Khai Thị Về Kinh Và Chú Thủ Lăng Nghiêm – Phần 1

Trì chú Lăng Nghiêm điều quan trọng nhất là phải nghiêm trì giới luật

Chú Lăng Nghiêm là chú dài nhất, lại gọi là “linh văn” vì nó rất linh nghiệm, rất diệu mầu không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Ai niệm thì người đó có cảm ứng, ai trì tụng thì người đó được sự hộ trì của Bồ tát Kim Cang tạng. Cho nên quý vị trì chú này cần phải thành ý chánh tâm, tu thân, cách vật. Thế nào là cách vật ? Tức là cách trừ tất cả vật dục (lòng tham vật chất), cũng tức là không có lòng tham, thì sự nhận thức mới chính xác, mới có thể thành ý chánh tâm, tu thân, thì trì chú này sẽ có đại cảm ứng. Có người không hiểu rõ ý nghĩa của chú, nói bừa rằng : Chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú nhỏ hợp lại mà thành mới dài như thế. Người nói câu này thật không bằng đứa con nít, đứa con nít nói chuyện cũng nghe người lớn nói rồi mới theo người lớn nói, không nói sai lầm một cách trầm trọng như thế. Nếu nói chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú ngắn nối liền với nhau, vậy thì những chú ngắn này là những chú gì ? Nếu nói không biết thì tại sao lại cho rằng chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú ngắn hợp thành ? Ðây thật là lời nói không có căn cứ. Những chú ngắn này có tên không ? Nếu không có thì chú này ai nói? Ngay cả tên cũng không có, thì còn được gọi là chú gì. Cho nên lời nói ra phải chịu trách nhiệm, không thể nói một cách tùy tiện, nhất là học giả, bản thân mình nói một cách tùy tiện, thì học sinh của mình cũng sẽ nói một cách tùy tiện, một chút căn cứ cũng không có. Cho nên chú Lăng Nghiêm từ lúc bắt đầu tức là quy y mười phương tận hư không biến pháp giới nhất thiết chư Phật, sau đó lại quy y mười phương tận hư không biến pháp giới nhất thiết chư Bồ tát, sau đó lại quy y các bậc thánh Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả A la hán, sau đó lại quy y thiên, quy y thiên này không phải là theo (follow) chư thiên, chỉ là cung kính chư thiên. Người xuất gia vốn không nên lễ bái bất cứ ai, người xuất gia là bậc đáng thọ nhận sự cúng dường của chư thiên, tại sao lại phải cung kính chư thiên ? Chư thiên lễ bái quý thầy, vì quý thầy có đạo đức, có tu hành, nhưng quý thầy không thể sanh tâm cống cao ngã mạn, nói : “Quý vị biết không ! Tất cả chư thiên hộ pháp đều khấu đầu đảnh lễ tôi”. Không thể sanh tâm cống cao ngã mạn như thế, cảm thấy mình là người giỏi hơn hết. Dù đạo đức của mình có viên mãn đi chăng nữa thì cũng làm như không có, bản thân mình có đạo đức mà không chấp trước, có học vấn chân thực mà không tự mãn, như thế mới là người tu đạo chân chánh. Cho nên người tu hành tụng trì chú này cũng nên cung kính chư thiên, các vị thiện thần. Không những thiện thần cần phải cung kính, mà ác thần cũng nên cung kính. Nên thu thúc những tập khí cống cao ngã mạn của mình. Cho nên sự lợi ích của việc thọ trì chú Lăng Nghiêm nói hoài không hết. Tôi cũng không muốn nói chú Lăng Nghiêm rốt cuộc có lợi ích gì, vì nếu tôi nói ra quý vị trì tụng lại sanh ra lòng tham muốn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm vì mong muốn có lợi ích, thì không phải là chân chánh muốn trì tụng chú Lăng Nghiêm.

Nếu quý vị thật muốn trì tụng chú Lăng Nghiêm, thì nên xem chú Lăng Nghiêm quan trọng như là cơm ăn, áo mặc, ngủ nghĩ. Chúng ta nên làm như thế, còn được cảm ứng gì, linh nghiệm gì thì không nên nghĩ đến, vì quý vị vừa nghĩ đến cũng tức là vọng tưởng, chưa thành công, làm sao mà khởi lên vọng tưởng này ? Giống như một đứa trẻ mới sanh ra, ngay ngồi còn không biết, thì nghĩ chi đến việc chạy, ngay cả việc đi còn không biết, làm sao mà có thể chạy được ! Tại sao người ấy lại nghĩ đến việc như thế ? Chính là vì không hiểu biết, đến khi biết chạy rồi thì lại muốn bay, quý vị nói có thể thực hiện được chăng ? Vốn là việc không thể thực hiện được, sao lại mong muốn đến điều đó. Ðã không phải là chim, lại không có mọc cánh thì làm sao có thể bay được ? Vọng tưởng đó thật là quá lớn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, tu hành thì lo tu hành, không nên chấp giữ cái tâm có sở đắc, nói “tôi phải nhất định có chỗ đắc”. Như quý vị nói: “tôi nhất định không chết”, nhưng đến lúc phải chết thì không có cách nào thoát khỏi cái chết. Cho nên sự mong muốn này chỉ là vọng tưởng. Nếu có thể siêng năng tinh tấn tu hành, khi chứng quả liễu thoát sanh tử thì lúc đó mới muốn không chết thì không chết. Không phải chỉ nghĩ: “tôi không muốn chết, tôi không muốn chết”, rồi sẽ được không chết, mà cuối cùng rồi cũng sẽ chết như mọi người. Tôi chắc rằng sẽ có người nghĩ rằng : “Tôi thật sự không muốn chết, tôi muốn giữ gìn cái túi da thúi này”, giữ gìn tới giữ gìn lui, đến lúc đó túi da thúi nói câu “tạm biệt ” rồi chạy luôn.

Chú Lăng Nghiêm là linh văn, mỗi câu đều có hiệu lực, quý vị không nên nghĩ “tôi trì chú Lăng Nghiêm đã lâu như thế tại sao không có hiệu nghiệm”, ăn cơm không đói thì được rồi, còn muốn ăn bữa cơm này vĩnh viễn không đói, làm sao có thể được ! Ngày mai quý vị phải ăn nữa mới không đói, tụng chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, ngày ngày trì tụng, công đức không luống mất, lâu ngày thì có công dụng của trì tụng.

Tụng trì chú Lăng Nghiêm thì có tám vạn bốn ngàn Bồ tát Kim Cang tạng thường theo bên mình hộ trì, đó là điều chân thật, nhưng khi tụng chú không nên khởi lên vọng tưởng, nếu không Bồ tát Kim Cang tạng sẽ cho rằng : “Người này thật là thấp kém, không có lòng dõng mãnh. Ta muốn đi theo để bảo hộ, nhưng ta thấy người này không có tiền đồ gì cả, làm lãng phí thời gian của ta”, Bồ tát hộ pháp sẽ sanh lòng nóng giận.

Cho nên phải chú ý, trì chú Lăng Nghiêm điều quan trọng nhất là phải nghiêm trì giới luật, nếu không giữ gìn giới luật, trì tụng như thế nào cũng không có linh nghiệm. Nếu có thể giữ gìn giới luật, không có lòng tật đố chướng ngại, không có tham sân si, thì tụng trì chú Lăng Nghiêm càng có cảm ứng lớn, lợi ích lớn. Tôi bảo với quý vị tụng trì chú Lăng Nghiêm còn kiếm được nhiều tiền hơn buôn bán vàng nữa, tụng trì một biến chú Lăng Nghiêm thì có giá trị muôn vạn ounce vàng ròng, nhưng không nên dùng lòng tham để trì tụng.

Chú Lăng Nghiêm theo cách giảng của tôi như thế, cũng không thể nói không hay, nhưng từ xưa đến nay không có ai giảng như thế. Khi giảng chú Ðại Bi, mỗi câu chú tôi làm bốn câu kệ tụng để hình dung sức mạnh và công dụng của chú. Ðương nhiên bốn câu kệ tụng giải thích một câu chú thì khó mà giải thích cho hết, vì ý nghĩa mầu nhiệm của chú thì vô cùng vô tận. Bốn câu kệ tụng thì làm sao có thể nói hết, chỉ là nói một phần nhỏ mà thôi, được một mất mười, do phần nhỏ này hiểu được ý nghĩa của một câu chú. Vì bốn câu kệ tụng rất dễ nhớ, từ cạn đến sâu, từ ít đến nhiều, từ gần đến xa, thì có thể thâm nhập nghĩa lý của chú.

Chú vốn không thể giảng và cũng không thể giải thích, nhưng miễn cưỡng giảng, giống như “quăng ngói dẫn ngọc”. Vì thế nay giảng chú Lăng Nghiêm, dù tôi nói đúng hay không, có ý nghĩa hay không, nhưng nó thì từ trong tâm của tôi tuôn ra, cũng có thể nói là máu của tôi, mồ hôi của tôi. Tôi dùng chân tâm của tôi để giảng giải, hy vọng quý vị nghe xong hiểu được ý nghĩa chân chánh của chú, hiểu sâu sắc hơn tôi, hiểu rộng hơn tôi. Ðó là lòng mong muốn của tôi, cho nên tôi nói : “quăng ngói dẫn ngọc”, hy vọng phô bày ra trí huệ của quý vị, có thể thâm nhập kinh tạng trí huệ như biển. Người học Phật pháp cần phải hướng đến mục đích cao thượng tốt đẹp, đã tốt còn muốn tốt hơn, đã hiểu rồi còn muốn hiểu hơn. Không nên nói “tôi hiểu rồi nhưng không biết tu hành như thế nào”, nên thực thực tại tại tu hành, dù quý vị có hiểu biết mà không tu hành thì cũng không có ích dụng gì. Cho nên tu hành cần phải chân đạp chắc chắn trên đất, nỗ lực tu hành, không nên bịt tai trộm chuông, tự lừa dối mình, không lừa được người. Tôi viết lên bốn câu kệ tụng cũng có thể nói là giới thiệu trí lực của tôi, giới thiệu tâm của tôi, dùng chân tâm của tôi giảng chú Lăng Nghiêm, hy vọng quý vị có thể hiểu rõ một chút.

Trích LĂNG NGHIÊM CHÚ SỚ LƯỢC GIẢNG (câu 24)


Con Cháu Của Ma Vương

Đức Phật đã dùng định lực để thắng lực thần thông của ma vương trong khi đấu pháp với chúng. Lúc đó ma vương bèn nói với Phật rằng: “Bây giờ tôi không có cách gì để thắng được ông, nhưng chờ đến tương lai sau nầy, khi đệ tử của ông không có đủ định lực, tri kiến lại bất chánh, lúc đó tôi sẽ đục cửa chui vào nhà ông mà mặc áo của ông, ăn cơm của ông, sau đó tôi lại còn tiểu tiện vào trong bát của ông, thử xem ông sẽ làm sao!” Đức Phật Thích Ca điềm nhiên nói: “Thế thì ta không có cách gì cả.”

Rõ ràng hiện nay, đã có người xuất gia công khai nói Kinh A Di Đà là giả, với lý do là trong kinh có những câu không có căn cứ để khảo chứng như: “Từ đây đi về phương tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc.” Ông ấy hỏi rằng: “Vị quan địa phương nào đo vậy? So ra khoảng cách của mười vạn ức cõi Phật có lẽ là nhiều hơn một chút, hoặc cũng có lẽ là ít hơn một chút. Thế thì có chắc là mười vạn ức cõi Phật không?” Đúng là những lời lý luận ngu si xằng bậy, chỉ làm trò cười cho thiên hạ!

Gần đây, lại có vị xuất gia tuyên bố với mọi người rằng Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo, đừng nên tin. Bởi căn cứ vào đoạn kinh văn: “Nhân ngày húy kỵ của vua cha, vua Ba Tư Nặc thiết trai thỉnh Phật vào cung điện. Nhà vua đích thân nghênh đón đức Như Lai, và thiết bày đầy cả thức ăn quý,” vị đó cho rằng đoạn văn nầy không phù hợp với phong tục Ấn Độ lúc đương thời – bởi ở Ấn Độ không giảng về đạo hiếu. Nhân đó ông quyết đoán rằng Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo, không phải do Phật thuyết giảng. Đó chính là hành vi hủy kinh báng Phật, và quả báo của sự hủy báng nầy khó mà tưởng tượng nổi. Tư tưởng của sư nầy thật quá ấu trỉ! Tâm sư ở đâu, quý vị có thể suy ra thì biết!

Trong Kinh Pháp Diệt Tận nói rằng: “Tương lai khi đến thời kỳ Mạt Pháp, bộ kinh Lăng Nghiêm sẽ bị hủy diệt trước hết.” Bởi vì Kinh Lăng Nghiêm là đại biểu cho thời đại Chánh Pháp. Nếu không có kinh Lăng Nghiêm, tức là không có Chánh Pháp. Hiện nay có rất nhiều sơn yêu thủy quái, chúng chủ trương là Kinh Lăng Nghiêm không phải do Phật nói, và muốn mọi người đừng tin. Nếu không tin Kinh Lăng Nghiêm, vậy bao nhiêu Kinh điển khác đều có thể lấy bút quẹt bỏ hết mà không tin luôn à! Vì sao? Bởi không có căn cứ chăng! Cho nên quý vị có thể thấy rằng tâm địa của ma vương quả thật quá cay độc!

Đây cũng bởi vì Kinh Lăng Nghiêm nói lên sự thật quá rõ ràng. Trong khi ma vương lại không thể giữ được Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối tức bốn lời răn dạy thanh tịnh, cũng không thể tu được Pháp Môn Viên Thông của hai mươi lăm vị Thánh, và càng không dám đọc về cảnh giới của Năm Mươi Loại Ấm Ma. Vì nó sợ bại lộ nguyên hình, khiến cho người ta biết được bộ mặt thật của nó, cho nên nó mới tìm cách hủy diệt Kinh Lăng Nghiêm. Hủy diệt đây không phải là đốt kinh điển, mà là hủy diệt kinh từ trong tâm chúng sanh, khiến cho mọi người mất lòng tin đối với Kinh Lăng Nghiêm.

Chuyện trên đời là kỳ diệu như thế đấy. Thật rất ít có ai nhận biết được. Cũng giống như nghề buôn, người bán thuốc giả thì rất đắc hàng, trong khi người bán thuốc thật lại chẳng có ai mua. Tại sao? Bởi không có người chân chánh nhận biết được giá trị của nó. Cho nên tôi bảo là sự thật thì không ai nhận biết, còn giả thì lại làm cho mọi người say mê. Đó là đạo lý rất dễ hiểu thôi!

Hiện nay là thời kỳ Mạt Pháp, có nhiều người phỉ báng và không tin các vị thầy chân chánh tu trì Phật Pháp. Nhưng các thầy giả, bởi giảng pháp quá náo nhiệt nên có rất nhiều người đến nghe Pháp, đến nỗi trong giảng đường không còn chỗ chứa, người ta chen chúc như hộp cá mồi, chật thở không ra hơi. Thế mà lại có người xuất gia đề xướng khẩu hiệu không ăn chay. Ông thầy nầy nói với mọi người rằng: “Phàm hễ là người ăn chay đều có tâm tham; còn người không ăn chay mới không có tâm tham.” Lý luận như vậy thật là chọc cười cho cả thiên hạ, là làm mù mắt người, khiến cho người ta hồ đồ – hồ đồ qua, hồ đồ lại, hồ đồ cho đến lúc xuống địa ngục, vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi.

Cho nên khi học Phật Pháp, chúng ta cần nên có trạch pháp nhãn, con mắt biết chọn lựa Pháp thì mới có thể phân biệt được phải hay trái, đúng hay sai và thiện hay ác một cách rõ ràng. Nếu không vậy, chúng ta chẳng khác gì như người mù sờ voi, mò không ra được đạo lý chân chánh. Người ta nói sao thì mình lập lại y như vậy, nghe rồi phụ họa theo. Người ta nói con voi như bức tường, mình cũng nói theo là voi như bức tường. Người ta nói con voi giống như cây cột, mình cũng phụ họa nói voi giống cây cột. Rốt cuộc thì con voi giống như cái gì? Chúng ta đều chẳng biết. Khi học Phật Pháp, chúng ta phải hiểu cho được đạo lý, chứ đừng đi theo một cách mù quáng. Mọi người nên đặc biệt chú ý điểm nầy!

Giảng ngày 17 tháng 4 năm 1984

Trích Khai Thị 6

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.