Trợ Niệm Và Chuẩn Bị Khi Lâm Chung

IV.5. Cách thức trợ niệm

1. Khi bước vào trợ niệm, các thành viên nên xem người bệnh mình đang trợ niệm đó là người thân thuộc của mình. Có thể đời này hoặc nhiều đời khác, ta và họ là thân quyến của nhau. Nghĩ được như thế, ta sẽ thực hành niệm Phật tha thiết hơn, chân thành hơn giống như chính mình muốn được vãng sanh để làm lợi ích cho bệnh nhân.

2. Khi trợ niệm không nhất thiết phải mặc áo lễ, nếu mặc được thì tốt, còn không thì cũng không sao. Khi niệm, không phan duyên.

3. Mọi người phải ngồi cách xa người bệnh khoảng 2 thước, chú tâm niệm Phật; không được đi kinh hành.

4.Khi ở trước bệnh nhân, ta không hỏi, không nói những chuyện linh tinh, chỉ nên có câu niệm Phật mà thôi.

5. Khi đang trợ niệm, muốn uống nước, xin hãy ra ngoài để không làm phân tâm người khác và cũng là thái độ cung kính người vãng sanh.

6. Khi người bệnh muốn thay đồ tắm rửa hay đổi thế nằm, ta có thể thuận theo, nhưng phải nhẹ nhàng cẩn thận. Nếu họ không chịu hoặc bị á khẩu không nói được, thì ta không nên tự ý làm, vì người sắp chết thân thể đau nhức, nếu ép họ di chuyển, đổi chỗ nằm hoặc tắm rửa, thay quần áo, thì vô tình ta làm cho họ càng thêm đau đớn. Có nhiều người cả đời tu hành ăn chay niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, nhưng khi lâm chung bị người thân làm những việc nhiễu loạn như trên, phá hoại chánh niệm, khiến họ không được vãng sanh. Việc này rất thường xảy ra. Lẽ ra người đó được vãng sanh về cõi lành, nhưng do gia đình người thân không biết, xúc chạm thân thể, dời đổi, di chuyển, tắm rửa, làm cho họ đau đớn, sanh lòng giận tức. Vừa khi sanh lòng sân hận, lập tức họ bị đọa vào đường ác. Vì thế, khi đang trợ niệm, mọi việc tắm rửa di chuyển người bệnh coi như bị ngăn cấm.

7. Người trợ niệm chỉ niệm câu NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT hoặc A-DI-ĐÀ PHẬT, không tụng bất cứ loại kinh điển nào khác. Trưởng ban nên hỏi qua ý bệnh nhân xem thích niệm sáu chữ hay bốn chữ, mà tùy thuận niệm theo.

8. Khi niệm, ta có thể dùng khánh hoặc mõ nhỏ để hỗ trợ thêm. Khi đánh mõ hoặc khánh, phải đánh nhẹ nhàng, thanh thoát. Không được đánh quá lớn, át tiếng niệm Phật, cũng không được đánh quá nhanh. Nếu người bệnh thần kinh yếu thì ta không được dùng khánh, chỉ dùng mõ nhỏ đánh mà thôi. Tuy nhiên, cũng tùy trường hợp, nếu bệnh nhân không ưa tiếng mõ, tiếng khánh, thì ban Trợ niệm không cần pháp khí.

9. Khi bệnh nhân sắp tắt hơi, ban Trợ niệm chỉ nhất mực phát tâm niệm Phật, cho dù có mùi hôi thối. Người Phật tử nên biết, trợ niệm là đảm nhiệm công việc cao cả của Như Lai để cứu độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Chẳng lẽ, chỉ vì mùi hôi thối mà bỏ đi trách nhiệm quan trọng này sao? Lúc con người chưa bệnh, đã bệnh cho đến khi lâm chung, xác thân nào cũng không tránh khỏi ô uế. Hơn nữa, không thay rửa đồ ô uế của bệnh nhân là việc bất đắc dĩ, không có tội lỗi gì cả. Hiểu được như thế, thì tâm chúng ta không còn nghĩ đến mùi hôi thối nữa, chỉ một lòng giúp cho bệnh nhân giữ chánh niệm khi sắp tắt hơi mà thôi. Mọi người cố gắng sao không vì những việc nhỏ mà làm hỏng đại sự vãng sanh. Giúp cho một chúng sanh về cõi Phật thì công đức vô lượng vô biên. Còn vô tâm làm cho người bệnh mất chánh niệm, phải đoạ vào địa ngục, thì tội đó chẳng phải nhỏ. Vì thế, mọi người trong gia đình và ban Trợ niệm phải nỗ lực hết mình. Để giảm bớt mùi hôi, ta có thể đốt nhang trầm hoặc để nước đá lạnh. Tuy nhiên, đừng để nước đá quá gần thân xác người vãng sanh.

10. Nên tùy theo sức của bệnh nhân mà người trợ niệm có thể niệm giọng cao thấp, nhanh chậm. Nếu niệm lớn quá sẽ tổn khí, người trợ niệm khó có thể trì niệm được lâu. Nếu niệm giọng thấp quá thì bệnh nhân không thể nghe được. Người bệnh lúc lâm chung, không còn khí lực, hơi thở yếu, không thể niệm to, khỏe như lúc bình thường đuợc. Vì thế, người trợ niệm phải theo sức của bệnh nhân. Quan trọng là khi niệm, mỗi câu mỗi chữ phải rõ ràng phân minh, khiến cho câu Phật hiệu đi vào tai, thấm vào tâm thức người bệnh. Được vậy, họ mới có sự lợi ích.

11. Khi niệm, ban Trợ niệm nên chia thành nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người. Mỗi nhóm thay nhau niệm từ 1-2 tiếng đồng hồ. Nếu không chia nhóm, người trợ niệm khi niệm lâu, không đủ sức, niệm yếu dần, không toàn tâm toàn lực được. Đến khi ăn uống, các thành viên cũng nên chia nhau thay phiên, không được để ngưng tiếng niệm Phật.

12. Nếu số người trợ niệm ít, thì bất đắc dĩ chúng ta có thể dùng máy niệm Phật hỗ trợ thêm cho bệnh nhân đề khởi chánh niệm. Tuy nhiên, không được dùng máy thay cho việc trợ niệm. Tốt nhất là được đại chúng niệm Phật trợ giúp, vì người niệm Phật có sự cảm ứng thì người hấp hối được lợi ích, khuôn mặt sẽ rất hiền hòa, an nhiên.

13. Phải tùy thuận theo người bệnh lúc lâm chung, thân thể họ có thể ngồi, nằm, nằm nghiêng, nằm thẳng, ta không được cưỡng ép.

IV.6. Những việc có thể xảy ra khi trợ niệm

Bệnh nhân khi hấp hối, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau. Người trợ niệm phải hiểu rõ đạo lý và phương pháp trợ niệm thì người bệnh mới được lợi lạc. Lưu ý, khi trợ niệm sẽ xảy ra một số trường hợp như sau:

1. Nếu thần thức bệnh nhân còn tỉnh táo, người trưởng ban trợ niệm khuyên họ nên buông bỏ vạn duyên để niệm theo tiếng Phật hiệu, có thể niệm trong tâm hoặc lắng tai nghe.

2. Nếu người bệnh có điều gì lưu luyến, người phụ trách nên giảng giải cho họ hiểu như sau: “Chúng tôi đến hướng dẫn ông/bà niệm Phật. Nếu thọ mạng chưa dứt, thì nhờ niệm Phật mà được hết bệnh. Nếu thọ mạng hết, thì ông/bà có thể thong dong đi về cõi Phật”. Ta giải thích vắn tắt như vậy để họ giữ chánh niệm.

3. Có bệnh nhân do nghiệp chướng nặng nề, khi nghe tiếng niệm Phật thì tâm lại khó chịu không muốn nghe. Có người thấy người thân của mình như cha mẹ, ông bà, anh em… trong dòng họ đã chết, giờ hiện đến rủ đi; hoặc thấy oan hồn, quỷ sứ đến đòi mạng… Hoặc bệnh nhân khi còn sống không tin vào Phật Pháp Tăng, khi lâm chung la hét lo sợ vì thấy các hiện tượng kinh hoàng hiện đến. Đây là những oan gia trái chủ của bệnh nhân xuất hiện, làm trở ngại sự vãng sanh. Lúc này vị trưởng ban nghi lễ phải khẩn thiết đối trước hình Phật, khai thị cho oan gia trái chủ của người bệnh.

4. Khi thấy những tình trạng như vậy xảy ra, ngay lập tức gia đình phải đến bàn thờ Phật quỳ lạy sám hối cho người bệnh, giúp cho họ nghiệp chướng được tiêu trừ vãng sanh về cõi Phật. Gia đình có thể phát nguyện trì tụng kinh Địa tạng vào lúc này là tốt nhất.
5. Khi trợ niệm, thấy bệnh nhân dần dần đi vào hôn trầm, giống như đang ngủ, người trợ niệm có thể dùng khánh để kế bên tai của bệnh nhân gõ lên một tiếng hoặc nhiều tiếng, nhắc bệnh nhân tỉnh giác niệm Phật. Người trưởng ban có thể nói như sau: “Ông/bà hãy mau niện Phật. Khi Phật A-di-đà đến, mau mau theo Ngài mà đi!”, rồi cất tiếng niệm Phật cao hơn khiến tâm của bệnh nhân không còn hôn mê. Ngoài ra người thân quyến liên tục sám hối, lạy Phật, quán tưởng Phật A-di-đà đến phóng quang tiếp độ cho người thân mình vãng sanh về cõi Phật.

6. Đang khi trợ niệm, bệnh nhân xuất mồ hôi, hoặc tỏ vẻ lo lắng, đầu tay chân cử động không yên. Đây là hiện tượng của bệnh khổ, sức tập trung của bệnh nhân rất yếu, không tự chủ được nữa. Lúc này người hộ niệm nên đến gần bệnh nhân, lớn tiếng nhắc nhở rằng: “Ông/bà.. Tây phương thế giới đang ở phía trước mặt ông/bà đó. Hãy cố gắng tập trung vào câu phật hiệu A-di-đà Phật, thì nhất định sẽ được về cõi Phật!”. Người hộ niệm nói ba lần như vậy, sau đó tiếp tục niệm Phật.

7. Có khi đang trợ niệm, bệnh nhân trở nên tỉnh táo hơn trước, có thể nói chuyện, hoặc than thở hoặc cử động thân thể. Trước tình huống như thế, người trợ niệm nên biết không phải hiện tượng lành bệnh, mà khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bệnh nhân sẽ tắt thở, giống như ngọn đèn dầu loé lên một tia sáng rồi vụt tắt.

8. Thời gian bệnh nhân sắp tắt thở là giai đoạn tối quan trọng và khẩn cấp nhất. Lúc này tuyệt đối người nhà không nên tập trung trước mặt bênh nhân, la lên “ba, ơi, má ơi” làm hỏng hết mọi việc, toàn bộ gia đình chỉ nên nhất tâm niệm Phật cùng với ban Trợ niệm.

9. Có người lúc sinh tiền không tin Phật pháp, lại còn chê bai hủy báng, làm chướng ngại người khác tu hành, khi họ lâm chung, xuất hiện tướng rất xấu. Vị trưởng ban phải biết và ngay lúc này khai thị cho họ hướng tâm quy y Tam bảo.

10. Có những người lúc khỏe mạnh, có đi chùa, niệm Phật tụng kinh, nhưng cốt yếu là cầu cho mình có sức khoẻ, gia đình được giàu sang, nên khi bệnh, họ rất sợ chết. Khi ấy, họ niệm Phật mục đích là cầu cho hết bệnh chứ không phải là cầu vãng sanh, nên đây cũng là chướng ngại. Vì vậy, người phụ trách trợ niệm phải biết mà khai thị cho họ.

11. Sau khi người bệnh tắt thở, trong vòng 8 tiếng đồng hồ, ban Trợ niệm không được ngưng tiếng niệm Phật, vì khi ấy, linh hồn (còn gọi là thần thức) người chết vẫn chưa đi, vì nghiệp lực khiến họ vẫn còn ở trong thân xác, chưa ra khỏi được, chỉ trừ những người công phu tu tập tốt, hoặc người nghiệp lực nặng thì đi ngay. Đối với người không công phu tu tập, thì tâm thức ra khỏi thân xác không nổi, phải chịu nhiều khó khăn và đau đớn giống như rùa sống bị lột mai. Do đó, ta cần phải niệm Phật 24 giờ không gián đoạn mới tránh sự nguy hiểm phải đọa lạc cho người chết.

Người trưởng ban dặn người nhà của bệnh nhân trong vòng 12 tiếng đồng hồ phải luân phiên niệm Phật; không được động chạm đến thân xác, không được thay quần áo, hoặc rờ vào người chết và canh giữ xác cho kỹ, kẻo loài mèo chó hoặc những kẻ không am hiểu đổ xô vào xúc chạm, kêu réo, khiến người chết đau đớn, sanh tâm sân hận, vì thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

12. Người nhà phải chờ sau thời gian hộ niệm (8 tiếng hoặc 12 tiếng) mới có thể đụng vào thân xác người chết. Nếu xác bị cứng thì ta có thể dùng nước nóng đắp lên là được.

Công việc trợ niệm đến đây là xong, ban Trợ niệm tụng bài hồi hướng, đảnh lễ lui ra.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.