“Tổ tiên” của chiếc Pizza bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ đồ đá cơ đấy, nó bắt nguồn từ những miếng bánh mỳ khô được nướng trên đá nóng còn sót lại từ các đám cháy các bạn ạ. Sau đó, để tận dụng những thức ăn còn dư, con người đã để hết lên trên bề mặt bánh mỳ rồi ăn. Chính vì lý do này, người Ý đã coi pizza là món ăn tiết kiệm và cực kỳ thuận tiện, một “fast food” chính hiệu luôn!
Rùi đến khoảng 3000 năm trước (từ thế kỉ thứ VI đến thế kỉ thứ I trước công nguyên), vào thời kỳ đỉnh cao của đế quốc Ba Tư, những người lính Darius trở nên cực kỳ ưa chuộng thứ bánh tiện dụng này trong những cuộc viễn chinh kéo dài. Lúc đó, pizza đơn giản chỉ là thứ bánh mỳ tròn, phẳng được phủ một lớp phô mai dày trên bề mặt mà thôi, người cầu kỳ thì cho thêm dầu ô liu, một vài loại thảo mộc hoặc cả mật ong nữa.
Cuộc khai quật ở Pompeii đã tìm ra cuốn sách dạy nấu ăn cực kỳ tuyệt vời của Marcus Gavius Apicius. Trong đấy ghi lại công thức để tạo ra món ăn dành cho thời kỳ đói kém. Và đó chính là thứ bánh mỳ phẳng có lớp bề mặt là thịt gà thái nhỏ, pho mát, tỏi, bạc hà, tiêu và dầu ăn (cũng gần giống với những nguyên liệu của pizza thời kỳ hiện đại nhỉ?). Sau đó một thời gian, vào khoảng những năm 79 sau công nguyên, pizza đã nhanh chóng xuất hiện trong các quán ăn nhỏ ở Pompeii và cả ở Napolis. Đến nay, các nhà khảo cổ vẫn còn tìm thấy dấu tích của những cửa hàng pizza truyền thống trên những con phố nhỏ ở nơi đây nữa cơ.
Và đến đây, nếu teen nào tinh ý thì chắc đã nhận ra những nguyên liệu sơ khai của món pizza chưa hề có sự xuất hiện của cà chua đúng không? Đó là vì phải đến tận năm 1522, cà chua mới xuất hiện ở nơi đây cơ. Và đặc biệt nữa là việc đưa cà chua vào món pizza lại do chính những người dân nghèo nhất nghĩ ra. Bởi lẽ mới đầu, những người giàu có coi cà chua là một thứ rau quả độc hại và không ai thèm quan tâm đến.
Rồi vào thế kỉ thứ 17, theo chân của những du khách đến thăm Naples, món ăn dành cho những người nông dân nghèo có cái tên “pizzaioli” dần dần được biết đến ở nhiều vùng, miền khác trên thế giới. Không chỉ thế, người ta còn tìm thấy một lò nướng đặc biệt được xây dựng ngay trong cung điện mùa hè của nữ hoàng Maria Carolina d’Asburgo Lorena – vợ của vua Ferdinando IV. Thế là từ món ăn bình dân, rẻ tiền dành cho những người nghèo, pizza đã dần chiếm cho mình một vị trí xứng đáng.
Đến thế kỉ thứ 19 (bắt đầu đến gần với chúng mình rồi này), vào năm 1889, vị đầu bếp có tên Raffaele Esposito đã sáng tạo ra ba loại pizza có hương vị độc đáo, mới mẻ để chào đón vua Umberto I và vợ của ông. Đó là pizza với mỡ heo, pho mát, húng quế; pizza với tỏi, dầu, cà chua và pizza với mozzarella(một loại pho mát đặc trưng của Ý), húng quế, cà chua. Các bạn nào am hiểu về ẩm thực Ý, chắc hẳn đã nhận ra loại pizza cuối cùng chính là pizza Margherita nổi tiếng đến tận bây giờ đúng không? Và đến cuối thế kỉ này, người ta có thể thưởng thức món ăn quen thuộc này ở khắp mọi nơi trên đất nước Ý dù là sáng, trưa, chiều hay tối. Pizza được nướng trong những khay lớn và càng ngày càng có nhiều loại hương vị theo yêu cầu của khách hàng. Cùng thời điểm đó, pizza cũng “lấn sân” sang cả Mỹ nữa, bởi sự di cư của một bộ phận người Ý đến đất nước này mà. Lần đầu xuất hiện ở Chicago, pizza đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của rất nhiều cư dân nơi đây bởi chính cách bán pizza truyền thống ở Ý. Đó là hình ảnh một người đàn ông với chiếc mũ có hình chiếc pizza ở trên đẩy chiếc xe với cái lò than nóng dọc trên con phố Taylor.
Sang thế kỉ 20 là bước đánh dấu cho sự bành trướng lớn lao của “thế lực pizza”. Hàng loạt những hương vị pizza mới, những cửa hàng tên tuổi liên tục được xuất hiện ở khắp các nơi và không chỉ do người Ý sáng tạo ra. Đặc biệt nhất là vào năm 1957, pizza đông lạnh đã được giới thiệu và càng giúp cho món ăn này đến được nhanh chóng với người dân ở khắp các nơi trên thế giới.
Còn hiện tại thì sao nhỉ? Ở thế kỉ 21 chúng mình, pizza đã không chỉ còn là một món ăn được ưa chuộng khắp thế giới mà còn được những nhà cầm quyền EU chứng nhận là một phần di sản văn hóa ẩm thực châu Âu. Và để được chứng nhận là một nhà sản xuất pizza không hề đơn giản đâu. Người ta phải qua đủ mọi các bước xét duyệt của chính phủ Ý và liên minh châu Âu nữa cơ… tất cả là để đảm bảo danh tiếng cho món ăn này í mà.
Giờ thì các teens nhà mình có thể tự hào về vốn kiến thức của mình với pizza ưa thích rồi nhé! Sẽ thú vị hơn rất nhiều khi bạn vừa thưởng thức hương vị của món ăn vừa khám phá cả lịch sử ẩn giấu trong đó phải không?
(Theo Kênh14.vn)
http://www.thepizzacompany.com.vn/ArticlesDetail/1094/1098/563/tin-tuc/the-pizza-company.html