Năm Con Ngựa, Tản Mạn Vài Chuyện Ngựa

“BÒ KHÔNG THỂ ĐẺ RA NGỰA”

Vua Hoàn công nước Tề, một hôm đi săn, đuổi một con hươu chạy vào trong cái hang có một ông già đang ở. Vua hỏi hang nầy tên là hang gì, ông lão nói:

–  Tên là hang Ngu công.

–  Vì sao mà đặt tên như thế?

– Tại kẻ hạ thần nầy mới có cái tên ấy.

–  Coi hình dáng lão cũng không phải là người ngu, tại sao đặt tên cái hang như thế?

–  Để hạ thần xin nói: “Nguyên hạ thần có nuôi một con bò cái, đẻ được một bò con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đem đi bán, lấy tiền mua một con ngựa đem về nuôi chung với bò cái trong cùng một chuồng. Một hôm có một chàng thanh niên đến, lấy lý rắng bò không thể đẻ ra được ngựa nên bắt ngang con ngựa đem đi. Thần cô thế không cãi lại được, đành phải chịu mất con ngựa, do đó mọi người đều cho thần là ngu và đặt tên cái hang nầy là hang Ngu công.”

Hôm sau, trong buổi chầu, Hoàn công đem câu chuyện nói trên kể lại với quan Tướng quốc là Quản Trọng, tức Quản di Ngô. Ông nầy nói: “Đó chính là cái ngu cuả Di Ngô nầy chứ không phải cuả ông Ngu công nào cả. Thần làm Tướng quốc mà không giúp được gì cho Chúa công trong việc sửa sang phép nước, đến nỗi có người dám ngỗ ngược lấy không ngựa cuả người ta như vậy thì rõ ràng hình pháp ngày nay không ra gì. Vậy xin nhà vua kíp chỉnh đốn kỷ cương để cho người dân thấp cổ bé miệng như ông Ngu công nầy khỏi bị người ta ức hiếp…”

Nhà học giả Nguyễn văn Ngọc, trong sách Cổ học tinh hoa, khi đề cập đến chuyện nầy đã bình luận như sau:

“Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu mang cái tiếng là “ngu” vì trong ý lão nghĩ rằng gặp thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung bạo, thà để êm chuyện đi còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi mất cả bò và bao nhiêu tiền bạc, thì giờ vào đấy nữa. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi cuả mình, thế là có tinh thần trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác…”.

Nhìn lại thế giới ngày nay, có nhiều nơi còn tồn tại rất nhiều tệ nạn bất công, tham nhũng, cướp giật, băng đảng, mạnh đuợc yếu thua, khôn sống mống chết, khủng khiếp gấp trăm ngàn lần so với chuyện cướp ngựa nói trên, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận trách nhiệm về mình mà chỉ đổ cho hoàn cảnh, môi trường, hoặc cấp trên đổ cho cấp dưới, ngành nọ đổ cho ngành kia, nhiều lúc những người có lỗi lại được thăng quan tiến chức, so với Quản Trọng ngày xưa thật khác nhau một trời một vực.

BỘ XƯƠNG NGỰA GIÁ 500 NÉN VÀNG

Đời Chiến quốc, vua Chiêu vương nước Yên muốn báo thù nước Tề, vì các đời vua trước từng bị nước Tề đánh bại. Một hôm nhà vua nói với quan Tướng quốc là Quách Ngỗi rằng:

–  Mối nhục cuả tiên vương, ngày đêm ta vẫn hằng ghi nhớ. Nếu bây giò có được người hiền trợ giúp cùng mưu việc đánh Tề thì ta sẽ hết lòng trọng dụng. Vậy tiên sinh hãy vì ta mà tìm xem ai là người hiền để ta mời về cộng tác.

Quách Ngỗi nói:

–   Ngày xưa có một vị vua sai một viên quan đem nghìn nén vàng đi tìm mua một con thiên lý mã, giữa đường gặp một con ngựa chết mà có một số đông người xúm lại tỏ lòng thương tiếc. Viên quan bèn dừng xe, hỏi thăm duyên cớ thì người ta trả lời rằng đó là một con thiên lý mã, mỗi ngày có thể đi được hàng nghìn dặm, nay tự nhiên nó chết nên mọi người đều thương tiếc. Viên quan nghe nói bèn bỏ ra 500 nén vàng, mua lấy bộ xương gói lại đem về. Vua tức giận bảo rằng đó là bộ xương ngựa chết, còn dùng được việc gì mà bỏ nhiều tiền ra mua như vậy? Viên quan nói: “Thần sở dĩ mua bộ xương đó là vì muốn chứng minh rằng ngựa chết mà còn được Chúa công quý trọng đến mức đó, huống gì ngựa sống? Thần tin chắc rằng  nay mai sẽ có nhiều người đem ngựa quý đến bán cho Chuá công…” Quả nhiên chỉ một thời gian sau vị vua nọ đã mua được ba con thiên lý mã. Nay Chuá công muốn cầu hiền sĩ trong thiên hạ thì truớc hết hãy dùng Ngỗi tôi, coi như một bộ xương ngựa chết. Mọi người thấy một kẻ bất tài như Ngỗi tôi mà còn được trọng dụng thì những kẻ có tài hơn tôi gấp bội, sẽ tìm đến mà phục vụ cho Chúa công, như vậy Chuá công sẽ không còn lo thiếu hiền sĩ nữa.

Vua Chiêu vương nghe lời, bèn trọng dụng Quách Ngỗi hơn trước, xây lâu đài tráng lệ cho ở, cung phụng như bậc thầy. Từ đó tiếng tăm trọng hiền cuả nhà vua đồn đãi khắp nơi, khiến Trâu Diễn ở Tề sang, Tô Đại ở Chu lại, Kịch Tân ở Triệu đến v.v.., tất cả đều được vua Chiêu vương trọng dụng và nhờ thế, nước Yên đã có một thời cường thịnh.

Qua câu chuyện trên đây, ta thấy Quách Ngỗi đã tìm được một ví dụ rất hay để tự tiến mình, và vua Chiêu vương cũng biết nghe lời nói phải để làm cho nước nhà giàu mạnh.

MỘT CON NGỰA BỊ CHẾT OAN

Đời vua Cảnh công nước Tề, đất nước bị ngoại xâm đe dọa mà trong triều thì không còn tướng giỏi, nhà vua lấy làm lo lắng, bèn hỏi  quan Tướng quốc là Án Anh thì ông nầy tiến cử một  người tên là Điền nhương Thư, rất có tài thao lược nhưng còn  ẩn thân nơi thôn dã. Nhà vua liền triệu đến, nghe họ Điền giảng giải về binh pháp, rất lấy làm vừa ý bèn phong ngay cho làm chức Đại Nguyên soái, cầm quân ra biên thùy chống giặc. Điền nhương Thư tâu:

–  Hạ thần xuất thân trong đám bình dân, chưa có tên tuổi gì, nay Chúa công cho giữ binh quyền e lòng người không phục. Vậy xin Chúa công cử cho một vị đại thần có danh vọng làm chức Giám quân thì hiệu lệnh của hạ thần mới thi hành được.

Tề Cảnh công y tấu, bèn sai quan Đại phu là Trang Giả đi làm Giám quân. Khi bải triều, Trang Giả hỏi Điền nhương Thư bao giờ thì xuất quân? Điền nhương Thư hẹn đúng ngọ ngày mai thì tề tựu tại giáo trương để điểm duyệt quân mã rồi sẽ lên đường. Ngày hôm sau, Điền nhương Thư đến giáo trường, cho dựng một cây nêu để đo bóng mặt trời (vì ngày xưa chưa có đồng hồ) rồi ngồi chờ Trang Giả. Trong khi đó thì Trang Giả cậy mình là cận thần cuả nhà vua, coi thường Điền nhương Thư nên ở nhà dự tiệc tiển hành do bạn bè khoản đãi, đến chiều mới ngất ngưởng tới nơi. Điền nhương Thư nghiêm sắc mặt hỏi:

–  Ngài đã hẹn với tôi đúng ngọ hôm nay đến giáo trường để điểm duyệt quân mã, sao bây giờ mới đến?

–  Vì biết tôi sắp đi xa nên có một số bạn đồng liêu bày tiệc khoản đải, tôi uống hơi quá chén nên đến trễ, xin Nguyên soái miễn chấp. Điền nhương Thư nổi giận nói:

– Phàm đạo làm tướng, trong ngày chịu mệnh vua thì phải quên nhà mình; khi đã tuyên bá hiệu lệnh cho quân sĩ thì phải quên cha mẹ mình; khi cầm dùi trống xông pha tên đạn thì phải quên cả thân mình. Nay nước nhà đang có giặc, Chúa công ăn ngủ không yên, đem việc lớn phó thác cho chúng ta, như vậy còn lòng dạ nào mà ăn uống say sưa nữa? Nói xong, quay qua hỏi quan chấp pháp:

– Theo quân pháp, khi có lệnh tập hợp quân sĩ mà đi đến trể thì xử như thế nào?

– Bẩm, xử chém.

Điền nhương Thư liền thét quân sĩ bắt Trang Giả trói lại và điệu ra ngoài viên môn xử trảm. Người hầu cuả Trang Giả thấy vậy bèn chạy tuốt về triều phi báo. Vua Tề Cảnh công nghe báo giật mình, vội rút một cây lịnh tiễn trao cho quan Đại phu là Lương khâu Cứ, bảo phải đi gấp ra giáo trường truyền lệnh cho quan Nguyên soái tha tội chết cho Trang Giả. Khâu Cứ cậy mình là sũng thần cuả nhà vua, tới viên môn không thèm xuống ngựa, cứ sồng sộc chạy vào. Điền nhương Thư truyền quân ngăn lại rồi hỏi quan chấp pháp:

– Vào viên môn mà không xuống ngựa thì xử thế nào?

– Bẩm, xử chém.

Lương khâu Cứ nghe nói hồn phi phách tán, vội đưa lệnh tiễn cuả vua ra và nói rằng vì có mệnh vua sai đi gấp nên quên xuống ngựa, mong quan Nguyên soái tha thứ. Nhương Thư thấy có lệnh vua nên tha tội chết cho sứ giả, nhưng truyền quân chém đầu con ngựa để nghiêm quân pháp. Thế là con ngựa bị chết oan vì sự hống hách, kiêu căng của những người có quyền cao chức trọng. Đầu đời nhà Hán cũng có một trường hợp tương tự, khi Hàn Tín được đăng đàn bái tướng, Lịch Sanh vào viên môn không xuống ngựa nên cũng bị xử phạt như trên. Nhìn lại thế giới ngày nay. trừ những nước có chế độ dân chủ pháp trị vững chắc mà đến một ông Tổng thống có tật hảo ngọt cũng bị đưa ra luận tội, còn những chế độ độc tài toàn trị thì đều có cái dù che cái cán, những người làm lớn dù phạm tội tầy trời cũng bình chân như vại.

CON NGỰA THÀNH TROY (TROJAN HORSE)

Theo thần thoại Hy lạp thì vào đời thượng cổ, ở về mạn bắc Tiểu-á-tế-á có thành Troy là một đô thị giàu có, dân cư đông đúc, từng được thi hào Homère ca ngợi trong tập anh hùng ca Iliade. Người Hy lạp muốn chiếm cho bằng được thành Troy, nên đã phát động một cuộc chiến tranh kéo dài trong 10 năm nhưng vẫn không chiếm được. Cuối cùng, tướng Odysseus cuả Hy lạp bèn nghĩ ra một kế là chế ra một con ngựa bằng gỗ thực to lớn, cho quân sĩ nấp vào trong ruột rỗng cuả con ngựa rồi đẩy tới trước cổng thành. Sau đó quân Hy lạp kéo trở về, làm ra vẻ như muốn bỏ tham vọng chiếm thành từng theo đuổi lâu nay. Từ trong thành, quân Troy trông thấy vội mở cửa kéo ra, đoạt lấy con ngựa kéo vào thành. Đến tối, quân Hy lạp từ trong bụng ngựa tuông ra, cùng với quân mai phục ở ngoài tràn vào đánh phá và chiếm được ngôi thành. Từ đó điển tích con ngựa thành Troy được dùng để chỉ những âm mưu qũy quyệt nhưng được che đậy bằng những hình thức tốt đẹp bên ngoài.

NGỰA TRONG THÀNH, ĐIỂN TÍCH.

Ngựa Hồ chim Việt: Ngày xưa, ở mạn nam nước Tàu có nước Việt (không phải nước Việt nam ta ngày nay), sinh sản một loài chim mà dù bay đến xứ nào cũng chỉ chọn cành cây phiá Nam mà làm tổ (vì nước Việt ở về phương nam). Trong khi đó, về phía bắc sông Hoàng hà có nước Hồ, sinh sản một loài ngựa mà mỗi khi nghe gió thổi từ phương Bắc thì cất tiếng hí vang (vì nước Hồ ở về phương bắc), từ đó phát sinh thành ngữ Việt điểu sào nam chi, Hồ mã tê bắc phong. Thành ngữ nầy dùng để chỉ tấm lòng tưởng nhó quê hương xứ sở, như cụ Phan bội Châu có biệt hiệu là Sào Nam, hoặc có người lấy hiệu là Nam Chi v.v.., đều nằm trong ý nghĩa đó.

Da ngựa bọc thây: Do câu của Mã Viện nói với vua Quang Vũ nhà Hậu Hán: “Đại trượng phu nên chết ở chiến trường, lấy da ngựa bọc thây chứ lẽ đâu lại chết trên tay đàn bà..”. Câu nầy nói về chí khí làm trai là nên xông pha nơi trận mạc chứ chẳng nên ru rú ở xó nhà. Trong bản Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán, ông Đặng trần Côn có dẫn điển tích nầy trong mấy câu:

Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao

Bà Đoàn thị Điểm diễn nôm

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao…

Bám đuôi ngựa ký: Có những con vật tự nó không đi xa được, nhưng nếu nó bám  đưọc vào đuôi con ngựa ký thì  cũng có thể đi được hàng nghìn dặm (ngựa ký đi tới đâu thì nó cũng đi được tới đó). Câu nầy nói về một người nào đó nhờ sự giới thiệu, tiến cử cuả một nhân vật có danh vọng, uy tín nên đựợc mọi người biết đến và làm nên sự nghiệp, bằng không thì cũng bị mai một mà thôi. Điển nầy rút từ việc thầy Nhan Hồi nhờ theo học đức Khổng tử và được Ngài khen là người hiền nên trở thành nổi tiếng. Đời sau có câu phụ ký vĩ nhi hành ích hiển (Bám đuôi ngựa ký mà công hành càng tỏ rõ). Ngoài ra, chữ phụ ký  còn có nghĩa là kết bạn với người giỏi

Thẳng ruột ngựa: Trong cơ thể con ngựa, đoạn ruột nối liền với dạ dày hơi thẳng, ít quanh co như những con vật khác, do đó có thành ngữ nầy để chỉ những người bộc trực, có sao nói vậy, ít cong queo lắt léo, nói chung là người tốt, không có ác tâm. Ngựa quen đường cũ: Ám chỉ những người có khuyết điểm gì đó mà không chịu sửa chữa, vẫn chứng nào tật nấy như con ngựa cứ theo đường cũ mà đi, không chịu theo đường khác. Ngựa non háu đá: Chỉ những người còn trẻ tuổi mà tự cao tự đại, háo thắng, ưa chống đối người nầy người khác như những con ngựa còn non, gặp đâu đá đó. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ: Câu nầy mượn chuyện ngựa để nói về tinh thần tương thân tương ái giữa con người với nhau. Khi một con ngựa bị đau, những con khác trong chuồng (tàu) đều nhịn ăn để chia xẽ sự đau buồn cuả nó, tương tự như câu thố tử hồ bi (thỏ chết cáo thương). Loài vật còn đưọc thế, huống gì con người? Do đó thật không thể hiểu được vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Ngưu tầm ngưu,mã tầm mã: Có nghĩa là trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, ám chỉ người tốt thường giao du với người tốt, người xấu giao du với ngươi xấu, tương tự như câu Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu..

Trong tiếng Pháp có những thành ngữ: Brider son cheval par la queue:

Buộc cương ngựa ở đuôi, chỉ một việc làm trái khoáy. Changer son cheval borgne contre un aveugle: Đổi ngựa chột lấy ngựa mù, đổi cái xấu lấy cái xấu hơn. Cheval dans la main: Ngựa dễ bảo, ngựa thuần. Travailler comme un cheval: Làm việc hùng hục, làm việc như trâu ngựa.

Trong tiếng Anh, từ điển có ghi một số thành ngữ như sau: To change horses while crossing the stream: Thay ngựa giữa gìòng. To put the cart before the horse: Đặt cái xe trước con ngựa, ví như ta nói đặt cái cày trước con trâu. To flog a dead horse: Quất vào con ngựa chết, chỉ một việc làm phí công vô ích. To back the wrong horse: Đánh cá con ngựa thua, tức ủng hộ phe thua v.v…

oOo

Trên đây là vài câu chuyện tản mạn về con ngựa. Kể ra thì còn nhiều chuyện nữa như phép bảo mã của Vương an Thạch, thuật đua ngựa cuả Tôn Tẫn và Điền Kỵ, trâu gỗ ngựa máy (mộc ngưu lưu mã) cuả Khổng Minh, ngựa Ô chuy cuả Hạng Võ, ngựa Đích lư cuả Lưu Bị, ngựa Xích thố cuả Quan Công v,v,,,nhưng vì bài viết hơi dài nên người viết xin tạm ngừng nơi đây và nhân dịp đầu năm con ngựa, xin kính chúc qúy đồng hương một năm mới mã đáo thành công, kỳ khai đắc thắng.

Trần hữu Vinh

http://www.daichung.com

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.