Ký sự du hành Ấn Độ
Tôi vốn không có cảm tình với Lạt Ma giáo, có lẽ do ảnh hưởng của phim Trung Quốc và lịch sử Mãn Thanh. Đó cũng là lý do khiến tôi hiểu biết rất ít về Phật Giáo Tây Tạng. Trong chuyến du hành Ấn Độ vừa rồi, cơ duyên xui khiến tôi tìm đến các tu viện Tây Tạng trên đất Ấn, Nepal, và những điều mắt thấy tai nghe đã làm thay đổi toàn bộ thái độ của mình đối với một nền văn hoá đặc thù của một dân tộc lưu vong, thậm chí không còn tên trên bản dồ thế giới.
Trước hết là những tu viện Tây Tạng, những tu viện lớn có mặt cùng khắp những thành tích Phật Giáo quan trọng ở Ấn Độ : Bodh Gaya, Sanath, Kushinaga, Lumbini…, và hình ảnh các vị Lạt-ma lót ván lạy dài theo thế “Ngũ thể đầu địa”, mỗi ngày bốn năm ngàn lạy ở những thánh tích này, với phong cách cực kỳ hoan hỷ và thoải mái, khiến tôi ít nhiều cảm mến các vị Lạt-ma. Khi sang Nepal, quê hương của Đức Phật , được ngắm đỉnh Everest – nóc nhà của thế giới – trong chuyến mountain air, được ngắm đỉnh Kailash – một holy mountain của người Tây Tạng, được xem là trung tâm của đỉnh núi Tu-di, cái huyền bí ngút ngàn sương khói đã làm chấn động tâm hồn đầy chấp thủ của mình. Rồi những đỉnh tháp vĩ đại, những tu viện mênh mông trên sườn Hy-mã, tiếng kèn âm u làm nền cho giọng chú trầm hùng rền trong những tu viện hàng ngàn Tăng sĩ, tất cả đã thu hút tôi tìm hiểu về Phật Giáo
Tây Tạng.
Tại thủ đô Kathmandu của Nepal, tôi được đến chiêm bái nhiều ngôi đại tự, đặt biệt là Kopa Monastary, ở đó tôi tận mắt chiêm ngưỡng xá lợi năm màu của Ngài Konchoke, một cao tăng vượt đỉnh núi tuyết, qua Nepal nhập thất 20 năm, rồi về hoá đạo tại Kopa monastery và mới vừa viên tịch năm rồi.
Lòng đầy phấn chấn, tôi quyết định đi Dharamsala, căn cứ địa của người Tây Tạng trên đất Ấn, nơi hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt ma thứ 14, hoá thân của Bồ tát Quan Âm theo niềm tin của người Tây Tạng.
DHARAMSALA – CẢNH GIỚI THẦN TIÊN
Dharamsala là một đại danh nhỏ vùng Bắc Ấn, thuôïc tiểu bang Himachal Pradesh, cách thủ đô Deli khoảng 500 cây số đường bộ. Sau khi chiêm bái các Phật tích quan trọng ở các tiểu bang Bihar và Uttapradesh nghe nói Đức Đạt Lai Lạt ma thứ 14 từ Châu Âu trở về lại Dharamsala trong một hai ngày tới, tôi quyết định mang ba lô độc hành lên vùng núi tuyết lạnh này .
Xe đến khu vực Libarary lúc 6 giờ sáng sau một đêm trườn mình lên những ngọn đồi trùng điệp. Thư viện của Tây tạng được lấy làm địa danh để gọi khu vực hành chính của toàn bộ dân Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ. Nơi đây tàng trữ toàn kinh điển cổ của Tây Tạng được dời từ cung điện Potala ở Lhasa sang, toàn bộ các tượng Phật và Pháp khí quan trọng ở Tây Tạng cũng được tôn trí nơi này. Tôi được gặp các vị sư chuyên phụ trách ghi âm toàn bộ Pháp âm của Đức Đạt Lai Lạt ma và Đức Kamapa, sư đặt biệt dẫn tôi vào tham quan Tàng Kinh Các, tự tay mở cho tôi xem những bản Kinh chép tay nhiều đời và chiêm ngưỡng các pho tượng tuyệt diệu ở đây, đó là một đại hạnh. Rất tiếc là tôi không chứng kiến cảnh cung nghinh Đức Đạt Lai Lạt ma mới về. Khi không đủ duyên thì hoặc sớm hay muộn một tí là có thể bỏ qua một cơ hội ngàn vàng. Buổi chiều khi lên ngôi chùa chính, đứng cạnh phòng của Ngài mà bị cảnh sát canh phòng cẩn mật không cho vào đảnh lễ, xem như đó là quả báo do mình trước kia không tin sự huyề bí của Mật tông Tây Tạng.
Ngôi chùa chính nằm trên một khoảng đất doi ra từ vòng cung của sườn núi Hy-mã, một địa thế hết sức đặt biệt, đứng trên tầng bốn của ngôi chùa mà vẫn được che mát bởi bóng của những ngọn cổ tùng, khi xây dựng tu viện này người ta đã không chặt phá những cội tùng, mà để thân tùng chọc lên giữa bốn tầng bê-tông hoành tráng, ý thức bảo vệ môi trường ở đây như thế đó. Ở đây có rất nhiều dân Âu Mỹ về tu tập thiền Vipasana cũng như thụ giáo với Đức Đạt Lai Lạt ma. Một cô gái người Nga nói với tôi:” Dharamsala đẹp nhất thế giới”. Tôi chưa đi khắp thế giới nên không dám khẳng định như thế, nhưng có thể nói Dharamsala là cảnh giới của thần tiên.
Một buổi chiều sau một ngày lên thăm các ẩn sĩ tu trên sườn núi, trong những căn nhà đá thấp lè tè với những sườn đá dày cả mét do các sư chất lại để chống lại với cái lạnh băng giá của mùa đông, tôi thật sự ngất ngây trước cảnh trí thần tiên huyền ảo này. Trước mắt là những tán anh đào trổ hồng trên những rừng tùng bạt ngàn, đường kính mỗi cây tùng lớn hơn cả mét, từ những thung lũng sâu vút lên trên không. Trên cao, sau những tán tùng xanh ngọn núi phủ dầy tuyết trắng. Khi nắng chiều ánh tuyết cứ như pha lê lấp lánh, hoà quyện với tùng, đào hồng, với đá biếc, với sương mờ trrong một những cảnh tượng diệu kỳ. Âu cũng là phước duyên lớn lao để đến tham quan rất nhiều những tu viện. Tu viện Bát Bang ở Bir nơi có vị đạo sư uyên bác, thầy của Ngài Kamapa thứ 17. Được đến thăm tu viện của Kamapa thứ 17, đúng là điềm báo ứng, khi tôi đến Ngài cũng vừa đi vắng. Sau đó đi thăm bảo tàng, những trung tâm văn hoá, học viện, hết sức hoành tráng và chiếm một vị trí hết sức đặt biệt. Chỉ đáng tiếc là hai Bậc Thánh của vùng thì chưa được gặp.
KARACHAKRA VA PHÁP HỘI THỜI LUÂN.
Sau một tháng rưỡi đi chiêm bái các hang động miền Trung Nam Ấn và đất nước Srilanka xinh đẹp, tôi quyết định trở lại Bồ Đề Đạo Tràng trước ngày mùng Tám tháng chạp để tưởng niệm ngày Thành Đạo của Đức Bổn Sư, nhân đó dự Pháp hội Karachakra được tổ chức tại đây. Hành trình đã vạch sẵn, đáp chuyến tàu từ thành phố Madhas 2 ngày 2 đêm chạy dọc suốt từ miền Đông nam đến Đông bắc Ấn Độ tới Calcutta. Tại cố đô của Ấn Độ này, tôi mãi mê với những viện bảo tàng cổ vật, nhà lưu niệm của thi hài Rabindranath Tagore và tất cả những đường tàu điện ngầm cực kỳ hiện đại do đó đã về lại Bồ Đề Đạo Tràng ( cách Calcutta khoảng 500 km ) trễ hơn dự định 1 ngày. Vừa bước vào trung tâm tu học Viên Giác, nghe nói Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm qua đã đến viếng thăm chùa, lễ Phật và nói chuyện với Tăng Ni người Việt Nam. Tôi ngẩn người ra vì tiếc nuối, muốn gặp được Ngài quả là không phải dễ. Hàng chục ngàn người bao quanh chùa Viên Giác để được nhìn thấy Ngài nhưng không được. Cảnh sát bảo vệ quá cẩn mật, những người trong chùa trước khi Ngài đến đều bị rà soát kỹ lưỡng. Đó là thời gian trước khi cử hành Pháp hội Karachakra.
Ngày hôm sau Pháp hội bắt đầu, Tôi thì chưa có thể ra vào nên thật khó lòng nhìn thấy được Ngài. Chiều hôm đó khi ra lễ Phật trước cội Bồ Đề, tôi phát nguyện xin được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và Karmapa. Ngay sau đó tôi đã được cấp thẻ sau khi xuất trình hộ chiếu và các giấy tờ liên hệ.
Karachakra là một Pháp hội 12 năm mới tổ chức 1 lần, dưới sự chủ trì của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có đến 200.000 người trên khắp thế giới về dự Pháp hội này. Đàn tràng Mạn-đồ-la được xây dựng trong một sân vận động cách không xa chỗ Phật thành Đạo. Trong khuôn viên Đàn tràng này chỉ có các vị Đức Đạt Lai Lạt Ma tái sanh và các vị Tôn túc mới được vào, bất cứ ai vào bên trong sân vận động để dự Pháp hội đều bị rà soát kỹ lưỡng, dù số người tham dự đến 200.000 Karachakra Trung Hoa dịch là ” Thời luân Kim cang”, đó là Pháp tu Vô thượng Du già lấy Kim cang thời luân làm bản tôn, là Pháp tu đặc biệt thuộc Du già bộ của Mật tông Tây Tạng do Đức Phật Thích Ca truyền đến ngày nay. Trong Mật Giáo, ” Thời luân Kim cang” là pháp tu tối cao, là pháp môn thù thắng nhất.
Thời Luân tức chỉ cho chu kỳ vận hành của thời gian . Chúng sanh bị luân hồi trong lục đạo, chịu mọi thống khổ, do đó Đức Phật đã nói vô lượng Pháp môn giải thoát, giúp loài hữu tình thoát khỏi Luân hồi. Hữu tình thế gian và khí thế gian theo chu kỳ 12 năm mà tăng trưởng hay tổn giảm, do nhơn duyên hoà hợp mà lưu chuyển trong vòng luân hồi để hưởng hạnh phúc hay chịu đau khổ. Nếu biết y theo pháp thời luân mà tu trì thì có thể chuyển sự bất an thành thanh tịnh, khiến sự huỷ diệt lại phục sanh, biến sự thống khổ, chiến tranh thành hoà bình.
Trong Pháp hội Thời Luân, Mạn-đồ-la được cấu tạo hết sức công phu. Một hạt cát cũng không thể xê dịch được vị trí của nó. Chủ Tôn Thời Luân thân màu lam, phóng ánh sáng. Có bốn đầu, mặt chính màu lam, răng nanh lộ ra ngoài, mặt phải màu hồng biểu hiện cho dục vọng, mặt trái màu trắng tượng trưng cho sự sái tĩnh, mặt sau màu vàng biểu hiện sự tĩnh tu. Mỗi mặt đều có ba con mắt, 12 cặp tay (24 cánh) chia làm ba nhóm : 8 tay trên cùng màu trắng, 8 tay ở giữa màu hồng đỏ, 8 tay dưới cùng màu lam. Ngón tay thì từ ngón cái đến ngón út màu sắc cũng khác nhau, theo thứ tự là vàng , trắng, đỏ, lam, và xanh lục. Từ đốt tay đền đầu móng tay màu sắc theo thứ tự là lam, đỏ và trắng. Các vật cầm tay tính từ trên xuống, bên phải cầm chày Kim cang, bảo kiếm, trác 3 ngấn, thiết đao, hoả tiễn, gậy móc, pháp cổ, chuỳ, Pháp luân, mâu, bảo trượng thiết phủ (búa sắt); bên trái từ trên xuống cầm Kim cang linh, thuẫn, chày hàng ma, lô khí (lò), cung, dây, ma ni bảo, hoa sen trắng, loa trắng, kính, móc câu và đầu Phạm Thiên bốn mặt. Đùi phải duỗi ra màu đỏ, đùi trái co lại màu trắng. Búi tóc trên đầu lấy chày Kim cang để trang sức. Thân trên mặc Thiên y, dưới mặc quần da hổ, đeo nhiều thứ anh lạc, đầy đủ sự trang nghiêm của một báo thân Phật. Vị Minh phi thì thân màu vàng, có bốn đầu, tám tay, ba mặt, 4 tay bên phải cầm thiết đao, gậy móc, pháp cổ (trống) và xâu chuỗi. 4 tay bên trái cầm lô khí, dây, hoa sen trắng và Ma ni bảo.
Pháp tu ” Thời luân Kim cang” có thể dứt trừ binh tai và tất cả các kiếp nạn, xúc tiến hoà bình, phong đều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng, lục súc hưng vượng, dứt trừ luân hồi, vãng sanh về Tịnh Độ Hương-Ba-lạp của Bổn tôn.
Cũng giống như những phương thức tu hành Mật tục khác, về hình thức Quán Đảnh, Pháp tu Mật tục của ” Thời luân Kim cang” cũng được kiến lập dựa trên bốn lớp quán đảnh. Hành giả sau khi quán đảnh được cho phép nghiên cứu Thời Luân Mật Tục, khiến cho tự thân từ nội địa đến ngoại thái được cải biến triệt để, có thể giúp đỡ chúng sanh giải thoát Luân hồi, đối với những người không thuộc Phật Giáo đồ hay những kẻ không nghĩ đến chuyện khai ngộ, trong đời này cũng có thể nhờ vào Pháp hội Thời Luân mà được sự gia trì thù thắng. ” Thời luân Kim cang” có thể ban cho người tham dự sự gia trì đặc biệt Pháp tu ” Thời luân Kim cang” có thể dứt trừ binh tai và tất cả các kiếp nạn, xúc tiến hoà bình, phong đều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng, lục súc hưng vượng, dứt trừ luân hồi, vãng sanh về Tịnh Độ Hương-Ba-lạp của Bổn tôn.
Thích Nguyên Hiền
http://www.vietnalanda.org