Từ Xà No Nhớ Về Thu Bồn

Gió mùa Đông bắc đã về. Những đám mây xám vần vũ trên bầu trời kéo buổi chiều xuống thấp. Gió thổi rào rào trên những vòm cây xanh lá. Ở đằng Đông, những vệt ráng trắng vàng ẩn hiện, báo hiệu những cơn mưa cuối mùa. Đêm qua, một chút se lạnh rớt xuống miền Tây hắt hiu thương nhớ. Bây giờ là cuối tháng mười một Âm lịch, ngọn gió chướng đã quay về. Cuối đông rồi đấy. Ở nơi xa xôi này, tìm đâu những chiếc lá vàng rơi theo cơn gió mùa Đông bắc, ngõ vắng sương chiều, vàng thu chớm lạnh…

Sáu tháng mưa ở miền Tây Nam bộ kéo dài từ tháng tư đến tháng mười Âm lịch là những ngày chợt mưa chợt nắng. Ngọn gió Tây nam thổi mưa về miền Tây như những cơn giông chiều quê cũ. Mãi cho đến bây giờ, xuân hạ thu đông chỉ còn trong ký ức của một thời thơ ấu mang mang. Ba mươi năm qua kéo dài những ngày xa xứ. Hai mùa mưa nắng nổi trôi như những cánh lục bình trên sông nước miền Tây. Phải chăng, tôi đang lang thang giữa buổi chiều xế bóng, không hẹn ngày về. Ngọn gió chướng ở miền Tây như thổi vào tâm hồn tôi những kỷ niệm đã xanh rêu. Nhiều khi muốn quay về thăm lại một dòng sông có những biền dâu xanh ngát, những nà bắp nặng hạt phù sa hai bên bờ sông Thu Bồn màu mỡ quê nhà. Nơi ấy có bóng dáng xưa nghiêng nghiêng vành nón lá trên bến sông chiều, chờ đợi ai đây.

Cuộc đời trôi đi như những dòng sông dập dềnh hoa tím lục bình, tôi gặp dòng Xà No giữa mùa gió chướng. Xà No, một nhánh sông của dòng Hậu Giang mênh mông, chảy qua những miền đất mầu mỡ, phì nhiêu của Cần Thơ, mang phù sa bồi đắp cho cả vùng đồng bằng bát ngát Hậu Giang. Ngày nay, Hậu Giang đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Dòng Xà No như một cái xương sống của miền Hậu Giang mà đầu nguồn của nó có thể kể từ ngã ba Vàm Xáng Phong Điền. Xà No chảy qua Một Ngàn, Bốn Ngàn, Bảy Ngàn, để về đến thủ phủ Vị Thanh của Lễ hội Lúa gạo Hậu Giang. Ngày nay, Vị Thanh là thành phố, một thành phố trẻ đang vươn mình, đang trải cánh đại bàng trên miền đất mênh mông ngọt lịm phù sa của sông nước miền Tây Nam bộ. Dòng Xà No chạy dài suốt 42km đổ ra ngã ba Vàm Xáng Hỏa Lựu. Dòng Xà No lại tiếp tục theo sông Cái Lớn chảy qua vàm Tắc Cậu, một nhánh khác tuôn về Gò Quao, Vĩnh Thuận, cứ trôi như thế mà dòng Xà No đổ ra Thới Bình về tới Cà Mau, miền đất cuối cùng của Tổ quốc, rồi hội nhập cùng trùng dương rì rào sóng vỗ… Hệ thống kinh rạch của vùng sông nước miền Tây xẻ ngang, xẻ dọc như một bàn cờ. Những con kinh hai bên bờ Xà No như những xương sườn. Mỗi con kinh ngang như thế dài chừng 2km. Từ con kinh này, người ta lại xẻ những con kinh nhỏ hơn, gọi là cơi. Mỗi cơi cách nhau 500m. Sự phì nhiêu của đồng bằng sông Hậu đủ chứng tỏ hệ thống thủy lợi ở đây mang tính khoa học. Sự phân bố kinh rạch ấy giúp vào việc xả phèn đem nguồn nước ngọt về cho ruộng vườn thêm xanh tốt; đồng thời, việc đi lại của người dân bằng ghe xuồng thêm tiện lợi.

Trước khi có hệ thống kinh Xáng Xà No, năm 1822, Tổng đốc Thoại Ngọc Hầu đã cho đào kinh Vĩnh Tế và kinh Thoại Hà. Kinh Vĩnh Tế dài gần 100km nối liền Châu Đốc với cửa biển Giang Thành Hà Tiên đã mang lại cho đất nước nhiều yếu tố quan trọng: giao thương tiện lợi, mở mang phát triển kinh tế, xả phèn cho cả vùng Hà Tiên và Rạch Giá, xả lũ từ sông Hậu ra vịnh Thái Lan; về chiến lược, hai con kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà còn là ranh giới để phòng ngự biên giới phía Tây nam của Tổ quốc. Song song với kinh Vĩnh Tế, sau này người Pháp đã đào thêm các kinh Cái Sắn, rồi kinh Thốt Nốt từ Cờ Đỏ qua Giồng Riềng, kinh xáng Ô Môn từ Thới Lai qua Rạch Giá. Sau 1975, nhiều kinh rạch mới cũng được khai thông nhằm ngăn lũ, thoát úng, tưới tiêu, xả phèn cho nhiều cánh đồng mới đươc khai phá, nhằm nâng cao diện tích và sản lượng lúa xuất khẩu, như kinh KH8 từ kinh Giáo Dẫn Ô Môn chảy ra Rạch Giá, Kinh KH9 nối thành phố Cần Thơ với Hậu Giang phát xuất từ Trường Long Phong Điền.

“Con đường lúa gạo” có thể được tính từ dòng Xà No, bởi ngày xưa ấy, bản doanh của đồn điền lúa gạo nằm trên vùng Bảy Ngàn. Ở đây người Pháp xây dựng một nhà máy xay xát lớn nhất miền Nam, gọi là đồn điền Tabert (Tây beo). Tất cả lúa gạo trong vùng tập trung tại Bảy Ngàn rồi chuyển về cảng Sài Gòn bằng ghe chài theo thủy lộ: từ Bảy Ngàn qua kinh xáng Phụng Hiệp, vào Cái Côn-Trà Ôn chạy về kinh xáng Măng Thít Vĩnh Long rồi theo kinh Chợ Gạo Tiền Giang về tới cảng Sài Gòn. Ngày nay, con đường lúa gạo miền Tây trực tiếp xuống tàu từ cảng Cái Cui Cần Thơ, đã thâu ngắn lại thời gian vận chuyển và giảm đi rất nhiều kinh phí chuyên chở.

Tôi trở lại Xà No giữa mùa gió chướng. Bấy giờ mới cảm nhận được bóng dáng cuối đông trong cái nắng hanh hao của buổi chiều cuối tháng mười một, một chút se lạnh rớt xuống trên dòng Xà No vào lúc nửa đêm về sáng. Thương nhớ biết chừng nào! Rồi những chuyến xuôi dòng Xà No, đêm như lắng sâu vào bầu trời đầy sao sáng, mới thấy lòng mình mênh mang giữa lòng sông nước Hậu Giang. Ở đó, trên miền đất hứa mầu mỡ này có biết bao nhiêu điều thân thương, bao cuộc đổi thay trên đường mở cõi về phương Nam của ông cha. Tôi muốn ôm tất cả những điều hạnh phúc của cuộc sống về phía Xà No, tôi đã bắc nhịp cầu ở đầu hai dòng sông Thu Bồn – Xà No chảy qua tâm hồn tôi tương tư mấy thuở. Em về thưa với Thu Bồn – Thuyền tôi đậu bến trên dòng Xà No

HOÀNG QUY – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 146

http://vanhoaphatgiaoblog.com/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.