Nghiên Cứu Giáo Lý Tịnh Độ Khóa IV

Bài S I – Tng Quang Pht Nguyn Tư Tưởng

Kệ Tán

Giáo Lý Tịnh Độ được truyền ra,
Ngợi khen Chánh Giáo đức Di Đà.
Tây Phương diệu dược chứa trong ấy,
Tham học, đọc tụng liền nở hoa.

Đọc  một hai lần trần niệm tiêu,
Ba, Bốn tình nhiễm liền tan biến.
Năm, Sáu, Bảy lần được đọc qua,
Thẳng lên ao báu thành Thượng Thiện.
Đại Sư Sở Trạch

NGHIÊN CỨU GIÁO LÝ TỊNH ĐỘ

KHÓA THỨ TƯ – PHẬT NGUYỆN TƯ TƯỞNG

MỤC LỤC

I –      Tổng Quan Phật Nguyện

II –     Đại Nguyện và Tự Nguyện

III –    Chánh Tín Niệm Phật

IV-     Chánh Nguyện Niệm Phật

V –     Chánh Hạnh Niệm Phật

VI –    Chánh Quyết Niệm Phật

VII –   Ngũ Niệm Môn

VIII –  Nhất Hướng Chuyên Niệm

IX –    Nhân Quả Vãng Sanh

X –     Chứng Nhập Niệm Phật Tam Muội


DẪN NHẬP

Tất cả chúng sanh đều có đủ Như Lai Đức Tướng, nhưng chỉ vì mê chơn theo vọng, bỏ giác hợp trần, toàn thể chuyển làm ác nghiệp phiền não. Do đó, trải qua nhiều kiếp chịu thống khổ sanh tử luân hồi. Đức Như Lai thương chúng sanh như con, nên nói ra các pháp, bảo mọi người dẹp vọng chứng chơn, bỏ trần theo giác, làm cho các ác nghiệp phiền não kia trở thành trí huệ Đức Tướng. Từ đó đến suốt mé vị lai, an trụ trong Thường Tịch Quang, giống như đong nước thành băng, đun băng thành nước, thể nó tuy đồng mà dụng thật sai khác.

Vả lại, căn cơ chúng sanh có lớn nhỏ, mê có cạn có sâu, đều phải tùy theo căn cơ thích hợp để cho họ nhiều lợi ích, nên Phật nói ra rất nhiều pháp môn, tựu trung đưa về chỗ chí viên chí đốn, tối diệu tối huyền, mục đích giúp họ hạ thủ dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà công hiệu chóng, độ hết ba căn, thống nhiếp các pháp. Pháp môn để Bậc Thượng Thánh và Hạ phàm cùng tu, kẻ đại căn và tiểu căn đồng nhận, không có pháp môn nào thù thắng siêu tuyệt hơn pháp môn Tịnh Độ. Vì sao ? Vì tất cả pháp môn tuy có đốn và tiệm  chẳng đồng, quyền và thiệt đều khác, nhưng tất cả phải tu tập công quả thật sâu dầy mới có thể dứt hoặc chứng chơn, xa lìa sanh tử, siêu phàm nhập thánh đều nhờ vào tự lực của chính mình, không nhờ cậy vào ai được. Nếu như, nghiệp hoặc cũ chưa tiêu hết thời phải theo nghiệp mà chịu cảnh luân hồi. Lại nữa, các pháp môn thuộc về thánh giáo, lý rất mầu nhiệm, người căn cơ thấp không dễ gì tu tập, nếu người không có linh căn đời trước thì đời nầy thật khó chứng vào. Chỉ có pháp môn Tịnh Độ không luận giàu sang nghèo hèn, già trẻ nam nữ, trí ngu tăng tục, sĩ nông công thương, tất cả mọi người đều có thể tu tập. Đó là do nguyện lực đại bi của Đức Từ Phụ A Di Đà nhiếp thọ chúng sanh ở cõi khổ Ta Bà đem về cõi Cực Lạc. Vì thế, nếu đem so sánh với các pháp môn khác thì người tu Tịnh Độ có kết quả thật dễ dàng.

Hoài bão của Đức Thích Ca Mâu Ni là muốn cho tất cả chúng sanh thoát khỏi nhà lửa tam giới thì việc vãng sanh Tịnh Độ là một điều rất cần yếu. Lại nữa, người được vãng sanh Tịnh Độ Cực Lạc được coi là thành công chứng quả. Vì nơi ấy có đầy đủ thắng cảnh, thắng duyên, có khả năng diệt trừ được chủng tử phiền não. Muốn diệt trừ chủng tử phiền não trong tạng thức chúng ta có hai cách diệt trừ:

Cách thứ nhất là chúng ta làm cho chủng tử mất cơ hội nảy mầm như người gieo hạt giống (chủng tử) trên đá, trên sa mạc hay trên băng tuyết dù mầm của chủng tử rất tốt cũng không có cơ hội phát sinh. Người sanh về Cực Lạc đầy đủ thắng duyên nên chủng tử phiền não không còn cơ hội nẩy mầm, như người tham châu báu, về cõi Cực Lạc thì đầy đường vàng ngọc lòng tham không còn, chủng tử phiền não không cần dẹp cũng lần lần bị tiêu diệt.

Cách thứ hai là mất tánh năng mọc mầm : như hạt giống bị nấu chín hay bị ẩm ướt làm mục nát mầm sanh trưởng thì chủng tử cũng không thể phát sanh lại. Ở cõi Cực Lạc có đầy đủ thánh cảnh, sinh hoạt hằng ngày đều là diệu pháp, chim thuyết giảng, nước reo kinh, bạn là Bồ tát bất thối, Từ phụ A Di Đà thường thuyết pháp, hoàn cảnh mầu nhiệm ấy vọng tưởng không có cơ hội phát sanh. Thật cõi Cực Lạc là nơi không cần nhọc công mà tất cả hoặc nghiệp phiền não đều bị diệt trừ, cảnh giới Hóa Độ của Phật A Di Đà có năng lực thù thắng không thể nghĩ bàn!…

Pháp môn niệm Phật là một pháp môn thành Phật, độ sanh của mười phương chư Phật, nghĩa lý rất sâu xa mầu nhiệm, lại là một pháp rất khó tin, tuy cùng một mục đích Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc nhưng cũng chia ra có nhiều pháp, hành giả cần chọn những pháp nào thích hợp với căn cơ của mình để hạ thủ tu hành thì mới dễ có kết quả. Phương pháp tu có rất nhiều nhưng cốt yếu chỉ có ba phương pháp chính là Tùy Nguyện Niệm Phật Tam Muội, Trì Danh Niệm Phật Tam Muội và Quán Tưởng Niệm Phật Tam Muội. Tuy đồng là Niệm Phật Tam Muội mà mỗi phương pháp đều có chủ trương đường lối, phương tiện thực hành và y cứ kinh điển khác nhau. Vì thế, người tu Tịnh Độ chúng ta cần phải biết rõ ba phương pháp chính yếu nầy, để từ đó chúng ta chọn phương pháp nào thích hợp với ta nhất.

Dù phân tích ra có từng phương pháp riêng biệt, nhưng cả ba đều dung hợp nhau không trở ngại.  Do đó chúng ta có thể tu riêng từng phương pháp hay tu chung hai phương pháp cũng đều có kết quả mong muốn nhưng phải phân rõ ràng chính và phụ.

Trong phạm vi khóa nầy, chúng tôi trình bày phương pháp tu ‘Tùy Nguyện Niệm Phật Tam Muội’ là phương pháp nương vào sức đại nguyện tiếp dẫn của Phật A Di Đà. Người thật hành nếu vào được bể đại nguyện thì chắc chắn được vãng sanh, dù người đó còn hoặc nghiệp ít hay nhiều cũng có thể mang nghiệp vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Phương pháp nầy dễ làm mà chắc được thành công, như người đi thuyền gặp nước xuôi, gió thuận nên ít nhọc công mà mau đến.

Phương pháp nầy phát nguyên từ Kinh Vô Lượng Thọ. Tổ Thiện Đạo y cứ thật hành được thành tựu viên mãn và sau đó Ngài hoằng truyền Tam Muội nầy. Đây là những điều Ngài đã thật chứng chứ không phải lý thuyết suông. Toàn khóa học nầy gồm có mười bài, diễn tiến từng bước một, bắt đầu từ hạ thủ công phu đến khi nhân viên quả mãn chứng được Tam Muội. Phương pháp nầy vô cùng thù thắng, chỉ cần chúng ta cố gắng học hành chắc chắn có kết quả tốt đẹp. Đài sen ao báu đang chờ đợi chúng ta. Trân trọng kính mời toàn thể quí liên hữu cùng chúng tôi nghiên cứu tường tận phương pháp thù thắng nầy để chúng ta cùng Tu, cùng chứng Tam Muội, cùng được vãng sanh, cùng thành Phật Đạo. Dám mong!…

Tổng Quan Phật Nguyện Tư Tưởng

Mầu nhiệm thay giáo lý của pháp môn Tịnh Độ! Nói  đến chỗ cao siêu của nó, nếu chỉ  thẳng vào lòng người thì tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật, nếu nói về nhiều kiếp tu chứng phải nói đến chỗ kỳ đặc thì chính một niệm niệm Phật là một niệm thành Phật. Vì thế, nó trùm khắp ba căn, thống nhiếp các pháp môn như mưa mùa thắm nhuần muôn vật, bể cả dung nạp trăm sông, tất cả các pháp đốn, tiệm, thiên, viên, đều từ pháp giới này mà lưu xuất, tất cả hạnh đại, tiểu, thiệt, quyền đều trở về pháp giới.

Đặc biệt, người tu pháp môn nầy chưa đoạn hết hoặc nghiệp, cũng được dự vào hàng bổ xứ, liền trong một đời viên mãn quả vị vô thượng Bồ Đề. Chúng sanh ở trong chín cõi lìa pháp môn nầy, trên không thể tròn thành Phật đạo, chư Phật ở  trong mười phương bỏ pháp môn nầy, dưới không thể lợi khắp chúng sanh. Chỉ vì, người tu Tịnh Độ, ngoài phần tự lực còn có đại nguyện lực của đức Phật A Di Đà gia trì. Do đó, người tu dù chưa dứt sạch hoặc nghiệp phiền não cũng nhờ sức Phật nguyện mà mang nghiệp vãng sanh về cõi Phật. Người được về cõi Cực Lạc là được thoát khỏi sanh tử trong ba cõi, đầy đủ thắng duyên, chứng vào địa vị bất thối, lần  tiến đến quả vị Vô thượng Bồ đề, một đời thành Phật.

Năng lực đại nguyện của Phật A Di Đà vô cùng to lớn, có khả năng tiếp độ chúng sanh trong mười phương, dù người nghiệp nặng sắp đọa vào địa ngục, chỉ cần mười niệm lúc lâm chung là đức Phật sẽ tiếp dẫn vãng sanh. Chúng ta trót sanh ra nhằm thời mạt pháp, cách Phật đã xa, tội nghiệp chất chồng, phước duyên quá mỏng, dù mỗi câu niệm Phật có khả năng tiêu trừ được 80 ức kiếp tội trọng sanh tử, nhưng nghiệp cũ chưa tiêu hẳn mà nghiệp mới lại chồng thêm, nếu không nhờ đại nguyện của Từ Phụ A Di Đà giúp cho hành giả ” mang nghiệp vãng sanh” thì không bao giờ thoát khỏi sanh tử trong ba cõi.

Một con chim sẻ cánh mềm muốn vượt trùng dương bể cả, nếu không nhờ nép vào cánh chim đại bàng thì muôn kiếp khó qua, cục đá nặng ngàn cân muốn sang sông, nếu không nhờ thuyền to thì không bao giờ đến được bờ kia. Đại nguyện của Đức Từ Phụ A Di Đà đã như đôi cánh dũng mãnh của chim đại bàng, thuyền từ của Ngài to vô lượng có thể đưa chúng sanh ở mười phương về cõi Phật an vui. Vì thế, Kinh Đại Tập dạy: ” Thời mạt pháp triệu người tu hành ít có một người đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi sanh tử luân hồi.”

Nương vào sức đại nguyện để thoát khỏi sanh tử luân hồi là một phương pháp vô cùng thù thắng, là điểm then chốt cho người niệm Phật. Vì thế, Tổ Thiện Đạo đã dạy: ” Chúng sanh được vãng sanh về Báo độ của Phật A Di Đà là nhờ sự nhiếp thọ của đại nguyện không thể nghĩ bàn mới có đủ khả năng đưa chúng sanh về cõi Tịnh Độ.” Nhưng bể đại nguyện mênh mông, thuyền từ nhiều lớp lớp? Đâu là chỗ vào thích hợp? Nơi nào và làm cách nào để mang nghiệp lên thuyền thẳng đến bờ kia? Đó là những điểm chính yếu mà hành giả nguyện sanh Cực Lạc cần phải có một cái nhìn khái quát.

Trước khi đi vào từng điểm chủ yếu của tư tưởng Phật nguyện, chúng ta cần hiểu khái quát về chủ trương đường lối, những kinh điển y cứ, phương pháp tu tập và kết quả của sự tu chứng để từ đó chúng ta đi lần vào kho tàng mầu nhiệm của phương pháp Phật nguyện này.

I.- Nhận định:

Thế nào là sức Đại nguyện? Sức Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà là năng lực đại bi của một Đức Phật, nên năng lực ấy không thể nghĩ bàn. Ở đời có những năng lực có thể nghĩ bàn và năng lực không thể nghĩ bàn. Có người xây dựng ngôi nhà họ suốt một năm, nhưng họ có thể phá hủy trong một ngày, năng lực phá hủy ấy người ta có thể nghĩ bàn được. Nhưng có người suốt đời gom củi chất cao thành núi, nếu ai cố phá cũng phải mất đi một năm. Trái lại, chỉ cần một mồi lửa là đống củi thành núi kia tiêu tan trong một buổi, thật năng lực của lửa không thể nghĩ bàn. Năng lực của trăm lực sĩ so với một đứa trẻ con sẽ gấp nghìn lần, nhưng chẳng may, trăm lực sĩ kia bị trói vào một sợi dây thừng, cố hết sức vùng vẫy vẫn không thoát được, đứa trẻ sức yếu kia chỉ cần dùng con dao bén cắt trong chốc lát là sợi dây thừng đứt lìa, năng lực của con dao trong trường hợp này là năng lực không thể nghĩ bàn. Cũng thế, sức đại nguyện của Phật là do công đức vô lậu chứa nhóm từ nhiều kiếp nên năng lực ấy không thể nghĩ bàn, có khả năng tiếp dẫn chúng sanh ở mười phương về cõi Cực Lạc, như một lời nói của vị đại quốc vương có thể làm cho hàng triệu người được qua sông.

Dù sức đại nguyện của Phật như một chiếc thuyền to có thể cho hết mọi người sang sông, nhưng điểm chính yếu là mọi người làm cách nào để được lên thuyền. Trong kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật dạy: Người muốn được lên thuyền đại nguyện cần tu ba thiện căn, dùng phương tiện hân yểm, chuyên tâm xưng danh hiệu Phật, lòng luôn luôn nhàm chán cõi Ta Bà, ưa thích mong được trở về cố hương Tịnh Độ, như mẹ muốn dẫn mà con muốn về thì đời đời mẹ con chẳng rời nhau, lý cảm ứng hòa hợp, đều nhờ vào sức đại nguyện mà được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

II.- Chủ trương đường lối:

Chủ trương của phương pháp tu tùy nguyện Tam Muội là nương vào sức đại nguyện của Phật A Di Đà mà hành giả mang nghiệp vãng sanh về thế giới Cực Lạc; đường lối của phương pháp tu nầy là xưng danh hiệu Phật dùng khẩu dẫn tâm chuyên nhất không tạp.

Trong Kinh Bi Hoa nói: Trong thời quá khứ vô lượng  kiếp, Phật Thích Ca và Phật A Di Đà có đại nguyện Chiết Nhiếp. Đức Thích Ca ở Uế Độ, chỉ khổ não cho chúng sanh nhàm chán xa lìa, Phật A Di Đà ở Tịnh Độ tiếp dẫn chúng sanh về cõi An Lạc. Chính vì đại nguyện đó mà chúng sanh ở cõi Ta Bà có nhân duyên với Phật A Di Đà, nếu muốn sanh thì sẽ được sanh, dù người ấy vẫn còn túc nghiệp. Vì thế, phương pháp tu theo Phật nguyện chủ trương lấy tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà làm điều kiện quyết định chính   yếu. Nói như thế không có nghĩa là hành giả buông tay phó mặc mà phải dốc hết toàn lực tu hành để phù hợp với đại nguyện thì mới chắc được tiếp dẫn về cõi Cực Lạc.

Đường lối tu hành của phương pháp nầy là căn cứ vào tam bối vãng sanh của Kinh Vô Lượng Thọ, trong ấy đều có điều kiện xưng danh hiệu Phật. Do đó, Tổ Thiện Đạo đề xướng dùng khẩu xưng danh hiệu dễ nhiếp tâm và trừ được tán loạn, sau đó, Tổ Pháp Chiếu   tổ chức Ngũ Hội Niệm Phật có kết quả rất mỹ mãn đều từ đường lối tu hành nầy.

III.- Kinh điển y cứ:

Suốt 49 năm thuyết giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ thời thuyết pháp đầu tiên nói kinh Hoa Nghiêm ở Bồ Đề Đạo Tràng cho đến thời Pháp Hoa Niết Bàn trước khi thị tịch, trong mỗi hội Ngài đều có đề cập đến pháp môn Tịnh Độ. Tuy vậy,  những kinh điển chứa đựng Giáo nghĩa Tịnh Độ nhiều nhất gồm có ba kinh, đó là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ dạy phương pháp tùy nguyện Niệm Phật Tam Muội, nương vào đại nguyện lực vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Kinh A Di Đà dạy phương pháp trì danh niệm Phật Tam Muội, hành giả niệm Phật được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung Phật A Di Đà và Thánh chúng đến rước hành giả về cõi Cực lạc. Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy phương pháp quán tưởng niệm Phật Tam muội, hành giả tu 16 phép quán thành tựu liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Như thế, phương pháp tùy nguyện niệm Phật Tam Muội này là căn cứ vào Kinh Vô Lượng Thọ. Để có chỗ y cứ chắc chắn chúng ta cần phải biết sơ lược về nội dung của toàn bộ kinh nầy.

Kinh Vô Lượng Thọ nhằm mục đích thuật lại nhân địa tu hành của Phật A Di Đà. Ngài tu 48 nguyện lớn để trang nghiêm pháp thân, trang nghiêm diệu độ và nhiếp hóa chúng sanh trong mười phương. Nội dung gồm có những điểm chính yếu được tóm lược như sau:

1.- Phần tựa: Phần này cũng như các kinh là có đủ sáu thứ thành tựu là tín, văn, thời, xứ, chủ và chúng thành tựu. Kinh này Phật nói  ở núi Linh Thứu, Thành Vương Xá, ngoài 1250 vị Tỳ Kheo, còn có 31 vị Tôn giả Thượng thủ và có rất nhiều Bồ Tát tu theo hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, vì tướng đức tự lợi, lợi tha mà vào đạo tràng. Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho đại hạnh, vì thế phần giới thiệu cho chúng ta thấy đây là phương pháp thực hành của Bồ Tát.

2.- Phần chánh tông: Nói về nhân địa tu hành của Ngài Pháp Tạng gồm có bốn điểm chính yếu tóm lược đại ý như sau:

a.- Phát khởi 48 đại nguyện: Vì lòng bi nguyện, tiếp nối từ Như Lai Định Quang xuất hiện ra đời, truyền thừa trải qua 53 vị Phật đến Phật rốt sau là Như Lai Thế Tự Tại Vương. Lúc ấy có vị quốc vương xuất gia hiệu là Pháp Tạng, ở trước Phật phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, muốn thành lập thế giới An Lạc để nhiếp hóa chúng sanh trong mười phương, nên Ngài quán thấy 210 ức cõi Tịnh Độ, suy nghĩ 5 đại kiếp, nhiếp thủ hạnh trang nghiêm cõi Cực Lạc. Ngoài việc trang nghiêm pháp thân, trang nghiêm diệu độ, còn lại đều dùng nhiếp hóa chúng sanh. Cõi Cực Lạc có ra đều do đại nguyện mà sanh, do đó, người muốn về Cực Lạc phải hòa mình trong bể đại nguyện.

b.- Y theo đại nguyện tu hành: Kiến lập 48 đại nguyện xong, Bồ tát Pháp Tạng trong thời gian vô lượng kiếp, tu hành sáu pháp Ba La Mật của Bồ Tát và vô lượng hạnh nguyện khác. Có những lúc Ngài chuyển sanh làm Trưởng giả, làm cư sĩ cho đến chư Thiên cõi Trời Dục và Phạm Thiên v…v. Được những thắng quả vô cùng vi diệu và được tất cả công đức tự tại.

c.- Công đức trang nghiêm Tịnh Độ:
Pháp Tạng Bồ Tát thành chánh giác đến nay đã hơn mười kiếp. Như   thế việc kiến tạo Cực Lạc Tịnh Độ đã hoàn thành và Ngài thành Phật lấy hiệu là Vô Lượng Thọ, có đủ ánh sáng và thọ mạng vô lượng. Ở  cõi ấy có vô số Bồ Tát và Thinh Văn theo Phật nghe pháp. Cõi Tịnh Độ ấy có cây đạo tràng, giảng đường, tinh xá, ao, lưới, hàng cây đều do bảy báu hợp thành, rất trong sạch và vi diệu, tất cả hoàn cảnh nhân duyên đều có khả năng dẹp sạch căn bản phiền não của chúng sanh khi sanh về nước ấy. Đây là quốc độ thù thắng vi diệu bậc nhất trong các Tịnh Độ ở mười phương. Đồng thời cũng là thế giới thanh tịnh an  ổn của Vô Dư Niết Bàn.

d.- Hạnh Nhiếp thọ vãng sanh:
Hạnh nguyện nhiếp thọ vãng sanh là những đại nguyện quan trọng và thiết  yếu nhất trong đại nguyện. Người thực hành phương pháp niệm Phật dù là chúng sanh phàm phu hoặc các bậc Thánh ở phương khác, muốn được vãng sanh đều được nhiếp thọ. Phàm phu vãng sanh về cõi Cực Lạc được chia làm ba bậc tùy theo lúc gây nhân. Vãng sanh vào bậc thượng là người trì giới tu hạnh xuất gia. Bậc trung và bậc hạ là những người tại gia tu hành. Chẳng luận căn lành có hơn kém, nếu mọi người quyết tâm chuyên niệm Phật liền được vãng sanh. Đồng thời cũng nói rõ Thánh chúng Bồ Tát trong mười phương cũng được vãng sanh về Cực Lạc cúng dường Phật Đà. Kế đó là tán thán về hạnh hân và yểm. Ban đầu khuyên phát nguyện vãng sanh, kế đó nói ba độc tham sân si luôn luôn ép ngặt làm khổ đau và chỉ rõ khổ của năm ác, nếu người làm năm ác phải nhận lấy khổ báo năm thống và năm thiêu. Khuyên mọi người giữ năm giới làm năm điều thiện có thể vào đạo Niết bàn trường thọ độ đời. Kế đó nói rõ chỗ bất lợi của người nghi năm món trí bất tư nghì của Phật phải chịu sanh về Thai thành, khác hẳn với liên hoa hóa sanh.

3.- Lưu thông:
Phần nầy đức Thế Tôn đối với Bồ Tát Di Lặc tuyên nói điểm quan trọng của kinh nầy. Khi các kinh giáo đã mất kinh nầy vẫn còn lưu trụ ở trong đời một trăm năm, nếu người nào tin theo đó mà tu đều được độ thoát. Mọi người nghe kinh đều được lợi ích. Tóm lại, đại ý toàn kinh nói rõ nhân địa của Phật A Di Đà bằng việc thực hiện đại nguyện, chúng sanh ở mười phương nếu muốn vãng sanh về cõi ấy phải làm thế nào vào được bể đại nguyện chắc sẽ được vãng sanh.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.