Ý nghĩa và mục đích:
Qua các hệ thống truyền hình, phát thanh, báo chí, cộng đồng mạng, diễn đàn, facebook, vv và vv… cả nhân loại trên thế giới đều biết trận động đất mạnh 7,9 độ Richter kinh hoàng, khủng khiếp đã xảy ra vào ngày 25-4-2015 tại quốc gia Nepal, làm cho hơn 20 ngàn người bị tử vong, hàng 100 ngàn người bị thương vong, hàng triệu người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, hàng ngàn dinh thự, nhà cửa, chùa chiền, cơ sở hạ tầng đều bị chôn vùi, đổ nát, vụn vỡ, tàn phá, tan hoang. Ngày 03-5-2015 lại thêm cơn động đất mạnh 7,4 ít nhất 36 người chết, 1.100 người bị thương, và liên tục nhiều cơn hậu chấn nhỏ xảy ra. Đây là trận động đất lớn nhất, thiệt hại nặng nhất trong lịch sử động đất của quốc gia này.
Hòa Thượng Thích Như Huệ, Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan liền ra Thông Bạch Cầu Nguyện và Lạc Quyên Cứu Trợ đề ngày 01-5-2015 để toàn Giáo Hội hiệp tâm nỗ lực tri hành từ bi cứu tế. Thượng Tọa Thích Tâm Phương, Tổng Vụ Trưởng Từ Thiện Xã Hội tiếp ứng Thông Tư để cùng nhau thực hiện kêu gọi tấm lòng vàng “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” dù không cùng quốc gia chủng tộc. Chỉ một tuần sau đó, vào những ngày Đại Hội Khoáng Đại Kỳ V 8,9,10-5-2015 được tổ chức tại Tu viện Quảng Đức, một số Tự viện đã báo số tiền cứu trợ sơ khởi đã lên tới con số hơn 60 ngàn Úc kim.
Hình thành Phái Đoàn Cứu Trợ Nepal của Phật Giáo Úc Châu:
Ngay trong Đại Hội, Phật Giáo Úc Châu dự kiến sẽ lên đường cứu trợ vào ngày 08-6-2015. Đã có 4 vị Tăng Ni thành viên GH đưa tay tự nguyện tham gia đi cứu trợ. Sau Đại Hội viên mãn, tất cả cùng trở về từng trụ xứ. Nhưng sự chết chóc điêu linh, tiếng kêu thương tràn nước mắt, sự nghẹn ngào khôn nguôi của người dân Nepal, chừng như vẫn bàng bạc dâng cao, lan rộng, âm ỉ, tồn đọng trong tâm tư, và nằm đâu đó khơi động réo rắc thúc giục trong mỗi tâm hồn, nhất là Chư Tôn Túc Tăng Ni trong 37 tự viện của Giáo Hội chúng ta. Cứ năm ba ngày, cứ một hai tuần, con số các chùa quyên góp và số tiền cứu trợ được báo cứ tăng lên, tăng lên theo cấp số cộng: Gần 100 ngàn, hơn 100 ngàn, hơn 150 ngàn, hơn 200 ngàn, đã vượt 250 ngàn, và con số 300 thế nào cũng sẽ xuất hiện? Hòa theo không khí tưng bừng Mùa Phật Đản 2659 cúng dường Đấng Vô Thượng Pháp Vương: “Thiên nhơn chi đạo sư, Tứ sinh chi Từ Phụ”, vọng theo âm vang: “Đạo Phật đi đến đâu, hòa bình đi đến đó, Phật Giáo đi đến đâu, Từ bi Nhân bản Tình người thấm đượm hòa ái san sẻ theo sau”.
Hạnh nguyện cưu mang, thuyền từ lướt sóng, sáng đạo cứu đời, Chư Tăng Ni Phật Giáo Úc Châu không hẹn mà đến, không sơ mà ngộ, không rủ mà đi, tự mỗi chúng tôi: HT Thích Quảng Ba (Canberra), TT Thích Tâm Phương (Melbourne), TT Thích Nguyên Trực (Sydney), TT Thích Giác Tín (Melbourne), NS Tâm Lạc + NS Huệ Khiết (Sydney), NS Chân Kim + SC Nguyên Khai (Melbourne), và TT Nhật Tân (Brisbane) vô tình trong cố ý, tự nguyện trong dấn thân, như lời Cố Hòa Thượng Thiện Hoa đã dạy: “Nơi nào cần chúng tôi đến, Nơi nào gọi chúng tôi đi, Không quản gian nguy, Không màn khó nhọc”, và hình thành “Phái đoàn cứu trợ Nepal của Phật Giáo Úc Châu”. Ngày 5,6,7-6-2015, từ nhân duyên TT Giác Tín trụ trì Chùa Giác Hoàng tổ chức Đại Lễ Phật Đản, Nhập Tự và An Vị tôn tượng Phật Đà, hầu hết Chư Tôn trong Giáo Hội đều hoan hỷ quang lâm, và vô tình 9 vị trong Phái đoàn cũng đồng câu hội.
Chuẩn bị lên đường:
Sau cơm trưa Chủ Nhật ngày 7 tháng 6, ngay tại Chùa Giác Hoàng , một cuộc họp thu hẹp của GH đã diễn ra với sự hiện diện của Trưởng lão HT Thích Huyền Tôn – Tăng Giáo Trưởng và Chứng minh, HT Thích Bảo Lạc – Tân Hội Chủ Giáo Hội, HT Thích Trường Sanh – Phó Hội Chủ đặc trách Tân Tây Lan, nhiều Tôn Túc Tăng Ni trong Giáo Hội và 9 vị trong Phái Đoàn Cứu Trợ. Quý Ngài cùng tán thán, chúc nguyện chuyến đi cứu trợ được bình an, thành công và đi đến nơi về đến chốn trong an lành. Giáo Hội xuất 5,000 Úc kim để hỗ trợ chi phí của Phái Đoàn. Điểm này, tôi cũng xin thông báo một cách cụ thể rõ ràng, mọi chi phí của từng vị trong Phái Đoàn, mỗi vị tự xuất và lo liệu riêng, từ tiền vé máy bay, phòng trọ, mua mì gói, một số thuốc phòng ngừa từ Úc mang theo, kể cả ăn uống tại Nepal, dọc đường cứu trợ, đều hoàn toàn tự túc, không tính, không khấu trừ bất cứ một đồng nào từ tiền đóng góp cứu trợ.
3 giờ rưỡi chiều Chủ Nhật ngày 07-6, tại Giảng Đường Hoa Sen Tu viện Quảng Đức, có một cuộc “họp báo nhỏ”, nhưng ở đây cho chúng tôi được gọi là một thông tin mà Phái Đoàn Cứu Trợ muốn nhờ quý vị truyền thông nhìn thấy, biết được và phổ biến dùm việc mà Giáo Hội Phật Giáo Úc Châu và Phái Đoàn Cứu Trợ của chúng tôi đang chuẩn bị và sẽ tiến hành. Hiện diện có ông Long Quân, Tuần báo Nhân Quyền; ông bà Hồng Anh, Tivi Tuần San; ông Trị, Tuần báo Astco; HT Trưởng Đoàn, Thích Quảng Ba; TT Phó Đoàn, Thích Tâm Phương; TT Nguyên Tạng, Trụ trì Tu viện Quảng Đức; TT Nhật Tân, Tổng Thư Ký GH thành viên Phái đoàn; cùng một số thiện hữu tri thức. Trong cuộc họp báo, TT Nguyên Tạng giới thiệu và tuyên bố lý do, 3 vị trong Phái đoàn công bố việc mà toàn Giáo Hội và Phái Đoàn đang nỗ lực, đã lên kế hoạch và chương trình “Một Tuần Lễ Cứu Trợ cho Nepal” lần này với số tiền 297,651 Úc kim, được đóng góp gởi đến từ hơn 35 Chùa Viện thuộc Giáo Hội, nhận từ mọi giới Đồng hương Phật tử, Thân hữu tôn giáo sắc tộc qua các cuộc quyên góp gây quỹ khác nhau dưới nhiều hình thức. Đồng thời cũng nhắc lại những gì Giáo Hội đã thực hiện ánh đạo từ bi và cứu tế trước đó, điễn hình cháy rừng tại Victoria, bão lụt tại Queensland, động đất ở Tân Tây Lan, động đất sóng thần tại Nhật Bản, và sóng thần tại Phi Luật Tân. Quý vị báo chí đã thăm hỏi ân cần, lại cũng cầu chúc chuyến đi cứu trợ bình an, và sau đó cùng dùng cơm chiều đạm bạc tại Chùa.
3 giờ chiều Thứ Hai ngày 08-6, tại Phòng Khách Tu viện Quảng Đức, Phái Đoàn họp tổng kết, phân chia nhiệm vụ: Trưởng Đoàn, HT Thích Quảng Ba ; Phó Đoàn, TT Thích Tâm Phương ; Kiểm Soát, TT Thích Nguyên Trực ; Quay phim Nhiếp ảnh, TT Thích Giác Tín ; Thủ Qũy Cứu Trợ: NS Tâm Lạc, NS Chân Kim, NS Huệ Khiết ; Thủ Qũy cho Đoàn, SC Nguyên Khai ; Thành viên, TT Thích Nhật Tân. Có nhận thêm một số đóng góp sau cùng, và tiền cứu trợ đã vượt con số 300 với tổng số là 306,141 Úc kim, trừ 1,241 Úc kim đặt in 4,000 Bao Thơ Cứu Trợ Nepal của Phật Giáo Úc Châu, còn 304,900 (ba trăm lẻ bốn ngàn chín trăm) Úc kim, chia ra 3 vị mang theo trong người gìn giữ và chịu trách nhiệm nếu bị thất thoát: HT Quảng Ba 100 ngàn; TT Nhật Tân 100 ngàn; TT Tâm Phương 104 ngàn chín trăm chẵn. 6 giờ chiều, Phái Đoàn dùng cơm chiều tại Quảng Đức, có sự hiện diện của HT Tăng giáo trưởng Thích Huyền Tôn. Một lần nữa, Hòa Thượng thâm tình vấn an và chúc nguyện tiễn lên đường. Đúng 8g30 tối, ba chiếc xe tại TV Quảng Đức và một chiếc tại Chùa Phật Quang với hành lý “cồng kềnh”, cùng chuyển bánh đưa Phái Đoàn ra phi trường quốc tế Melbourne, làm thủ tục gởi hành lý, lấy số ghế, qua hải quan, vào trong chờ đợi và đúng 11g30 đêm Thứ Hai 08-6, máy bay hãng Thái khởi động, lăn ra phi đạo, cất cánh lao vút vào không trung giữa đêm khuya mờ mịt đưa 9 huynh đệ chúng tôi vào cuộc hành trình.
Sau 9 giờ 30 phút mệt nhoài trong đêm tối trên cánh sắt Thai Airway International, máy bay đáp xuống phi trường Bangkok lúc 6 giờ sáng Thứ Ba ngày 09-6. Vật vạ chờ hơn 4 tiếng đồng hồ tại đây để chuyển máy bay, và đúng 10 giờ 15 phút sáng, cũng máy bay Thái rời Bangkok trực chỉ Nepal. Lúc 12 giờ 25 phút trưa, sau hơn 2 giờ bay đã đáp xuống phi trường quốc tế Kathmandu, cũng là Thủ đô của quốc gia Nepal. Vừa ra khỏi máy bay đã đón nhận cái nóng hơn 40 độ, ngay trong phi trường nhìn thấy hàng hóa “cứu trợ” còn nằm ngổn ngang, có lẽ các cấp chính phủ Nepal quá bận rộn nên còn ứ đọng? Thượng Tọa Nigrodha và một Pháp hữu đã chờ sẵn, đón Phái Đoàn cùng hành lý đưa ra xe về khách sạn, dùng mì gói qua loa và tạm nghỉ sau chuyến đi dài dặt.
Một Tuần Cứu Trợ Người Dân Nepal:
HT Quảng Ba thay mặt Phái Đoàn đã liên lạc 4 vị ở Nepal từ trước, 4 vị này đã phân bổ, phối hợp với quan chức người dân từng Khu Phố,Tỉnh, Quận, làng xã khác nhau, lập và lọc danh sách các gia đình nạn nhân bị chết chóc sụp đổ thiệt hại ảnh hưởng nặng nhất bởi trận động đất. 4 quý nhân đó là: Thượng Tọa Nigrodha, Dân biểu Quốc hội, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Tái Thiết Thánh Địa Lâm Tỳ Ni, Tổng Thư Ký của Theravada Buddhist Academy ; Lạt Ma Khenpo, người Nepal, tu theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng ; Thiền sư Bodhijnana, một Giáo Thọ nổi tiếng dạy tại các Học Viện Tăng Ni ; và bà Dawa Ang, một cựu Dân biểu của quốc gia này.
Về tổng số tiền hơn 300 ngàn Úc kim đóng góp cứu trợ như đã nói trên được đổi ra tiền Rubi Nepal làm 3 đợt. 1 đôla Úc = 75, có khi = 76 Rubi Nepal. Đợt 1, đổi 100 ngàn do TT Tâm Phương mang. Đợt 2, đổi 100 ngàn, HT Quảng Ba một nửa, TT Nhật Tân một nửa. Đợt 3, đổi 100 ngàn còn lại từ HT Quảng Ba + TT Nhật Tân. Chỉ riêng TT Tâm Phương còn giữ số tiền lẻ là 4,900 Úc kim và đổi hết mới đủ để ủy lạo 100 gia đình dòng họ Thích Ca sống rải rác khắp Kathmandu cũng bị ảnh hưởng thảm nạn, được mời tập trung tới Chùa Hòa Bình Thế Giới để thăm hỏi và phân phát đợt sau cùng. Như vậy tổng số tiền đóng góp cứu trợ đã được Phái Đoàn trực tiếp và tận tay ủy lạo đến người dân bị nạn Nepal. Cũng cần nói thêm, Phái Đoàn ủy lạo một gia đình nạn nhân là 1 bao thơ 5 ngàn Rubi Nepal, gia đình nặng hơn là 6 ngàn Rubi. Và chỉ ủy lạo bằng hiện kim cứu trợ, chứ không ủy lạo bằng hiện vật, ngoại trừ 2 địa điểm có phát thêm hiện vật là một cái thau nhựa, một cái mùng, một thùng mì gói, do Phái Đoàn xuất mua để tang.
Lịch trình một tuần cứu trợ Nepal được diễn tiến như sau:
Ngày Thứ Nhất, Thứ Ba 09-6:
Tại Chùa Hòa Bình Thế Giới (World Peace Temple), lúc 4.30pm Đoàn tổ chức Họp Báo, hơn 10 cơ quan truyền thông đến dự và đưa tin. Cũng tại ngôi chùa này, lúc 6pm tổ chức Lễ Cầu An Hòa Bình và tưởng nguyện người dân Nepal bị chết, bị thương vong, nạn nhân sớm thoát khỏi cảnh tai ương nghiệt ngã. Phần tụng kinh thắp nến cầu nguyện do hơn 100 Tăng Ni + 30 hành giả Mật Tông thuộc 4 Giáo đoàn Theravada, Hahayana, Vajrayana của Nepal và Tăng đoàn Phật Giáo Úc Châu đồng phối hợp nhịp nhàng, trang nghiêm, thâm diệu trí tuệ từ bi với sự tham dự vài trăm tín đồ người dân sở tại.
Ngày Thứ Hai, Thứ Tư 10-6:
Địa điểm 1: Lúc 9am tại Quận Lalitpur, một trong những vùng nặng nhất, Phái Đoàn + TT Nigrodha + Thiền sư Bodhijnana cùng nhiều Tăng Ni, giới chức địa phương cầu nguyện và sau đó an ủi ủy lạo cho 350 gia đình được chọn lọc trong hàng ngàn gia đình được thông báo tập trung tại Jyapu Community Centre.
Địa điểm 2: Lúc 2pm, Cầu nguyện, phân phát 225 gia đình cho dân tại làng Harisidhu có 32 người chết và các làng kế cận. Thật đáng thương tâm, 1 vị Thầy Nepal trong làng này mẹ và 3 anh chị em bị chết, cha bị thương vẫn đang còn điều trị ở nhà thương. Vậy mà Thầy vẫn làm MC, phong thái nhẹ nhàng, nói năng bình thản, kêu gọi và đọc danh sách dân làng…
Địa điểm 3: Phái Đoàn tham dự Đại lễ Tưởng niệm Cầu siêu Thắp nến tại Bhaktapur World Heritage Palace (nơi đây là di tích một hoàng triều nhiều thế kỷ trước) do ông Mahesh Basnet Bộ Trưởng Công Nghiệp trực tiếp đứng ra tổ chức, có nhiều tôn giáo, hơn 30 quan khách, các hệ thống truyền thông, một tài tử điện ảnh nổi tiếng nhất của Nepal, cùng trên 1,000 người, trong đó có 375 gia đình nạn nhân cùng hiện diện và nhận quà. Đây là buổi lễ mang tính cấp chính phủ quốc gia do chính ông Bộ Trưởng điều động tổ chức lần đầu tiên tại đây kể từ sau ngày thảm nạn. Buổi lễ bắt đầu từ 4 giờ chiều kéo dài đến chạng vạng tối mới kết thúc trong bóng đêm đèn nến lung linh với vô số oan hồn nương nhờ vất vưởng…
Ngày Thứ Ba, Thứ Năm 11-6:
Lúc 6 giờ sáng, Phái Đoàn + Lạt Ma Khenpoz chia nhau trên 3 chiếc xe Four Wheel lăn bánh, rời Kathmandu trực chỉ lên đường đồi núi chênh vênh và trùng điệp, vắt vảnh lưng đèo, trên thì núi liền núi lên cao chót vót, dưới thì hố thẳm nối hố thẳm hun hút mịt mờ, chạy suốt hơn 6 tiếng mới tới địa điểm, các bản làng heo hút Shindupachok, Dholkha,… mà người dân cùng đinh vốn đã khổ cả đời từ ông cha đến con cháu và có lẽ mãi mãi sau này, lại còn bị thảm nạn. Cầu nguyện, an ủi và phân phát cho 381 gia đình nặng nhất, mỗi gia đình 1 bao thơ + 1 thau nhựa + 1 thùng mì gói. 3 giờ chiều, xuống núi và giã biệt xót thương. 9 giờ tối ghé tới một khu vực bản làng cùng đinh khác nhưng dân làng sau 2 lần tụ tập không thấy Đoàn đâu thất thểu ra về, chúng tôi hẹn sẽ quay lại vào ngày chót, và về tới khách sạn hơn 11 giờ khuya.
Ngày Thứ Tư, Thứ Sáu 12-6:
Tại quận Bojpur, một vùng rừng núi nghiệt ngã của vô số vùng nghiệt ngã rừng núi trùng trùng điệp điệp của đất nước Nepal, mà người dân nơi đây nói riêng, tất cả bản làng rừng núi khác nói chung, họ đều cùng chung số phận phải sống phải chịu đựng sự cùng khổ của cuộc đời và thân phận đọa đày. Các dân tộc thiểu số của Việt Nam mình, dù heo hắt nơi núi đồi Việt Bắc, các tỉnh Thượng Du, Trung Du, dọc theo Cao Nguyên hay Lâm Đồng Đà Lạt, theo tôi, có lẽ, chưa thấm, chưa bằng 1/10, 1/50, 1/100 so với các sắc dân thiểu số, bản làng của Nepal. Tôi không nói quá đâu, có tội với dân mình và có tội với người dân của họ. Ngay cả ông Deepak Chandra Amatya Bộ Trưởng Du Lịch Văn Hóa Nepal mà còn chưa có cơ hội, chưa có điều kiện để đến nơi này. Qua thảm nạn động đất, ông đã nhờ chính Phái Đoàn, và đi “ké” với chúng tôi, bằng cách thuê 2 chiếc trực thăng (do tiền của chúng tôi xuất thuê, chứ không từ tiền cứu trợ) đã bay đến quận lỵ này, thăm viếng ủy lạo và phân phát cho 679 gia đình. 9.45am hai chiếc trực thăng cất cánh từ phi trường Kathmandu, 10.50am đáp xuống tại sân cỏ một trường học cũ kỹ bị hư phân nửa, chỉ còn dùng phân nửa cho các lớp học. Sau khi phân phát xong, mưa và sương mù ập xuống, chờ gần 4 tiếng đồng hồ vẫn mưa và mù mịt, đã chuẩn bị tinh thần tất cả sẽ ngủ ké tại ngôi trường này. Không ngờ kẻ bình dân lê thứ như tôi lại diễm phúc ngủ qua đêm với một ông Bộ Trưởng một quốc gia khác! Nhưng, chữ nhưng xuất hiện, mây mù hơi tan, bầu trời loáng thoáng các khoảng trong lộ ra, máy bay có thể cất cánh được, thế là tất cả cùng vội vã leo lên và máy bay vọt, lượn và mò theo từng khoảng trống chênh vênh vách núi lao về Kathmandu lúc 4.45pm cùng ngày.
Ngày Thứ Năm, Thứ Bảy 13-6:
Chỉ còn hơn 2 ngày mà lịch trình cứu trợ còn nhiều quá, các địa điểm đã sắp xếp bị dồn lại và ứ đọng, không do 4 vị cùng Phái Đoàn đã dự kiến, mà do đường sá và thời tiết làm lao nhọc và mất thời gian. Tuy nhiên, ngay cuộc họp tại Quảng Đức trước khi lên đường, chúng tôi đã dự trù trước. Nếu vì những trục trặc bất như ý, giai đoạn cuối, nếu cần, Phái Đoàn sẽ phân hai, phân ba và tận dụng mọi thời gian và đi cho hết. Quả thật đúng như vậy. Ngày thứ năm cứu trợ này, Đoàn chia ra 3 nhóm:
Điểm 1 Nhóm 1: HT Quảng Ba, TT Giác Tín, Lạt Ma Khenpo đến địa điểm Helumbu + Barua phân phát 352 gia đình.
Điểm 2 Nhóm 2: TT Tâm Phương, SC Nguyên Khai đúng 12.30 trưa trở lại ngôi làng mà một vị Thầy có 4 người thân bị chết để phân phát hơn 137 gia đình còn lại.
Nhóm 1 + Nhóm 2 sau khi xong công việc, lúc 3pm sẽ có mặt tại Trung tâm Kathmandu, tham dự một buổi lễ khác mang tầm vóc quốc gia như địa điểm 3 của Ngày Thứ Hai Cứu Trợ, và sau đó phân phát cho 390 gia đình nạn nhân.
Điểm 3 Nhóm 3: TT Nguyên Trực, TT Nhật Tân, NS Tâm Lạc, NS Chân Kim, NS Huệ Khiết, Thiền sư Bodhiynana, và 2 Sư cô Nepal, 7am bắt đầu xuất phát để đến quận lỵ cứu trợ xa nhất là Dhading, đường đi khó nhất, gian truân nhất, mà tôi đã kể cho Phật tử tôi nghe, quý vị đã xem phim Tề Thiên Đại Thánh, thì có lẽ không bằng lộ trình này, rùng rợn hơn nhiều, khủng khiếp hơn nhiều, kinh dị hơn nhiều. Ngồi trên xe leo núi chất 12 người chật như nêm, cỡi trên đá tảng hòn chồng đeo vách núi, chuồi xuống thượng nguồn sông Mê Kông chạy trên sông đến 3 đoạn dài, và khoảng đường 43km, xe phải đeo và trèo hơn 5 tiếng + đã mất 3 tiếng từ Kathmandu mới tới điểm đổi qua chiếc xe leo núi này. Tưởng niệm và an ủi phân phát cho 405 gia đình xong, 4.30pm xuống núi, và 1 giờ đêm mới về tới khách sạn. Chính tôi hỏi Thiền sư “Thầy đã đến đây lần nào chưa”? Đáp, “chưa”. Một trong hai Sư cô kia là dân ở đây, tôi hỏi “đã có một vị Thầy từ Kathmandu được mời thỉnh lên đây khi hữu sự chưa”, đáp “chưa”. “Thế có người chết hay một Phật tử qua đời thì sao”? Đáp, “gia quyến và dân làng tự cầu nguyện và hỏa, sơn, thủy táng theo cổ tục”. Vậy mà Nhóm 3 đã đến và về bình an, Mô Phật.
Ngày Thứ Sáu, Chủ Nhật 14-6:
Phái Đoàn cũng chia làm 3 Nhóm:
Điểm 1 Nhóm 1: HT Quảng Ba, NS Huệ Khiết + Bà Dawa Ang, mang 500 phần để thăm viếng ủy lạo phân phát cho 500 gia đình tại quận lỵ Solukhumpu.
Điểm 2 Nhóm 2: TT Tâm Phương, TT Giác Tín, NS Chân Kim, SC Nguyên Khai, 7 giờ sáng khởi hành cũng đi bằng xe, cũng lộ trình gập ghềnh cỡi trên đá, chuồi xuống hố, đeo theo đồi núi cheo leo, nhưng ngắn hơn, ít rùng rợn kinh dị hơn so với Nhóm 3 của Ngày Thứ Năm Cứu Trợ, và để đến quận lỵ Rasuwa ủy lạo phân phát 383 phần quà cho gia đình nạn nhân, về tới khách sạn lúc 7 giờ tối.
Điểm 3 Nhóm 3: TT Nguyên Trực, TT Nhật Tân, NS Tâm Lạc, Lạt Ma Khenpoz đến bản làng khu vực Shindupacsko, tưởng niệm cầu nguyện và phân phát cho 290 gia đình, mỗi gia đình 1 bao thơ + 1 thau nhựa + 1 cái mùng và an ủi người dân sắc tộc cùng đinh tại vùng đồi núi truân chuyên này – nơi mà Ngày Thứ Ba Đoàn Cứu Trợ đi tới nhưng chưa xong và hẹn quay lại.
Trước khi kết thúc Ngày Thứ Bảy Cứu Trợ, Thứ Hai 15-6:
Tối Ngày Thứ Sáu Cứu Trợ, Phái Đoàn họp tổng kết để chuẩn bị kết thúc. Tất cả các khu vực bị thảm trạng thiên tai, các địa điểm cứu trợ, danh sách các gia đình nạn nhân, phần quà trong bao thơ, theo lịch trình & kế hoạch định sẵn, kể cả phát sinh tại chỗ đều đã hoàn tất một cách công tâm, từ bi và cứu tế, vừa chính tâm niệm 9 vị trong Phái Đoàn, với sự cộng tác giúp đỡ của 3 vị Thầy đáng kính đáng quý Nepal, và giới chức, chính quyền, dân làng từng địa phương. Ngoại trừ Điểm 1 của Ngày Thứ Sáu, đi không tới đích dù máy bay đã phải đảo tới đảo lui chúi mũi nhiều lần. Do đó, Phái Đoàn đồng thuận giao lại phần này cho TT Nigrodha, Lạt Ma Khenpo, và bà Dawa Ang thực hiện mà cả 3 đã rất hoan hỷ đón nhận trước Phái Đoàn và sẽ hoàn thành. Phái Đoàn đã giao 500 bao thơ cho 3 vị này.
Dòng họ Thích Ca kể từ trước, trong, và sau thời kỳ Đức Phật ra đời tại vương thành Ca Tỳ La Vệ, đến nay, vẫn đang còn hiện diện sống rải rác trên khắp lục địa mênh mông. Riêng thủ đô Kathmandu, họ sống từng nhóm nhỏ lạc loài. Qua trận động đất, nhờ các vị Thầy nơi đây tìm cách liên lạc thông báo mời họ tới và khoảng 100 gia đình tụ hội tại Chùa Hòa Bình Thế Giới. Từ 7 đến 9 giờ sáng Ngày Thứ Bảy Cứu Trợ, HT Quảng Ba, TT Tâm Phương thay mặt Phật Giáo Việt Nam tại Úc Châu ân cần thăm hỏi, gợi lại cội nguồn xưa tích cũ, và biếu tặng một chút nhỏ nhoi bằng tấm lòng thành của dòng họ THÍCH đã đang sẽ kết nghiệp kế thừa cưu mang và truyền trao thế hệ. Phần quà biếu tặng này là số tiền 4,900 Úc kim cứu trợ còn lại cộng thêm từ một số huynh đệ cúng thêm mới đủ để phân chia. 10 giờ sáng cũng 2 vị, HT Quảng Ba, TT Tâm Phương, 3 vị Thầy và quý Sư Cô cùng người dân Nepal đồng thực hiện Lễ Chẩn Tế Cầu Siêu Bạt Độ người quá cố, và từ tạ giã biệt Nepal để ra phi trường, 1,30pm cất cánh lên đường về Úc. Còn 7 vị trong Phái Đoàn thì đã rời từ sáng sớm để bay đến Lâm Tỳ Ni, đảnh lễ và ngưỡng vọng nơi Đức Phật giáng trần.
Tạm Kết:
Phái Đoàn 9 vị trong chuyến một tuần cứu trợ nạn nhân động đất tại Nepal, hành trình gian truân nguy hiểm vật vạ tấm thân, nhưng không nặng và khó bằng tinh thần và tâm nguyện mà chúng tôi hân hạnh nhận lãnh và tự nguyện nhận lãnh sự giao phó của Giáo Hội, của toàn thể Đồng hương Phật tử Thân hữu mọi giới trên toàn liên bang Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan, đương nhiên chúng tôi mang theo cả chân tình quý mến của Giáo Hội cùng toàn thể Chư Tôn Đức Tăng Ni 37 Tự Viện, để đến với thảm trạng kinh hoàng và trao tận tay cho người dân đất nước Nepal. Chúng tôi chân thành tri ân toàn thể quý vị đã đóng góp hỗ trợ, cảm ơn mọi giới truyền thông đã thông tin, và không quên thành tâm thâm tạ 3 vị Thầy, nhiều tôn túc Tăng Ni, nhiều cộng tác viên người bản xứ đã tận tình giúp đỡ, lập phương án lịch trình và cùng chúng tôi hoàn thành viên mãn chuyến đi xuất phát 2 chữ Từ Bi vô lượng và 2 chữ Tế Độ vô biên, cho chúng sinh bớt khổ, cho nhân loại bớt đau, theo tinh thần chân thiện mỹ giáo lý Phật Đà.
Cuối cùng, đây là cảm nghĩ của riêng tôi, xin viết một câu thôi, có thể sai và mong rằng sẽ không bao giờ đúng. Một câu đó là, dù không có trận động đất này đi nữa, đất nước Nepal và người dân Nepal ơi, một đất nước chỉ toàn núi với đồi, trùng trùng điệp điệp, vắt vảnh lưng đèo, trên vói hư không, dưới chìm hố thẳm, không cao nguyên, không bình nguyên, lõm bõm mới có một khoảnh đất bằng còn hầu hết là nghiêng nghiêng vách núi, không biết lòng núi lòng đá lòng đất có chứa gì không, nhưng mắt tôi chỉ thấy toàn là khô khốc, hao gầy, cơ cùng, lao khổ, đày đọa triền miên, mà chưa hẳn gì 50 năm sau, 100 năm sau, sẽ lần mò thoát ra khỏi là một trong những quốc gia đói nghèo nghiệt ngã nhất trên thế giới.
Viết xong ngày 29-6-2015 tại Chùa Pháp Quang, Brisbane
Một thành viên trong Phái Đoàn,
Thích Nhật Tân