Sau khi chúng ta được các ngài hướng dẫn chỉ bày, và đánh thức mọi trói buộc đã được thể hiện trong cuộc sống của mỗi chúng ta; qua đó vọng tâm phân biệt chấp trước, nó làm chủ tạo ra mọi cái nhìn sai lạc cho mọi hành động, theo đó nghiệp nhân được hình thành, và hiện hữu qua cái gọi là quá khứ, hiện tại, vị lai trong ba cõi sáu đường. Trong khi đó, cũng cuộc sống này có những lúc lại có những hành động, lời nói của chúng ta được thể hiện ra như là vô tình bất chợt, nên chúng ta không để ý chúng, vì chúng không bị trí năng ý chí can thiệp vào nên trở thành vô tác dụng đối với trí năng phân biệt của chúng ta. Do đó, chúng trở thành như là không hiện hữu giữa cuôsống của chúng ta. Nhưng thật ra những thể hiện này chính là những cái đáng được thấy đáng đuợc biết. Cái đó được các ngài dùng để chỉ thẳng cho chúng ta, vì chúng tự thể hiện cái tâm vô phân biệt. Cái được thể hiện này chúng tôi tạm gọi là cái bản lai diện mục xưa nay của mỗi chúng ta, cái bản lai diện mục này vẫn thường thê 堨 iện ra bên ngoài, trong cuộc sống của chúng ta, một cách trần truồng như một vô vị chân nhân, thường hay ra vào nơi mặt mũi trong một cục thịt đỏ au của mỗi người chúng ta như ngài Lâm Tế đã bảo. Cái mà thường ngày nó ra vào đó, chính là cái mà ngài Huệ Năng đã từng chỉ dạy cho Huệ Minh thượng tọa khi ông hỏi pháp. Huệ Năng bảo:
“- Nhà ngươi đã vì pháp mà đến, thì hãy dẹp bỏ các duyên chớ sanh một niệm, ta sẽ vì nhà ngươi mà nói rõ trong giây lát. Ngài bảo tiếp:
– Không nghĩ thiện không nghĩ ác, ngay lúc đó cái gì là bản lai diện mục của Huệ Minh thượng tọa?
Ngay câu nói này Huệ Minh đại ngộ.”
Huệ Minh đã ngộ được cái chi đây? Phải chăng ông đã nhận ra được cái bản lai diện mục xưa nay của chính mình qua: “Không sanh một niệm và, không nghĩ thiện không nghĩ ác?”Ở đây, vừa phủ định vừa khêu gợi để cho người đối thoại tự nhận ra mình, theo đó Huệ Minh đã đủ lanh cơ để nhận diện. Lúc này là lúc chính cuộc sống vô sự của chúng ta được thể hiện qua biểu tượng vô phân biệt. Không phải ‘Chớ sanh một niệm, không nghĩ thiện không nghĩ ác’ chúng không có bất cứ một sự sinh hoạt nào, mà chính nó là nếp sống, bề ngoài xem như là tiêu cực, nhưng thật sự bên trong chúng mang một tính tích cực vượt thoát. Chính vì tính tích cực vượt thoát này, nên trong mỗi hành động của chúng ta được thể hiện tự tại không bị trói buộ, hay lệ thuộc vào bất cứ khái niệm hóa nào. Do đó, khi tâm vô sự của các thiền sư hay của chúng ta thể hiện thì, đối với các duyên giờ đây không còn là đối tượng để “đoạn tuyệt”nữa, vì tự thân chúng không mang một rắc rối chướng ngại nào cả, mà chúng luôn luôn tự dung thông vô ngại đối với mọi pháp, như Linh Hựu đã trả lời nhân Huệ Tịch hỏi:
“- Trăm ngàn muôn cảnh cùng lúc đến thì phải làm thế nào?
Linh Hựu đáp:
– Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn; các pháp tự chúng ở vào địa vị của chúng chẳng can hệ gì đến công việc của ta.”
Khi thiền sư không khởi tâm phân biệt đối với cuộc sống, thì đối với các duyên bên trong hay bên ngoài, giờ đây trở thành không can hệ và lệ thuộc nhau, vì tự thân chúng (tâm và vật) không mang bất cứ một ý niệm thủ-xả, thường-đoạn, có-không, dài-ngắn, tốt-xấu, một-khác, sanh-diệt hay bất cứ một hiện tượng nào khi chúng hiện hữu hay biến dịch, mà qua đó chúng nói lên được một sinh hoạt sống động linh nghiệm qua cuộc sống trong cuộc chơi: “Tuỳ duyên pháp hiệp, xứng vật dụng thành. Tuỳ duyên pháp biến, theo vật dụng thông.” Tooàn thể cuộc sống này được hiện hữu trong cái Hiệp và Biến không mang bất cứ nhãn hiệu nào; chúng không thuộc về tâm hay vật, hay không phải tâm-vật, mà chúng thể hiện cái nhiệm màu dung nhiếp một cách sinh động vô ngại.
Ở đây, chính cái vô sự của toàn thể cuộc sống đã nói lên được cái lẽ đang hiệp-biến tùy duyên, mà chúng tôi tạm gọi là: “Đương-Niệm”trong cái toàn thể “Đang-là”của chúng xuyên qua cái cá-biệt không can hệ. Từ đó, chúng quyết định được sự giải thoát toàn thể cuộc sống của thiền sư qua cái nhìn trói buộc của chúng ta như là xa lạ, như vua Lý thái Tôn hỏi Thiền Lão một thiền sư Việt Nam.
“Lý thái Tôn hỏi Thiền Lão:
– Hòa thượng ở núi này được bao lâu?
Thiền Lão đáp:
– Chỉ biết ngày tháng này,
Ai rành xuân thu trước.
Vua hỏi:
– Hằng ngày làm việc gì?
Thiền Lão đáp:
– Trúc biếc hoa vàng không ngoài cảnh,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn.
Vua hỏi:
– Có ý chỉ gì?
Thiền Lão đáp:
– Nhiều lời sau không ích!”
Con người đang ở trong hiện tại mà không biết sống cho hiện tại, luôn luôn sống cho quá khứ và tương lai ở bên ngoài giây phút hiện tại này! Ở đây, họ đã đánh mất chính họ, nghĩa là họ đã đánh mất tất cả cái toàn thể ngay bây giờ và tại đây mà họ không biết. Họ luôn luôn muốn tìm hiểu chúng ngoài cuộc sống này, họ loại bỏ cuộc sống nhiệm mầu hiện có nơi họ. Vì vậy các thiền sư luôn luôn dùng cuộc sống chính mình và môn hạ, để chị cho họ cách nhìn cách sống nơi chính dòng sống nơi mỗi người đang thể hiện, mà họ không nhận thấy, như thiền sư Đạo Ngộ đã dạy môn đệ mình.
“Một hôm Sùng Tín thưa Đạo Ngộ:
– Từ ngày con vào đây cho đến giờ, mà chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu!
Đạo Ngộ bảo:
– Từ ngày nhà ngươi vào đây, ta chưa từng chưa chỉ dạy tâm yếu cho nhà ngươí!
Sùng Tín thưa:
– Chỉ dạy ở chỗ nào?
Đạo ngộ bảo:
– Ngươi dâng trà ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ta vì ngươi mà gật đầu. Chõ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu đây!? Gã cuối đầu lặng thinh giây lâu.
Đạo Ngộ bảo:
– Thấy thì ngay đó thấy liền, suy nghĩ liền sai. Ngay câu nói này sư được khai ngộ.”
Tâm yếu là gì? Ở đâu? Tại sao phải tìm kiếm? Trong khi cuộc sống đơn sơ bình thường hằng ngày chúng ta lại bỏ quên, không màn để mắt đến để nhìn ra cái như thật chính nó như ngài Nam Tuyền đã từng dạy: “Bình thường tâm thị Đạo: Tâm bình thường là Đạo.” Ở đây, tâm bình thường luôn luôn được thể hiện ra bên ngoài, trong những hành động bình thường hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, mà chúng ta đã bỏ quên, chỉ vì chúng xuất hiện từ tâm vô phân biệt, do đó cái hiệu quả tác dụng là vô sự đối với trí năng phân biệt, thành ra cái hậu quả trói buộc cũng theo đó trở thành không hiện hữu. Đó cũng chính là cái kỳ đặc của thiền sư Tịnh Không (Việt nam) trả lời cho một vị tăng.
“Tăng hỏi Tịnh Không:
– Hoà thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho người học biết?
Tịnh Không đáp:
– Ông thổi lửa tôi vo gạo, ông khất thực tôi cầm bát, ai phụ ông đâu?! Nghe qua vị tăng liền tỏ ngộ.”
Qua những trích dẫn trên, cho chúng ta một cái nhìn mới về tâm. Khi tâm vô phân biệt được thể hiện ra bên ngoài, thì hành động vô sự không có tác dụng đối với trí năng, do đó cuộc sống của chúng ta không bị trói buộc đối với bất cứ duyên nào, cho dù là ờ bên trong hay bên ngoài nữa. Chính cái nhìn mới toanh này, giờ đây mới thấy được cuộc sống phiêu bồng vô ngại của các thiền sư trong cái lẽ tuỳ duyên. Ở đây, vì tùy duyên nên vấn đề buông-giữ không cò tác dụng nữa, và vì vậy cho nên cái Đương-là vô phân biệt đó, chính là mặt động của phản diện tĩnh của Đương-niệm chú không gì khác hơn. Động (dụng) Tĩnh (thể) của một toàn thể, chúng không phải là một cũng không phải là khác. Do đó, sự xuất hiện của chúng, giờ đây mang một bộ mặt mới toanh, hoàn toàn không bị trí năng phân biệt can thiệp vào, và sự thể hiện này trở thành toàn thể sung mãn căn đầy nhiệm mầu tự tại. Giây phút này là giây phút đúng lúc của bắt đầu và chung cuộc Đương-là của cuộc sống các thiền sư mà qua đó, chúng xuất hiện như chính chúng ta đã từng thấy trong cuộc sống bình thường hằng ngày của chúng ta.
“Một hôm Thúy Vi dâng lễ vật cúng dường cá vị A-la-hán, một ông tăng hỏi sư:
– Đơn hà đã cho Phật gỗ vào lửa, sao thầy còn lễ bái A-la-hán?
Sư đáp:
– Trong lửa mà chẳng cháy. Về việc lễ A-la-hán hãy để một mình ta.”
Ở đây, rõ ràng vì tâm phân biệt của phàm tăng cho nên việc lễ bái A-la-hán trở thành có vấn đề trở ngại, trong cái lệ thuộc thủ đắc bỡi hành động của Đơn Hà, và cho đó là một biện pháp khả thi để thủ đắc, chính vì phân biệt cho nên có trở ngại. Ngược lại, các vị thiền sư vì không có chỗ khả đắc, cho nên việc làm của các ngài trở thành tự tại như trường hợp Vân Nham dạy chúng.
“Vân Nham dạy chúng:
– Có đứa trẻ nhà kia, khi hỏi đến không gì không đáp được.
Động Sơn Lương Giới hỏi:
– Ở trong đó kinh sách nhiều hay ít?
Đáp:
– Một chữ cũng không.
Hỏi:
– Sao biết được nhiều vậy?
Đáp:
– Ngày đêm chưa từng ngủ.
Hỏi:
– Làm một việc được không?
Đáp:
– Nói được nhưng chẳng nói.”
Ngày đêm chưa từng ngủ là con đường Đại định của Đương-niệm hiện tiền trong tùy duyên bất biến. Chính nhờ tùy duyên bất biến này, nên khi hỏi đến không gì không đáp được, không gì không làm được, vì chúng thể hiện con đường tự tại vô phân biệt. Đó cũng là con đường mà ngài Mã Tổ-Đạo Nhứt đã áp dụng vào phương pháp dạy người của ngài.
“Mã Tổ bảo:
– Ta có khi dạy Y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy Y nhướng mày chớp mắt. Có khi nhướng mà chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt không là phải, ngươi làm sao?
Ngay câu nói này Dược Sơn khế ngộ, bèn lễ bái.
Mã Tổ hỏi:
– Ngươi thấy đạo lý gì mà lễ bái?
Dược Sơn thưa:
– Con ở chỗ Thạch Đầu như con muỗi đậu trên trâu sắt.
Mã Tổ bảo:
– Ngươi đã biết nyhư thế thì nên tự khéo léo giữ gìn!”
Duyên phải duyên không phải tự chúng không có ý phân biệt, cho đến tâm như một con trâu sắt cũng vậy, và chính con muỗi đang thể hiện cái “Vô trụ xứ”của mình trên con trâu sắt. Ở đây, mọi việc trở nên thông suốt, tự tại không trói buộc nhau. Lúc này là lúc tự do được thể hiện trọn vẹn trong dòng sống, do đó ở đây không gì không là Đạo, như Huệ Tịch và Trí Nhàn thể hiện qua cuộc trắc nghiệm của Linh Hựu.
“Linh Hựu vừa thức giấc, Huệ Tịch vào thăm hỏi, Linh Hựu liền xoay mặt vào vách, Huệ Tịch thưa:
– Hoà thượng không được như vậy!
Linh Hựu chỗi dậy bảo:
– ta vừa nằm mộng thấy một điềm, con có thể vì ta đem lại xem.
Huệ Tịch liền lấy thau múc một thau nước đem lại cho sư. Sư rửa mặt xong, giây lát Hương Nghiêm Trí Nhàn cũng đến thăm hỏi, Sư bảo:
– Vừa rồi ta nằm mộng thấy một điềm, Huệ Tịch Ngưỡng Sơn đã vì ta đem lại cho ta xem rồi, nhà ngươi cũng nên đem lại cho ta xem thử !
Hương Nghiêm liền đi rót một chung trà mang đến.
Sư bảo:
– Hai con thấy hiểu còn hơn cả Xá-lợi-phất.”