Thời gian trôi qua thật nhanh. Thoáng đó đã hết một năm. Chú Huệ Tân nhớ lại, mới ngày nào, chú vào chùa cạo tóc xuất gia mà nay đã tròn một năm rồi. Chú ngồi một mình để ôn nhớ lại những ngày qua. Từ khi vào chùa chú đã được vị sư phụ và hai sư huynh chỉ dạy rất nhiều. Nhớ những lúc sư phụ kêu trả bài trong lớp, chú luôn phập phồng hồi hộp sợ hãi. Vì sợ trả bài không thuộc, thì sẽ bị sư phụ rầy la quở phạt. Bây giờ, thì chú cảm thấy không còn lo âu sợ hãi như trước nữa. Bởi những bài Kinh Chú và những luật nghi thường trì tụng nay chú đã thuộc lòng hết rồi. Khi chú mới bắt đầu học chữ Hán, chú thấy rất là khó khăn. Tuy nhiên, chú nhờ có hai sư huynh luôn chỉ dạy, nên chú học cũng nhanh.
Quyển sách chữ Hán đầu tiên mà chú học đó là tập Tam Thiên Tự. Đây là quyển sách gồm có ba ngàn chữ. Như chữ thiên là trời, địa là đất, cử là cất, tồn là còn v.v… Nghĩa là học chữ đâu thì nghĩa ở đó, Chữ nào nghĩa nấy. Chú học chữ nào thì phải viết và nhớ thuộc lòng chữ đó. Thầy Huệ Văn bắt chú mỗi ngày phải học thuộc lòng mười chữ. Tối nào chú cũng phải đến phòng thầy Huệ Văn trả bài rồi mới được đi ngủ. Nhờ vậy, không bao lâu chú đã học gần hết ba ngàn chữ. Đây là bộ sách chữ Hán dành cho những người mới học. Nhưng trước khi học sách nầy, thì thầy Huệ Văn dạy cho chú học 214 bộ trước. Hai trăm mưới bốn bộ nầy bắt buộc chú phải học thuộc lòng. Hôm nào thầy Huệ Văn đi vắng, thì chú Huệ Minh giúp cho chú. Vị sư phụ giao chú cho hai huynh đệ luôn nhắc nhở chỉ dạy. Bởi thầy Huệ Văn và chú Huệ Minh rất giỏi chữ Hán. Nhà sư cho hai người học trực tiếp các bộ kinh bằng chữ Hán. Như các kinh: Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo, Bát Đại Nhân Giác, Thập Thiện v.v…
Nhà sư rất nghiêm khắc về việc học hành. Đối với các thời khóa tụng niệm khuya tối, không ai được vắng mặt. Chỉ trừ những lúc bệnh hoạn thôi. Từ ngày chú Huệ Tân xuất gia, thì việc thỉnh đại hồng chung khuya tối, nhà sư giao cho chú. Chú thế cho bà Bảy. Vì bà bảy đã già yếu và thường hay bị bệnh đau. Bởi sau một cơn đau nằm điều trị ở bệnh viện, từ đó trở đi sức khỏe của bà ngày càng sút kém dần. Cho nên nhà sư cho phép bà ngồi niệm Phật ở trong phòng. Tuy hay đau yếu, nhưng bà cũng tinh tấn niệm Phật. Nhà sư chỉ cho bà cách thức niệm Phật công cứ. Bà phát nguyện niệm Phật mỗi ngày là mười chấm, tức mười ngàn câu hiệu Phật. Cứ mỗi chấm là một ngàn câu. Từ ngày bà vào chùa đến nay, lúc nào bà cũng mang xâu chuỗi trường vào cổ. Cho nên xâu chuỗi đó đối với bà thân thiết còn hơn là một người bạn chí thân. Bà rất quý xâu chuỗi đó. Ngoài việc bà niệm Phật theo thời khóa công cứ ra, còn lại những thời gian khác bà cũng luôn niệm Phật. Bởi đó là một thói quen của bà. Cách niệm Phật nầy gọi là lịch duyên đối cảnh niệm Phật. Nghĩa là khi đi, đứng, nằm, ngồi hoặc là đi bộ dạo cảnh v.v… thì bà đều niệm Phật. Việc lần chuỗi niệm Phật, chỉ trừ những lúc nấu ăn ở nhà bếp, hoặc khi làm những công việc lặt vặt khác, thì bà mới không có lần chuỗi.
Có lần bà hỏi thầy Huệ Văn về cách niệm Phật trong khi đang làm công việc. Bà nói: có lần sư phụ dạy, người niệm Phật không luận thời gian và nơi chốn, ở đâu, làm gì mình cũng có thể niệm Phật được hết. Thưa thầy, như con đang xắt gọt xào nấu ở nhà bếp mà con chỉ nhớ vào câu hiệu Phật để niệm thôi, không chú ý gì đến công việc mình đang làm, như vậy dễ gây ra tai hại lắm. Như có lần con đang xào đồ ăn lúc đó con chỉ nhớ niệm Phật mà không nhớ gì mình đang xào cả, lát sau đồ ăn bị cháy khét. Có lúc khi đang lặt rau, con cũng áp dụng niệm Phật như vậy, không để ý gì đến lá sâu nên bỏ tầm bậy hết. Thầy còn nhớ có lần sư phụ la con sao nấu canh bỏ muối mặn thế, vì lúc đó con chỉ nhớ niệm Phật mà không nhớ đến việc nêm nếm, thành thử mới bị sư phụ la rầy như vậy. Thế thì, xin thầy có thể chỉ cho con những lúc làm việc như vậy mình có nên niệm Phật hay không? Nếu không thì mình phải làm sao cho đúng?
Thầy Huệ Văn nhìn bà với đôi mắt thương kính và cảm thông cho người trọng tuổi. Người trọng tuổi tuy có lòng tinh cần niệm Phật, nhưng hay quên. Thầy Huệ Văn nhắc lại lời sư phụ dạy cho bà nhớ. Thầy nói, bà chỉ nhớ lời dạy của sư phụ phần đầu mà quên phần sau.
– Không chờ nói hết, bà liền vội hỏi: phần sau là phần gì?
– Sư phụ dạy: khi mình làm công việc thì mình phải chú tâm vào công việc mình đang làm không nên để tâm xao lãng nhớ đến chuyện khác. Đó là mình đang thực tập chánh niệm. Mà chánh niệm là sáng suốt không có mê mờ, như vậy là mình cũng đang niệm Phật rồi. Thay vì mình tập trung tư tưởng vào danh hiệu Phật để niệm, thì mình chỉ nhớ đến công việc mình đang làm cả hai cũng đều giữ cho mình có được chánh niệm thôi. Chỉ khác là một đàng nhớ danh hiệu Phật; một đàng nhớ đến công việc mình đang làm. Hiểu như vậy, thì mới không bị trở ngại và mới không gây ra tai hại hư việc. Điều quan trọng là mình có chánh niệm hay không. Nếu như mình đang niệm Phật mà để tâm nhớ nghĩ lung tung, chuyện nầy chuyện nọ, thì lúc đó là thất niệm, là tạp niệm, đâu còn là niệm Phật nữa. Như vậy, khi bà đang làm công việc như chiên xào hay rửa chén, lặt rau v.v… thì bà nên chú tâm vào công việc đang làm. Tuyệt đối lúc đó không nên nghĩ tưởng lăng xăng những chuyện vớ vẫn không đâu khác. Vì khi nghĩ chuyện khác là bị phân tâm và như thế là mình mất chánh niệm. Chánh niệm là mình chỉ biết hay nhớ những việc đang xảy ra trong giây phút hiện tại thôi. Đó là bà khéo biết vừa làm việc mà cũng vừa giữ được chánh niệm.
Thầy nói tiếp: “pháp môn niệm Phật điều quan trọng là phải tâm niệm, chớ không phải chỉ có miệng niệm suông. Có người chỉ dùng miệng niệm mà không dùng tâm niệm. Niệm như thế, thì có khác gì là cái máy niệm Phật. Bởi niệm Phật là cốt để dứt trừ phiền não và đồng thời cũng là để cầu nguyện vãng sanh về Cực lạc. Thế nên, khi niệm Phật phải có tấm lòng tha thiết và phải chú tâm vào câu hiệu Phật mà mình đang niệm. Niệm Phật là nhớ Phật, không nhớ Phật mà nhớ đến chuyện đâu đâu, như vậy làm sao tương ưng với niệm Phật? Sư Phụ dạy là khi mình niệm Phật không gấp cũng không hưởn, không nhanh cũng không chậm, quan trọng là phải tịnh niệm nối luôn và niệm cho rành rẽ. Khi niệm Phật tối kỵ nhất là mắc vào hai chứng bệnh: “tán loạn và hôn trầm”. Đây là hai chứng bệnh nặng nhứt mà người tu hành thường hay mắc phải.
Thầy Huệ Văn nói đến đây, thì bà Bảy không ngần ngại thú nhận là bà ít bị bệnh hôn trầm mà thường hay bị cái bệnh tán loạn. Mỗi khi lần chuỗi niệm Phật thì bà nghĩ nhớ lung tung. Những chuyện xảy ra lâu mau mới cũ gì bà cũng nhớ hết. Thầy Huệ Văn an ủi khuyên bà, việc đó không ai tránh khỏi. Sư phụ thường dạy, niệm Phật khi vọng tưởng dấy khởi mình đừng có sợ vọng tưởng mà chỉ sợ là mình không nhận rõ mặt mũi của nó đó thôi. Chỉ cần mình nhận diện thật rõ thì vọng tưởng sẽ tan biến ngay. Bởi chúng là những thứ hư ảo chợt có chợt không đâu có thật. Nếu mình thiết thiệt chú tâm vào câu hiệu Phật thì vọng tưởng sẽ không có cơ hội phát khởi. Bà ráng cố gắng nhiếp tâm niệm như thế thì lâu ngày vọng tưởng sẽ bớt dần và tâm bà sẽ được thuần thục, an lạc. Nói đến đây, bỗng nghe tiếng gọi của nhà sư, thầy Huệ Văn liền chào từ giả bà Bảy vào trong chùa. Còn bà Bảy cám ơn thầy Huệ Văn rồi cũng đi vào trong nhà bếp.
…Mấy tháng qua, bỗng nhiên người ta thấy vắng thầy Huệ Văn. Hỏi ra, mới biết là thầy Huệ Văn đã vào học đường. Nhà sư cho thầy đi học ở thành phố. Nhờ thầy có trình độ giáo lý khá, nhất là giỏi chữ Hán, nên thầy đã thi đậu vào lớp trung đẳng Phật học chuyên khoa. Thời gian của khóa học được ấn định là ba năm. Mỗi năm học đều có hai kỳ thi. Một kỳ vào giữa năm và một kỳ cuối năm. Nếu cuối năm thi đậu, thì mới được lên lớp, Sau ba năm học, tăng sinh muốn tiếp tục học nữa thì phải qua một kỳ thi tốt nghiệp trung đẳng và lên cao đẳng. Đây là trường chuyên đào tạo tăng tài để tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp của đức Như Lai.
Khi Thầy Huệ Văn đi rồi, thì ở chùa còn lại hai chú Huệ Minh và Huệ Tân. Riêng chú Huệ Minh năm nay vừa đúng tuổi thọ đại giới. Theo luật Phật dạy, thì một vị Sa di muốn thọ giới Tỳ Kheo thì phải đúng 20 tuổi đời và phải nằm lòng hai thời khóa tụng cũng như giới luật và oai nghi. Nhà sư bảo chú Huệ Minh học ôn lại mười giới luật Sa di và quyển Tỳ ni nhật dụng yếu lược. Tất cả những bài kệ và những câu chú cần phải nhớ thuộc lòng. Chú Huệ Tân cùng học chung với chú Huệ Minh. Chú Huệ Tân cũng sáng dạ thông minh không thua gì chú Huệ Minh.
Mỗi tối, sau giờ Tịnh Độ cả hai đều phải học. Nhà sư trụ trì đêm nào cũng dạy, chỉ trừ những lúc bị đau yếu hay bận công việc đi xa thì nhà sư mới không có dạy. Nhờ thế, mà hai chú học rất khá. Những lúc ôn bài ở ngoài vườn hai chú rất nhớ đến thầy Huệ Văn. Bà Bảy cũng thường hay nhắc đến. Bà nhớ lại, trước đây, có những điều gì mà bà chưa hiểu rõ thì bà thường hay thưa hỏi với Thầy Huệ Văn. Vì vậy, kể từ khi thầy Huệ Văn lên thành phố học, trong chùa ai cũng nhớ tới thầy. Thỉnh thoảng Phật tử đến chùa cũng hay thăm hỏi về thầy Huệ Văn. Vì thầy là người rất được mọi người cảm mến. Một người vừa có đạo hạnh lại vừa thông minh học giỏi. Đối với nhà sư thầy rất kính trọng như một người cha tinh thần và người cha thể xác. Bởi khi thầy mới xuất gia vào chùa chỉ có hai thầy trò sớm hôm hủ hỉ bên nhau. Nhà sư thì luôn quan tâm chỉ dạy mọi thứ cho thầy. Từ việc học giáo lý, luật nghi cho đến cung cách oai nghi thái độ hành xử của một người tu. Nhứt nhứt nhà sư đều chỉ dạy cặn kẽ. Bởi nhà sư rất kỳ vọng ở nơi người đệ tử của mình. Sau nầy, có thể làm nên cho đạo pháp. Nhà sư thường nói, vai trò trọng trách của người xuất gia rất trọng đại. Người xuất gia phải nằm lòng câu: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Sứ mệnh của người xuất gia là phải thay Phật tuyên dương chánh pháp. Muốn thế, thì người xuất gia cần phải hạnh giải tương ưng. Nghĩa là phải siêng năng trao dồi Tam vô lậu học: “Giới, Định, Huệ”. Đây là ba môn học căn bản làm nền cho việc giải thoát. Một người tu mà thiếu một trong ba môn học nầy, thì sẽ không thể nào thành tựu đạo quả. Bởi thế, nhà sư luôn quan tâm rèn luyện hun đúc tinh thần tu học cho người đệ tử đầu tiên của mình.
Ngay từ buổi đầu khi mới xuất gia nhà sư biết thầy Huệ Văn là người rất có chí khí. Thầy đã chịu khó thức khuya dậy sớm và siêng năng cần mẫn học hành. Dù chỉ có hai thầy trò sống trong một ngôi chùa vắng vẻ cô tịch, nhưng thầy Huệ Văn không khi nào tỏ ra buồn nản. Tuy còn trẻ nhưng thầy rất thích cảnh trí thanh vắng yên tịnh. Thầy nằm lòng câu nói của Tổ Qui Sơn: “Muốn gội tâm nuôi đức thì phải ẩn tích mai danh, muốn uẩn tố tinh thần thì phải xa nơi huyên náo“. Qua lời dạy nầy, thầy chiêm nghiệm lại những ngày tháng ở nơi cảnh già lam lan nhã nầy quả thật thầy cảm thấy không phiền toái và rất thích hợp cho sự học hỏi tu hành. Thầy thường đọc những mẫu chuyện nói về cuộc đời hành trạng của chư Tổ, phần nhiều là các Ngài hay ở những nơi thâm sơn cùng cốc; những nơi vắng vẻ tĩnh mịch. Ngày xưa, các bậc Tổ sư, chư Tôn thiền đức các Ngài thường cất am tranh ở trong rừng sâu núi thẳm. Đời sống tu hành của các Ngài rất là đạm bạc thanh nhàn đạo hạnh cao thâm. Phần lớn, những vị tu hành đắc đạo đều ở cảnh núi non thanh vắng. Thầy rất thích cảnh trí thiên nhiên. Cảnh u tịch thanh vắng cũng dễ làm cho lòng người lắng dịu. Rừng cây, khóm trúc, gió thổi, chim kêu, nước chảy, suối reo, mây bay, trăng đẹp, hoa nở… đều là những cãnh vật thiên nhiên làm cho lòng người cảm thấy tươi mát lắng dịu an thoát nhẹ nhàng hơn. Trong Chứng Đạo Ca của Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác, trong đó có một bài thơ diễn tả cảnh trí thiên nhiên mà thầy rất thích:
Nhập thâm sơn trụ lan nhã
Sầm ngâm u thúy trường tòng hạ
Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia
Khuých tịch an cư thật tiêu sái
Tạm dịch:
Núi non thanh vắng trụ thanh nhàn
Cội tùng sầm uất mái tranh am
Tăng quê tĩnh tọa niềm an thoát
Lặng lẽ êm đềm vui lắm thay
Có lần, sau giờ đi thiền hành, thầy lặng lẽ đến ngồi bên gốc cây tùng, nhìn cảnh vật xung quanh, bất giác cảm hứng thầy liền ghi lại một bài thơ diễn tả cảnh trí thiên nhiên.
Thiên nhiên cảnh trí rất nên thơ
Nắng ấm trời trong chẳng bụi mờ
Gió mát chim kêu lòng thanh thoát
Nước hồ yên tịnh trí buông tơ
Việc đời gác lại bên đồi núi
Phật đạo tâm gìn lắng đục nhơ
Tây cảnh sen vàng tâm nguyện ước
Di Đà chuyên niệm trọn ước mơ.
Nhớ lại, những lúc nhà sư đi vắng, thầy cũng vẫn chu toàn trách nhiệm những gì mà sư phụ đã giao phó. Thầy là người chịu khó trong công việc và hăng say trong việc nghiên tầm học hỏi giáo lý. Ngoài việc nghiên tầm học hỏi kinh điển ra, thầy còn để tâm nghiên cứu về những sách vở ngoài đời như về văn học, lịch sử, khoa học, y học v.v… Vì là một sinh viên y khoa, nên thầy cũng thích thú đọc sách về ngành y. Chính nhờ siêng năng trong việc nghiên cứu học hỏi như thế, nên khi vào học đường thầy học rất giỏi. Thầy rất được thầy bạn mến thương.
Kể từ ngày thầy Huệ Văn lên thành phố học đến nay thắm thoát thời gian trôi qua gần tròn một năm. Kỳ nghỉ hè vừa qua, thầy Huệ Văn có về thăm thầy và hai sư đệ cùng bà Bảy. Thấy thầy về ai nấy cũng vui mừng ra mặt hỏi thăm lia lịa. Nhất là chú Huệ Minh và chú Huệ Tân. Chú Huệ Tân thích được quà tặng. Vì mỗi lần đi xa về, thầy Huệ Văn thường hay mua quà tặng cho mọi người. Vì là vị đệ tử đầu tiên của nhà sư trụ trì, nên thầy Huệ Văn lúc nào cũng làm gương mẫu cho các sư đệ. Khi về tới chùa việc đầu tiên là thầy mặc y hậu chỉnh tề đến đảnh lễ nhà sư và sau đó thầy mới trình bày thăm hỏi. Lúc nào thầy cũng giữ lễ nghĩa trong đạo thầy trò như thế. Sau đó, thầy mới xin phép nhà sư lên chánh điện để đảnh lễ Tam Bảo. Đây là thói quen của thầy từ khi mới bước chân vào chùa. Tôn sư trọng đạo là điều lúc nào thầy cũng hằng để tâm. Thầy thường nói với hai sư đệ của mình: “Một chữ cũng là Thầy mà nửa chữ cũng là Thầy”. ( Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư ). Bởi thế mà hai chú Huệ Minh và Huệ Tân rất kính nể sư huynh của mình. Thầy Huệ Văn rất yêu thương hai sư đệ của mình. Vì từ ngày thầy đi vắng, chú Huệ Minh phải thay thầy để lo hầu sư phụ.
Có lần. trong lúc hầu Thầy, chú Huệ Minh đã được nhà sư kể cho chú nghe một câu chuyện về thuở thiếu thời của nhà sư. Vừa để tách trà xuống nhà sư liền nói: Con có biết không lúc Thầy mới xuất gia vào chùa, năm đó, Thầy mới được 10 tuổi. Mẹ của Thầy mất sớm. Năm đó Thầy mới vừa tròn 3 tuổi. Thầy được bà nội chăm sóc rất kỹ, còn Cha thầy thì đi làm việc ở phương xa. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, việc đi lại rất khó khăn. Cho nên thỉnh thoảng Cha thầy mới về thăm gia đình. Thầy nghe bà nôi kể lại, ông nội của thầy đã mất từ lúc Cha thầy còn nhỏ. Vì lúc đang chạy giặc ông nội thầy ngã bệnh. Trong lúc đó chiến tranh khói lửa mịt mù, việc tìm thầy chạy chữa thuốc men không phải dễ. Thuốc men thì lại không có, chỉ uống ba thứ thuốc Nam sơ sài, cho nên bệnh ông nội càng ngày càng nặng. Cuối cùng, ông mất trong một căn nhà ở đậu của một người bà con. Năm thầy lên chín tuổi, trong một chuyến đi công tác, Cha thầy không may đã bị trúng đạn tử thương. Thế là, thầy đã trở thành một đứa trẻ mồ côi mất cả mẹ lẫn cha năm lên chín tuổi. Bấy giờ một tay bà nội của thầy lo phải chăm sóc. Bà rất cực khổ. Năm thầy được mười tuổi, thì bà nội cho thầy vào chùa. Vị trụ trì của ngôi chùa đó lại bà con bên nội của thầy. Vị thầy đó cũng trọng tuổi. Từ đó, thầy sống bên cạnh sư Ông của con và một vài huynh đệ khác. Sư Ông của con rất nghiêm khắc trong việc học hành. Thầy học theo cách gia giáo. Ban đầu sư Ông cho học chữ Hán. Còn chữ Việt thì thầy đến một ngôi trường làng gần chùa để học. Sau khi tốt nghiệp trung học ở ngoài đời, sư Ông mới cho thầy vào trường Phật học. Nhờ thầy khá chữ Hán và hiểu chút đỉnh về giáo lý, nhất là những kinh điển cơ bản đều nằm lòng, nên khi vào học đường thầy học tiến bộ khá nhanh. Kỳ thi nào cũng được Ban Giám Đốc khen thưởng.
Bởi thầy là người mồ côi cha mẹ, nên thầy rất thương những ai lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như thầy. Cho nên lần đầu, thầy vào trong cô nhi viện làm chút việc từ thiện giúp cho các trẻ mồ côi, khi đó, con đến xin thầy đi tu là thầy nhận liền. Thầy dẫn con về chùa sống với thầy và với sư huynh Huệ Văn của con. Nhà sư nói đến đây, chú Huệ Minh không cầm được nước mắt. Hai dòng lệ tuôn chảy xuống đôi gò má non trẻ của chú. Vì chú nhớ lại khoảng đời mồ côi của chú được nhà sư thương đem về chùa dạy dỗ. Chú không ngờ vị sư phụ của mình cũng có một hoàn cảnh cũng đau thương cùng cảnh ngộ bất hạnh như mình. Nhớ đến sư huynh Huệ Văn, tuy có được may mắn là học hành đàng hoàng, nhưng vì nỗi buồn mẹ chết mà vào chùa tu học. Nay đã trở thành một tăng sinh ưu tú của nhà trường. Tất cả đều nhờ công ơn của sư phụ dạy dỗ. Thật là một công ơn quá lớn lao không sao sánh kể.
Nhà sư nhìn thấy chú xúc động rơi lệ, nên nhà sư ngưng câu chuyện lại và lúc đó có khách đến nên nhà sư bảo chú ra sau vườn quét dọn…
Thích Phước Thái