổi giận, buồn phiền trước cái đáng giận, đáng buồn. Tâm luôn hoan hỷ với mọi hoàn cảnh, trí luôn sáng suốt thấy biết đúng đắn và giải quyết việc hợp lý đạo, lòng từ không bao giờ bị tổn giảm vì ác duyên và việc làm luôn lợi ích cho người.

Thành tựu được như vậy, hành giả đã thọ lãnh được pháp Phật do Thầy truyền trao, xứng đáng được mặc pháp y, làm sáng danh Phật, rạng danh Thầy, gieo tiếng thơm cho đạo tràng và góp phần xây dựng thế giới Cực lạc tại nhân gian này.

HT. Trí Quảng

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/y-nghia-phap-y

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.