CHƯƠNG 3
TÍNH NHÂN VĂN CỦA GIÁO LÝ NHÂN QUẢ ĐỐI VỚI XÃ HỘI
Nhân quả như vừa được trình bày trên thuộc pháp hữu vi còn mang tính sanh diệt nên còn có sự chi phối, tác động qua lại của các Pháp thế gian. Đó chính là phần biểu hiện của tính tục đế nên nó mang ý nghĩa luân lý đạo đức không chỉ trong Đạo Phật mà còn có giá trị giáo dục đối với xã hội. Trên phương diện tục đế, triết lý nhân quả của Đạo Phật đã được xã hội đón nhận và trân trọng bởi những đặc điểm và tính chất sau đây:
3.1 ĐỀ CAO GIÁ TRỊ CON NGƯỜI :
Hơn bao giờ hết, tính triết lý nhân quả của Đạo Phật đã đặt trách nhiệm, vai trò giá trị của mỗi cá nhân lên hàng đầu. Không một tôn giáo nào có được một tinh thần cởi mở và phóng khoáng như Đạo Phật. Vì phần lớn các tôn giáo khác đều đặt nặng tính thần quyền, ban phúc của một đấng giáo chủ tối cao của mình. Với Đạo Phật luôn tôn trọng tính chất quan trọng của tự thân. Đức phật luôn khẳng định quan điểm “Ngài chỉ là người dẫn đường” chứ không hề tham dự chức năng quyết định. Con người là trung tâm điều hành chi phối mọi hành động và mọi hành động của con người đều đựoc hình thành trên nền tảng tâm thức. Tính nhân qủa trong Phật Giáo đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân , bởi con người vừa là chủ nhân của nghiệp và cũng vừa là kẻ thừa tự của nghiệp.
Trong xã hội cũng vậy, không có trách nhiệm cá nhân thì không có sự hình thành của luật pháp. Do vậy, con người phải có trách nhiệm đối với những hành động mà mình đã làm cho tự thân, cho gia đình và xã hội. Nói theo ngôn ngữ thế gian thì mình làm mình chịu chứ không thể lôi kéo một cá nhân nào khác đứng lên gánh chịu trách nhiệm cho mình, và cũng không thể có cái gọi là “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” trong triết lý nhân quả của Đạo phật.
Theo Phật Giáo, hạnh phúc hay khổ đau không phải là chuyện ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống hay từ lòng đất vọt lên, lại càng không phải do sự thưởng phạt, ban ân của thượng đế hay một năng lực siêu hình nào khác. Hạnh phúc hay khổ đau đều do nơi chính con người định đoạt, trong đó yếu tố nhân duyên cũng góp phần quan trọng.
Trên cơ sở nhân quả, cũng như trên quan niệm luân lý đạo đức của Phật Giáo thì thiện là những gì đem lại lợi ích cho mình và người trong hiện tại và tương lai theo hướng ly tham, ly sân, ly si, không ghanh ghét, không đố kỵ, không gây tổn hại. Trái lại với quan niệm trên được xem như là bất thiện. Ở góc độ nhìn nhận của xã hội, ta có thể tạm hiểu những khái niệm như công bằng, nhân đạo, chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, không tham nhũng, không hối lộ, không tham đắm vào các tệ nạn xã hội . . . được xem là thiện. Hiểu được điều đó tự thân mỗi chúng ta cần nổ lực phát tâm hành thiện theo phương châm “tránh các điều ác, làm các việc thiện”. Việc làm cũng ấy đồng nghĩa với hành động tích cực tham gia các hoạt động xã hội với ước vọng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho tha nhân, cộng đồng xã hội.
Những hành động trên phần nào cho ta thấy được vai trò quan trọng của tự thân. Đó là nhân tố quyết định cho hạnh phúc hay khổ đau của mỗi con người. Trong kinh Pháp cú Đức Phật khẳng định quan điểm trên qua lời dạy :
“Tự mình làm điều ác
Tự mình làm nhiễm ô
Tự mình ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai”
Tính nhân quả trong Đạo Phật một lần nữa đã cho xã hội nhận thức đựơc vai trò, giá trị con người trong mọi hành động mà mình tạo tác. Tính nhân quả không phải là một tín điều thần khải như lâu nay chúng ta hằng lầm tưởng. Cuộc sống con người trong vũ trụ không do một đấng sáng tạo phán quyết. Con người là chủ nhân kiến tạo nên thế giới hạnh phúc hay khồ đau cho nhân loại. Con người phải tự biết tư duy phán xét trước các thiện cái ác đang dấy lên trong xã hội. Thấy ác thì nên xa lìa từ bỏ, thiện thì nên dõng mãnh phát tâm thực hành. Đối với mọi hành động nhỏ nhặt, dù thiện hay ác chúng ta không nên xem thường mà bỏ qua. Tuy một đốm lửa nhỏ nhen nhưng lại có thể thiêu rụi một mãnh rừng to lớn, tuy một ít nước nhỏ giọt không đáng là bao nhưng trãi qua lâu ngày cũng có thể làm cho bình nước kia tràn đầy. Hình ảnh giọt nước, đốm lửa để minh chứng cho những hành động thiện ác của con người dù nhỏ nhặt nhưng kết quả cuối cùng lại rất to lớn. Hình ảnh ấy đã được nói đến trong hai câu Pháp cú sau :
“Chớ khinh điều ác
Cho rằng chưa đến mình
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng đầy tràn
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần.”
Và :
“ Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng chưa đến mình
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng tràn đầy
Người trí chứa đầy thiện
Do chất chứa dần dần.”
Trong giáo lý nhân quả, giá trị con người không chỉ được đề cao ở vai trò và trách nhiệm mà con người còn có khả năng làm thay đổi nghiệp cũ (chuyển nghiệp). Đây là một đặc tính hết sức nhân bản trong giáo lý nhân quả của Đạo phật. Nó cho phép con người có được một khả năng hướng thượng. Con người biết khắc phục sửa chữa cái xấu, cái ác trở thành cái hay cái đẹp. Đây là một đặc tính khác biệt giữa con người với những loài vật khác. Điều đó càng được khẳng định và làm cho sáng tỏ hơn thông qua triết lý nhân quả của Phật giáo. Tính nhân văn trong triết lý nhân quả không phải là nhằm lý giải cái nhân cái quả khiến cho con người trở nên lo sợ hay trốn chạy, mà nó mang đến cho con người những cơ hội để tự mình khắc phục những sai lầm trong quá khứ và xây dựng cho chính mình một đời sống an vui và hạnh phúc.
3.2 LOẠI BỎ NHỮNG QUAN NIỆM TIÊU CỰC TRONG XÃ HỘI :
Trong xã hội sự tồn tại giữa cái thiện và cái ác là một quy luật tất yếu. Đời sống con người không phải chỉ thuần khổ, thuần lạc hay thuần phi khổ phi lạc mà là một quá trình đan xen lẫn lộn. Trên cơ sở nhân quả nghĩa là trên căn bản thiện về quan niệm luân lý đạo đức của Phật Giáo, người viết muốn đưa ra một số khuynh hướng sai lầm, quan niệm tiêu cực đang tồn tại trong lòng xã hội. Ở đây, tính triết lý nhân quả góp phần xóa bỏ những quan niệm tiêu cực ấy.
Qua những gì tìm hiểu trên, trước hết lý nhân quả không đồng quan điểm với cái gọi là thiên mệnh hay định mệnh. Bởi những quan niệm sai lầm ấy đã khiến cho bao con người trở nên thụ động. Họ cho rằng những gì mình có được ngày hôm nay đều là do sự tác động chi phối của ông trời. Dù mình có cố gắng đến đâu đi nữa thì nghèo vẫn là nghèo, khổ vẫn là khổ, vì “số trời đã định”. Thế nhưng khi đựơc hỏi ông trời là ai ? thì con người không sao lý giải được. Với nhận định sai lầm ấy, chúng ta lại vô tình tiếp tay cho những hành động sai quấy. Ta không thể ngồi đó trông chờ một kết quả tốt lành đưa đến, lại càng không thể khoanh tay trước cái gọi là số phận an bài. Hành động như vậy chẳng khác nào ta đang hạ thấp giá trị con người giữa một thế giới bao la vũ trụ.
“Giáo lý nhân quả do đó, một mặt vừa chi rõ con đường sanh tử của con người để tránh, vừa khích lệ con người hành thiện. Mặt khác, dạy con người ý thức trách nhiệm, sống không ỷ lại, không chạy trốn, không đổ lỗi, không cầu xin. Đây là tinh thần giáo dục rất lành mạnh và tích cực trong việc giáo dục một con người tốt ở cả hai mặt cá nhân và xã hội”
Thấy được giá trị đích thực của tự thân, con người không trông chờ ỷ lại, không đặt niềm tin vào số phận. Do vậy, lý nhân quả đồng thời lên án phê phán những hiện tượng tiêu cực đang an nhiên tồn tại cho đến tận bây giờ, như nạn xin xăm bói quẻ, lên đồng lên cốt, tướng số tử vi … Tất cả những hiện ấy chính là dư âm còn lại của một quảng thời gian khá dài đất nước Việt nam, dân tộc Việt nam bị áp đặt bởi nền văn hóa Trung Hoa. Những hiện tượng ấy cũng có thể bắt nguồn từ tư tưởng triết học của Khổng giáo và Lão giáo.
Đức Thế Tôn của chúng ta đã từng phê phán việc cầu xin và ước vọng, Ngài cho rằng thật không lợi ích gì con người cứ ngồi đó van xin cầu khẩn. Đức Phật dạy : “Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiên giới. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ bị rơi vào địa ngục. Ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo đến cầu xin , cầu khẩn, chắp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá ấy với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu xin của quần chúng ấy. Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh , làm mười hạnh lành, nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay cầu rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cấu xin ấy cũng không được thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước, rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên mặt nước. Dầu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay cầu rằng số dầu ấy hãy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi trên mặt nước. Như vậy có cầu khẩn, cầu xin cũng không lợi ích gì.”
Qua đoạn kinh trên chúng ta càng thấy rõ sự vô ích của việc cầu xin. Tất cả những hiện tượng sự vật, những hành động của con người đều đặt nền tảng trên cơ sở nhân quả. Nói khác hơn, con người phải có niềm tin ở chính mình, không có một sự cầu xin nào có thể thay đổi được hoàn cảnh sống quanh mình. Nếu việc cầu xin trở thành hiện thực thì tính nhân quả của Đạo Phật sẽ không còn tồn tại bởi tính công bằng đã bị phá vỡ.
Trong một xã hội nếu ai cũng làm ác rồi sau đó van xin cầu khẩn một đấng thần linh ban ân xóa tội thì xã hội ắt sẽ trở nên đại loạn. Thế giới Ta bà này bỗng nhiên trở thành một biển màu vô cùng ghê sợ. Bởi khắp mọi nơi người người làm ác, nhà nhà làm ác, thậm chí tàn sát lẫn nhau để có được quyền lợi, địa vị và danh vọng. Nhưng thật may mắn thay, sự hiện diện của giáo lý nhân quả giữa cuộc đời này như là một phương thuốc kỳ diệu. Nó đã không cho phép con người ta hành động theo một bản năng tự tác. Nếu không, trong xã hội này còn gì là tính kỷ cương luân thường đạo lý của con người. Chúng ta không phủ nhận tính chất cạnh tranh để phát triển theo một quy luật tự nhiên. Sống giữa cõi đời ai cũng muốn được giàu sang phú quý, ai cũng muốn được hạnh phúc bình an nhưng không vì thế mà ta bất chấp mọi thủ đoạn gian lận, mánh khóe, coi thường nếp sống luân lý đạo đức để đạt được mục đích cá nhân.
Hiểu rõ ý nghĩa trên, con người sẽ không còn dao động hay bị chi phối bởi những quan niệm về ông đồng bà cốt nhân danh một vị Phật, Bồ tát giáng xuống trần gian giúp đỡ mọi người. Chúng ta lại càng không a dua theo những thói quen, tập tục xin xăm bói quẻ, vay tiền thần thánh để mưu cầu làm ăn phát đạt, mua may bán đắt, sức khỏe bình an … Tất cả những điều đó không mang tính thực tế, thiếu cơ sở khoa học, nhất là lại không phù hợp với đặc tính nhân quả của Đạo Phật.
Thông qua giáo lý nhân quả, con người sẽ dễ dàng nhận thức đúng đắn về bản chất của sự vật hiện tượng. Do vậy, con người sớm thức tĩnh trước sự bao trùm che đậy của những hiện tượng mê tín dị đoan đã và đang diễn ra trong suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc.
3.3 XÂY DỰNG TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC :
Đất nước Việt nam, một đất nước vốn mang truyền thống đạo đức dân tộc, một truyền thống gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước. Trãi qua mấy nghìn năm lịch sử, nền văn hóa của dân tộc Việt nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ suối nguồn đạo lý Phật Giáo. Trong đó, tính triết lý nhân quả được xem như là nền tảng xây dựng truyền thống đạo đức dân tộc qua những nét căn bản sau :
Triết lý nhân quả góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc, một trong những sức mạnh đóng vai trò quyết định trong công cuộc giữ vững nền độc lập đất nước. Ý thức được giá trị của tự thân, vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội, dân tộc Việt nam đã liên kết cùng nhau xây dựng thành một khối đại đoàn kết vững mạnh. Giáo lý nhân quả đã dạy cho con người Việt nam thấy rằng muốn giữ vững nền hòa bình độc lập của đất nước thì tự thân mỗi cá nhân trong xã hội phải nổ lực phấn đấu, không ngồi đó trông chờ hạnh phúc. Một đất nước tuy nhỏ, một nền kinh tế còn nghèo và lạc hậu nhưng không vì thế mà dân tộc Việt nam cảm thấy tự ti mặc cảm, hay chấp nhận một quá khứ đau thương như là định mệnh. Trong hoàn cảnh ấy, mỗi con người Việt nam càng ý thức vai trò và trách nhiệm thiêng liêng trọng đại của mình, để cùng nhau góp phần kiến tạo một đất nước giàu mạnh trong tinh thần đoàn kết dưới sự soi sáng của triết lý nhân quả. Đoàn kết ở đây không có nghĩa là kích động chiến tranh hận thù mà chính là kêu gọi hòa bình nhân ái. Giá trị to lớn của giáo lý nhân quả là hướng dẫn con người sống sao cho tốt, hành động sao cho thiết thực và có ý nghĩa đối với tự thân, với gia đình và xã hội. Theo tinh thần của Đạo Phật, đoàn kết còn mang một ý nghĩa cao đẹp và rộng mở hơn đó là xa lìa lối sống vị kỷ hẹp hòi.
Trên tinh thần đoàn kết, nhân quả của Đạo Phật xây dựng cho dân tộc Việt nam một truyền thống rất đẹp đó là tính chan hòa yêu thương, mở rộng cõi lòng. Nói khác hơn là truyền thống tương thân tương ái. Một truyền thống thật gần gũi và gắn liền với con người Việt nam, dân tộc Việt nam, một dân tộc xưa nay vốn hiền hòa, thân thiện và dễ mến. Đặc tính yêu thương, mở rộng cõi lòng được thể hiện rõ nhất qua những việc làm nhân nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái với phương châm “Nhường cơm xẻ áo”, “ Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những việc làm ấy phần nào phản ánh được phẩm chất cao đẹp của con người Việt nam. Thật đúng như lời của cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận đã nói: “Hãy tỏ ra mình có đức hạnh, can đảm và hết lòng. Cố gắng thương yêu mọi loài. Con người chỉ xứng danh với danh nghĩa của nó chừng nào làm chủ được ý nghĩ, lời nói và hành động của mình về cả nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại là một công trình to lớn, nhưng điều đáng ca ngợi hơn hết vẫn là sự điều ngự được chính mình. Do đó, về phương diện luân lý, Đạo Phật đặt trọng tâm vào sự thiện ác , vào tội phúc báo ứng phân minh và vào luật nhân quả, vì biết rằng: làm lành được sung sướng. Làm ác chịu khổ sở. Nhân nào quả nấy. Hành động của chúng ta hiện nay ra sao thì kết trong ngày mai cũng lại y như thế. một hành động tốt hoặc xấu của cá nhân sẽ có ảnh hưởng đến toàn thể không ít … Người có đạo đức luân lý là một con người hoàn toàn sung sướng nhất trên đời, khác nào như bông hoa nở đẹp, làm thơm cho cuộc thế”.
Qua những lời phát biểu trên, chúng ta không còn mơ hồ gì đối với giáo lý nhân quả. một triết lý xây dựng cho con người nhận biết trách nhiệm cá nhân để tự hoàn thiện cho mình một phong cách sống lành mạnh và có ý nghĩa nhất. Đặc biệt xây dựng mối quan hệ tương quan mật thiết giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với đất nước, với dân tộc.
Ngoài tính nhân văn khẳng định và đề cao giá trị con người cũng như xây dựng truyền thống tương thân tương ái, triết lý nhân quả còn xây dựng cho dân tộc Việt nam một truyền thống luân lý đạo đức mang tính chất đặc trưng của văn hóa Việt nam. Truyền thống tôn vinh “ Đạo đức”, đó còn là quan niệm “Tích đức” vốn mang tính chất dân tộc tính rất cao. Nó thể hiện ý nghĩa giáo dục đạo đức làm người không chỉ trong hiện tại mà còn lưu lại ở mai sau. Hai chữ “tích đức” nghe qua sao thật bình dị đời thường nhưng ẩn chứa bên trong một giá trị nhân văn rất lớn. Quan niệm ấy vốn được hun đúc sâu xa từ tính chất nhân quả của Đạo Phật và đã ăn sâu vào lòng dân tộc Việt nam. Tích đức bao hàm ý nghĩa khuyên răn con người sống ở đời phải biết lấy nhân đức làm trọng, tránh xa các điều ác, nổ lực làm các việc lành với một tâm nguyện cao đẹp là để lại cái “Đức” cho con cháu mai sau. Như ông cha ta thường nói:
“Cây xanh thì lá cũng xanh,
Tu nhân tích đức để dành cho con.”
Hay :
“Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu.”
Để lại cho con cháu cái danh thơm tiếng tốt là một quá trình ông cha ta đã sống tốt sống đẹp (tu nhân tích đức) mà có được. Truyền thống ấy được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không những thế, trong quan hệ qua lại của xóm giềng, trong sinh hoạt của cộng đồng xã hội, người dân việt nam luôn luôn khuyên răn nhắc nhỡ lẫn nhau sống sao cho tốt đẹp không chỉ cho hôm nay mà còn lưu lại tiếng tốt cho mai sau. Quan niệm và ý thức về hành động “Tích đức” luôn được người Việt nam coi trọng và lưu truyền cho nhau qua câu nói thật nhẹ nhàng mà sâu lắng “Ăn ở có đức mặc sức mà ăn”. Quan niệm ấy được xem như một lẽ sống tự nhiên không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt nam.
Dưới ảnh hưởng của lý nhân quả, truyền thống ấy dần dần đã trở thành một nếp sống tự nhiên của dân tộc Việt nam. Như lời Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã nói : “Tích đức cho thế hệ sau là để lại gia sản thiêng liêng và vô giá nhất. Từ nhận thức với những mức độ khác nhau và từ phép ứng dụng thiết thực thuyết nhân quả vào cuộc sống, đạo đức làm người được tôn vinh, vượt lên trên tất cả những giá trị vật chất khác”
Tóm lại, tính nhân văn của thuyết nhân quả không chỉ mang ý nghĩa đối với những người theo Phật giáo mà nó còn có một sức sống mầu nhiệm trong lòng dân tộc. Tính nhân văn ấy khẳng định vị trí quan trọng của con người, loại bỏ những quan niệm tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. Trên phương diện luân lý đạo đức, thuyết nhân quả chính là nền tảng xây dựng những đặc tính quý báu mang đậm truyền thống đạo đức dân tộc Việt nam. Con người có trách nhiệm và quyền tự do để định đoạt đời mình bằng nếp sống hiện tại. Qua đó mỗi cá nhân trong xã hội cùng nhau góp phần xây dựng cho cuộc sống ngày càng an vui và hạnh phúc.