Trước sức sáng tạo vô hạn của các nghệ sĩ, sóng biển, rau xanh hay thậm chí là mặt đường đều có thể trở thành các nhạc cụ biết tạo ra giai điệu âm nhạc đặc biệt.
Đàn organ nhũ đá
Ông Leland W. Sprinkle là một kỹ sư điện người Mỹ. Công việc chính của ông là xử lý các vấn đề về điện tại Lầu Năm Góc. Cho tới ngày nay, điều khiến người ta nhớ nhất về Sprinkle chính là công trình chiếc đàn organ nhũ đá nằm trong quần thể hang động Luray ở bang Virginia, Mỹ.
Hồi cuối thập niên 1950, ông Sprinkle đã nảy ra ý tưởng chế tác bộ đàn organ nhũ đá khi tới thăm hang động Luray cùng con trai, cậu bé đã va đầu vào một chiếc nhũ đá khiến nhũ đá phát ra âm thanh nghe vui tai. Sau đó, ông Sprinkle đã dành ra 3 năm để ngày ngày tới khu hang động này để tìm ra những chiếc nhũ đá cho ra âm thanh ấn tượng nhất.
Sau khi hoàn tất công việc, ông Sprinkle đã cho ra một cây đàn organ 37 nốt. Khi chiếc đàn organ được chơi, nó sẽ truyền động tới hệ thống dây dẫn và búa cao su để tạo ra những âm thanh thánh thót từ các nhũ đá. Sự âm vang của các nốt nhạc bên trong hang động càng khiến cây đàn organ này trở nên đặc biệt bởi những thanh âm trong trẻo, vang vọng.
Đàn organ sóng biển
Chỉ có rất ít tác phẩm nghệ thuật trình diễn âm thanh được trưng bày vĩnh viễn trên thế giới. Trong đó, đáng kể có 3 cây đàn organ được chơi bằng sóng biển nằm ở thành phố San Francisco (Mỹ), Zadar (Croatia) và Blackpool (Anh).
Cây đàn ở Blackpool sử dụng những ống đàn dài để không khí luồn qua do gió từ biển mang vào nhờ những đợt sóng. Tiếng nhạc to nhỏ vang lên tùy thuộc vào độ mạnh và tần xuất sóng biển. Có những khi đàn vang lên rộn ràng, trầm hùng, có khi lại như đang tỉ tê, nhỏ nhẹ.
Con đường biết chơi nhạc của Rossini
Ngoại ô thành phố Lancaster, bang California, Mỹ có một con đường biết chơi bản nhạc “William Tell Overture” của nhà soạn nhạc người Ý Rossini. Trên con đường có những sọc gồ ghề được chế tạo đặc biệt, khi xe chạy qua sẽ tạo nên những thanh âm thú vị, nghe như giai điệu quen thuộc “William Tell Overture”. Những sọc gồ ghề được đặt gần nhau khi bánh xe lăn qua sẽ tạo thành những nốt cao, khi đặt xa nhau sẽ tạo thành những nốt thấp hơn.
Đàn băng đá
Anh Terje Isungset, một tay trống kiêm nhà soạn nhạc người Na Uy đã sáng tạo ra những nhạc cụ từ các tảng băng được khoan cắt từ những hồ nước đóng băng về mùa đông. Chẳng hạn như cây kèn trumpet bằng băng cho ra âm thanh như tiếng tù và hay đàn phiến băng cho ra âm thanh nghe giống như một chiếc chai thủy tinh được gõ bằng một chiếc thìa kim loại.
Đối với phiến băng cho ra tiếng nhạc này, dùng băng non quá hay già quá đều không được, chỉ có phiến băng vừa đủ độ mới có thể cho ra những thanh âm đẹp nhất.
Piano mèo
Athanasius Kircher, một học giả người Đức sống ở thế kỷ 17, đã sáng tạo ra những nhạc cụ kỳ quái bậc nhất, trong đó có cây đàn “Katzenklavier”, nghĩa là “đàn piano mèo”. Chiếc đàn này có bàn phím bình thường, bàn phím đặt trước những chiếc chuồng nhỏ, mỗi chuồng có một chú mèo đặt ở trong.
Khi một phím đàn được bấm sẽ có một chiếc móng sắt ấn vào đuôi của chú mèo đen đủi khiến chú mèo kêu váng lên. Chiếc đàn này được thiết kế ra để thực hiện trị liệu tâm lý đối với những bệnh nhân tâm thần, nhằm giúp họ thay đổi cách ứng xử. Đây thực tế không phải một nhạc cụ để nhạc công có thể chơi và cho ra những giai điệu tuyệt vời.
Chiếc lều gió âm nhạc Aeolus
Aeolus là một nhạc cụ nặng 10 tấn được thiết kế bởi nghệ sĩ người Anh Luke Jerram. Những ống dài của nó trải khắp bề mặt của một hình cung tròn kích thước lớn bằng kim loại. Những ống này được gắn những sợi dây đàn, sẽ rung lên khi có gió thổi qua.
Âm thanh khi đó sẽ được khuếch đại nhờ vào hệ thống ống kim loại. Âm thanh cho ra nghe rộn ràng, kỳ quái, tiếng to nhỏ dựa vào sức mạnh của những cơn gió thổi qua.
Đàn đá
Nữ hoàng Anh Victoria đã nghe những bản nhạc của các nhà soạn nhạc Handel, Mozart, Rossini trên những phiến đàn đá này. Bộ đàn đá từng được một nghệ nhân có tên Joseph Richardson chế tác trong 13 năm.
Hiện tại, cây đàn đá khổng lồ này đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Keswick ở hạt Cumbria, Anh. Tại đây, du khách đến thăm có thể thử chơi đàn. Nếu có cơ hội được “thực mục sở thị”, bạn sẽ rất ngạc nhiên trước mức độ phong phú, đa dạng của những thanh âm tinh tế mà các phiến đàn đá có thể tạo ra.
Cái cây biết hát
Nằm ở thị trấn Burnley của Anh, trên cánh đồng hoang Pennine, tác phẩm nghệ thuật tạo hình cao 3m này tận dụng những ngọn gió thổi qua, tựa như một người khổng lồ vô hình đang thổi sáo một cách vụng về, cho ra những âm thanh đôi khi hơi chói tai và thường khiến người nghe cảm thấy có phần… ghê rợn. Nhạc cụ khổng lồ này được thiết kế bởi hai kiến trúc sư là Mike Tonkin và Anna Liu hồi năm 2006.
Đồng hồ hơi nước
Những chiếc chuông của đồng hồ Big Ben ở thủ đô London, Anh đã tạo nên những hợp âm ấn tượng nổi tiếng. Những hợp âm này đã truyền cảm hứng cho một phiên bản tương tự được đặt ở thành phố Vancouver, Canada. Chỉ có điều, chiếc đồng hồ ở Vancouver nhỏ hơn rất nhiều và âm thanh của nó được tạo thành không phải từ những quả chuông mà bằng hơi nước.
Tiếng nhạc phát ra từ đồng hồ được tạo thành khi hơi nước được dồn nén vào những chiếc còi. Hơi nước được lấy ra từ những đường ống ngầm dưới mặt đất, được dùng để sưởi ấm các tòa nhà xung quanh. Bên cạnh chiếc đồng hồ là một tấm biển có đề “Chiếc đồng hồ hơi nước đầu tiên của thế giới đã được tạo ra vì niềm vui của tất cả mọi người”.
Dàn nhạc rau xanh
Thật ngạc nhiên khi biết rằng nhiều nhạc cụ đa dạng có thể được tạo thành từ rau xanh. Những ống sáo, ống tiêu, kèn clarinet… được làm từ những củ cà rốt. Nổi tiếng nhất là dàn nhạc Rau xanh ở thành phố Vienna, Áo. Họ đi lưu diễn khắp thế giới và cuối buổi diễn, khán giả sẽ được ăn súp rau xanh từ chính những rau củ quả đã được các nghệ sĩ sử dụng để làm nhạc cụ.