16. Để tạm kết thúc
Ân và Diệu ngồi trên một chiếc ghe gắn máy chạy xình xịch ngược sông Thu Bồn. Bốn chiếc ghe khác cùng đoàn đang xình xịch theo sau, đi cách nhau chừng hai trăm thước. Đây là đoàn ghe cứu trợ nạn lụt của sinh viên tổ chức. Năm chiếc ghe chở đầy gạo, muối và các phẩm vật cứu trợ khác đang tiến gần đến miền thượng du sông Thu Bồn.
Nhìn nước sông mênh mông, Ân nói với Diệu:
– Lại một trận kịch chiến nữa giữa Sơn Vương và Thủy Vương. Nước đã rút hết, nhưng trong trận Giáp Thìn này nghe nói có trên tám trăm người tử nạn. Còn trâu bò và gia súc chết không biết bao nhiêu mà nói.
Diệu đưa mắt nhìn lên ruộng dâu bên bờ, nói:
Về cuộc tranh chấp giữa Sơn Vương và Thủy Vương, thường thường người ta hay bênh vực Sơn Vương và đổ lỗi cho Thủy Vương. Cùng ở trong cuộc tranh chấp cả mà một người thì vừa có Mỵ Nương vừa được mô tả là không phải thủ phạm trong cuộc tranh chấp; một người thì vừa bị thua thiệt vừa bị kết án là cố tình gây nên cuộc tranh chấp.
– Nhưng chính Thủy Vương là người dâng nước lên đánh Sơn Vương. Sơn Vương chỉ làm công việc tự vệ mà thôi.
– Nhưng dù sao Sơn Vương cũng chịu chung trách nhiệm về cuộc tranh chấp bởi vì ông ta là một trong hai phe tranh chấp.
– Cô muốn Sơn Vương làm gì? Đem Mỵ Nương xuống chia hai cho Thuỷ Vương một nửa hay sao?
Diệu cười:
– Không đến nổi phải làm thế. Nhưng anh em một nhà phải tìm ra giải pháp chứ, không lẽ cứ mỗi năm một lần đánh nhau, thiệt hại cho dân chúng biết là bao nhiêu
Ân đứng dậy đi về phía Diệu:
– Tôi cũng đồng ý với cô là hai người phải ngồi chung lại để tìm ra giải pháp. Nhưng giải pháp nào mới được chứ? Không lý cô bắt người ta phải chấp nhận giải pháp hai ông một bà sống chung, như giải pháp của ông Táo vậy?
Diệu cười lên khanh khách:
– Sao lại không? Tôi thấy giải pháp nào mà chấm dứt sự thiệt hại của dân đều tốt hết. Hai ông một bà cũng được.
Vậy cô không thương hại nàng Mỵ Nương sao?
– Tôi sẽ thương hại nàng Mỵ Nương. Nhưng bây giờ đây tôi đang thương tám trăm người đồng bào tôi vừa mới chết vì cuộc tranh chấp giữa Sơn Vương và Thủy Vương. Tôi thương công chúa Sita vì muốn cứu dân mà phải nuốt qua cổ họng tất cả những chất độc đen ngòm của thủy quái tiết ra trên mặt biển. Tôi đòi hai người phải chấp nhận nhận một giải pháp. Bất cứ giải pháp nào. Họ không thể nhân danh những nạn nhân của cuộc tranh chấp để mà tiếp tục cuộc tranh chấp.
Ân nói:
– Cô hùng biện lắm. Tôi đồng ý với cô. Chúng ta cũng đồng ý với công chúa Sita. Nhưng có điều hình tượng công chúa Sita còn mới mẻ quá, không biết có được nhận vào ngôi đền thần thoại của nước Việt hay không?
Tại sao không? Thần thoại nào cũng do con người sáng tạo; người đời thượng cổ là người, mà người đời nay cũng là người. Thần thoại là hình thái diễn tả nhận thức con người ngày xưa về vũ trụ, về con người và về cuộc đời, chứ không phải là những câu chuyện hoàn toàn do trí tưởng tượng của con người bịa đặt không có dính líu gì đến thực tại. Tại di tích của thành Ốc, tức thành Cổ Loa, người ta vừa khai quật được hàng ngàn mũi tên đồng. Như vậy câu chuyện nỏ thần không phải là không có liên hệ đến việc quốc phòng của Thục An Dương Vương. Công chúa Sita là một thực tại. Trong cuộc tranh chấp hiện giờ, anh thấy có biết bao nhiêu người đã và đang lẳng lặng làm công việc hoà giải, hàn gắn, xây dựng tình huynh đệ. Họ làm những việc đó trong hiểm nguy, và cũng như công chúa Sita, họ từng chấp nhận khổ đau, từng chịu đựng đau đớn trong da thịt mà không than thở một lời. Trong cuộc tranh chấp giữa Sơn Vương và Thủy Vương, nhân vật công chúa Sita ngày xưa bị bỏ quên. Đem công chúa trở lại trong khung cảnh là tiếp tục công trình sáng tạo. Thiếu công chúa Sita thì thực tại không được biểu hiện đầy đủ trong thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh.
– Nhưng nếu làm công việc đó, ta có thể bị kết án là tô điểm những nét mới vào bức họa cổ.
– Tôi không lo điều đó, anh Ân ạ. Những thần thoại được truyền lại không phải do một người sáng tạo, trái lại đã được đi qua sự trau chuốt của nhiều thế hệ, cũng giống như những bài dân ca hoặc những câu ca dao. Nếu công việc trau chuốt kia có giá trị, tự khắc hình thái trau chuốt được đại chúng chấp nhận. Nếu đó chỉ là những uốn nắn vụng về thì chẳng ai dùng để ca hát và truyền tụng. Đại chúng sẽ tức khắc loại những uốn nắn vụng về kia ra để tìm lại hình thái mà họ ưa thích.
– Có lẽ cô nói đúng. Có lần đọc chuyện cổ tích do một nhà văn cận đại kể, tôi thấy ông ta đưa vào một vài hình tượng khá chướng tai. Ví dụ có lần ông kể: “Nghe nói đức Phật nhà ở gần đấy là một người giàu có nhất vùng, bác nông dân tìm tới vay mượn …” Đọc tới đó tôi buồn cười quá, bởi hình tượng về Bụt trong cổ tích Việt Nam chẳng bao giờ có thể là hình tượng một địa chủ nhà giàu … Nói Bụt là dân hành khất, ngày xin ăn tối ngủ gốc cây mà đúng hơn. Có điều tôi nghĩ là những nét sáng tạo mới không thể là những chắp nối có tính cách giả tạo và phi dân tộc. Cái tên Sita hay Nãgajara chẳng hạn, chẳng có tính cách Việt Nam là mấy.
– Vậy những cái tên như Loa Thành hay Kim Quy hoặc những danh từ như Linh Quang Kim Thảo Thần Nỏ và Thanh Giang Sứ Giả vân vân . . . Có tính cách Việt Nam hơn không? Ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc mạnh cho đến nỗi có người ngỡ rằng danh từ ấy nghe có tính cách Việt Nam hơn những danh từ chữ Phạn. Ngày xưa khu vực đất nước chúng ta là khu vực giao tiếp giữa hai nguồn văn minh. Về sau vì sử dụng văn tự Trung Hoa cho nên ta chịu ảnh hưởng Trung Quốc nhiều hơn Ấn Độ. Về nguồn gốc dân tộc Việt, thần thoại “Rồng Tiên Sanh Trăm Trứng” có thể gọi là thần thoại cơ bản rồi. Vậy mà sách Lĩnh Nam Chính Quái lại còn muốn thêm vào nhiều dây mơ rễ má nữa: Nào là họ Thần Nông, nào Đế Minh, Đế Nghi, nào Lộc Tục … Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại còn nói: “Hoàng Đế dựng muôn nước, cho nước Giao Chỉ ở phía Tây Nam, ở xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hi Thị đến Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở Phương Nam . . .” Làm như không có nguồn gốc Tàu và không được tàu công nhận tức là không thể có mặt. Tôi tưởng mình có thể cắt bỏ phứt đi những dây mơ rễ má ấy, và giữ lại cuộc tình duyên đẹp đẽ giữa Tiên và Rồng. Rồi khôi phục trở lại một ít ảnh tượng có nguồn gốc Ấn để lập lại sự thăng bằng. Cho nên những hình ảnh như hình ảnh tiên nữ từ cõi trời Phạm Thiên (Brahma) đi xuống, hình ảnh chim thần garudu, công chúa thủy cung Sita, thủy quái maraka, đều có thể được chấp nhận.
Ân cười:
Chấp nhận hay không đó là quyền của đại chúng. Chúng ta thử đợi chờ chừng … vài trăm năm nữa xem. Nhưng tôi nghĩ rằng công việc mà cô gọi là “sáng tạo tiếp nối” đó, không thể chỉ là những công việc tô điểm về mặt hình thức có tính cách tiểu thuyết hoá. Phải dựa vào những dữ kiện đưa ra trong thần thoại và trong lịch sử để khám phá những sự thực lịch sử. Ví dụ chuyện đức thánh Gióng. Thần thoại này có phải là một thần thoại đánh dấu sự bắt đầu sử dụng vũ khí bằng sắt hay không, điều đó còn cần phải xét nghiệm lại. Nhưng nếu chưa tìm được một lời giải đáp thì ta vẫn chưa nắm được bản chất của thần thoại. Cũng như câu chuyện đất Việt – Thường hiến chim trĩ trắng cho vua Thành Vương nhà Chu. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của ta và các sách Hậu Hán Thư, Thượng Thư Đại Truyện và Trúc Thư Kỷ Niên của Trung Hoa đều có chép về chuyện này. Thời Thành Vương nhà Chu, vua Hùng sai sứ thần đem chim trĩ trắng qua tặng nhà Chu. Chu công hỏi tại sao người Giao Chỉ cắt tóc ngắn và vẽ mình, để đầu trần và ngón chân cong? Sau khi sứ giả đã giải thích tại sao, Chu Công lại hỏi đến sứ giả sang thăm có mục đích gì. Sách Lĩnh Nam Chích Quái nói rằng sứ giả đã trả lời như sau:
“Ba năm nay trời không có gió lớn, không mưa dầm, bốn biển lặn sóng Chúng tôi nghĩ là ở Trung quốc có thánh nhân xuất hiện nên mới sang thăm.”
Câu nói đó vừa chứng tỏ tài ngoại giao rất cao của sứ giả ta mà cũng chứng tỏ sự hiểu biết sâu xa của sứ giả ta về văn minh Trung Quốc. Một nhà vừa chính trị vừa văn hoá như vua Thành Vương không thể không nhìn lại bản thân sau khi nghe câu nói ấy. Lĩnh Nam Chích Quái viết tiếp:
“Chu Công kịp nhớ đến ngày xưa Hoàng Đế có thề rằng: Giao Chỉ ở ngoài phương xa, không được xâm phạm đến, liền ban thưởng vật quý cho đoàn sứ giả và tặng một cỗ xe hai ngựa cho đoàn sứ giả về nước.”
Như vậy nghĩa là thế nào? Có phải nhờ tài du thuyết của sứ giả Văn Lang mà nhà Chu bỏ ý định xâm phạm bờ cõi Giao Chỉ? Việc quan trọng là việc tặng chim trĩ trắng hay là việc du thuyết để tranh thủ hoà bình?
* * *
Diệu chăm chỉ ngồi nghe Ân nhưng mắt nàng nhìn xuống dòng nước. Nàng có cảm tưởng đang cùng Ân đi xuống thủy cung cầu xin Long Vương lên mặt đất để giải quyết vấn đề đất nước. Nàng nghĩ tới bình tiên dược của Âu Cơ, đến Ngư Tinh, đến công chúa Sita tinh nghịch, và bỗng nhiên mỉm cười.
– Cô cười gì? Ân hỏi.
– Tôi cười anh đang hùng biện một cách ngụy biện. Nhưng thôi, ghe chúng ta đã đến quận Đức Dục rồi. Bác lái ơi, chúng ta ghé vào bến nào đây hả bác?
Người lái ghe cất cao giọng trả lời nàng:
– Bến nào cũng được, lên bến nào thì các anh các chị cũng gặp được đồng bào.
Ân và Diệu cùng đứng dậy, chuẩn bị lên bờ.
Thích Nhất Hạnh
http://m.langmai.org