Lâm chung những điều nên biết

II.NGƯỜI BÀ CON CẦN CHÚ Ý NHỮNG ĐIỂM SAU

1. Cha mẹ là người có công ân sanh thành dưỡng dục chúng ta phận làm con cần phải hiếu thuận, đối với anh chị em, vợ chồng chúng ta cần phải thân ái, đối với con cháu, dâu rễ chúng ta cần nên từ ái. Thế nào là hiếu thuận, là thân ái, là từ ái? Thế nào là không hiếu thuận, không thân ái, không từ ái?

Đối với các đạo lý này các vị cần triệt để thấu triệt. Nếu chúng ta làm qua loa nhất định sẽ khiến cho tâm hiếu thuận, thân ái, từ ái trở thành sự tình đại ngỗ nghịch, đại tàn hại. Quý vị mỗi người muốn tránh khỏi sự tình nguy hiểm này thì đối với chỗ tôi sắp giảng dưới đây cần để tâm nghiên cứu.

2. Con người đến khi lâm chung là giai đoạn tối hậu của một đời người, chúng ta người bà con nên hết mình trong khoảng thời gian chốc lát này. Đối với người hấp hối chúng ta nên chân thành biểu hiện tâm hiếu thuận, thân ái, từ ái, giờ giờ phút phút nên quan tâm thăm hỏi. Bất luận sự tình như thế nào chúng ta mỗi mỗi đều nên tùy thuận theo ý muốn của người bệnh không nên làm cho tâm họ phiền não.

3. Thời điểm người bệnh sắp mạng chung nhất định nên thỉnh các vị niệm Phật đến trợ niệm. Các vị trợ niệm khi đã đến nhà rồi bà con nên nghe theo lời chỉ dạy của họ một chút cũng không trái ý. Cần hiểu các vị niệm Phật trợ niệm lúc này là người chịu trách nhiệm cứu độ thần thức của người bà con chúng ta để được vãng sanh Cực lạc. Vì thế, toàn gia quyến thuộc mỗi người đều nên nhớ tưởng ân đức hết lòng tiếp đãi các vị đó. Giả sử các vị trợ niệm do bận nơi khác hoặc chưa đến kịp, lúc này các người bà con nên như pháp đứng ra trợ duyên niệm Phật cho người bệnh công đức cũng đều giống nhau.

Có điều chúng ta cần tuân thủ theo phương pháp trợ niệm để tiến hành không nên đem phương pháp trợ niệm để cải biên, như thế mới có thể làm cho người bệnh được vãng sanh. Đồng thời cả nhà đều nên phát nguyện ăn chay tuyệt đối không được sát sanh phải vì người bệnh mà tu phước. Đến lúc bệnh quá nặng là thời điểm rất cần người trợ niệm. Vào thời điểm này chúng ta phải một lòng niệm Phật trợ giúp họ vãng sanh Tây phương. Chớ không nên một mặt khóc lóc bi ai một mặt kêu gọi lương y… điều này chỉ làm cho người bệnh tăng thêm sự thống khổ trở ngại việc vãng sanh đây là trên nỗi khổ chồng thêm nỗi khổ. Mong các vị bà con hiểu rõ điều này để không làm hại người thân của mình.

4. Con người đến lúc lâm chung là thời điểm phân phàm rẽ Thánh là thời điểm phân chia cảnh giới Tây phương Thánh đạo cùng cảnh giới lành thiên, nhân, A tu la và cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Các vị bà con lúc này trợ niệm bệnh nhân niệm Phật đó chính là trợ giúp bệnh nhân vãng sanh Tây phương thánh đạo hưởng thọ vô lượng sự an lạc. Giả sử đối với bệnh nhân mà bi ai khóc lóc đó chính là đẩy thần thức bệnh nhân đọa vào trong ba cảnh khổ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh chịu vô lượng sự thống khổ. Nên biết, người bà con đối với bệnh nhân lúc này là lúc thể hiện tình nghĩa rõ ràng là hiếu thuận hay không hiếu thuận là thân ái hay không thân ái là từ ái hay không từ ái.

5. Chúng ta cần tin tưởng vào những lời Phật dạy trong kinh điển, như kinh dạy người nào đọa lạc vào ba cảnh Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì phải chịu vô lượng sự thống khổ ngôn ngữ văn tự không thể diễn tả hết được thời gian thọ khổ cũng vô cùng vô tận. Nói sự thống khổ ở cảnh giới Địa ngục, chúng sanh ở cõi này một ngày một đêm phải trải qua vạn lần chết đi sống lại. Nỗi khổ của cảnh giới Ngạ quỷ, chúng sanh ở cõi này trong trăm ngàn vạn kiếp danh từ cơm nước còn chưa từng nghe huống gì là được ăn uống. Nỗi thống khổ của cảnh giới Súc sanh, chúng sanh trong cõi này phải chịu cảnh nước sôi lửa bỏng bị nhai nuốt vào trong bụng người. Nếu như chúng ta đọa lạc vào một trong ba cảnh khổ này thời gian tối thiểu cũng năm ngàn đại kiếp. Một đại kiếp thời gian bằng mười ba ức bốn ngàn ba trăm tám mươi bốn vạn năm ở cõi người. Nếu đã trải qua thời gian năm đại kiếp sau khi thọ khổ xong mới được xuất ly thời gian như thế là ngắn hay sao?

Nếu được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc hàng ngày được nghe đức Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp; cùng Bồ tát Quan âm, Thế chí làm bạn lành. Mắt thấy các cảnh đều là cảnh diệu sắc trang nghiêm tai nghe các tiếng đều là tiếng tốt vi diệu… sự hưởng thọ mọi khoái lạc như thế ngôn ngữ văn tự không thể diễn bày. Mỗi khi đã vãng sanh đầy đủ thần thông đạo lực rồi nương bi nguyện trở lại Ta bà hóa độ bà con cần đến là đến cần đi là đi đến đi đều tự tại. Đồng thời chỉ trong một đời mà có thể thành Phật.

Do vậy chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa này, bởi cảnh giới Tây phương sự khoái lạc như thế vô cùng vô tận. Ai là người không chịu phát tâm niệm Phật trợ niệm cho người bà con của mình mau được vãng sanh Tây phương hưởng thọ vô lượng khoái lạc? Ở cảnh giới Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, sự thống khổ như thế vô cùng vô tận. Ai là người đang tâm ác độc đối với người bà con của mình bi ai khóc lóc chính là đẩy họ vào trong cảnh giới Địa ngục. Ngạ quỷ, Súc sanh để thọ các khổ báo hay sao? Chúng ta mỗi người đều phải hiểu rõ: Phàm con người lúc lâm chung hoặc vãng sanh Tây phương hoặc đọa lạc vào tam đồ ác đạo trách nhiệm này phần lớn là do người bà con tạo ra.

6. Nếu người bệnh lúc bình thường có tâm tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương lúc này chúng ta là người bà con nên đối trước người bệnh giảng giải: “Chúng ta làm người nhưng không thể làm người dài lâu. Phật dạy có sáu cảnh giới luân hồi sanh tử trong đó ba cảnh Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh là ba cảnh khổ lại rất dễ đọa lạc. Nhưng ở cảnh giới Tây phương do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ có vô lượng sự an vui. Trong cảnh giới Tây phương chẳng có nỗi khổ Tam đồ cũng chẳng có sáu cảnh luân hồi sanh tử.

Dân chúng cảnh giới Tây phương là do liên hoa hóa sanh ngồi trên tòa sen rất mềm mại, hương thơm tinh khiết cánh hoa to lớn rất đẹp và rực ánh sáng. Dân chúng cảnh Tây phương chỗ ở đều là lầu đài bằng trân bảo cung điện cao lớn lộng lẫy. Dân chúng cảnh Tây phương nghĩ tưởng thức ăn thì có các món sơn hào hải vị hiện ra, cần áo mặc thì có các y phục thượng hạng lại hiện đến. Dân chúng cảnh Tây phương chỗ thọ hưởng khoái lạc ngôn ngữ văn tự không bao giờ diễn bày hết. Nay ông phát tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà tâm nguyện tha thiết cầu sanh Tây phương, đến lúc lâm chung Phật A Di Đà tay bưng đài sen to lớn hiện thân trước mặt ông để nghinh đón ông vãng sanh Tây phương. Mỗi khi đã được vãng sanh lúc đó sự thọ hưởng khoái lạc không cùng tận. Ông nên phát tâm niệm Phật quyết định được vãng sanh Tây phương”.

Là người bà con chúng ta mỗi ngày nên đối trước bệnh nhân nói ba lần như thế. Cách thức nói không được quá nhanh nên nói một cách từ tốn rõ ràng. Cần biết tâm lý người bệnh lúc này họ rất dễ khởi phiền não và cũng rất sợ cảnh phiền não. Còn như người bệnh đã phát khởi tín tâm dốc lòng niệm Phật rồi chúng ta không cần tiếp tục khuyến đạo khai thị nữa. Từ đó về sau chỉ khuyên họ nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh là đủ.

7. Người bệnh nếu còn các việc nhà hoặc các việc quan trọng mà ngày thường chưa kịp nói, người bà con nhân lúc người bệnh bệnh tình chưa nặng còn nói được nên hỏi họ rõ ràng. Nếu như người bệnh tâm thức đã hôn mê không thể nói được, lúc này người bà con không nên đối trước người bệnh nói các việc thế sự tránh làm loạn chánh niệm của người bệnh ( chánh niệm chính là niệm Phật) . Nếu khi tâm thức người bệnh còn sáng suốt người bà con nên đối trước bệnh nhân nói lời sau: “Tất cả mọi công việc gia đình chúng tôi sẽ thay ông đảm đương tất cả mọi chuyện gia đình ông không nên để tâm lo lắng. Giờ đây ông chỉ nên một lòng niệm Phật A Di Đà để cầu nguyện vãng sanh mà thôi”.

Nói lời khai thị đó chỉ nói một lần từ đó về sau chỉ khuyến khích người bệnh một lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Đồng thời người trợ niệm dùng ngón tay của mình chỉ rõ hướng tây đối người bệnh lại nói: “Cảnh giới Tây phương hiện đang ở trước mặt ông, ông nên một lòng niệm Phật trong tâm ông nên nghĩ tưởng mình đã vãng sanh Tây phương”. Làm người bà con mỗi ngày đối trước người bệnh khuyên răn vài ba lần như thế. Giả sử tâm thức người bệnh đã đến lúc hôn muội bây giờ không cần nói lời khuyến khích nữa mà chỉ nên chuyên tâm niệm Phật lớn tiếng mà thôi.

8. Nếu có các vị thân thích bạn bè đến thăm hỏi người bệnh, chúng ta nên mời các vị đó sang phòng bên để tiếp đãi đồng thời nói với khách rằng: “Cuộc đời con người giai đoạn lâm chung là giai đoạn quan trọng nhất. Do đó các vị đến trợ duyên người bệnh niệm Phật trong giai đoạn này có sự lợi ích rất lớn. Còn đối trước người bệnh khóc lóc bi ai thì sự chướng ngại vô cùng”. Chúng ta nói với khách câu này một mặt là tránh được tâm nghi ngờ của khách, một mặt là tránh được cảnh người khách đứng trước bệnh nhân bi ai sầu não gây chướng ngại cho người bệnh. Lại khuyến khích người khách phát tâm trợ giúp người bệnh niệm Phật, nếu khách làm được như thế mới thật sự là người có tâm từ bi đối với người bệnh.

9. Nếu như người bệnh nghiệp chướng phát hiện hoặc không hoan hỷ với người vì mình niệm Phật, nghe thấy người bà con niệm Phật tâm lại sanh mệt mỏi, hoặc thấy các oan hồn hiện ra để đòi mạng sống… Các việc như thế xảy ra vốn là do nghiệp chướng của người bệnh phát hiện chướng ngại cho việc vãng sanh. Lúc đó chúng ta nên vì họ đối trước Tam bảo chí thành khẩn thiết niệm Phật sám hối khiến nghiệp chướng của họ tiêu trừ sớm được vãng sanh Cực lạc.

Như năm ngoái có một vị cư sĩ, thân mẫu của vị này bệnh nặng sắp chết, vị cư sĩ bèn mời những người trợ niệm đến nhà vì thân mẫu mà niệm Phật. Thân mẫu của vị đó nghe mọi người niệm Phật trong tâm càng phiền muộn bảo các vị trợ niệm đừng niệm Phật nữa. Do vị cư sĩ này là đệ tử của tôi biết rõ trường hợp mẹ mình là do nghiệp chướng phát hiện bèn thay mẹ đối trước Tam bảo tụng kinh Địa tạng, vị cư sĩ này cũng rất chí thành khẩn thiết vì mẹ sám hối. Sau đó, cư sĩ lại cùng các vị trợ niệm vì mẹ mà niệm Phật thân mẫu của cư sĩ trở lại sanh tâm hoan hỷ kết quả được vãng sanh Tây phương.

Trên đây là nói việc tụng kinh Địa tạng có thể tiêu trừ được nghiệp chướng, giả sử không tụng được kinh Địa tạng thì niệm danh hiệu Địa tạng Bồ tát vẫn có thể được. Lại có một vị cư sĩ nọ thân phụ của vị này bệnh nặng sắp chết thấy một cô gái dắt một con chó đến đòi mạng. Vị cư sĩ bèn thay cha niệm Phật sám hối giây lát không thấy cô gái và con chó nữa. Sau đó thân phụ cuả cư sĩ thấy hai vị Tăng đối trước nói rằng “Đời trước ông đã từng gây chướng ngại vãng sanh cho chúng tôi nay chúng tôi cũng sẽ gây chướng ngại vãng sanh của ông”. Vị cư sĩ lại một lần nữa vì cha niệm Phật sám hối đồng thời khấn vái: “Hãy để cho cha tôi vãng sanh sau này tôi sẽ đến trợ niệm cho hai vị vãng sanh Tây phương để tạ lỗi gây chướng ngại vãng sanh của hai vị trong quá khứ”. Nhân đây không thấy hai vị Tăng này đến nữa.

Sau cùng thân phụ cư sĩ lại thấy một vị lão Tăng đối trước người bệnh nói: “Oán nghiệp của ông nay đã tiêu trừ qua khỏi tam thất thì có thể vãng sanh, sen vị của ông là đệ ngũ cấp”. Đồng thời vị lão tăng lại nói: “Sở dĩ tam thất vãng sanh là do con ông biết đạo”. Các vị đừng hiểu tam thất là ba tuần trợ niệm nhiều ngày như thế sẽ mệt mỏi, các vị hiểu như thế là không đúng. Nguyên là chỉ qua khỏi hai mươi mốt giờ vị này sẽ vãng sanh, đệ ngũ cấp chính là Trung phẩm trung sanh. Nương đây để biết làm người bà con vì người bệnh niệm Phật sám hối, hoặc tụng kinh Địa tạng hay niệm danh hiệu Bồ tát Địa tạng đối với người bệnh có sự lợi ích rất lớn.

10. Người bệnh đến lúc sắp tắt hơi thở người trợ niệm nếu là nhiều thì nên cùng với người bà con hướng về bàn Phật, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm chí thành khẩn thiết mong cầu Phật từ bi tiếp dẫn thần thức người chết mau được vãng sanh Tây phương. Còn bằng người trợ niệm ít thì cùng với người bà con đến gần người bệnh trợ lực niệm Phật. Có điều người bà con không nên đứng đối diện để người bệnh thấy. Chúng ta nên nhớ thời điểm người sắp tắt hơi thở, nếu thấy bà con tất khó tránh việc sanh tâm bi ai trìu mến làm chướng ngại chánh niệm. Người bà con có thể ngồi bên trái bên phải hoặc ngồi sau lưng người bệnh.

Về âm điệu tiếng niệm Phật chớ bi ai tương tự như khóc lóc, nếu âm điệu niệm Phật bi sầu như thế người bệnh nghe nhất định sẽ sanh tâm sầu khổ bi luyến. Nếu người bệnh có tâm niệm sầu khổ sẽ mất chánh niệm cảnh giới Tây phương không do đâu mà hiển bày. Vì thế lúc này chúng ta cần phải đặc biệt cẩn thận đặc biệt chú ý tuyệt đối cấm bi ai sầu khổ chỉ nên lớn tiếng niệm Phật, mỗi câu mỗi câu Phật hiệu phân minh mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng. Lúc đang niệm Phật người trợ niệm nên quán tưởng đức Phật A Di Đà phóng hào quang cứu độ gia hộ người chết thân tâm an lạc chánh niệm phân minh sớm được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.

11. Người chết sau khi đã chấm dứt hơi thở trước lúc thân thể chưa lạnh hẳn ở giai đoạn trung gian này, chúng ta là người bà con càng đặc biệt chú ý không để cho mèo chuột… đụng đến. Nên biết người chết tuy hơi thở đã chấm dứt nhưng cơ thể vẫn còn hơi nóng, nếu có vật nào xúc chạm vào cơ thể người chết sẽ rất thống khổ. Có đôi người nghĩ muốn thăm dò thân thể người chết xem hơi nóng đang còn ở chỗ nào để xác định cảnh giới tái sanh. Việc này đối với người chết hoàn toàn có hại không một chút lợi ích gì.

Nếu sau mười giờ đồng hồ như muốn thăm dò thân thể người chết đã lạnh hẳn hay chưa cũng nên mời một vị có công đức tu hành tương đương dùng tay nhẹ nhàng thăm dò. Ở thời gian này người bà con nên thảy đều nên nghe theo lời chỉ giáo của các vị trợ niệm để tránh sự tác hại cho người chết. Nếu không có các vị trợ niệm chúng ta nên y theo phương thức trợ niệm để thực hành. Đến như các vị trợ niệm cũng cần nghe theo lời chỉ giáo của vị lãnh đạo không được tự tiện thăm dò hơi nóng thân thể người chết.

Chúng ta nhất nhất không nên nghe theo những lời nói mê tín vô căn cứ của một số người thế tục, bọn họ nói: “Người mới chết nhân lúc thân thể còn ấm xương thịt mềm mại, thời điểm này mà tắm rửa mặc quần áo là rất tốt”. Lại nói: “Người chết rồi nên dời sang chỗ khác kẻo không sẽ bị thần giường quở trách”. Lại nói: “Con cháu cần phải khóc lóc nếu không hung tin sẽ không đi hết”. Những lời nói mê tín như thế truyền tụng đến ngày nay khiến chúng ta làm tổn hại cho người chết vô lượng vô biên oan uổng thọ đại khổ não đọa lạc trong cảnh ba ác đạo Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Xưa vua A kỳ đạt bình sanh tin tưởng Tam bảo kiến tạo chùa tháp công đức vô lượng, đến khi mạng chung đang lúc sắp dứt hơi thở, người thị vệ đứng hầu quạt trong tay rơi vào mặt nhà vua, lúc đó vua vô cùng thống khổ nổi tâm sân hận đầu thai làm thân rắn. Nhân nhờ vua Kỳ đạt bình sanh có công đức kính trọng Phật pháp kiến tạo chùa tháp nên sau gặp được vị Tăng đối trước rắn thuyết pháp. Rắn nhờ duyên nghe lại công đức Phật pháp của mình ba ngày sau chết thần thức sanh lên cõi trời.

Lại xưa có hai vợ chồng rất đỗi thương yêu lẫn nhau, bình sanh đồng tin Tam bảo phụng trì trai giới. Ngày nọ người chồng bệnh chết người vợ vô cùng bi ai khóc lóc. Thân thể người chồng tuy đã chết nhưng thần thức vẫn chưa rời, nghe âm thanh bi ai của người vợ tâm sanh khởi ý niệm trìu mến, nhân đây thần thức đi theo ý niệm trìu mến đắm nhiễm này lạc vào trong cơ thể người vợ làm con sâu bò trong mũi. Vì chồng chết người vợ khóc lóc bi thảm nước mắt nước mũi giàn dụa, bấy giờ trong mũi rơi ra một con trùng người vợ xấu hổ định dùng chân đạp nát may có một vị Tăng khuyên can: “Chớ đạp nát thân chồng chị”. Người vợ hỏi duyên cớ, vị Tăng đáp: “Chồng chị lúc còn sống giữ gìn trai giới đáng lẽ được sanh thiên nhưng vì chị khóc lóc bi thảm quá khiến nội tâm khởi dậy lòng thương yêu thần thức theo tâm niệm thương yêu đó mà nhập vào người chị làm con sâu trong lỗ mũi”. Người vợ nghe rồi lấy làm hối hận cầu xin vị Tăng thuyết pháp cho trùng. Con trùng nhờ nghe pháp mà thoát được thân trùng thần thức tái sanh lên cõi trời.

Hai câu chuyện trên đều từ trong kinh nói ra là có nguồn gốc còn những sách vở của thế tục hư truyền mê tín là chẳng có căn cứ, chúng ta cần biết rõ một số loại sách mê tín để tránh gây cho vong nhân sau này gặp phải cảnh oan uổng thọ đại khổ não, đọa lạc trong cảnh ác đạo Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Vì vậy sau khi người chết chấm dứt hơi thở trước khi toàn thân chưa lạnh hẳn chúng ta là người bà con, nhất định chấm dứt việc khóc lóc khổ não và xúc chạm thân thể người chết để tránh tai họa người chết không được vãng sanh.

Tóm lại, người bà con phải nên nghe theo lời chỉ giáo của các vị trợ niệm, nếu như không có các vị trợ niệm người bà con nên cẩn thận thăm dò thân thể người chết, đợi khi toàn thân lạnh hẳn mới tiến hành thủ tục tắm rửa thay quần áo.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.