ĐPNN: Xin anh cho biết đôi dòng về tiểu sử và cơ duyên nào đã đưa anh đến với âm nhạc Phật giáo?
VTH: Tôi sinh ra ở Huế nhưng lớn lên ở Sài Gòn. Xong 7 năm Trung học tại trường Nguyễn Trãi thì nhận học bổng USAID Leadership sang Mỹ du học năm 1968. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ tại Viện Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT), tôi sang Canada năm 1974. Là một ngân hàng gia quốc tế, tôi đã sống và làm việc ở Montreal, Toronto, Philippines rồi định cư tại Singapore từ 1981 và vừa về Mỹ từ 2010.
Trong thời gian trung học, tôi cũng theo học Guitar cổ điển tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn từ 1962 đến 1967 với cố giáo sư Dương Thiệu Tước. Sau khi sang Mỹ thì tôi cũng tiếp tục học thêm về Hòa âm, Đối âm và Phối khí dàn nhạc.
Xuất thân từ gia đình thuần thành Phật giáo (ông nội tôi, cụ Võ Chuẩn, là người đã xây nhiều chùa tại các nơi mà ông từng làm Tổng đốc như ở Kontum, Quảng Ngãi v.v…, thân phụ tôi là ông Võ Sum sau này cũng là sáng lập viên chùa Vạn Hạnh ở San Diego, Califormia, Hoa Kỳ, tôi cũng hay đến chùa và được nghe kinh từ nhỏ. Tuy nhiên ngay từ lúc ấy tôi thường tự hỏi rằng tại sao bên Thiên Chúa giáo có rất nhiều nhạc mà Phật giáo mình thì không. Thêm vào đó, tuy nghe kinh nhưng tôi có hiểu gì đâu! Do đó ngay từ thuở nhỏ, tôi đã mong có ngày sẽ tìm hiểu về các bài kinh Phật và làm sao để mang âm nhạc đến với Phật giáo!
Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1974 với ca khúc đầu tay là bài Nhớ mẹ, phổ từ bài thơ của người cô ruột là thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Đến năm 1993 tôi mới thực hiện CD đầu tiên với 10 ca khúc phổ thơ của thi sĩ Huỳnh Văn Dung, trong đó có bài Rất Huế. Khi đến CD thứ sáu thì một hôm, mẹ tôi có trách khéo là tại sao tôi chỉ viết nhạc tình mà lại không viết nhạc Phật! Nhân có tập kinh Khóa lễ đại chúng do chùa Liên Hoa ở Arlington, Texas gửi tặng, tôi bèn ngồi ngay vào piano và phổ nhạc đoạn “Phục nguyện”. Sau đó một thời gian thì CD Dâng hương ra đời …
ĐPNN: Cho đến nay anh đã sáng tác được bao nhiêu nhạc phẩm Phật giáo?
VTH: Thực sự thì tôi không rõ là mình đã viết được bao nhiêu bài mà chỉ biết đã phát hành khoảng 30 CD các ca khúc Phật giáo, phổ nhạc các bài Kệ, Niệm Phật, Thiền Ca, nhạc Gia đình Phật tử, ca khúc về Mẹ cho mùa Vu lan v.v… Về nhạc kinh thì có Trường ca kinh Pháp Cú, Trường ca kinh Phổ Môn, Trường ca kinh A Di Đà, Trường ca kinh Vu Lan. Mới đây thì tôi phổ nhạc những bài Chú tiếng Phạn như Chú Đại bi, Tiêu tai cát tường thần chú, và bài kinh Đại Thế Chí niệm Phật viên thông v.v… Những nhạc phẩm này đều có trên mạng tại www. votahan.com/nhac hoặc www.votahan.com/nhac/KinhKePhatGiao
ĐPNN: Trong quá trình sáng tác thì anh có những kỷ niệm nào đặc biệt có thể chia sẻ với độc giả?
VTH: Tôi có cảm tưởng dường như những việc Phật sự mà chúng ta làm đều thấu đến chư Thiên và luôn có giúp đỡ nào đó xảy đến tại những khúc quanh quan trọng …
Khi tôi vừa viết xong nốt nhạc cuối cùng của tập Dâng hương thì chỉ trong vòng vài giờ sau, cơ duyên đưa đẩy khiến thầy Giác Đẳng trên đường từ Mỹ sang Malaysia lại ghé Singapore và đến thăm nhà tôi. Thầy giúp tôi sửa lại các chỗ sai trong phần lời kinh, rồi sau đó gửi bài Kệ Phật sử để phổ nhạc. Sống ở Singapore là nơi không có chùa Việt Nam, sau cả chục năm mới được vị sư ghé đến nhà lại đúng lúc ấy thì quả là một điều vô cùng hy hữu!
Khi tôi bắt đầu phổ nhạc Kinh A Di Đà thì tình cờ lại được thầy Nhật Từ tặng cho quyển kinh đã được Việt hóa. Thầy Nhật Từ không những đã khuyến khích và hướng dẫn tôi hoàn thành Trường ca kinh A Di Đà mà còn dành thì giờ đến tận phòng thu Quang Đạt để hướng dẫn giúp phần thâu trống chuông mõ cho đúng nghi thức Phật giáo. Sau đó thì cũng nhờ các tập kinh Việt hóa khác của thầy mà tôi hoàn thành Trường ca kinh Phổ Môn, Kinh Vu Lan v.v…
Những sự giúp đỡ “vô hình” có khi đến một cách rất huyền diệu như trong trường hợp tôi cần tìm danh hiệu của ngài Đại Thế Chí Bồ tát để phổ nhạc! Lại có những lúc nát óc tìm lối ra cho dòng nhạc thì câu trả lời đến trong giấc mơ. Thật hết sức kỳ diệu!
ĐPNN: Xin anh cho biết bài nhạc nào mà anh thích nhất?
VTH: Thực cũng khó trả lời vì tôi đã viết khoảng năm sáu trăm bài gì đó nhưng trong trí thì luôn nghĩ đến bài nhạc đang hoặc sắp viết mà chẳng mấy khi nhìn lại con đường đã qua! Tuy nhiên khi được hỏi thì tôi chợt nghĩ đến bài Con chuồn chuồn, là bài nhạc rất ngắn, viết cho các em Oanh Vũ Gia đình Phật tử (GĐPT). Đây là một trong số 180 bài nhạc GĐPT viết cho tuổi trẻ, phổ từ các bài thơ của anh Tuệ Kiên.
ĐPNN: Anh có dự tính gì trong tương lai?
VTH: Trước mắt thì tôi vẫn tiếp tục phổ nhạc các bộ kinh khác và hy vọng có thể phát hành CD. Chỉ có điều là chi phí thực hiện mỗi CD đều rất cao, nhưng ngày càng khó bán vì việc sao chép ngày nay quá dễ dàng. Người muốn nghe nhạc mới thì nhiều nhưng đóng góp thì chẳng bao nhiêu! Ngoài ra tôi cũng mong xuất phát từ những đơn vị GĐPT sẽ có những ca đoàn Phật giáo hùng mạnh để quảng bá âm nhạc Phật giáo rộng lớn hơn, do đó tôi đã chú trọng nhiều đến các nhạc phẩm viết cho ban hợp ca.
ĐPNN: Anh có lời nhắn nhủ hay ước vọng gì không?
VTH: Tôi cảm thấy rất may mắn đã có những ca khúc Phật giáo được nhiều người ngưỡng mộ, tuy nhiên những công trình âm nhạc này không phải là thành quả của riêng cá nhân để mình có thể tự hào, mà là nhờ vào sự đóng góp của rất nhiều người khác đã âm thầm giúp đỡ từ nhiều năm qua. Tôi muốn nhân đây gửi lời chân thành cám ơn đến những người bạn đã gửi những bài thơ để phổ nhạc và giúp tôi rất nhiều về phần ca từ, đặc biệt nhất là anh Tuệ Kiên Vũ Văn Sang ở Texas và cô em gái Diệu Hạnh Võ Giao Trinh ở Paris.
Tôi cũng xin cám ơn các ca sĩ đã giúp diễn tả các ca khúc rất sâu sắc, chân tình, đặc biệt là Bảo Yến, Trung Hậu, Hạnh Nguyên, Bích Hồng, Bích Phượng, Thùy Dương, Vân Khánh, Mai Hậu, Quang Minh, Tấn Đạt, Khắc Dũng, nhóm Cadillac, nhóm Hoa Giấy v.v… Hai nhạc sĩ Quốc Dũng và Quang Đạt đã giúp mang lại sức sống cho những nốt nhạc của tôi trên trang giấy. Huynh trưởng Giác Tịnh giúp các ca khúc này được chắp cánh bay đến với các đơn vị GĐPT tại khắp miền đất nước.
Xin tri ơn quý thầy đã khuyến khích và hướng dẫn về những lời kinh kệ phổ nhạc. Xin cám ơn người bạn đời CTTN Kim Châu đã tạo điều kiện để tôi có thể yên tâm dành thì giờ cho âm nhạc và cuối cùng xin cám ơn người “fan” nhiệt thành nhất là … Mẹ tôi!
ĐPNN: Xin cảm ơn anh Minh Hoan Võ Tá Hân.