Nghiên Cứu Giáo Lý Tịnh Độ Khóa IV

A Di Đà có đại nguyện nhiếp hóa chúng sanh thật vô cùng tha  thiết, như mẹ hiền nhớ con thơ luôn luôn đưa tay dìu dắt, nhưng nếu chúng sanh không muốn về thì dù Ngài có kêu gọi tha thiết đến đâu cũng không thể gặp mặt. Lại nữa, Đại nguyện của Đức Từ Phụ thật vô cùng bình đẳng, như thuyền lớn đã cặp sát bến bờ, thiết tha kêu gọi các con đang lạc đường hãy mau lên thuyền trở về quê xưa lối cũ, nơi an lạc muôn đời, chỉ cần những đứa con quay mặt lên thuyền là thẳng đến bờ kia, vòng sanh tử luân hồi tự nhiên chấm dứt. Sự quay mặt bước lên thuyền trong Tông Môn gọi là “Bối Trần Hợp Giác” có nghĩa là bỏ trần theo giác và trong Liên tông cũng gọi là “Phản Bổn Hoàn Nguyên” có nghĩa là phát nguyện thực hành những điều kiện đủ để vào Bể Đại Nguyện.

Trong Kinh Pháp Hoa có thí dụ: “Ở trong thành kia có một số con của ông Trưởng giả, ham mê ngũ dục, chạy đuổi mê lầm nên uống nhằm độc dược cuồng loạn khổ sở. Ông Trưởng giả vốn là một Bậc Y Vương, về thấy con mình cuồng loạn như thế lòng rất xót thương. Ông liền lấy nhiều thuốc quý phối hợp lại thành thuốc nước Già Đà có công giải độc và trị lành tất cả bệnh, nếu ai uống vào thì bệnh lành, sức khỏe tăng, thân tâm an lạc. Ông Trưởng giả đem thuốc đến cho con uống, dù nhiều cách khuyến dụ nhưng các con của ông vẫn không chịu uống. Tuy lòng thương con của ông tha thiết nhưng ông phải đành chịu bó tay. Cuối cùng ông dùng phương tiện đi xa và cho người về nói với các con ông   rằng ông đã chết, trước khi chết ông có dặn là thuốc Già  Đà để ở chỗ đó, nếu các con lấy uống bệnh sẽ được lành.  Các người con nghe xong buồn khóc! Biết thân phận mình côi cút, không còn cha chăm sóc nữa, nên cùng nhau uống thuốc đều được lành bệnh.”

Cũng thế, lòng đại bi của Phật A Di Đà rộng lớn vô bờ bến, Ngài có nguyện lớn độ tất cả chúng sanh. Nhưng thuyền từ ở sát kế bên mà chúng sanh không thể lên được. Vì sao? Vì lòng không muốn thực hiện những điều cần yếu để được lên, như các con của ông Trưởng giả không chịu uống thuốc vào thì bệnh không do đâu mà lành được. Trong đại nguyện của Phật A Di Đà cũng có những điều kiện tối thiểu, nếu ai muốn lên thuyền phải phát nguyện thực hành thì cảm và ứng mới hòa hợp, chắc chắn được dễ dàng thẳng đến bờ kia. Để hiểu rõ điều kiện ắt có và đủ nầy chúng ta cần phải khảo sát kỹ 48 đại nguyện.

 I.- Nhận định:

Thế nào là Đại nguyện? Đại nguyện là những nguyện lớn có khả năng không thể nghĩ bàn, do lòng đại bi của Bồ Tát và Phật quyết thật hành đến chỗ cứu kính viên mãn. Nguyện lớn mà chúng ta đề cập ở đây là 48 nguyện lớn của Phật A Di Đà, Ngài đã tu hành vô lượng kiếp thành tựu việc trang nghiêm Pháp thân, trang nghiêm Diệu độ và nhiếp hóa chúng sanh về cõi Cực Lạc. Thế nào là Tự nguyện? Tự nguyện là nguyện của chính mình do lòng phát khởi ý nguyện, quyết tâm thực hành những điều kiện để phù hợp với đại nguyện.

Đại nguyện của Phật A Di Đà là do lòng Đại bi bình đẳng, thương xót tất cả chúng sanh trong mười phương, muốn xây dựng một thế giới An Lạc để tiếp dẫn chúng sanh về cõi ấy đầy đủ thắng duyên, tiến dần đến Phật quả, như một nhà từ thiện bỏ hết công của ra thành lập một Viện Cô Nhi, để tạo cho những trẻ bất hạnh không có cha mẹ có chỗ ở yên, có một đời sống ấm no và một tương lai tốt đẹp. Tự nguyện của hành giả là ý muốn thực hiện những điểm cần yếu để hòa mình vào thế giới An Lạc, như chính ý muốn của Cô Nhi, muốn xây dựng một đời sống tương lai tốt đẹp thì mới phù hợp với bản ý của người thành lập Cô Nhi Viện.

Hôm nay, cõi Cực Lạc trang nghiêm đã thành tựu viên mãn, Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã hơn mười kiếp, sự nhiếp thọ và giáo hóa của Ngài không thể nghĩ bàn, nếu người nào tự phát nguyện quyết tâm về cõi Ngài, chắc chắn được thành tựu.

Cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà được trang nghiêm bằng 48 đại nguyện. Để biết rõ những điều đã trang nghiêm và thành tựu của cõi ấy, chúng ta hãy phân tích và khảo sát kỹ từng đại nguyện.


II.- Bốn mươi tám đại nguyện:

Trong thời gian tu nhân của Đức Phật A Di Đà, vì lòng từ bi Ngài có phát 48 đại nguyện nhằm mục đích kiến tạo Chánh báo và Y báo cõi Cực Lạc trang nghiêm để nhiếp hóa chúng sanh trong mười phương cũng như chúng sanh đang ở cõi Cực Lạc. Trong 48 đại nguyện Ngài nhằm xây dựng ba lãnh vực: Pháp thân, Quốc độ và Nhiếp hóa chúng sanh.

1.- Xây dựng pháp thân: Trong đại nguyện có ba nguyện (12, 13, 17) trong đó ghi khi Ngài thành Phật ánh sáng vô lượng, thọ mạng vô lượng và chư Phật xưng tán vô lượng.

2.-  Xây dựng quốc độ: Có 2 nguyện (31, 32) trong ấy ghi khi Ngài thành Phật quốc độ sẽ toàn bằng trân bửu và diệu hương, quốc độ ấy luôn luôn thanh tịnh soi thấu mười phương.

3.-  Nhiếp hóa chúng sanh: Chữ Nhiếp có nghĩa là đưa về, chữ Hóa có nghĩa là dạy bảo huấn luyện. Nhiếp hóa ở đây có nghĩa là Ngài tiếp dẫn chúng sanh đưa về cõi Cực Lạc để dạy bảo tu tập lần tiến đến Phật quả. Phần nầy gồm có tất cả là 43 đại nguyện, nhiếp hóa hai thành phần đó là nhiếp hóa Thánh nhân và Nhiếp hóa phàm phu.

a.- Nhiếp hóa chúng sanh: Đây là phần nhiếp hóa các bậc Thanh Văn và Bồ tát đang ở cõi Cực Lạc và Bồ Tát ở các cõi khác nguyện vãng sanh về.

– Nhiếp hóa Thánh nhân ở cõi Cực Lạc: gồm có 10 đại nguyện (14, 23, 24, 25, 26, 28, 29, 30, 40, 46). Trong phần này chúng ta chỉ khảo sát sơ lược, vì khi chúng ta được về cõi ấy thì mọi sự sẽ thấy được một cách rõ ràng. Đại nguyện thứ 14: Thanh Văn vô số. 23- Cúng dường chư Phật, 24- Cúng cụ tùy ý, 25- Diễn thuyết diệu trí, 26- Thân Na La Diên, 28-  Đạo thọ cao lớn, 29- Tụng kinh được huệ, 30-  Huệ biện vô hạn, 40- Trong cây hiện cõi nước, 46- Theo nguyện nghe pháp.

– Nhiếp hóa Thánh nhân ở các cõi khác: Đây là những Bồ Tát tu các cõi khác vãng sanh về, trong đây không có Thanh Văn, vì Thanh Văn tiểu quả không thể sanh về cảnh giới Đại thừa. Tuy vậy, hàng Thanh Văn hướng về Đại thừa vẫn được sanh, nhưng đó là những bậc “Ngoài hiện Thanh Văn mà bên trong đã hàm chứa hạnh Bồ Tát” nên đều gọi là Bồ Tát. Nhiếp hóa các bậc nầy gồm có 9 đại nguyện (22, 36, 41, 42, 43, 44, 45, 47, 48.) được đơn giản hóa như sau: 22- Một đời bổ xứ, 36- Thường tu phạm hạnh, 41- Chư căn không  thiếu, 42- Thanh tịnh giải thoát, 43- Nghe danh được phước, 44- Tu hành đủ đức, 45- Phổ đăng Tam muội, 47- Nghe danh không thối, 48- Được ba pháp nhẫn.

b.- Nhiếp hóa phàm phu: Đây là phần nhiếp hóa các phàm phu như nhân thiên ở cõi Cực Lạc và chúng sanh phàm phu ở các cõi khác nguyện vãng sanh về.

– Nhiếp hóa phàm phu ở cõi Cực Lạc:
Trong thành phần này gồm có những nhơn thiên ở cõi Cực Lạc và những phàm phu từ các cõi khác đã được về Cực Lạc, gồm có 17 đại nguyện ( 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15, 16, 21, 27, 38, 39 ). Đây là  những thắng cảnh, thắng duyên mà những phàm phu được hưởng an lạc trong cảnh giới Cực Lạc như sau: 1- Nước không ác đạo, 2- Không lại ác đạo, 3- Thân sắc vàng ròng, 4- Hình sắc đồng nhau, 5- Trí thông túc mệnh, 6- Thiên nhãn đều thấy, 7- Thiên nhĩ đều nghe, 8- Tha tâm đều biết, 9- Thần túc không ngại, 10- Không tham kể thân, 11- Trụ định chung diệt, 15- Tùy nguyện muốn ngắn, 16- Không nghe tên ác, 21- Ba mươi hai tướng, 27- Tất cả nghiêm tịnh, 38- Y phục tùy niệm, 39- Vui như lậu tận. Qua những thắng duyên và hoàn cảnh của phàm phu được về Cực Lạc, chúng ta thấy chủng tử phiền não không do đâu mà tồn tại, thật là một quốc độ giáo hóa mầu nhiệm không thể nghĩ bàn.

– Nhiếp hóa phàm phu ở cõi Cực Lạc: Đây là phần vô cùng quan trọng đối với chúng ta, những phàm phu ở cõi  khác muốn được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Đối với các bậc đã về Cực Lạc thì không có gì phải bận tâm, đối với các hàng Bồ tát, các Ngài đã chứng được Tam Muội thì sẽ tùy ý nguyện về cõi Tịnh Độ nào sẽ được về như về nhà, chỉ có hạng phàm phu của chúng ta, cần phải biết rõ mình phải tu hạnh gì? Phải làm điều gì? Làm thế nào để phù hợp với đại nguyện. Đó là những mấu chốt mà chúng ta cần hiểu rõ. Để khảo sát tường tận phần này, chúng tôi sẽ nêu ra phần âm và phần dịch nghĩa của từng đại nguyện, vì mỗi chữ ở đây có quan hệ với một phần tu tập của chúng ta. Toàn thể phần này gồm có 7 đại nguyện (18, 19, 20, 33, 34, 35, 37). Đây là con đường duy nhất để lên con thuyền từ về Cực Lạc, chúng ta cần theo dõi từng đại nguyện một.

Nguyện thứ 18:
Thiết ngã đắc Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín nhạo, nguyện (dục) sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương, hết lòng tin mến, nguyện sanh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi không ở ngôi chánh giác. Trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp.

Theo ý chính của đại nguyện này, người nào muốn sanh về cõi Cực Lạc phải có ba điều kiện:

1- Phải có lòng tin chí thành,

2- Phải có tâm nguyện tha thiết muốn vãng sanh về cõi Tịnh Độ,

3- Phải niệm Phật cho đến mười niệm.

Ngoại trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A Xà Lê, phá hòa hợp chúng và làm thân Phật ra máu, hoặc hủy báng khinh chê kinh điển Đại Thừa.

Như vậy, người muốn vãng sanh theo đại nguyện nầy phải có đủ ba yếu tố là: Tín, Nguyện, Hành mà trong Liên Tông thường gọi là Ba Món Tư Lương.


Nguyện thứ 19: Thiết ngã đắc Phật, thập phương chúng sanh phát Bồ Đề Tâm, tu chư công đức, chí tâm phát nguyện, dục sanh ngã quốc, lâm mạng chung thời, dã linh bất dữ đại chúng vi nhiễu, hiện kỳ nhơn tiền giả, bất thủ chánh giác.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương, phát tâm Bồ Đề, tu các công đức, hết lòng tín nguyện, muốn sanh về nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu như tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Trọng tâm của đại nguyện này, nếu người nào muốn khi lâm chung, Phật và Thánh chúng hiện ra trước mặt, lòng giữ được chánh niệm sẽ được theo Phật vãng sanh cần phải có đủ bốn yếu tố:

1- Phải phát tâm Bồ đề.

2- Phải tu các công đức.

3- Phải hết lòng phát nguyện.

4- Nguyện sanh về cõi Cực Lạc.

Người thật hành đủ bốn yếu tố này chắc được lọt vào bể đại nguyện.

Nguyện thứ 20: Thiết ngã đắc Phật, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, thực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh ngã quốc, bất quả toại giả, bất thủ chánh giác.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương, nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi, trồng các cội đức, hết lòng hồi hướng, muốn sanh về nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thời tôi không ở ngôi chánh giác.

Ý chính của đại nguyện nầy, người nào muốn được toại nguyện vãng sanh về Cực Lạc, cần phải thực hành năm điểm:

1- Nghe và nhớ danh hiệu.

2- Chuyên nhớ tưởng cõi Cực Lạc.

3- Gieo trồng các công đức chính.

4- Hết lòng hồi hướng vãng sanh.

5- Nguyện sanh về cõi Cực Lạc.

Người thực hiện trọn vẹn năm điểm trên chắc chắn sẽ được kết quả mong muốn.

Nguyện thứ 33:
Thiết ngã đắc Phật, thập phương vô lượng, bất khả tư nghị chư Phật thế giới chúng sanh chi loại, mông ngã quang minh xúc kỳ thể giả, thân tâm nhu nhuyến siêu quá thiên nhơn, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác.

Dịch: Lúc tôi thành Phật, các loại chúng sanh trong vô lượng bất tư nghì thế giới chư Phật ở mười phương, được quang minh tôi chạm đến thân thể, thời thân nhu nhuyến hơn người cõi trời, nếu chẳng được như vậy thì tôi không ở ngôi chánh giác.

Ý chính của đại nguyện này nói rõ lợi ích của người được quang minh chạm vào thân, đã dạy trong phương pháp quán tưởng được ghi rõ trong Quán Kinh, người tu pháp quán này được thành tựu liền vãng sanh về Cực Lạc.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.