Lama

1. Khoảng thời gian năm tôi lên tám, lên chín tuổi, lâu lâu vào ngày Chủ Nhật, bố mẹ tôi vẫn hay dắt chị em chúng tôi tới một tiệm sách chuyên bán sách báo của Pháp nằm xế bên hông Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Cái không khí tĩnh lặng, tinh khôi, trong vắt như một ly nước suối trong tiệm sách đó đã luôn luôn là cảm giác rất quyến rũ cho một đứa bé sớm thích mơ mộng như tôi. Tôi nhớ mang máng (và không biết mình có nhớ lầm không), phía trên những kệ sách dài chạy dọc một bên tường là những khung kính hình chữ nhật, nơi những khoanh nắng rất tươi của buổi sáng luôn hối hả luồn vào. Tiệm sách sáng trong, ánh sáng cũng tinh khôi như ly nước suối. Có những hôm, tôi ngồi khoanh chân dưới đất, trong lòng ôm một quyển sách mở toang. Tôi giở nhẹ từng trang giấy, và lúc đó, thầm ước, phải chi có một ông nhà văn nào đó, chẳng hạn như là người đã viết cái quyển sách đang mở toang trong lòng tôi này, tình cờ bước chân vào tiệm sách, tình cờ nhìn thấy tôi với quyển sách của ông… Ông sẽ cúi xuống mìm cười với tôi, xoa tóc tôi, và sẽ hỏi, bé con, em thích nhất trang nào trong quyển sách của tôi, em có muốn đóng vai con bé con trong đêm khuya khoắt bị sai đi lấy gầu ra giếng kéo nước trong truyện của tôi không? Và tôi sẽ gật đầu, và sẽ trả lời ông rằng, vâng, em thích được đóng vai con bé bị hất hủi ấy lắm, và em sẽ đóng… rất hay!

Buồn cười, tôi luôn luôn hay mơ mộng những chuyện lăng nhăng và buồn cười như thế! Và tôi hay mơ mộng lăng nhăng như thế là bởi vì tôi ít khi thích bỏ thời giờ ra ngồi nhá mấy quyển sách Pháp văn mà chúng tôi bị bắt phải đọc trong trường. Thường thường, tôi chỉ đọc đọan nào tôi thích nhất, rồi tha hồ vẽ ra những bức tranh tưởng tượng trong đầu. Tranh mặc tình nhảy muá uyển chuyển như sóng lụa, tôi cũng mải mê uốn mình bay bổng trên sóng lụa, đợt ngày tiếp đợt kia, quên tuốt mất những trang còn lại trong cuốn sách cần phải đọc, nên cuối cùng , có nhớ được gì đâu! Lý do là bởi vì tôi yêu tiếng Việt và say mê đọc sách, đọc truyện tiếng Việt hơn cả, nhất là sử Việt, bởi thế, Pháp văn tôi chưa từng bao giờ giỏi ngày nào, vốn liếng chỉ vừa đủ dùng mà thôi!

Nhưng thủa ấy, tôi thích đọc, hay xem, truyện hình ‘Tin-Tin’ bằng tiếng Pháp lắm (bởi vì nó nhiều hình, ít chữ!). Và lạ lùng thay, bây giờ, hơn ba mươi mấy năm sau, tôi mới hiểu ra được rằng, chính ‘Tin-Tin’ đã là cái giềng mối sớm nhất và đầu tiên nhất trong đời gợi cho tôi nhớ lại được những quan hệ cội rễ vô cùng mật thiết bắt nguồn từ những… tiền kiếp xa xôi!

Buổi trưa hôm ấy, tôi đã ngồi xem ‘Tin-Tin’ trên chiếc giường mà tôi ngủ với bà tôi mỗi tối, vừa xem vừa cười khúc khích. Nhưng chỉ mới đọc được vài trang thì tôi đã khựng lại. Trong tranh, tôi nhớ , có vẽ hình con thú bốn chân trông giống một con lừa. Đó là một con… la ở xứ Peru! Người dẫn đường bản xứ, một anh trai trẻ người Peru đội mũ quấn khăn sặc sỡ, đã cắt nghĩa cho Tin-Tin biết… đây là con
‘llama’. 1

Cẩn thận nhé, khi nào nó giận thì nó phun nước miếng đấy! Anh ta phải cắt nghĩa như vậy vì con lừa mất lịch sự ấy vừa mới phun xong nước miếng vào mặt ông già thuyền trưởng đang đứng sớ rớ ngay đó không thương xót. Ít phút trước đó, nó đã bị ông ta chọc ghẹo! Cuối cùng, truớc khi quay lưng bỏ đi, hình như ông bạn già lẩm cẩm này của Tin-Tin đã vùng vằng la lên mắng nó, đại khái là…‘đồ con la-ma!’

Tôi đọc đến đây thì… khựng đứng lại! Tôi còn nhớ như in cái cảm giác ngỡ ngàng, tột cùng ngỡ ngàng trong lòng vào giây phút ấy! Ba mươi mấy năm sau, mà cái cảm giác ngỡ ngàng vẫn còn hiện rõ như một vết cắt ngọt sớt trên mảnh da non khi hồi nhớ lại.

Tôi đã ngồi thừ rất lâu, cố moi móc trong đầu ra xem tại sao con lừa ngu ngốc và kém lịch sự này lại có tên là con la-ma như vậy. Lúc ấy, tôi đã lý luận rất đơn sơ rằng, đây là con lừa, không phải con… la-ma, và nếu hỏi tôi tại sao tôi quả quyết như thế thì tôi không trả lời được . Đơn giản lắm, tôi nghĩ, la-ma là… la-ma, là tiếng gọi một.. cái gì khác, nhưng nhất quyết, không phải tiếng để gọi con lừa!

Cái cảm giác ngỡ ngàng và khó chịu đã đeo theo tôi suốt buổi, cho đến tối. Ăn cơm xong, tôi lấy quyển sách truyện hình ra đưa cho bố tôi xem. Tôi chỉ tay vào hình con lừa xứ Peru và hỏi bố tôi rằng, ‘tại sao’ người ta lại gọi con lừa này là con la-ma vậy hở Bố?’ Lúc hỏi câu hỏi ấy xong, tôi chỉ mong chờ thấy bố tôi nhíu mày lại, hay cũng kêu lên một tiếng gì đó biểu lộ sự ngạc nhiên chẳng hạn. Nhưng ông không ngạc nhiên, và cũng chẳng nhíu mày. Ông đã trả lời hết sức hồn nhiên và điềm đạm, ‘đâu có gì… tại sao đâu con, đây là một con lừa, nhưng người dân Peru gọi nó là con ‘llama’ (la-ma); tiếng đó cũng có nghĩa giống như là con lừa, giống như tiếng Pháp người ta gọi con lừa là ‘l’âne’ (lan) đó!’

Tôi đã im mất một lúc rất lâu sau đó. Rồi tôi ngớ ngẩn nhắc lại cái lý luận rất đơn sơ và cũng rất ngớ ngẩn của mình… Tôi nói một cách cương quyết:

– Bố ơi Bố, nhưng mà la-ma không phải là con lừa! La-ma là tiếng để gọi…
cái gì khác !

Bố tôi hỏi tôi:

– Vậy thì con nghĩ đó là tiếng gọi… cái gì?

Tôi lắc đầu, tuyệt vọng:

– Con không biết!!! Bố… không biết thật hay sao hở Bố?!

Bố tôi cũng lắc đầu. Và câu chuyện buổi tối của hai bố con tôi chấm dứt ở đó! Qua hôm sau, tôi hỏi mẹ tôi, rồi hỏi bà ngoại tôi, cùng một câu hỏi ấy. Qua hôm sau nữa, tôi đem sách truyện ra chỉ cho hai chị giúp việc trong nhà tôi xem, và cũng hỏi cùng một câu hỏi ấy. Tôi vào lớp học, chờ đúng lúc, vội vàng giơ tay lên hỏi cô giáo, hỏi Soeur giám thị, hỏi luôn mấy con bé bạn thân nhất của tôi, rằng la-ma có phải ‘đúng’ là âm gọi một con lừa không, rồi vội vàng lập lại điều tôi quả quyết, rằng con lừa ‘không thể’ là… la-ma được! Lẽ dĩ nhiên, mỗi người trả lời tôi hoặc góp ý với tôi một cách khác, tùy theo trình độ hiểu biết của từng người, nhưng chẳng có một ai nói lên điều tôi mong mỏi cả!

Ba mươi mấy năm sau, khi ngồi viết lại những giòng này, tôi thấy trong lòng một niềm vui nhẹ nhàng như hương trà buổi sớm, khói mỏng manh quyện lên cao, dấy lên những cánh cung tròn lơ lửng. Không biết bám vào đâu, mà cũng chẳng bám vào đâu. Ôi, con la-ma của tôi!

Tôi thấy tôi thật buồn cười, và… ngây thơ không kém gi cái cậu-bé-tác-giả St. Exupéry của truyện Hoàng-Tử-Bé (Le Petit Prince) ! Cũng gần gần, đâu đó! Lên sáu tuổi, cậu vẽ bức tranh một con trăn quấn mồi, nuốt tuột con mồi vào bụng. No nê, bụng trăn căng phình lên, to như cái trống với một cái lõm lún xuống ngay giữa bụng. Câụ đem bức hình đi khoe với mọi người, gặp người quen người lạ nào cậu cũng hỏi, có biết em vẽ cái gì đây không? Ai cũng trả lời cậu, đây là cái mũ, em vẽ cái mũ, phải không? Cậu lắc đầu, trong lòng buồn bã. Không, đây là con trăn nuốt mồi, bụng nó căng cứng, phình to lên đó! Mọi người nhìn cậu trố mắt, chẳng biết phải nói năng gì. Rồi cậu thôi, không vẽ nữa, chẳng buồn vẽ nữa. Cậu bỏ mộng làm họa sĩ vì cái kinh nghiệm vẽ vời không được mấy vừa ý của những ngày bé thơ. Cho đến khi cậu trở thành một người đàn ông, điềm nhiên, chững chạc. Người đàn ông quên mất chuyện con trăn-cái mũ và giấc mộng vẽ vời, say mê học lái máy bay, trở thành một phi công tài giỏi. Người phi công đó đã được gặp Hoàng-Tử-Bé trong một hoàn cảnh cực kỳ lạ lẫm, không thể ngờ trước được, và ông bắt đầu vẽ trở lại, vì người bạn tí hon của ông, là người cũng có thể nhìn thấy được con mồi trong bụng chú trăn tham ăn. Mà còn hơn thế nữa, bạn ông còn thấy được cả con cưù con hiền lành ngơ ngác trong bức hình ông vẽ một chiếc hộp kín bưng nữa kìa!

Down load http://www.vietnalanda.org/Writings/Lama_DiemAu.pdf

Diễm-Âu

________________________
1. Chữ ‘llama’ là tiếng Tây-Ban-Nha để chỉ con lừa, được đánhvần với hai chữ ‘l’ và phát âm theo tiếng Tây-Ban-Nha là ‘da-ma’. Nhưng nếu phát âm theo tiếng Việt thì thành ra là ‘la-ma‘ và người Việt hay viết bớt đi một chữ ‘l’ thành ra ‘la-ma’ để ám chỉ con lừa xứ Peru.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.