Internet, Những Nỗi Lo Mới

Đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, hay có thể nói trước kỷ nguyên tin học phát triển cực mạnh với mạng Internet, vô số vấn đề đau đầu do Internet gây ra chưa giải quyết được, vì bên cạnh lợi ích thật lớn lao của nó, đang nảy sanh sự tác hại kinh khủng không kém. Chúng ta đều biết mạng máy tính Internet mở rộng cánh cửa kiến thức cho mọi người trên toàn cầu. Chỉ cần nhấn phím, lịch sử văn minh nhân loại ở khắp thế giới sẽ diễn tiến trước mắt chúng ta. Hoặc những phát minh khoa học giúp cho các chuyên gia đỡ được bao công đoạn tra cứu và có cơ sở cho những khám phá mới.

Internet đã có mặt trong nhiều hoạt động khắp nơi. Trong lãnh vực thông tin, hàng chục tờ báo lớn nhỏ ở Mỹ đã xuất hiện trên mạng Internet, nghĩa là chỉ trong vài phút, tin tức và hình ảnh của tờ báo hiện ra trên màn hình và in ra dễ dàng. Trên chính trường, hai nguyên thủ của Kuala Lumpur và Manila đã nói chuyện với nhau qua máy tính mạng Internet. Ở Tokyo, hãng máy tính Fujitsu sẽ sử dụng Internet để tổ chức kiểm tra tiếng Anh cho 3.000 nhân viên. Ở Singapore, tất cả viên chức hành chính từ Thủ tướng, Bộ trưởng, cho đến cấp thấp, nhà kinh doanh, nhà khoa học đều làm việc bằng máy tính và các mạng liên lạc giữa họ với thế giới. Hàn Quốc, Đài Loan cũng thiết lập dự án tin học

hóa các hoạt động điều hành Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích xác thực nói trên, Internet còn có những tiềm năng bí ẩn chưa được khám phá trọn vẹn. Trong khi đó, một số người lợi dụng ưu thế của Internet để khai thác theo chiều hướng xấu, mang đến những tác hại như chuyển tải chương trình khiêu dâm, bạo lực, tội ác, hoặc có hại cho văn hóa, an ninh quốc gia. Vì vậy, Chính phủ các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đang nghiên cứu, tìm hiểu về phương tiện truyền thông siêu tốc này và tìm phương cách kiểm soát nó.

Ở Trung Quốc buộc các người sử dụng Internet phải nhận các thông tin điện tử qua các bộ lọc, dưới sự kiểm soát của Bộ Bưu chính viễn thông. Ngoài ra, phải đăng ký với công an. Ở Nhật Bản thì phạt người cho phát hình ảnh khiêu dâm trên Internet hai năm tù và 250.000USD. Ở Singapore, các công ty dịch vụ Internet phải đăng ký với cơ quan truyền thanh, truyền hình quốc gia. Nói chung, các quốc gia đều tìm cách ngăn chặn những tác hại qua Internet.

Đối với Internet, vấn đề nóng bỏng của nhân loại ở cuối thế kỷ này, thiết nghĩ mọi cơ quan chức năng cần tìm biện pháp ngăn chặn các tổ chức xấu đưa vào các chương trình phản đạo đức, ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của chúng ta để đầu độc người, nhất là giới thanh thiếu niên. Riêng Phật tử, những người trí thức có điều kiện sử dụng Internet, cần cảnh giác, đừng để rơi vào bẫy của những người ác độc. Và nên giáo dục con em, lựa chọn chương trình bổ ích cho kiến thức và đạo đức để học tập, phát triển cuộc sống. Bên cạnh mặt đề phòng, ngăn chặn những chuyển tải dữ liệu phi đạo đức, chúng tôi đề nghị Chính phủ nên sớm có một chương trình giới thiệu đất nước Việt Nam đưa vào mạng Internet. Chắc hẳn đó là một cách tốt để chống lại những thông tin xấu, không trung thực trên vùng đất không ranh giới.

Báo GN số 6, ngày 11-5-1996

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/tu-tuong-phat-giao-1/internet-nhung-noi-lo-moi

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.