Mối liên hệ bí mật giữa béo bụng và bệnh tim

Cho đến bây giờ ai cũng biết rằng những người quá cân có nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và một số vấn đề nảy sinh từ hiện tượng tắc nghẽn động mạch rất cao. Và những người có lượng cân thừa tập trung vùng eo với cái bụng bia bự hay còn gọi bụng “quả táo” là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Chuột bình thường (bên trái) và chuột béo phì khuyết gen sản xuất leptin (bên phải) đã giúp nhóm nghiên cứu đại học Michigan phát hiện hiện tượng tấy đỏ ở vùng chất béo quanh bụng có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch. (Ảnh: Image courtesy of University of Michigan Health System).

Mặc dù có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người nhưng các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được mối quan hệ giữa bệnh tim và hiện tượng béo bụng. Hiện có một nghiên cứu mới thực hiện trên chuột đã đưa ra được bằng chứng đầu tiên giải thích sự tồn tại của mối liện hệ này, đồng thời cung cấp những kiến thức đầu tiên để ngăn chặn nó.

Nhóm các nhà khoa học thuộc đại học trung tâm Michigan Cardiovascular đã chứng minh cósự tồn tại quan hệ giữa sự tấy đỏ xung quanh tế bào tích tụ chất béo vùng bụng và quá trình xơ cứng động mạch gây ra chứng xơ vữa động mạch. Họ cũng cho biết loại thuốc cấp cho bệnh nhân tiểu đường có thể được dùng để hạn chế sự sưng tấy này, và ngăn ngừa tổn thương động mạch về sau.

Mặc dù các nhà khoa học cũng cảnh bảo rằng còn quá sớm để ứng dụng với bệnh nhân béo bụng, nhưng họ hy vọng những nghiên cứu sâu hơn trên người và động vật sẽ tiết lộ được nhiều điều: mối quan hệ nguy hiểm này xảy ra như thế nào, tại sao lại có nó, làm thể nào để đảo ngược, và làm cách nào để chẩn đoán ngay từ giai đoạn đầu thông qua xét nghiệm máu.

Cho đến khi đó, lời khuyên hữu ích nhất dành cho những người quá cân muốn giảm nguy cơ mắc bệnh tim hay đột quỵ vẫn là: giảm cân thừa ở bụng, giảm cân thừa trên toàn cơ thể bằng cách áp dụng một chế độ ăn cân bằng, đảm bảo cùng với tập luyện thường xuyên.

Chỉ đạo nghiên cứu là tiến sĩ đồng thời là bác sỹ chuyên khoa tim – Daniel Eitzman, nhà khoa học và phó giáo sư chuyên khoa tim mạch tại đại học y Michigan và cơ quan VA Ann Arbor Healthcare System.

Một phần kết quả nghiên cứu diễn ra rất tình cờ. Ông và đồng nghiệp đang nghiên cứu chuột khuyết gen quy định leptin (một loại hooc-môn sản sinh bởi tế bào nhiều chất béo giữ vai trò quan trọng trong việc gây ra cảm giác thèm ăn, trong quá trình trao đổi chất cũng như sinh sản). Trong khi nỗ lực bắt những con chuột béo phì sản xuất leptin, đội nghiên cứu đã phát triển kĩ thuật cấy một nhóm tế bào nhiều chất béo từ những con chuột bình thường cùng giống vào chuột khuyết leptin.

Và kết quả đã làm họ ngạc nhiên, Eitzman cho biết: “Thay vì sản xuất ra leptin và ngăn chặn béo phì, những tế bào được cấy tấy đỏ nên đã thu hút tế bào miễn dịch macrophage. Vì những con chuột này giống hệt nhau về mặt di truyền chỉ trừ gen sản xuất leptin, nên lẽ ra hiện tượng này không thể xảy ra. Thế nhưng các tế bào đã bị tấy đỏ và nó còn lặp đi lặp lại”.

Hiện tượng tấy đỏ xảy ra xung quanh các tế bào nhiều chất béo hay còn gọi là tế bào adipocyte. Những thí nghiệm sau đó đã chứng minh hiện tượng nói trên được điều hành bởi những nhân tố điều hành hiện tượng tấy đỏ xảy ra ở vùng tích tụ chất béo tự nhiên trên chuột bị béo phì, cụ thể là một loại chemokine có tên MCP-1. Nhưng vì chất béo được cấy vào nên hiện tượng tấy đỏ có liên quan trực tiếp đến chất béo chứ không phải do cho những con chuột ăn quá nhiều hay do rối loạn trao đổi chất gây ra bởi hiện tương ăn nhiều và béo phì.

Cùng với phát hiện này, các nhà khoa học đã tiến hành tìm hiểu cái gì đã gây ra sự tấy đỏ, và nó có ảnh hưởng gì. Đội nghiên cứu bao gồm Miina Öhman – hậu tiến sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ triết học, giáo sư U-M Daniel Lawrence – tiến sĩ triết học, và các thành viên trong đội của Eitzman và Lawrence.

Họ đặc biệt quan tâm tới việc liệu có mối liên hệ nào giữa sự tấy đỏ và chứng xơ vữa động mạch hay không – đây là một cái tên chỉ quá trình mạch máu trở nên cứng lại, hẹp và nhăn nheo do các mảng bám gây ra hiện tượng nghẽn máu.

Hiên tượng này xảy ra trên khắp các mạch máu trong cơ thể gây ra những cơn đau tim và đột quỵ. Các nhà khoa học và thầy thuốc đã nhận ra nguyên nhân là do sự tấy đỏ – đây là phản ứng không bình thường của hệ miễn dịch đối với các mô trong cơ thể. Tế bào miễn dịch cùng các phân tử có thể đã gây ra tổn thương này.

Vì những con chuột bình thường không bị xơ vữa động mạch, đội nghiên cứu phải chuyển sang một giống đặc biệt có nguy cơ cao bị xơ cứng động mạch và lượng cholesterol cao. Những con chuột được gọi là ApoE-negative chia thành 3 nhóm: 2 nhóm được cấy tế bào nhiều chất béo từ chuột bình thường, và một nhóm không bị cấy nhưng phải trải qua một cuộc phẫu thuật dùng để cấy chất béo sang những con chuột khác.

Một số chuột ApoE-negative được cấy chất béo nhận chất béo từ vùng bụng bao quanh một số cơ quan chủ chốt, còn số khác lại nhận từ chất béo dưới da trên cơ thể. Những con chuột nhận chất béo vùng bụng chẳng mấy chốc mắc chứng xơ vữa động mạch, chúng cũng bị hiện tượng tấy đỏ tương tự như những con chuột thiếu leptin. Trong khi đó, những con nhận chất béo dưới da lại không bị xơ vữa động mạch mặc dù chúng cũng bị tấy đỏ. Còn những con chuột bị giả phẫu thuật không hề gặp hiện tượng tấy đỏ hay xơ vữa động mạch.

Eitzman, người đã nói rằng các mạch máu nằm xa vị trí phần chất béo được cấy ghép mắc chứng xơ vữa động mạch, cho biết: “Dường như có sự tương tác giữa tế bào miễn dịch macrophage gây ra sưng tấy ở vùng béo bụng và quá trình xơ vữa động mạch”.

Cuối cùng đội nghiên cứu đã hạn chế sự sưng tấy và hiện tượng xơ vữa động mạch nhờ chữa trị bằng pioglitazone – đây là một loại trong nhóm thuốc thiazolidinedione (TZD) thường được dùng để chữa tiểu đường. TZD có tác dụng với quá trình trao đổi chất nên rất công hiệu khi chữa tiểu đường. Chúng cũng được phát hiện là có hiệu quả trị sưng tấy.

Thực ra loại thuốc này vừa giảm mật độ macrophage và MCP-1, vừa hạn chế xơ vữa động mạch ở chuột được cấy ghép chất béo vùng bụng; nhưng lại không phát huy tác dụng ở những con chuột khác.

Hiện các nhà khoa học đã chứng minh được sợi dây liên kết giữa béo bụng, sự sưng tấy và hiện tượng động mạch xơ cứng. Đồng thời họ khám phá một phương pháp tiềm năng nhằm đảo ngược hiện tượng này. Hiện nhóm vẫn đang tìm hiểu khía cạnh khác của vấn đề.

Họ đang tìm kiếm nhân tố khiến tế bào macrophage xâm nhập vào vùng chất béo và gây ra sưng tấy. Những phân tử sản sinh tế bào máu có thể được sử dụng như một phương thức nhận biết dấu hiệu cảnh báo ban đầu của chứng xơ vữa động mạch. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu các nhóm dược phẩm khác để tìm hiểu xem liệu chúng có hiệu quả tích cực nào không, do TZD ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể và gây ra một vài phản ứng phụ.

Nghiên cứu được đăng tải trực tuyến trên tờ Circulation ngày 22/1/2008 và sẽ được xuất bản vào tháng 2 tới.

Cùng tham gia nhóm nghiên cứu với Eitzman, Öhman và Lawrence còn có tiến sĩ Yuechen Shen, Chinyere Obimba – cựu sinh viên đại học Michigan hiện đang là sinh viên đại học Y Harvard, Andrew P. Wright – cựu sinh viên U-M và hiện là sinh viên trường y Michigan, và Mark Warnock. Nghiên cứu được Viên tim, phổi, máu quốc gia tài trợ.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)

http://www.khoahoc.com.vn/doisong/yhoc/suc-khoe/19127_Moi-lien-he-bi-mat-giua-beo-bung-va-benh-tim.aspx

This entry was posted in Sức Khỏe, Đời Sống. Bookmark the permalink.