Vẻ đẹp của Yên Tử chính là sự kết hợp giữa núi non hùng vĩ, hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa, tháp ẩn hiện trong rừng thông, rừng trúc… tỏa bóng mát, khiến du khách thập phương quên đi hết những mệt nhọc với đường dốc cheo leo.
Từ Hà Nội đi xe máy hoặc ô tô vượt quãng đường 125km, qua thành phố Uông Bí rẽ vào đường Vàng Danh đi tiếp khoảng 9km nữa thì rẽ trái. Du khách có thể lên núi Yên Tử bằng hai cách. Theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1,2km lên tới độ cao 400 mét gần chùa Hoa Yên. Với cách này khách lãng du có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những cây tùng, cây đại hàng trăm năm tuổi xen lẫn trong những rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong lành. Cách thứ hai là theo đường đi bộ dài hơn 6km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông.
Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng Đông Bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, là nơi phát sinh thiền tông Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên trước đây thường được gọi là Bạch Vân sơn.
Trúc Lâm Yên Tử là một dòng thiền Việt Nam đời nhà Trần, do Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm cũng là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, tổ thứ hai của dòng thiền Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm có ba thiền sư kiệt xuất là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330) và Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334). Thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, dòng Yên Tử lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ thứ XII – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi.
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu nối hai bờ suối. Truyền thuyết kể rằng, cách đây trên 700 năm, vua Trần Nhân Tôn đã rời bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu hành, đến vùng đất Yên Tử thì ngài dừng chân. Lúc vua đi, có 300 cung tần mỹ nữ theo hầu. Khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nên các cung nữ lâm vào cảnh khó xử. Để giữ trọn đạo quân vương, các cung nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tôn đau xót, cho lập đàn cũng tế và đặt tên con suối ấy là suối Giải Oan. Hiện nay suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, bốn mùa nước trong vắt như những giọt nước mắt của giai nhân.
Tiếp đến là chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 534 mét, nơi có hai cây đại (hoa sứ trắng) 700 năm tuổi. Phía trên độ cao 700 mét là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 mét. Dọc đường đi lên chùa Đồng còn có một số điểm tham quan như tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân…
Đến Yên Tử mà chưa lên chùa Đồng quả thật là một thiếu sót lớn. Chùa tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 mét, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, năm 2007, chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m; rộng 3,6m; cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn). Ngôi chùa trông như một đài sen, nơi thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm.
Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh chùa Đồng là khoảng 6.000 mét với hơn 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi… Tuy nhiên, hành trình này ngày nay đã không còn vất vả như xưa nữa vì hệ thống cáp treo đã được hoàn thành vào năm 2002, đưa du khách lên đến gần chùa Hoa Yên.
Mặc dù đã có hệ thống cáp treo, nhưng du khách muốn lên đến chùa Đồng cũng phải leo bộ hơn 1km đường núi gập gềnh trong gió rét. Tuy rất mệt nhưng bù lại, du khách có thể tận hưởng cảm giác bay bổng, phiêu du như đang đi trong mây.
Khi trời quang, mây tạnh, từ đỉnh núi cao 1.068 mét này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc với những đảo nhỏ thấp thoáng trong vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng.
Yên Tử ngày càng thu hút khách thập phương bởi vẻ đẹp mênh mang của nó. Mỗi độ xuân về du khách thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng Ba.
Yên Tử ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương bởi vẻ đẹp mênh mang của núi rừng. Mỗi độ xuân về du khách thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng Ba trong tiết trời mù sương. Những khi trời quang, mây tạnh, từ đỉnh núi cao 1.068 mét này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vỹ. Trong ảnh là chiếc khánh ở chùa Đồng.
Hành trình Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan. Trong ảnh là chiếc cầu bắc qua suối Giải Oan.
Lối đi lên chùa Giải Oan.
Chùa Giải Oan, còn gọi là chùa Hạ, một trong ba ngôi chùa chính trên núi Yên Tử (chùa Trung là chùa Hoa Yên; chùa Thượng là chùa Đồng). Chùa Giải Oan là ngôi chùa đầu tiên trong hành trình chinh phục Yên Tử, có cấu trúc hình chữ “đinh”, bao gồm 5 gian và hậu cung.
<!-nextpage–>
Hệ thống cáp treo ở Yên Tử có công suất vận chuyển mỗi giờ được 2.000 lượt người.
Tháp Huệ Quang được xây dựng vào năm 1309 (Kỷ Dậu), thờ đệ nhất tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn, pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà, pháp hiệu Trúc Lâm Đại Sỹ, (1258-1308) cùng các thiền sư đã tu đạo lâu năm và qua đời tại đây.
Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 534m. Đây là ngôi chùa to và đẹp nhất ở Yên Tử nên còn được gọi là chùa Cả. Chùa này vốn được dựng từ đời Lý, tên là Phù Vân; tới đời Trần đổi tên là Vân Yên; vào đời Lê, vua Lê Thánh Tông ngự du thăm chùa, thấy hoa cỏ xanh tươi, mới đặt tên là Hoa Yên.
Cây đại trên 700 tuổi ở chùa Hoa Yên.
Qua khỏi chùa Hoa Yên một đoạn thì có ngôi chùa nằm chênh vênh bám vào lưng vách núi. Đó là chùa Một Mái (hay Bán Mái), tên chữ là Bán Thiên Tự (chùa nằm giữa lưng trời). Xa xưa, nơi đây chỉ có một am nhỏ gọi là am ly trần (cách biệt với trần thế). Trần Nhân Tôn thường đến đây đọc sách, soạn kinh. Các văn từ, thư tịch được lưu trữ ở đây, sau khi đức vua Trần hiển Phật, người sau mới lập chùa ở am này. Chùa chỉ có một mái, nhìn như ngôi chùa ăn sâu vào hang đá núi.
Trong chùa gồm ba gian tương ứng với ba bàn thờ, gồm ban thờ Tổ, bàn thờ Tam Bảo, bàn thờ hậu phía trong cùng thấp hơn hai ban ngoài. Do không gian chùa hẹp nên các ban thờ cũng phải cân xứng với kích thước của chùa và các pho tượng thờ cũng có kích thước nhỏ.
<!-nextpage–>
Có huyền thoại kể về dòng “sữa mẹ” và “đụn gạo”. Đụn gạo nay không còn nhưng du khách có thể thấy một hốc nhỏ có mạch nước ngầm theo vách đá chảy ra và được ví von, gọi đó là dòng Sữa Mẹ không bao giờ cạn.
Mặc dù đã có hệ thống cáp treo nhưng du khách vẫn phải đi bộ, leo dốc hơn một cây số đường đá lởm chởm để lên được chùa Đồng.
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 mét, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, năm 2007, chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m; rộng 3,6m; cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn). Ngôi chùa trông như một đài sen, nơi thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm.
Theo Sao Mai- Daophatngaynay
http://phapbao.org