Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa

động vật xuất hiện rất sớm trên Trái Đất, qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, cấu tạo, đời sống, đặc điểm của loài ngựa dần dần ổn định. Từ xưa, ngựa đã có vai trò quan trọng, gần gũi với cuộc sống con người. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, nhìn nhận hay đánh giá toàn diện về ngựa trở thành một vấn đề hấp dẫn mà nhiều người quan tâm…

Nguồn gốc và lịch sử phát triển.

Theo phân loại động vật, họ Ngựa (Eqdae) thuộc bộ Ngón lẻ (perrisodactyla), xuất hiện cách đây chừng 55 – 60 triệu năm. Thủy tổ sớm nhất của chúng là loài động vật được gọi là Eohippus, hoặc tên khoa học là Hyracotherium. Ngựa thuở sơ khai có tầm vóc chỉ nhỏ bằng con cáo, sống trong các vùng rừng Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, ăn lá cây bụi, chân trước có bốn ngón và ba ngón ở chân sau.

Qua nhiều triệu năm, các thế hệ của loài động vật nhỏ bé này mới tiến hóa thành giống ăn cỏ lớn hơn, có ba ngón và sau đó chỉ còn một ngón duy nhất ở tất cả các chân. Trước tiên, giống ngựa ăn lá cây, mang tên Meso-hippus rồi đến Parahippus có răng nhai với thân răng thấp.Cách đây khoảng 23 – 25 triệu năm, đồng cỏ bẳt đầu thay thế các vùng rừng ở Bắc Mỹ. Để thích nghi với môi trường mới, chân ngựa tiến hóa dài hơn nên có thể di chuyển nhanh khắp các vùng rộng lớn kiếm tìm cỏ và chạy trốn khi bị mãnh thú săn đuổi, đồng thời thân răng nhai cao hơn để phù hợp với thức ăn là loại cỏ thô ráp. Giống ngựa ăn cỏ sớm nhất là Merychippus, rồi dần dần được thay thế bởi giống Plio-hippus là loại ngựa một ngón đầu tiên. Giống ngựa này sinh ra Equus từ cách đây khoảng hai triệu năm.

Giống ngựa Equus bao gồm nhiều loài, nhưng chỉ có hai loài Przewalski và Tarpan là sống sót được qua thời kỳ Trái Đất bị băng phủ (thời kỳ băng hà, cách đây chừng 11.000 – 15.000 năm). Ngựa Plzewalski có nguồn gốc ở các vùng thảo nguyên Mông Cổ, hiện tại chỉ còn vài chục con sống hoang dã tại vùng núi Tachin Shara Nuru và được gây nuôi, bảo tồn ở một số vườn thú lớn. Còn ngựa Tarpan nguồn gốc ở miền Nam nước Nga, những thế kỷ trước chúng sống khá nhiều ở Đông Âu nhưng hiện tại không còn nữa do bị săn bắt và con cuối cùng bị giết chết năm 1851 tại một vùng núi của Ucraina. Hai loài ngựa đó được coi là thủy tổ gần nhất của các loài ngựa trên thế giới ngày nay.

Đặc điểm sinh học và đời sống.

Tất cả các loài ngựa hiện nay đều là thú ngón lẻ vì chỉ có một ngón (móng guốc) rất phát triển ở mỗi chân. Mặt ngựa dài đặc trưng, các giác quan nhạy cảm và mồm hơi hẹp, răng to, mắt tinh, tầm nhìn xa rộng nhưng lại kém về xác định màu nên chỉ phân biệt được bốn màu là: đỏ, vàng,xanh lá cây và xanh da trời. Tai ngựa khá to, có thề cử động dễ dàng và rất thính. Mũi ngựa đánh hơi và phân biệt mùi giỏi, có thể nhận biết hơi lạ – quen ở cách xa hàng trăm mét. Ngựa là động vật thông minh, có khả năng ghi nhận, phán đoán và trí nhớ tốt. Cả cổ, mình lẫn chân ngựa đều khá dài, khỏe và linh hoạt. Toàn thân ngựa được phủ một lớp lông ngắn, mịn nhưng lông phía trên cổ (bờm), sau gót chân và đuôi thì rất dài, hơi xù. Phần lớn các loài ngựa chỉ mang một màu lông, dù gam sắc đa dạng: trắng, hồng, vàng, xám, nâu, đen,… Một số ít loài có 2 – 4 màu lông (ngựa khoang). Ngựa vằn châu Phi lại mang sắc lông ngộ nghĩnh, độc đáo: nền trắng hoặc vàng trắng làm nổi bật những sọc đen hoặc nâu đen xen kẽ.

Ngựa ăn cỏ và lá các loại cây thân bụi. Chúng sống ở vùng quang đãng, mang tính quần thể gia đình. Hành vi của chúng rất đa dạng, thể hiện sinh động các cảm xúc: ngựa sửng sốt thì ngẩng cao đầu, hai tai vểnh sang hai bên; phân vân thì một tai hướng về phía trước, tai kia hướng về phía sau; quá đói thì liên tục dùng chân gõ đất; sợ hoặc cáu thì đá hậu; tức giận thì dướn miệng, nhe răng, tai cụp về phía sau; gọi bạn hoặc báo động nguy hiểm thì hí dài.v.v…. Chúng chạy nhanh, đi xa để kiếm thức ăn, tìm nước tránh ruồi muỗi khi thời tiết nóng bức và trốn sự săn đuổi. Ngựa có thể chạy với tốc độ 25 – 40 km/giờ trong nhiều giờ: ở cự ly ngắn tốc độ chạy của chúng đạt tới 65 -70 km/giờ.

Ngựa giao phối vào mùa xuân và thường đẻ một con (hiếm khi sinh đôi) sau khi mang thai khoảng 335 – 340 ngày (riêng ngựa vằn khoảng 370-375 ngày). Sau khi đẻ chừng một giờ, ngựa con có thể đi lại được và nó ăn thêm cỏ chỉ sau vài tuần dù ngựa mẹ thường cho con bú tới một năm. Được 2,5 – 4,5 tuổi, ngựa con hoàn toàn trưởng thành, có khả năng rời đàn, lập ra nhóm mới và đạt tầm vóc tối đa. Trong họ hàng nhà ngựa, tầm vóc các loại rất khác nhau: lớn nhất là loài Shire ở Anh, trung bình cao (tính tới đỉnh vai) 170 – 190 cm, nặng 700 – 1.100 kg; còn nhỏ nhất là loài Falabella ở Achentina chỉ cao 45 – 80 cm. Tuổi thọ của các loài ngựa cũng rất khác nhau, nói chung khoảng 18 – 40 năm, con sống lâu nhất được 60 năm.

Giá trị của ngựa đối với con người.

Ngựa mang những giá trị tâm linh đặc biệt, được nhiều dân tộc quý trọng và sùng bái. ở nhiều nơi, ngựa là hiện thân của may mắn, hạnh phúc. Tại Tây Âu và Nam Á, mơ thấy ngựa hoặc ra đường gặp ngựa là điềm may. Bộ tộc Bouriate có tập tục buộc ngựa của người mắc bệnh vào gần chỗ nằm để bệnh nhân gần ngựa mà chóng khỏi. Người La Mã thường cúng thần Mars (Sao Hỏa – Thần Chiến tranh) một con ngựa trước cuộc xuất binh hoặc mùa thu hoạch để hy vọng thắng lợi. Ở Aiien, trong ngày lễ thánh Jean, những người nông dân thường hân hoan rước và chào đón một chú ngựa to làm bằng gỗ, mà theo họ, là biểu tượng cho tất cả gia súc.

Ngựa được coi là linh vật liên quan mật thiết với nước. Tại Nam Âu người ta quan niệm con ngựa nào đi qua vùng hạn hán mà đột nhiên dừng lại, đập mạnh móng xuống đất thì trời sắp mưa hoặc có mạch nước ngầm ở đó. Bộ tộc Bambara ở Mali trong các lễ cầu mưa thường cưỡi những con ngựa gỗ có cánh tượng trưng cho các thần linh mà họ cầu khẩn đem mưa tới. Ngư dân một số vùng ở Ấn Độ, Hy Lạp, Nga… nếu muốn đánh bắt được nhiều cá thì thường cúng dâng ngựa cho thần biển, thần sông.

Ngựa còn được tôn vinh là biểu tượng của sức mạnh, của năng lực sáng tạo, của tuổi trẻ. Đạo Veda của Ấn Độ khẳng định điều này và vị thần Ashvin hiện thân cho tri thức mang dáng đầu người mình ngựa (nhân mã). Dân Mông Cổ coi ngựa là điển hình của sự thông tuệ và hùng hậu. Các bộ tộc Ural – Altai (Bắc Á) coi ngựà là biểu tượng tươi trẻ,là chủ thể sung mãn của sự sinh sản.

Ngựa từng là đối tượng phổ biến được dùng sức cho công việc kéo, chở, thồ hàng và cày ruộng. Ngày nay, những nhu cầu đó vẫn rất thịnh hành tại các nước đang phát triển ở Châu Á, Bắc Phi và Mỹ Latinh. Còn tại những nước phát triển, việc sử dụng sức ngựa hạn chế hơn do có nhiều máy móc hiện đại thay thế, nhưng ngựa vẫn được dùng trong một số lĩnh vực truyền thống. ở Scotland, Hà Lan, Mỹ, Canađa, ngựa lùn được dùng dưới hầm mỏ đế kéo than từ vỉa quặng và để kéo thuyền dọc kênh đào… Thuật ngữ chỉ công suất của động cơ vẫn mang danh “sức ngựa” – mã lực (ký hiệu CV): 1 mã lực hệ Anh, Mỹ tương đương công suất 745,5 oát (W) và 1 mã lực hệ Pháp tương đương 735,5W. Ngựa cũng được sử dụng trong các họạt động thể thao và nghệ thuật. Ngay từ khoảng năm 1500 trước Công nguyên, cuộc đua xe ngựa sớm nhất đã diễn ra tại Hy Lạp. Tiếp đó, phong trào đua xe ngựa và đua cưỡi ngựa lan khắp thế giới. Đua xe bốn ngựa còn trở thành một môn tham gia Đại hội thể thao Olympic thời xưa (lần đầu diễn ra năm 776 trước Công nguyên). Tới cuối thế kỷ 11, những cuộc đua ngựa trên đất bằng phẳng đầu tiên được tổ chức tại Anh. Vào thời Phục Hưng ở Châu Âu, một số trường học bắt đầu dạy thuật cưỡi ngựa cổ điển. Năm 1750, câu lạc bộ đua ngựa chuyên nghiệp được thành lập tại Anh và đến năm 1775 thì đua ngựa bắt đầu ở Nga…Ngày nay, ngoài đua ngựa, còn nhiều môn khác như ngựa việt dã vượt rào, nhảy qua chướng ngại vật, lội nước.v.v… và đặc biệt là môn polo (cưỡi ngựa đánh bóng). Những môn thể thao ngựa mang tính nghệ thuật làm nảy sinh hình thức xiếc ngựa. Đến thế kỷ 18, biểu diễn xiếc ngựa đã có ở nhiều nơi nhưng tại Châu Âu là rầm rộ nhất với loại sân khấu xiếc độc đáo hình tròn, đường kính 13m. Người ta huấn luyện cho ngựa làm được nhiều trò xiếc phức tạp và hấp dẫn như: tìm đồ vật, làm toán, nhảy múa theo nhạc, đi và nhảy bằng hai chân sau, nhảy dây, di chuyển đội hình, lao qua vòng lửa, đi trên bán cầu trơn mà không ngã, tung hứng trên lưng ngựa v.v..

Do ưu điểm nhanh, khỏe, thông minh, dễ dạy bảo, giỏi chịu đựng, ngựa hiện nay vẫn được sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Tại các nước có địa hình hiểm trở, ngựa là phương tiện đi lại, tuần tra hữu hiệu của lính biên phòng ở Mỹ, Braxin, Anh, Bồ Đào Nha người ta còn dùng ngựa trong ngành cảnh sát…ở các nước phát triển, người ta hay dùng ngựa cho thí nghiệm khoa học, dịch vụ du lịch hoặc trong các lễ nghi trọng đại .v.v.

Nhiều bộ phận từ cơ thể ngựa đều có thể dùng làm thực phẩm và làm đồ dùng hoặc làm thuốc (như cao xương ngựa, huyết thanh ngựa chửa v.v..).

Trên thế giới hiện nay có hơn 100 loài ngựa, tổng số khoảng 74 triệu con. Nhiều nhất là châu Mỹ: 36,8 triệu con, tiếp theo là Châu Á -19,2 triệu con (riêng Vệt Nam -138 ngàn con), Châu Âu – 10,3 triệu con, châu Phi – 6,9 triệu con, châu Đại Dương – 0,8 triệu con. Nhìn chung, ngựa là con vật có nhiều công dụng nhất, được dùng vào nhiều việc nhất và cùng với chó, mèo, nó gắn bó rất gần gũi với người. Chính vì vậy, người ta rất quan tâm và trọng dụng ngựa. Các trại nuôi ngựa chương trình nghiên cứu ngựa, dự án lai tạo ngựa, hội bảo vệ ngựa, quỹ cứu trợ ngựa hoang… có ở nhiều nơi. Một số nước (Hà Lan, Hunggari…) còn long trọng dành riêng cho ngựa một ngày Tết đặc biệt hàng năm. Ngày Quốc tế Ngựa được người ta quy định 4 năm một lần vào chủ nhật tuần thứ hai của tháng 10 (gần đây nhất là năm 1998). Trong tương lai, con người chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố, phát triển loài động vật rất phổ biến, gần gũi và hữu ích này.

XUÂN HỒNG

http://www.vinachem.com.vn/Desktop.aspx/Xuat-ban-pham/6/21/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.