Lâm chung những điều nên biết


XIV. HỎI ĐÁP VỀ THÂN TRUNG ẤM

Hỏi : Con người sau khi chết nếu bà con trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức để hồi hướng cho người chết, người chết có được sự lợi ích như thế nào?

Đáp : Người chết xác thực đã vãng sanh Tây phương, bà con trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức để hồi hướng cho người chết, một mặt có thể làm cho người chết tăng cao phẩm vị Liên hoa, một mặt bà con đạt được phước đức vô lượng. Giả sử người chết chưa được vãng sanh như vậy tuy đã chết nhưng còn chưa quyết định đi đầu thai nơi nào thì ở vào giai đoạn thân trung ấm. Thời gian này nếu người bà con vì họ niệm Phật làm mọi công đức, khai phát thiện căn Tịnh độ cho họ khiến họ đang ở thời kỳ trung ấm được sanh lòng tín sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương. Chỉ cần người bà con trợ giúp cho họ đầy đủ ba món tư lương tín, nguyện, hạnh, quyết định họ sẽ nương nhờ từ lực của Phật mà sớm được vãng sanh.

Hỏi : Ý nghĩa thân trung ấm như thế nào?

Đáp : Con người chết rồi sau khi thần thức lìa khỏi thể xác trước lúc chưa đi đầu thai, ví như người từ trong nhà bước ra ngoài nhưng chưa vào nhà khác vẫn còn ở trung gian, đây là chỉ ý nghĩa thân trung ấm. Người nào có tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật khi mới chết ngay đó liền vãng sanh Tây phương, hoặc người có căn lành sâu dày thì trực chỉ sanh về cõi trời, hoặc kẻ tạo ác nghiệp nặng liền đọa vào Địa ngục Vô gián, ba hạng người này là không trải qua gian đoạn thân trung ấm. Hạng người phổ thông bình thường đã không phải cực thiện cũng không phải cực ác đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Thời gian thân trung ấm thọ sanh có nhanh chậm không đồng. Nhanh thì trong khoảng khảy móng tay liền đầu thai vào một trong sáu đạo luân hồi, chậm thì khoảng bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày.

Hỏi : Duyên cớ gì con người sau khi chết không đi đầu thai mà phải rơi vào giai đoạn thân trung ấm, trải qua bốn mươi chín ngày mới đi đầu thai?

Đap : Bởi do người chết trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đã tạo các nghiệp thiện ác lẫn lộn. Trong vọng tâm vô minh nghiệp thức đó, một niệm lành một niệm ác cứ sanh rồi diệt diệt rồi lại sanh khiến nghiệp thiện ác liên tục không phân định. Nếu như trụ vào nghiệp thiện, tâm này thuần thiện thì do trong tâm thiện phát hiện ra cảnh giới lành Thiên,Nhân, A tu la tâm thức này tùy theo nghiệp lành đó mà đi đầu thai. Nhưng vì, trong tâm thiện cũng có duyên thượng phẩm thiện, trung phẩm thiện, hạ phẩm thiện mới cảm thành ba cõi Thiên, Nhân, A tu la không đồng nhau.

Nếu như trụ vào nghiệp ác, tâm này thuần ác do trong tâm ác phát hiện ra ba cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, trong tâm thức này tùy theo cảnh giới ác đó mà đi đầu thai. Nhưng vì trong tâm ác cũng có duyên thượng phẩm ác, trung phẩm ác, hạ phẩm ác mới cảm thành ba cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không đồng. Nên biết, bởi có mối quan hệ tâm và cảnh tương đồng như thế,vì vậy người bà con ở trong thời gian bốn mươi chín ngày cần ăn chay niệm Phật thay hương linh tu tạo công đức, khiến người chết nương nhờ công đức đó mà tiêu trừ tội ác tăng trưởng phước lành, vãng sanh Tây phương hoặc siêu thăng trong cảnh giới Thiên đạo hay Nhân đạo.

Bằng như người bà con trong thời gian này không phát tâm ăn chay niệm Phật mà gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu ăn thịt như thế túc nghiệp ( nghiệp đời trước ) người chết nếu là nghiệp lành sẽ chuyển thành nghiệp ác; như túc nghiệp người chết nếu là nghiệp ác thì nghiệp ác lại thêm tăng trưởng. Nên biết nghiệp ác nếu tăng thêm sẽ thành thượng phẩm ác, nghiệp đó nhất định khiến cho người chết đọa lạc vào Địa ngục vĩnh viễn chịu vô lượng sự thống khổ.

Hỏi : Nếu kinh tế gia đình khó khăn, mà bảo họ trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức, e rằng cuộc sống của họ khó có thể duy trì được?

Đáp : Trong tất cả mọi công đức để hồi hướng cho người chết thì công đức niệm Phật là lớn nhất, nếu như gia đình kinh tế khó khăn lúc này không cần thỉnh Tăng Ni đến làm lễ, chỉ cần toàn gia quyến phát tâm ăn chay niệm Phật là đủ. Thời gian niệm Phật, quy định sáng sớm niệm Phật xong đối trước bàn thờ người chết hồi hướng rồi dùng cơm sáng. Buổi trưa niệm Phật trước hay sau bữa cơm tùy theo công việc bản thân sao cho thích hợp mà sắp xếp. Buổi chiều sau bữa cơm mới niệm Phật, niệm xong đối trước bàn vong mà hồi hướng, mỗi ngày quy định ba thời niệm Phật ba lần hồi hướng, thời gian còn lại khi làm công việc cũng nên cố gắng mặc niệm niệm Phật.

Phương pháp niệm Phật siêu độ người chết như thế, đối với cuộc sống kinh tế gia đình sẽ không bị ảnh hưởng. Phương pháp này vừa đơn giản nhưng lại tiện lợi hoàn toàn không chướng ngại cuộc sống mà công đức rất lớn. Gia đình lại có thể bình an thanh khiết, bà con mỗi người đều được phước đức mà người chết cũng được sự lợi ích vô cùng. Đây là phương pháp thù thắng làm cho cả hai người sống lẫn kẻ chết đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

XV. DẪN ĐOẠN CĂN BẢN TRONG KINH ĐỊA TẠNG PHẨM “TỒN VONG LỢI ÍCH” THỨ BẢY LÀM PHẦN KẾT

Trưởng giả Đại biện chắp tay cung kính hỏi Bồ tát Địa tạng : “Kính bạch Đại sĩ! Chúng sanh ở cõi Nam diêm phù đề này sau khi mạng chung, quyến thuộc lớn nhỏ vì người chết mà tu tạo các công đức cho đến thiết trai cúng dường, tạo nhân lành đó thì người chết kia có được sự lợi ích và giải thoát chăng?”

Ngài Địa tạng đáp : “Thưa trưởng giả! Các chúng sanh ở hiện tại và vị lai trong ngày lâm chung, nếu họ được nghe danh hiệu của một vị Phật, một vị Bồ tát, hoặc một vị Bích chi Phật thì không luận là kẻ có tội hay không có tội đều được giải thoát ( vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc ).

( Lại nói ) : Quỷ dữ vô thường không hẹn mà đến, lúc đó thần hồn mờ mịt chưa biết tội phước, trong bảy tuần thất như si như điếc, hoặc ở các ty để luận nghiệp quả,sau khi thẩm định tùy nghiệp mà thọ sanh. Giữa lúc tội phước chưa được ngã ngũ thì người chết kia ngàn muôn sầu khổ, huống gì đọa lạc vào chốn ác thú Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Kẻ mạng chung này khi chưa thọ sanh, thì trong bảy tuần thất lúc nào cũng mong ngóng bà con quyến thuộc tạo phước lực để nhờ cứu vớt. Qua bảy tuần thất rồi theo nghiệp chiêu báo. Nếu như người chết là kẻ có tội thì qua trăm năm hay ngàn năm ( thường ở trong ba ác đạo Địa ngục, Ngạ quỷ,Súc sanh chịu mọi khổ báo ) không ngày giải thoát. Nếu người này mắc tội ngũ vô gián tức đọa vào Địa ngục lớn đến ngàn kiếp vạn kiếp, chịu mãi các sự thống khổ ( một đại kiếp tính theo số năm cõi người là 1 344 000 000 năm ).

( Lại nói ): Nếu người bà con có thể vì người chết trong bảy tuần thất, rộng tu các công đức ( ăn chay niệm Phật, trì giới cúng dường Tam bảo…) thì làm cho các chúng sanh này vĩnh viễn thoát ly ác thú ( Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh ) được sanh Nhân, Thiên hưởng thọ các sự diệu lạc, bà con hiện tại cũng được sự lợi ích vô lượng.

Hai câu hỏi đáp

Hỏi : Có người bình thường tín, nguyện, niệm Phật, nhưng khi lâm chung trúng gió cấm khẩu thần thức hôn mê, lúc đó có người khác vì họ niệm Phật trợ niệm có tác dụng hay không? Nếu có tác dụng thì thần thức người đó đã hôn mê không còn hiểu biết làm sao tác dụng? Nếu không tác dụng như thế công đức một đời tín, nguyện, niệm Phật của họ há trở nên vô nghĩa sao?

Đáp : Công đức niệm Phật là bất khả tư nghì. Như có người bình thường tín, nguyện, niệm Phật nhưng khi lâm chung trúng gió cấm khẩu thần thức hôn mê, nếu được thiện tri thức vì họ trợ niệm thì người đó sẽ đạt được sự lợi ích bất khả tư nghì. Hoặc như người đó thần thức trước khi chưa lìa thể xác, trở lại tỉnh táo có thể nghe được tiếng niệm Phật thì có thể phát khởi tâm tín, nguyện, niệm Phật như lúc bình thường, khi mạng chung sẽ nương nhờ Phật lực tiếp dẫn mà được vãng sanh thế giới Cực lạc, vấn đề này là tất nhiên.

Giả sử người đó hôn mê đến chết thần thức lìa khỏi thể xác, nhân vì nghiệp đời này đời trước chưa phân định nên phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Nếu được bà con hay thiện tri thức niệm Phật trợ niệm, người chết lúc đó có thể nhớ lại và phát khởi tâm tín, nguyện, niệm Phật, nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh. Nếu không được như thế chỉ được thiện tri thức tạo thắng duyên trợ niệm, giả sử không được vãng sanh cũng có thể tăng trưởng căn lành Tịnh độ sau này. Như trong kinh có đoạn : “ Vào thời Phật tại thế có một ông lão giữa đường gặp cọp, ông leo lên cây, do quá kinh sợ mà buộc miệng kêu một chữ Phật, nhờ công đức đó cảm quả báo đời sau gặp Phật được hóa độ”. Huống gì người cả một đời tín, nguyện, niệm Phật ư? Quan sát như thế đủ chứng minh công đức niệm Phật tuyệt đối là không vô ích.

Hỏi : Người điếc khi lâm chung tuy được người khác trợ niệm, nhưng họ không thể nghe tiếng niệm Phật thì sự trợ niệm đâu có tác dụng?

Đáp : Người điếc là do nhĩ căn đời trước tạo nghiệp nên cảm thành quả báo. Họ tuy không nghe tiếng niệm Phật nhưng khi lâm chung có người vì họ trợ niệm vẫn được vãng sanh. Vì sao? Bởi người điếc tuy nhĩ căn bị khuyết nhưng tánh nghe không mất. Chỉ cần tâm họ tỉnh táo tín nguyện kiên cố, lúc mạng chung sẽ cảm Phật hiện thân đến tiếp dẫn. Lại được thiện tri thức vì họ trợ niệm do tâm lực của chúng sanh là bất khả tư nghì, công đức của hồng danh A Di Đà Phật là bất khả tư nghì quyết định người đó sẽ vãng sanh Tây phương, như thuyền trống thuận gió xuôi buồm, xe nhẹ chạy trên đường vắng.

Hoặc khi người đó lâm chung thân đời trước đã chết thân đời sau chưa sanh, lúc đó chỉ có thức thứ tám là có tác dụng, người này sanh tiền vì nghiệp chướng nhĩ căn tuy không có nhưng không phải là không có nhĩ thức, đến đây quả báo trước đã trả hết thì thức thứ tám tự có khả năng nghe hiểu biết như lúc bình thường.

Lời bạt

Kinh nói: “Xa lìa ba đường ác, được thân người là khó”. Chúng ta tuy được thân người nhưng mạng sống khó bảo đảm trăm năm. Nghĩa là tứ đại giả hợp thành sắc thân rốt cùng tán diệt. Chỉ có một niệm thần thức là tùy nghiệp thọ sanh. Như người mắc nợ kẻ nào mạnh kéo trước. Giả sử đời này có sức thiện nghiệp sâu lại kiêm tu Giới, Định, Tuệ, sau khi chết thác sanh thiên đạo thọ mạng vạn kiếp, nhưng đến khi hưởng hết phước trời vẫn bị đọa lạc rốt cùng không thể giải thoát.

Đức Phật diệt độ đã lâu cách Thánh hiền càng xa, người tu hành phần nhiều nghiệp chướng sâu nặng căn cơ chậm lụt, tuy có diệu lý thiền giáo nhưng thử hỏi có được mấy người thích tu. Bởi sự tu hành cạn cợt như thế mà hy vọng liễu sanh thoát tử siêu phàm nhập Thánh là điều làm sao có được.

Do đó trong kinh Đại tập đức Phật có dạy: “Đời Mạt pháp ức ức người tu hành nhưng ít có ai đắc đạo, chỉ nhờ nương vào pháp môn niệm Phật mà được thoát luân hồi”. Quán sát câu kinh trên chúng ta có thể biết được, đức Thích ca Như lai trước đây ba ngàn năm đã thấy trước mọi việc, nên bi tâm triệt để thương xót chúng sanh mà ở trong giáo pháp Tam thừa riêng thuyết một môn Tịnh độ đặc biệt bao trùm ba căn, dạy khắp loài chúng sanh phát tâm tu tập. Hoặc chuyên tu diệu quán hoặc chấp trì danh hiệu rồi tùy theo sức mình tu tạo công đức phát nguyện hồi hướng Tây phương, khi lâm chung nương nhờ Phật lực tiếp dẫn mà được vãng sanh Cưc lạc. Ở nơi Liên hoa hóa sanh thọ mạng vô cùng từ đây lần lần tiến tu vĩnh viễn không còn thoái chuyển thẳng đến khi thành Phật mới thôi.

Như thế pháp môn này vừa thẳng đường mà an ổn thù thắng mà vi diệu, xứng danh là phương tiện trong các phương tiện đường tắt trong các đường tắt . Từ xưa đến nay số người niệm Phật được vãng sanh dù trải qua nhiều kiếp cũng khó có thể tính hết được.

Tuy nhiên, hoặc có người niệm Phật nhưng chưa được vãng sanh do vì nhân duyên chưa đầy đủ cùng các nhận thức sai lầm khiến họ mê mờ mất chánh niệm cùng Phật ngăn cách mà không được vãng sanh, chứ không phải là do Phật không đến tiếp dẫn. Những nguyên nhân đó có thể như sau.

Hoặc do bình sanh tuy phát tâm niệm Phật nhưng chỉ vọng cầu phước báu không biết phát nguyện cầu sanh Tây phương; hoặc do bình sanh tuy có tín nguyện nhưng không chân thiết niệm Phật không có liên tục; hoặc do khi lâm chung thiếu thiện hữu trợ niệm như pháp hộ trì; hoặc có thiện hữu trợ niệm nhưng bị kẻ khác luận bàn chuyện tạp khiến trong lòng phiền chán bất an; hoặc do bà con bi ai khóc lóc khiến tình ái dục niệm phát khởi trói buộc khó mở khó bỏ.

Hoặc do lúc mới chết bà con mời thầy tính thuốc vọng cầu sống lại khiến cảm phải sự thống khổ vô vàn; hoặc do hơi thở vừa tuyệt thần thức chưa rời người sống xoa rờ va chạm thăm dò nóng lạnh; hoặc do sau khi toàn thân mới lạnh đã vội tắm rửa thay quần áo vuốt tay vuốt chân… Bởi do nhân và duyên chưa đầy đủ cùng các nhận thức sai lầm trên, khiến người chết mất chánh niệm mà không được vãng sanh. Vì thế người niệm Phật cần phải biết và tránh những điều này.

Trước đây có quyển “Lâm chung bờ bến” đã chỉ bày rõ ràng, có điều văn chương trác tuyệt ý tứ sâu xa khiến cho kẻ ít học khó bề lãnh hội. Năm ngoái ở Ôn châu các pháp sư Tây chấn…thỉnh cầu pháp sư Thế liễu dùng văn bạch thoại nương vào quyển “Lâm chung bờ bến” biên soạn lại sách này, ý nghĩa rất đầy đủ.

Sau khi biên soạn xong lại thỉnh cầu Hòa thượng Diệu chân ở Hoằng hóa xã giám định và đề tựa. Ấn hành lần đầu gồm hai mươi ngàn bản không bao lâu đã hết, rất nhiều người thỉnh về đọc. Nay dự trù tái bản bèn mời tôi viết lời bạt. Tôi thẹn mình văn chương quê mùa đâu dám múa bút, bèn đem những câu chuyện đích thân mấy năm qua đã thấy đã nghe lược thuật đôi điều mượn đó để chứng minh, chỉ mong người đọc sách này tin chắc không nghi người người truyền nhau tất tránh được những việc làm sai lầm về sau.

Tôi nghe có một vị cư sĩ trước làm quan ở Tô châu, sau phát tâm xuất gia trụ am nhỏ gần Linh nham. Người vợ vị đó cũng rất thâm tín Tam bảo thường đến cúng dường khuyến vị đó trở về nhà: “Ông đã xuất gia tức là Bồ tát thì nên độ chúng sanh chứ không nên tu một mình. Ông nếu trở về nhà tu tất cả mọi nhu cầu cuộc sống tôi nguyện sẽ phụng sự”. Nhân người vợ khuyến dụ nhiều lần khiến ý chí khó giữ vững, phần nữa quanh tịnh thất có nhiều sự nhiễu loạn thường cảm thấy bất an. Ông ta nghĩ nếu trở về nhà được người vợ lo toan, tất dễ an tâm niệm Phật bèn nghe theo lời vợ.

Ngày nọ vị này kêu vợ lại bảo : “Đức Phật A Di Đà đã hiện thân đến tiếp dẫn tôi tôi sắp vãng sanh thế giới Cực lạc”. Người vợ nghe thế liền khóc lóc lễ bái mà nói: “Bồ tát, nay ông bỏ tôi mà đi tôi biết nương vào đâu mà sống”. Nhân bị tình ái lôi kéo khó thể thoát được khiến vị đó mê mờ mất chánh niệm tuôn rơi dòng lệ. Lại nhìn trước không thấy Phật A Di Đà nữa, chuyện này chính tôi nghe cư sĩ Hồ tùng mậu kể lại.

Lại nghe pháp sư Thường thanh ở chùa Hộ quan kể, thân phụ pháp sư là người trường trai lâu năm. Tuy hằng ngày niệm Phật nhưng chỉ vọng cầu giàu sang chứ không chịu cầu vãng sanh Tây phương. Năm Thanh chín tuổi thân phụ tạ thế, gia đình tắm rửa thay quần áo chuẩn bị liệm vào quan tài. Ngày sau người chị gái đến đứng kề bên em mình mà khóc lóc, Thanh thấy hai mắt của thân phụ tuôn dòng lệ.

Quán sát hai câu chuyện trên, chúng ta có thể biết được người sắp chết hay mới chết toàn thân chưa lạnh hẳn thần thức chưa rời thể xác, bà con chớ nên khóc lóc để tránh tình cảm lôi kéo khiến họ mê mờ mất chánh niệm không được vãng sanh. Giả sử nhẫn không nỗi cũng nên tránh xa đừng đến gần mà khóc. Bởi nhân duyên vãng sanh trăm ngàn vạn kiếp khó mong có được vô cùng trọng yếu. Làm người bà con nếu biết phát tâm vì họ niệm Phật, giúp họ vãng sanh lìa khổ đắc lạc, đây thật sự là hiếu đạo xuất thế, hiếu thế gian không thể sánh bằng.

Với việc hỏa táng sau khi chết sách này chưa có đề cập. Nhân việc hỏa táng người tại gia hay xuất gia đều có sử dụng. Trong các Tòng lâm lớn thông thường sau khi chết bảy ngày mới cử hành pháp hỏa táng. Ngoài ra các chùa am nhỏ số ngày không nhất định, thậm chí có nơi buổi sáng mới chết buổi chiều đã đem hỏa táng. Vấn đề hỏa táng này chúng ta cần phải hiểu rõ ngõ hầu tránh những sự sai lạc. Tôi xin phân biệt như sau.

Người chết cũng có tánh chất thời tiết nóng thời tiết lạnh khác nhau, như gặp thời tiết lạnh trong thời gian bảy ngày cơ thể vẫn chưa biến đổi, nếu chưa quá bảy ngày mà đã hỏa táng sợ rằng người đó vẫn còn thống khổ. Như gặp thời tiết nóng mới trải qua một ngày các lỗ chân lông đã rỉ máu e đợi qua bảy ngày không thể để được. Căn cứ vào đó mùa nóng người chết tuy chưa qua bảy ngày cũng không có sự thống khổ.

Tôi nhớ lúc mới xuất gia ở Long phụng nham, Quảng xương tỉnh Giang tây có Viên minh Thượng nhân buổi sáng tháng tư năm đó viên tịch, Tăng chúng sau khi tắm rửa thay y phục đỡ Ngài dựa vào ghế. Lúc đó đệ tử là Thánh kim xem lịch thưa với chúng : “Hôm nay là ngày hỏa táng thầy tôi rất tốt”. Rồi sau giờ ngọ trai bèn di quan đến lò thiêu cử hành pháp hỏa táng. Lúc đó tôi có việc sang chùa Đại thừa mấy hôm sau mới trở về, nghe chư Tăng kể lại khi hỏa táng thấy hai cánh tay của Thượng nhân bỗng từ từ đưa lên cao.

Sau tôi trú chùa Thừa ân ở Nam xương, vào rằm tháng tám năm đó có một vị Tỳ kheo viên tịch. Giám viện chùa là pháp sư Hiền mậu dùng gỗ đóng quan tài liệm Tỳ kheo và cử chúng luân phiên niệm Phật. Ngày mai sau buổi tiểu thực bèn di quan ra khu đất trống ngoài chùa để hỏa táng. Tôi theo đại chúng nhưng chỉ đưa ra khỏi cổng chùa rồi trở về. Sau nghe sư Giám viện kể ngay khi hỏa táng thấy hai tay của vị Tỳ kheo này xô mạnh bên hông quan tài hai bên hông đồng lúc buông ra.

Quán sát hai câu chuyện trên chúng ta có thể biết, nếu không phải mùa nóng người chết chưa qua bảy ngày vẫn còn sự thống khổ. Do vậy chẳng những không được vãng sanh mà e họ sanh tâm sân hận tất đọa vào Địa ngục. Phàm con người có chút tâm từ bi thấy cảnh đó ai mà chẳng thương xót.

Lại khi tôi ở núi Bách trượng gặp một vị Tỳ kheo tên Đức Nhã, vị này tự kể lại câu chuyện sau. Năm ngoái vị đó ở Lê xương bệnh nặng chết đi một lúc, chư tăng đã tắm rửa thay quần áo đặt tạm trên giường và luân phiên niệm Phật. Sáng mai bỗng nhiên tỉnh lại.

Tôi hỏi: “Thầy có thấy cảnh giới gì không?”. Vị đó đáp : “Tôi thấy có một người đang đi sang sông, tôi cố ý đi theo bỗng nhiên nghe tiếng quát: Về đi, đừng qua sông nữa” Tôi giật mình mà tỉnh dậy, bấy giờ chư Tăng đang niệm Phật thấy tôi hồi dương, ai nấy đều sanh tâm hoan hỷ hỏi rằng : “Ông đã chết một ngày rồi ông có biết không?”.

Lại khi tôi ở núi Phổ đà nghe pháp sư Duy sùng ( mọi người thường gọi là Quỷ vương ) ở núi Liên hoa tỉnh Giang tây, tháng mười năm đó chết đi sáu ngày. Ban đầu để ở liêu Như ý ba ngày sau đó đưa đến lò thiêu ba ngày, vào nửa đêm thứ sáu bỗng hồi dương không ai hay biết. Sáng hôm sau các pháp sư Thông huệ… đến hỏa táng, lúc sắp châm lửa bỗng nghe tiếng nói : “Tôi chưa chết các vị đừng thiêu tôi”. Pháp sư Thông huệ thất kinh : “Quỷ vương ông đừng dọa người khác”. Duy Sùng đáp : “Sư Thông huệ tôi thật chưa chết mà không thể thiêu được” . Mọi người nhân đó bèn mở cửa lò đem về chùa điều dưỡng không bao lâu trở lại khỏe mạnh.

Bảy năm sau vào tháng sáu Duy sùng đến triều bái Phổ đà, sẵn lúc ông ta lên núi tôi tìm đến hỏi thăm. Đem chuyện đó ra hỏi ông ta đáp : “Chuyện đó hoàn toàn là có thật”. Tôi hỏi : “Ông có thấy gì không?” . Ông ta đáp: “Tôi thấy một cánh cửa lớn có rất nhiều người đi vào, tôi cũng theo họ cùng vào. Bấy giờ người giữ cửa ngăn lại không cho vào. Tôi bổng nhiên tỉnh giấc thấy rõ hai bên vai vô cùng lạnh, đưa tay sờ quanh đều thấy là ván gỗ, nhìn xuống thấy đầy than củi, mới biết mình đang ở trong lò thiêu. May nhờ chư Tăng đem về điều dưỡng mới được khỏe mạnh”.

Quan sát hai câu chuyện trên chúng ta có thể biết được, người chết trong vòng bảy ngày vẫn có thể từ Âm ty trở về. Sau nghe từ khi Duy sùng hồi dương sống thêm được mười mấy năm nữa, nếu như hỏa táng sớm ông ta có sống lại cũng không được. Việc này nên cẩn thận!

Tóm lại, nội dung toàn bộ quyển sách này dành thuật lại phương pháp trợ niệm con người lúc lâm chung không luận Tăng hay tục đều cần phải biết. Do đó quyển sách có tên là “Lâm chung những điều cần biết”. Quả thật tên đặt đúng nội dung chủ trương của quyển sách. Cầu mong mọi người sau khi đọc cuốn sách này phát tâm niệm Phật, sớm thoát ly Ta bà mau sanh về Cực lạc. Được như thế thì thật không phụ công của pháp sư Thế liễu một phen vì tâm đại từ bi mà biên soạn.

Ngày vía Địa tạng năm Ất mùi Phật lịch 2496

Linh nham chúc phạn Tăng hiệu Liễu nhiên viết lời bạt.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.