Ảnh Hưởng Của Giáo Lý Nhân Quả

C. KẾT LUẬN

Qua những điều trình bày trên, ta  thấu hiểu giáo lý nhân quả một cách thật sáng tỏ, nhất là đời sống của mỗi con người không phải là một định mệnh  đã được an bài như nhiều người lầm tưởng. Giáo lý nhân quả dạy cho ta bài học quý giá để tự mỗi cá nhân xây dựng cho mình một đời sống an lành hạnh phúc dựa trên chất liệu tự thân.

Một khi tin hiểu sâu sắc về luật nhân quả con người sẽ trở nên rộng lượng bao dung, ôn hòa, dễ mến. Bấy giờ con người sẵn sàng động viên chia sẽ cho nhau trong mọi hoàn cảnh sống. Họ hiểu rằng đem đến cho người những điều bất hạnh thì tự thân sẽ đón nhận những nghiệp quả khổ đau. Bằng ngược lại, mang đến cho người những điều an vui hạnh phúc thì tự thân sẽ được nhiều điều lợi lạc. Như trong Nho gia có câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” cũng hàm chứa ý nghĩa trên. Cái điều mà mình không muốn thì cũng đừng mang đến cho người khác.

Giáo lý nhân quả dạy cho ta biết chế ngự mọi bất hạnh, ngăn ngừa ác tâm sanh khởi, xua tan cái nghiệp quả oan oan tương báo, đem lại niềm an lạc cho tự thân, cho tha nhân và xã hội. Trong gia đình cho đến bên ngoài cộng đồng xã hội nếu ai ai cũng tin hiểu sâu sắc về nhân quả ắt  con người trong xã hội sẽ trở nên thánh thiện biết chừng nào. Một xã hội mà con người luôn lấy những điều nhân nghĩa, chân thật đối xử với nhau đúng mực trong tinh thần đồng bào, đồng loại. Sống vì hạnh phúc của tha nhân và tập thể  chính là nếp sống tối thượng nhất của người học phật.

Ngày nay, xã hội trở nên mất cân đối giữa đời sống tinh thần và vật chất. Nền khoa học thì phát triển mạnh mẽ như vũ bão, trong khi đó thì đời sống đạo đức con người ngày càng trở nên suy thoái. Tôn ty trật tự, luân lý đạo đức trong gia đình cũng như ngoài xã hội không còn nét đẹp truyền thống như xưa, mà dường như còn bị xem nhẹ. Một bộ phận giới trẻ ngày nay xem chuẩn mực đạo đức như một định kiến cổ hủ phong kiến. Chính bởi những đam mê dục vọng của cái gọi là thời buổi tân tiến hiện đại đã khiến cho bao con người trở nên điên đảo quay cuồng. Đó chính là những dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự suy thoái của nền đạo đức trong thời đại mới. Trước những thực trạng ấy, vấn đề giáo dục đạo đức thông qua giáo dục  con người nhận biết và tin sâu giáo lý nhân quả càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Điều đó không có nghĩa là áp đặt cho thế trẻ một định kiến mà nhằm giáo dục hướng dẫn cho họ nhận thức đúng đắn về giáo lý nhân quả ở một góc độ thiết thực và khoa học nhất.

Giáo dục trong Phật Giáo nói chung và giáo dục đạo đức con người dưới triết lý nhân quả nói riêng đều mang một ý nghĩa là chỉ ra cho con người thấy được vai trò, trách nhiệm và giá trị quan trong của mỗi con người đối với tự thân, tha nhân và xã hội. Như lời nhận định chung của Thượng Tọa Thích Giác toàn về vấn đề giáo dục con người toàn diện : “Giáo dục Phật giáo phải nhằm tới đối tượng là con người đúng như con người ở hai phương diện: con người tự thân và con người xã hội. Đó là con người với nhân cách người có khả năng giải thoát tự thân để vượt qua những ràng buộc, những khổ đau, và con người trong những mối liên hệ với tự nhiên và xã hội, trong thế giới duyên sanh, vô thường, khổ, không, vô ngã. Đó là ý nghiã của con người toàn diện trong giáo dục Phật giáo”.

Thấy được giá trị của luật nhân quả, là người học Phật mỗi chúng ta cần áp dụng nó vào đời sống một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất. Trong mọi cử chỉ nói năng hay hành động điều phát xuất từ những suy nghĩ thiện. Điều đó cũng có nghĩa là trước khi  làm một việc gì chúng ta phải nghĩ đến hậu quả của nó sẽ mang lại cho người khác hạnh phúc hay khổ đau. Nếu hạnh phúc ta nên phát huy, nếu khổ đau ta nên đoạn tận. Hành động phát huy và đoạn tận cũng chính là gạn lọc cho tâm ý luôn được thanh tịnh và trong sáng dưới sự soi sáng của giáo lý nhân quả.

Thích Nhuận Ân (Tu Viện Quảng Đức)

http://thuvienhoasen.org/

__________________________________

Thư Mục Tham Khảo

1.   Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường Bộ Kinh, Tập I, VNCPHVN, 1992
2.   Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trung Bộ Kinh, Tập III, VNCPHVN, 1992
3.   Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tương Ưng Bộ Kinh, Tập I, II ,VNCPHVN, 1992
4.   Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, NXB Tôn Giáo, 2000
5.   Thích Minh Châu, Những Lời Đức Phật Dạy Về Hòa Bình Và Giá Trị Con Người, VNCPHVN, 1996
6.   Thích Minh Châu, Đức Phật Nhà Đại Giáo Dục, NXB Tôn Giáo, 2005
7.   Thích Thiện Siêu, Chữ Nghiệp Trong Đạo Phật, NXB Tôn Giáo, 2001
8.   Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Quyển 1, THPGTPHCM, 1997
9.   Thích Thanh Từ, Phật Giáo Với Dân Tộc, THPGTPHCM, 1992
10.  Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Lưu Hành Nội Bộ, 2001
11.  Thích Đức Nhuận, Phật Học Tinh Hoa, Triết Lý Việt Nam Và Triết Học Thế Giới Califorrnia Tái Bản, 2002
12.  Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, THPGTPHCM, 1995
13.  Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB TPHCM, 1999
14.  Thích Giác Toàn, Giáo dục Phật Giáo, tài liệu giảng dạy HVPGVN tại TP.HCM, 2005
15.  Thích Trung Hậu, Ca Dao Tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam, NXB TPHCM, 2002
16.  Thích Viên Thành, Truyện Phật Bà Chùa Hương, NXB Khoa Học Xã Hội, 1996
17.  Thích Chân Tính, Những Điều Đặc Sắc Của Phật Giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2001
18.  Thích Giác Dũng, Phật Việt Nam Với Dân Tộc Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2002
19.  Thích Chơn Quang, Luận Về Nhân Quả, Lưu Hành Nội Bộ, 1999
20.  Minh Chi, Truyền Thống Văn Hóa Và Phật Giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2003
21.  Minh Chi, Các Vấn Đề Phật Học, VNCPHVN, 1995
22.  Minh Chi, Vai Trò Tôn Giáo Trong Sách Lược Phát Triển, Lưu Hành Nội Bộ
23.  Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, NXB Văn Hóa Hà Nội, 2000
24.  Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam, Tập II, NXB Giáo Dục, 2002
25.  Trí Không, Những Bài Giảng Mẫu, THPGTPHCM, 1994
26.  Trần Quốc Vượng Chủ Biên, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 1999
27.  Lê Cung, Phật Giáo Việt Nam Với Cộng Đồng Dân Tộc, THPGTPHCM, 1996
28.  Nguyễn Văn Ngọc, Truyện Cổ Việt Nam
29.  Nguyễn Đỗng Chi, Truyện Cổ Tích Việt Nam
30.  Chương Trình Phật Học Hàm Thụ, Phật Học Căn Bản Tập I, II, NXB TPHCM, 1999
31.  Tập San Pháp Luân, Số 7, Tháng 9/ 2004
32.  Một Số Bài Viết Trong Tuần San Và Nguyệt San Báo Giác Ngộ.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.