Công dụng trị bệnh của mâm ngũ quả ngày Tết

4. Xoài (Xài)

Xoài được coi là “vua trái cây”. Trong 100g phần ăn được của quả xoài chín có chứa các chất sau : Nước 86,5g; protid 0,6g; lipid 0,3g; glucid 15,9g; tro 0,6g; các chất khoáng vi lượng Ca 10g; P 15g; Fe 0,3g; các vitamin B1 0,06mg; C 36mg; beta-caroten 1880 microgam. Cung cấp 62 calo. (FAO.1976)

Như vậy, xoài chín chứa nhiều chất bổ dưỡng. Một miếng xoài 100g cung cấp 78% nhu cầu vitamin A mỗi ngày, 46% nhu cầu vitamin C, ngoài ra còn có vitamin E.

Ăn xoài chín giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm, phòng ngừa ung thư, giúp hạ cholesterol máu, hạ huyết áp, phòng bệnh mạch vành, ngừa ung thư ruột kết (do làm tăng nhu động ruột, chống táo bón). Tác dụng bổ não, có lợi cho người làm việc trí óc. Đặc biệt, xoài rất tốt cho hoạt động của thanh đới, chống khô cổ, khản tiếng (ca sĩ, phát thanh viên… nên dùng)

Xoài xanh có nhiều vitamin C, nấu canh chua với các loại cá đồng (cá rô, cá trê, cá lóc…) rất ngon lại có tác dụng giải nhiệt, chống mệt mỏi vào mùa hè. Tuy vậy, xoài xanh có nhiều chất chát có thể gây táo bón, không nên ăn lúc đói bụng. Ăn ít thì nhuận trường, ăn nhiều gây tiêu chảy. Sau bữa ăn no, bị sốt, vết thương mưng mủ, đái tháo đường không nên ăn xoài chín.

Tinh chất từ hạt xoài có thể giúp ngăn chặn nhiều loại vi khuẩn có hại, trong đó có listeria. Listeria là loại vi khuẩn có trong thực phẩm, nhất là các loại thịt đóng hộp, đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, người già, trẻ sơ sinh và người có hệ miễn dịch yếu. Theo các nhà nghiên cứu, người ta có thể tận dụng hạt xoài để chế biến một loại chất bảo quản thực phẩm tự nhiên chống nhiễm khuẩn listeria.

Theo Đông y, quả xoài vị ngọt, chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, kiện tỳ, tiêu trệ, chỉ thổ, giải khát, lợi niệu, trị ho, hoại huyết, tiêu hóa kém, phòng ngừa ung thư đại tràng và bệnh do thiếu chất xơ.

Hạt xoài có vị chua, chát, tính bình, dùng trị giun, kiết lỵ, tiêu chảy, giúp giảm đau, trị miệng khát họng khô, tiểu tiện không thông.

Vỏ trái xoài chín nấu thành cao lỏng, trị được bệnh ho ra máu.

Khi ăn xoài, cần lưu ý những điều sau đây:

– Tuy thịt quả xoài có tác dụng lợi tiểu, chữa hoại huyết, nhưng nếu ăn nhiều sẽ bị nóng, dễ sinh mụn nhọt, chảy ghèn ở mắt.

– Không nên ăn xoài sau khi dùng các thức ăn có nhiều gia vị cay, nóng như hành, tỏi, tiêu, gừng, ớt…

– Cách ăn xoài chín an toàn là xắt nhỏ, làm nhuyễn, không để cả lát to, không nhai dối, nuốt chửng (chú ý đối với trẻ em và người già răng yếu). Nên ăn xoài chín đến độ có thể bóc vỏ mà không cần dùng dao gọt vỏ.

– Tránh nhựa mủ ở vỏ, mủ xoài có chất độc gây nôn mửa, tiêu chảy, viêm da.

Sau đây là cách chế nước sinh tố xoài làm đẹp da:

Nguyên liệu: Xoài chín ½ quảchanh ½ quả, bưởi ½ quảmật ong ½ muỗng nhỏ,sữa chua ½  lynước đá một ít.

Cách làm: Tất cả cho vào máy xay sinh tố rồi ăn sau bữa ăn 2-3 giờ.

Làm săn da mặt bằng cách: Lá xoài tươi 50g, rửa thật sạch, giã nát, đắp mặt trong 20 phút rồi rửa sạch.

5. Sung (Sung túc)

Sung còn gọi là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả, thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt và cũng được trồng quanh bờ ao hoặc ven sông. Người ta dùng quả, lá sung làm thực phẩm và dùng cả nhựa, lá, vỏ cây để làm thuốc.

Trong 100g quả sung có chứa các chất sau: protein 1g, chất béo 0.4g, đường 12.6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0.4mg, caroten 0.05mg, dẫn xuất không protein 12.3g, khoáng toàn phần 3.1g.

Quả sung thường dùng muối ăn như cà muối, luộc ăn với nước chấm hoặc kho. Lá sung non có thể ăn sống như rau, lộc sung dùng gói nem.

Theo đông y, quả sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thủng, tiêu viêm, sát trùng, bổ huyết. Quả còn xanh dùng cầm tiêu chảy. Quả sung và lá non giúp lợi sữa cho sản phụ.

Nhựa mủ dùng bôi ngoài chữa các chứng sang độc, chốc lở, đinh nhọt, bỏng, các loại ghẻ. Cành lá và vỏ cây sung dùng chữa phong thấp, sốt rét, sản phụ ít sữa. Liều dùng 10-20g, sắc uống.

Trong sách Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã dùng nhựa sung chữa các loại đinh nhọt và dùng lá sung non chữa trẻ em bị lở ghẻ. Trong sách Bách gia trân tàng, Hải Thượng Lãn Ông dùng lá sung tật nấu nước cho uống và xông rửa mặt chữa trên mặt bị nổi từng cục u nhỏ sưng đỏ.

Ở Ấn Độ, rễ sung được dùng chữa lỵ, nhựa rễ cây dùng chữa tiêu khát (đái tháo đường); lá sung sấy khô, tán bột, trộn với mật ong chữa bệnh túi mật; quả dùng chữa rong kinh, khạc ra máu; nhựa sung dùng chữa bệnh trĩ và tiêu chảy.

Y học hiện đại cho rằng quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư. Ngày nay, cây sung còn được trồng trong bồn, chậu non bộ làm cảnh, rất được ưa chuộng.

6. Dứa – thơm (Thơm tho, Đa phúc lộc) 

Quả dứa có nhiều nước, vị ngọt pha chua rất ngon, mùi thơm đặc biệt, là một trong các thứ trái cây tươi được nhiều người ưa chuộng. Quả dứa có nhiều mắt nên được tượng trưng cho đa lộc, đa phúc.

Theo Đông y, dứa có vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, ngừng tả. Men dứa giúp dạ dày phân giải protein, làm thức ăn dễ tiêu. Sau khi ăn nhiều thịt, mỡ, ăn dứa rất có lợi. Ngoài ra, chất đường, muối và men trong dứa còn có tác dụng lợi tiểu, chữa viêm thận, cao huyết áp, phù thũng. Đối với bệnh viêm phế quản, ho, nó cũng có tác dụng điều trị hỗ trợ.

Tuy nhiên, có một số người sau khi ăn dứa xuất hiện hiện tượng dị ứng. Thường sau 15 phút hoặc 1 giờ, bệnh nhân thấy đau bụng, buồn nôn, đi lỏng, đồng thời có các biểu hiện mẫn cảm như đau đầu, chóng mặt, mẩn đỏ da, ngứa toàn thân, tay chân và lưỡi cứng đờ, nghiêm trọng hơn có thể ngất đột ngột. Do đó, những người bị dị ứng dứa không được ăn.

Trước khi ăn, có thể ngâm dứa trong nước muối để một phần acid hữu cơ bị phân giải, làm giảm nguy cơ ngộ độc dứa. Dứa sau khi xát muối ăn đậm đà, ngọt ngào hơn.

– Nước ép dứa:

Mỗi ngày, bạn hãy uống một ly nước ép dứa để ngừa ung thư. Nước dứa có khả năng kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào bệnh; kìm hãm khả năng di căn của các loại ung thư vú, phổi, đại tràng, buồng trứng và da. Không ăn hoặc uống nước ép dứa khi bụng đói.

Cũng giống đu đủ, dứa rất hữu ích trong việc làm mềm da, chứa ezym đặc biệt có tác dụng tẩy tế bào chết, đặc biệt khi thoa hoặc ngâm nước ép dứa ở những vùng da đầu gối, khuỷu tay, gót chân, v.v…

Lương y Đinh Công Bảy-VNE – Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM

http://phapbao.org

This entry was posted in Sức Khỏe, Đời Sống. Bookmark the permalink.