Lâm chung những điều nên biết

Tiết 5. CẢNH GIỚI TỊNH ĐỘ

A. DẪN NHẬP.

Chúng sanh nào hiện đời phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật sau khi lâm chung sẽ được vãng sanh về thế giới Tịnh độ. Nói chi tiết, thế giới Tịnh độ bàng bạc khắp mười phương, nhưng khi luận bàn về cảnh Tịnh độ làm chỗ quy túc cho chúng sanh ở cảnh giới Ta Bà này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta đặc biệt nhấn mạnh về thế giới Tây Phương Tịnh độ do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ hơn cả

Trong phần giới hạn của bài viết này chúng tôi xin trình bày ba điểm : Sự thù thắng y báo và chánh báo của thế giới Tây phương Tịnh độ. Nghiệp nhân vãng sanh và biểu hiện khi lâm chung. Bốn yếu quyết đưa đến sự thành công của pháp niệm Phật. Cầu nguyện tất cả chúng sanh khi lâm chung được sớm xum vầy nơi cảnh giới Tịnh độ của Phật A Di Đà.

B. CHÁNH ĐỀ :

I. Sự thù thắng y báo và chánh báo của thế giới Tịnh độ (Cực Lạc)

1. Thế nào gọi là Tịnh độ :

Theo lời Phật dạy trong mười phương hư không có vô lượng quốc độ có những trạng huống khổ vui ngàn muôn sai biệt. Nếu phân chia tổng quát, các cảnh giới đó có thể chia thành hai loại là cảnh giới uế độ và cảnh giới Tịnh độ.

a. Cảnh giới uế độ : Là cảnh giới thuần khổ đau, cảnh giới này vốn do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi. Cộng nghiệp này cảm thành quốc độ y báo chung để chúng sanh tuỳ từng biệt nghiệp thiện ác mà thọ quả báo hoặc khổ hoặc vui.

b. Cảnh giới Tịnh độ : Là cảnh giới hoàn toàn an vui hạnh phúc. Cảnh giới này là do Phật và Bồ Tát hoá hiện ra dùng để làm chốn đạo tràng giáo hoá chúng sanh.

2. Sự thù thắng của y báo và chánh báo.

a. Chánh báo :

– An lạc vô bịnh.

– Thọ mạng lâu dài.

– Thân tướng đẹp đẽ.

– Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo sang hèn.

– Tâm tánh nhu hoà đạo đức cao thượng.

– Đạo tâm kiên cố.

– Mọi người đều do hoá sanh mà có.

– Không có sự sai khác về nhỏ lớn, già trẻ, mạnh yếu.

– Không có nhơ bẩn ô uế.

– Tâm trí phóng khoáng thông đạt.

– Hết luân hồi trong lục đạo.

– Đủ sáu món thần thông.

– Đầy đủ huệ nhãn chánh kiến.

Mười ba món trang nghiêm thanh tịnh trên đây thuộc phần chúng sanh thế gian (chánh báo).

b. Y báo:

– Đất đai bằng phẳng đầy châu ngọc trong suốt, không có khe núi gò lởm chởm và ao rảnh sông ngòi trồi trủng.

– Không có các tai nạn thiên tai như lụt bão, sấm sét, đại hạn, địa chấn gây ra mất mùa đói khát.

– Bầu trời luôn quang đãng, không cần ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn nến.

– Tất cả vật dụng luôn luôn mới mẻ, không vỡ, không hư, không mục nát, không cũ nhớp.

– Phong cảnh xinh tươi, cây hoa đẹp đẽ, lầu gác mỹ lệ, không cần nhọc công kiến trúc trang hoàng mà tự nhiên hiện thành.

– Khí trời luôn mát mẻ.

– Âm nhạc nhiệm mầu, hoà tấu tự nhiên hay ngừng dứt tuỳ theo sở thích của người nghe.

– Không có động vật nào khác ngoài loài người trừ sự biến hoá của Phật.

– Hồ nước trong thơm ngọt ngào, cạn sâu ấm áp tuỳ theo sở thích.

– Cảnh vật tiếp xúc gây được khoái cảm nhẹ nhàng, mà không làm chao động đạo niệm.

– Bảy báu và vật dụng tự nhiên thành tựu, để cung ứng đầy đủ mà không cần đến sức người.

– Không có các sự trần lao phiền não.

– Không có nạn nhân mãn, mặc dầu dân số ngày một tăng.

– Nhân dân sống trong cảnh thái bình an lạc, không có tà ma ngoại đạo ức hiếp.

Mười bốn món trên đây thuộc về phần khí thế gian (y báo).

Cảnh giới nào có đầy đủ hai phần y báo và chánh báo trang nghiêm thanh tịnh như thế mới được gọi là cảnh giới Tịnh độ. Ngược lại, cảnh giới nào không hội đủ hai điều kiện y chánh trang nghiêm kể trên thì cảnh đó là cảnh giới uế độ. Cảnh giới Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ là cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm hai mặt y báo và chánh báo, nên được gọi là cảnh giới Tịnh độ của Phật A Di Đà.

II. Nghiệp nhân vãng sanh và biểu hiện lâm chung :

1. Nghiệp nhân vãng sanh:

Theo lời đức Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, người nào muốn được vãng sanh về cảnh giới Tây phương Tịnh độ do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ phải tu ba món phước sau :

“Muốn sanh về nước ấy phải tu ba thứ phước, một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. Hai là thọ trì tam quy, giữ trọn vẹn các giới, đừng phạm oai nghi. Ba là phát lòng bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người khác tu hành. Ba điều như thế gọi là chánh nhân tịnh nghiệp”.

Theo lời sớ giải của đại sư Thiên thai, cho rằng ba món tịnh nghiệp trên thuộc về tán thiện, còn ba món tư lương Tín, Nguyện, Hạnh (trong Kinh A Di Đà ) mới là định thiện ( Định thiện : là dứt tất cả mọi tư lự để tâm ngưng vào một cảnh, Tán thiện : là bỏ ác để tu hành mặc dầu tâm tán loạn ).

Theo kinh A Di Đà, hành giả muốn được vãng sanh thế giới Cực Lạc phải hội đủ ba tư lương là Tín, Nguyện và Hạnh.

– Tín : Tin rằng thật có đức Phật A Di Đà thành lập nước Cực Lạc bằng bốn mươi tám đại nguyện để tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương thế giới niệm Phật cầu vãng sanh.

– Nguyện : Nguyện đến lúc lâm chung được Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện thân đến tiếp dẫn, sau khi thành Phật trở lại Ta bà hoá độ chúng sanh.

– Hạnh : Là chuyên trì sáu chữ hồng danh “ Nam mô A Di Đà Phật”, niệm cho đến khi đạt được nhất tâm bất loạn.

2. Biểu hiện lâm chung :

Nếu ai lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc sẽ có những biểu hiện sau :

– Tâm hồn không bị rối bời.

– Biết trước giờ chết đã đến.

– Tâm niệm chân chánh không mất.

– Biết trước mà tắm rửa và thay quần áo.

– Tự mình niệm Phật hoặc niệm có tiếng hay niệm thầm.

– Mùi thơm lạ khắp nhà.

– Có hào quang sáng soi rọi vào trong cơ thể.

– Tự nói ra bài kệ để khuyên dạy đệ tử.

– Nhạc trời trổi dậy giữa hư không.

Nếu có ai có đầy đủ các điểm tốt kể trên thì phẩm vị chắc chắn rất cao. Còn ai chỉ được một vài điểm tốt cho đến năm điểm tốt mà thôi, người đó quyết cũng được vãng sanh về Tịnh độ.

III. Bốn yếu quyết đưa đến sự thành công

Theo đại sư Cổ côn ( đời Thanh ), người niệm Phật muốn được thành công phải nắm vững bốn yếu quyết sau :

1. Người niệm Phật không cần tham cầu Tịnh cảnh :

Xưa nay, có một số vị khi phát tâm niệm Phật chỉ lo ham cầu tịnh cảnh ( như cầu thấy Phật hiện thân, cầu thấy cảnh giới Tịnh độ…), chứ không đặt nặng vào việc cầu vãng sanh Tịnh độ, đây quả thật là đại bịnh. Bởi cầu tịnh cảnh mà không cầu vãng sanh Tây Phương, kẻ niệm Phật đó chẳng khác cầu cát mà bỏ vàng, niệm Phật với tâm như thế không phù hợp với ý Phật “chấp trì danh hiệu Phật, một lòng cầu nguyện vãng sanh” (kinh A Di Đà), không thể đạt thành công đức vô lượng và không thể vãng sanh.

2. Người niệm Phật không cần tham thoại đầu “ niệm Phật là ai ?”

Người niệm Phật lấy cái tâm thanh tịnh bản lai của mình mà niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương, rồi nhờ đức Phật A Di Đà hiển lộ cái tâm bản lai thanh tịnh của mình. Mỗi khi khởi tâm niệm Phật là tâm ta hướng về tâm Phật, tâm Phật hướng về tâm ta. Tâm ta và tâm Phật rõ ràng, tâm ta và tâm Phật là một, lý cảm ứng đạo giao bất khả tư nghì. Vì thế đương lúc niệm Phật mà đi hỏi niệm Phật là ai, tức là trên cái đầu của mình lại đặt thêm một cái đầu nữa, cỡi lừa mà lại đi tìm lừa.

3. Người niệm Phật không cần dứt trừ vọng tưởng:

Ngày nay có nhiều người tu các pháp môn khác, thấy ai niệm Phật họ bèn khởi tâm chê bai : “ người niệm Phật mà còn vọng tưởng thì không đạt thành kết quả”. Nhưng họ không biết rằng, người niệm Phật tuy còn vọng tưởng vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh. Ngài Linh Phong dạy: “kẻ tín thâm nguyện thiết mà tâm còn nhiều vọng tưởng thì kẻ đó sẽ được Hạ phẩm hạ sanh. Tuy là Hạ phẩm hạ sanh nhưng chẳng ngại gì, vì đồng được bậc thiện nhân câu hội chung một chỗ, cùng thọ dụng pháp lạc, há không phải là đại dụng hay sao ?”.

4. Người niệm Phật không cần cầu nhất tâm :

Người tán tâm niệm Phật thường ngày niệm không thoái chuyển, lâu ngày tự nhiên sẽ thành tựu sự nhất tâm. Như thế nhất tâm bất loạn là do tán niệm định số mà thành. Chúng ta niệm Phật tuy không cần cầu nhất tâm nhưng cứ tương tục niệm Phật thì nhất tâm bất loạn sẽ hiển bày.

Trái lại người nào niệm Phật chỉ lo cầu nhất tâm mà bỏ qua pháp tán niệm định số, thì chẳng khác nào kẻ không nấu cơm mà cầu có cơm ăn, không chịu khó học mà muốn thành tài giỏi…là điều không thể xảy ra.

Cho nên, đối với các bậc hữu duyên của tông Tịnh độ, chúng ta chỉ cần lập chí quyết định trì danh niệm Phật mà không cần phải tham cầu tịnh cảnh, không cần xem câu niệm Phật như một câu khán thoại đầu; không cần nghĩ đến chuyện còn vọng tưởng hay không vọng tưởng, không cần phải cầu nhất tâm bất loạn. Mà chúng ta thường ngày cứ chuyên trì Thánh hiệu Phật A Di Đà “ đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật”, từ đây cho đến khi chết, chúng ta quyết định sẽ được vãng sanh.

C. KẾT LUẬN

Trên đây, chúng tôi đã trình bày khái lược về sự thù thắng của thế giới Tây Phương Tịnh độ của đức Phật A Di Đà, để rồi chúng ta có sự so sánh giữa cảnh Tịnh độ và sáu cảnh giới luân hồi, thì sự khổ đau và hạnh phúc của Tịnh độ và sáu cảnh giới kia khác xa như trời vực.

Tất nhiên, chúng ta cầu về Tịnh độ không chỉ là vì chán sợ cảnh luân hồi đau khổ, mà vì ở cảnh Tịnh độ là nơi có đủ thắng duyên để chúng ta tu hành. Khi nương vào Tịnh độ tu hành thành Phật rồi chúng ta sẽ cỡi thuyền đại nguyện, trở lại cảnh khổ Ta Bà này để hoá độ vô số chúng sanh, tròn đầy công hạnh Bồ tát đạo. Nào ai là kẻ tự cho mình là hạng người bi lâm lai láng, trí huệ ngập trời lại còn chần chừ mà không chịu cầu nguyện vãng sanh Tịnh độ ư ?

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.