Khai Thị Về Kinh Và Chú Thủ Lăng Nghiêm – Phần 1

Khai tuệ có Lăng Nghiêm
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Kim Cang Tạng Bồ Tát
Nam Mô Ðại Thế Chí Bồ Tát

Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh, bảy chữ này là tựa đề của kinh. Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương là tựa đề của một chương trong bộ kinh ấy. Hôm nay vì thời gian có hạn cho nên tôi không giải thích tựa Kinh Lăng Nghiêm. Chỉ đơn thuần giải thích tựa kinh cũng đòi hỏi rất nhiều thời giờ, vì vậy tôi chỉ giảng sơ lược mà thôi.

Bộ Kinh Lăng Nghiêm này gồm có Chú Lăng Nghiêm. Hai chữ “Lăng Nghiêm” có nghĩa là “Cứu cánh kiên cố.” Tại Trung Quốc bộ kinh này có tầm quan trọng đặc biệt, nên có câu:

Thành Phật có Pháp Hoa
Khai tuệ có Lăng Nghiêm

Tôi rất hoan hỷ giảng Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Pháp Hoa, vì hai bộ kinh này giúp khai mở trí tuệ và giúp thành Phật. Chẳng những tôi hoan hỷ mà còn mong muốn mỗi Phật tử đều nghiên cứu để am tường đạo lý trong Kinh, đặc biệt là Kinh Lăng Nghiêm.

Nói đến Kinh Lăng Nghiêm, tôi nhớ tại Trung Qưốc có một vị Trí Giả Ðại Sư bình sanh chỉ nghe tên bộ Kinh này là liền ao ước được trì tụng. Hằng ngày, Ngài hướng về Ấn Ðộ rập đầu lễ bái, hy vọng có thể thấy tận mắt bộ kinh này. Ngài lễ bái suốt mười tám năm mà vẫn chưa thấy được bộ kinh. Trí tuệ của Trí Giả Ðại Sư rất vượt bực, và biện tài của Ngài rất là vô ngại, nhưng Ngài vẫn hết sức thành kính lễ bái bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Như vậy đủ chứng tỏ tầm quan trọng của bộ Kinh này.

Kinh Lăng Nghiêm còn lưu hành trên thế gian, thì thiên ma ngoại đạo đều không dám xuất hiện. Bất hạnh thay, vào thời Mạt-pháp Kinh Lăng Nghiêm sẽ là bộ kinh bị mất trước tiên. Một khi bộ Kinh Lăng Nghiêm này không còn trên thế gian nữa, thiên ma ngoại đạo sẽ mặc sức lộng hành.

Thậm chí hiện nay có một số người tự xưng là chuyên gia về Phật học mạo nhận là học giả từng nghiên cứu Phật-pháp, hoặc là giáo sư khoa học Phật học của một trường đại học nào đó, và công nhiên đề xướng rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả, do người Trung Quốc ngụy tạo. Quý vị hãy nghĩ xem tuy rằng có rất nhiều thánh nhơn xuất hiện ở Trung Quốc nhưng tôi tin chắc rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được vị thánh nhân đã tạo ra Kinh Lăng Nghiêm đó. Cho nên tôi tuyệt đối tin rằng bộ Kinh Lăng Nghiêm này là thật, là chính xác, và là một bộ kinh khả dĩ hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo. Vì trong Chú Lăng Nghiêm toàn là những câu thần chú dùng để hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo. Từ câu chú đầu tiên đến câu chú cuối cùng, mỗi câu đều có một sự diệu dụng và uy lực bất khả tư nghì của nó. Cho nên, Phật vì Chú Lăng Nghiêm mà thuyết Kinh Lăng Nghiêm.

Trước kia, tại Hương Cảng, có người đã phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm ra Anh văn, nhưng lại xén bỏ đoạn Kinh văn về nghi quy thiết lập “Lăng Nghiêm Ðàn,” ngay cả Chú Lăng Nghiêm cũng bị loại bỏ. Vị dịch giả ấy nói rằng người Tây phương chẳng ai tin Chú Lăng Nghiêm và cũng chẳng ai tụng Chú này, bởi họ cho rằng Chú là những gì mê tín và không tin ở công dụng của Chú. Cho nên trong bản dịch Anh ngữ ấy không có đoạn nói về cách “thiết đàn” và cách tu trì “Lăng Nghiêm Ðại Pháp.”

Từ khi tôi đến các quốc gia Tây phương, nhất là qua kinh nghiệm bản thân ở Mỹ, tôi nhận thấy rất nhiều người Tây phương thích trì tụng Chú Lăng Nghiêm, và chẳng những hoan hỷ trì tụng mà còn học thuộc lòng nữa.

Tại Kim Sơn Thánh Tự tôi có một đệ tử vào hai thời công phu sáng tối đều cùng chúng tôi trì tụng Chú Lăng Nghiêm và chỉ tụng mỗi ngày hai thời như thế mà trong hai mươi sáu ngày là y đã thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm!

Tại Mỹ Quốc môn học tôi đưa ra khảo hạch trước tiên là khi học thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm; ai trả bài thông suốt thì đậu; ai không thuộc thì tạm thời bị đánh rớt. Ðó là quy định của khóa tu mùa hè năm 1968. Bấy giờ, có một người học thuộc trong hai mươi sáu ngày, và có một người trong hai mươi tám ngày. Cho nên hiện nay có rất nhiều Phật giáo đồ Tây phương biết đến Chú Lăng Nghiêm.

Quý Phật tử hãy nghĩ xem, vì sao những kẻ mạo nhận là chuyên gia Phật học, những kẻ tự xưng là học giả, hoặc khoe khoang mình là giáo sư của trường đại học nào đó, lại chủ trương Kinh Lăng Nghiêm là giả? Chỉ vì những gì nói trong Kinh Lăng Nghiêm đều có đề cập đến khuyết điểm cùng những sai lầm của họ. Như trong Kinh có dạy rõ rằng: “Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối” (bốn điều răn dạy về tánh thanh tịnh), là không được phỉ báng. Những kẻ này chẳng muốn dứt bỏ khuyết điểm của họ nên mới chủ trương Kinh Lăng Nghiêm là do người Trung Quốc tạo ra.

Vậy, ban đầu do ai chủ trương như thế? Là do người Nhật. Thế người Nhật nói là ai nói với họ? Truy nguyên ra là một vị Pháp-sư Trung Quốc đã mách họ, bảo rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả. Tôi chẳng rõ vị Pháp-sư này có hiểu Kinh Lăng Nghiêm chăng? Tôi không cần phải nêu danh tánh vị Pháp-sư này ra vì chuyện đã xưa rồi. Như vậy, do “cái sai loan truyền cái sai” mà nói rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả.

Việc này đủ chứng minh rằng Phật-pháp đang suy tàn, là do người trong hàng ngũ Phật giáo tạo ra tin đồn này, từng bước từng bước khiến cho người ta sinh ra hoài nghi, rồi dần dần không tin nữa. Vì hồ nghi không tin nên bộ Kinh này được xếp cất trên gác cao. Xếp lên xó gác thì chẳng khác gì hủy diệt. Vì chẳng còn ai nghiên cứu hoặc quan tâm đến nữa, thì lâu dần Kinh tất bị hủy diệt. Chẳng phải vì Kinh không có chữ, hoặc vì khan hiếm giấy, mà là vì dần dà người ta quên hẳn nó đi.

Vì sao có người đề xướng Kinh Lăng Nghiêm là giả? Chỉ vì họ không muốn tuân theo quy củ. Trong Kinh nói rằng 50 ấm ma có vô số phép thần thông song đều không đáng kể. Bởi vậy khi họ có đôi chút thần thông, thì họ cho là nếu có thần thông thì cũng bị xem là giả thôi. Cho nên những kẻ mưu cầu thần thông đều không thích kinh này.

Tôi nghe nói hiện nay tại Nhật Bản có một vị có thần thông, dùng tay chỉ ngọn nến thì ngọn nến bốc cháy, không hiểu có đúng như vậy hay không? Ngày 14 sắp tới tôi sẽ đi Nhật Bản và có thể sẽ viếng thăm vị này. Từ lâu ông ta hy vọng được gặp tôi. Lần này gặp mặt chúng tôi có thể cùng nhau trao đổi ý kiến.

Tầm quan trọng của Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm không thể nào nói cho hết được, và tương lai cũng không nói hết được sự diệu dụng, cho nên nói rằng bất khả tư nghì.

Hôm nay tôi thành thật trình bày với quý vị tầm mức diệu dụng của Chú Lăng Nghiêm này.

Khi xưa lúc tôi ở tại Ðông Bắc, mỗi khi gặp người có bệnh tôi nhất định làm cho họ lành bịnh. Tôi lấy oai lực gì làm cho họ khỏi bịnh. Ðó là oai lực của Chú Lăng Nghiêm.

Trong Chú Lăng Nghiêm có tất cả năm bộ:

Ðông Phương có:

A Súc Phật – Kim Cang Bộ

Nam Phương có:

Bảo Sinh Phật – Bảo Sanh Bộ

Trung Ương có:

Tỳ Lô Giá Na Phật – Phật Bộ

Tây Phương có:

A Di Ðà Phật – Liên Hoa Bộ

Bắc Phương có:

Thành Tựu Phật – Yết Ma Bộ

Phương Ðông có A Súc Phật, A Súc Phật tức là Kim Cang Bộ; Phương Nam có Bảo Sanh Phật, tức là Bảo Sanh Bộ; Trung Ương là Phật Bộ; Phương Bắc là Yết Ma Bộ; tất cả gồm năm bộ. Năm bộ này cai quản năm đại ma quân ở năm phương trên thế giới, cho nên khi trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì năm đại ma quân có năm phương đều cúi đầu phủ phục, không dám cưỡng lại oai lực của Chú Lăng Nghiêm.

Công năng của Chú Lăng Nghiêm gồm có:

1. Tức tai Pháp

2. Hàng phục Pháp

3. Tăng ích Pháp

4. Thành tựu Pháp

5. Câu triệu Pháp.

1. Tức tai Pháp (Pháp giải trừ tai ương). Một khi chúng ta trì Chú lăng Nghiêm thì hết thảy tai ương đều được giải trừ.

2. Hàng phục Pháp (Pháp làm cho hàng phục). Bất luận đối phương là thứ thiên ma ngoại đạo gì chăng nữa, một khi chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm thì pháp lực của chúng ma liền bị phá vỡ, chúng sẽ bị hàng phục dễ dàng.

3. Tăng ích Pháp (Pháp giúp tăng trưởng lợi ích). Thí dụ chúng ta tu đạo, Chú Lăng Nghiêm sẽ giúp chúng ta tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng bồ đề tâm, tăng trưởng nguyện lựcỦmọi thứ đều tăng trưởng. Ðó là pháp làm gia tăng sự lợi ích.

4. Thành tựu Pháp (Pháp giúp cho được thành tựu). Chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm, thì bất luận chúng ta tu pháp môn gì, chú này cũng sẽ giúp chúng ta được thành tựu.

5. Lại còn một loại nữa là Câu triệu Pháp (Pháp thâu tóm về). Pháp này có thể dùng khi chúng ta gặp thiên ma ngoại đạo và muốn bắt chúng, cũng như trên thế gian cảnh sát bắt kẻ phạm tội vậy. Bất luận là thiên ma hay ngoại đạo, nếu chúng ta muốn bắt giữ chúng thì hết thảy Hộ Pháp Thiện Thần, Thiên Long Bát Bộ, và tám muôn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ Tát tức khắc bắt giữ chúng. Ðó là Câu Triệu Pháp.

Chú Lăng Nghiêm gồm năm hội, và được phân ra trên ba mươi bộ pháp. Lúc tôi ở Ðông Bắc tôi nhờ vào công lực của Chú Lăng Nghiêm để trị bịnh. Nhưng chẳng phải ai ai cũng tùy tiện sử dụng Chú Lăng Nghiêm được, nếu có dùng chú này chăng nữa thì cũng không sử dụng được toàn bộ, vì chú này bao gồm trên ba mươi bộ pháp.

Khi nghe tôi nói như vậy thì có một số giáo sư đại học ở Mỹ không hiểu Phật-pháp nói rằng “A! Hóa ra Chú Lăng Nghiêm là do nhiều bài chú nhỏ chắp nối lại mà thành!” Qúy Phật tử nghĩ xem, đúng là làm trò cười cho thiên hạ! Chính họ cũng chẳng hiểu ất giáp gì cả, nên mới lấy bộ óc chứa đầy kiến thức khoa học của một giáo sư đại học mà suy đoán tầm mức bất khả tư nghị của Chú Lăng Nghiêm.

Vì sao tôi lại nhắc đến Chú Lăng Nghiêm? Vì Phật do Chú Lăng Nghiêm mà thuyết Kinh Lăng Nghiêm. Nếu chẳng có Chú Lăng Nghiêm thì căn bản chẳng có Kinh Lăng Nghiêm.

Do đó vị phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm sang Anh ngữ nói trên đã bỏ Chú Lăng Nghiêm và cũng không dịch phần nghi quy kết đàn. Như vậy, có thể nói rằng bản dịch Anh ngữ ấy chẳng khác gì người mất đầu. Một người không có đầu thì còn chi hữu dụng nữa? Cho nên người phiên dịch Kinh điển không được tự mình phán đoán, không được dùng cái trí tuệ hoặc cái tri kiến nông cạn, hạn hẹp của mình mà cắt câu lấy nghĩa, tự tiện thêm bớt, làm sai lệch ý văn. Người có thái độ như vậy đối với Kinh điển thì không thể chấp nhận được.

Hiện nay tại Kim Sơn Thánh Tự chúng ta đang thực hiện công tác phiên dịch Kinh điển. Phàm những lời trong Kinh phải tuyệt đối lưu giữ, không được “bỏ đầu xén chân.” Lại cũng không thể như vị giáo sư nào đó đã phiên dịch “lưỡng túc tôn” đấng đầy đủ cả hai, nghĩa là phước huệ là “đấng hai chân.” Ông đã dịch: “Quy y Phật, đấng hai chân.”

Dịch như vậy không thể nói là chẳng đúng, tuy nhiên ít nhiều cũng có lệch lạc không tương hợp với ý chính của Kinh. Bởi vậy, tại Kim Sơn Thánh Tự chúng ta phải hết sức cẩn thận trong công tác phiên dịch Kinh điển, không được tùy tiện “thủ tiêu” bất cứ một đoạn nào trong Kinh. Hôm nay giảng Kinh Lăng Nghiêm tôi nhân tiện trình bày cho quý Phật tử rõ.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.