Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới

VẤN-ĐỀ NGUYÊN-NHÂN ĐẦU TIÊN TRONG ĐẠO PHẬT

Vấn-đề Nguyên-nhân Đầu-tiên là một vấn-đề thường làm cho con người ta thắc-mắc nhất.

Mỗi khi ngước mắt nhìn vũ-trụ, con người thường băn-khoăn tự hỏi : ” Vũ-trụ do đâu mà có ? Nguyên-nhân đầu tiên của vạn-vật là gì ? “. Câu hỏi này đã được đặt ra từ bao giờ mà đến nay vẫn không có được một câu trả lời nào thỏa đáng. Bao nhiêu trí óc đã từng thắc-mắc, băn-khoăn đau khổ vì nó. Giá mà câu hỏi kia được giải đáp, có lẽ người ta sẽ sung-sướng lắm, và dù ” buổi mai nghe mà buổi chiều chết ” cũng lấy làm thỏa-mãn vậy.

Cũng bởi vì nỗi khổ đau thắc-mắc ấy của loài người mà các thần-giáo ra đời. Mỗi thần-giáo chủ-trương một vị thần-linh tối-cao tối-đại tạo-lập nên trời đất và muôn vật. Đó là Brahma, là Allah, là Jéhovah, là Thượng-Đế, là Chúa-Trời… Bản-thân của các vì chúa-tể ấy, loài người không thể hiểu thấu được. Quyền-phép tạo-lập, cứu-vớt và trừng-phạt của các vị ấy, trí-óc loài người không thể kiểm-soát được. Về các vị ấy, người ta không thể dùng lý-trí để suy-luận, chỉ có thể đem một lòng Tin để thừa nhận mà thôi.

Lòng Tin ấy chính là một sự vỗ-về an-ủi, một “liều thuốc tê” để con người có thể làm dịu lại trí-não đang bị căng thẳng, đang bị khổ đau vì câu hỏi trên kia.

Đưa ra một “đấng” tạo-hóa để giải-quyết vấn-đề nguyên-lai của vũ-trụ, thực ra, cũng giản-dị và dễ-dàng lắm. Nhưng đó không phải là một lối giải đáp hợp lý. Những kẻ không có đức Tin thì không bao giờ có thể được an-ủi một cách quá dễ dàng như vậy. Họ vẫn có thể băn-khoăn, điên dại, khổ sở về câu hỏi ác-nghiệt kia.

Công nhận một đấng tạo-hóa, tức là chận đứng sự hiểu biết của con người lại. Người xưa, khi trông thấy những hiện tượng kỳ bí của vũ-trụ, cũng đã ước mong một lời giải đáp có thể làm thỏa-mãn họ. Họ không thể cắt nghĩa được các hiện-tượng ấy một cách khoa-học, cho nên đã cầu cứu đến những lực-lượng siêu-nhiên, thần-bí. Gió thổi là bởi thần gió đi qua. Nước ngập là bởi thần thủy giận dữ. Nếu khoa-học mà chấp nhận lối trả lời đó thì làm sao khoa-học có thể tiến lên mà cắt nghĩa bằng thuyết nhân-duyên-sinh rằng gió là kết-quả của sự chuyển-động không-khí, rằng lụt là do nước nguồn chảy về quá nhiều?

Tất cả những giải đáp có tính cách mê-tín như thế đều là những trở lực lớn lao ngăn-cản bước tiến của trí-thức nhân-loại. Khi đã công-nhận rằng đấng tạo-hóa đã sinh ra muôn vật, không ai còn có thể tự hỏi rằng nguyên-do nào đã tạo ra đấng tạo-hóa và đấng tạo-hóa nương vào đâu để được phát sinh. Như thế, chính ý-niệm về nguyên-nhân đầu-tiên sẽ làm cho sự tìm hiểu của ta bị chận đứng hoàn-toàn, không thể tiến thêm một bước nào nữa.

o

o o

Đạo Phật chủ-trương không có nguyên-nhân đầu tiên. Ý-niệm về nguyên-nhân đầu tiên là một ” vọng-tưởng điên-đảo ” do sự cố chấp mê lầm của chúng-sinh mà có. Nếu hiểu được giáo lý đạo Phật, ta sẽ thấy câu hỏi ” nguyên-nhân đầu tiên là gì? ” là một câu hỏi ngớ ngẩn, buồn cười, không đáng làm cho chúng ta thắc mắc.

Trong những bài trước, chúng ta đã thấy rằng, theo đạo Phật, các hiện-tượng vũ-trụ luôn luôn biến-chuyển và sinh-diệt, không lúc nào dừng nghỉ. Sự sinh diệt của những hiện-tượng ấy được thể-hiện trên đường lối nhân duyên (paticca samuppada). Một hiện tượng phát sinh, không những chỉ có một “nhân” tiền hữu, mà còn là do vô số các “duyên” (điều-kiện giúp cho sự phát sinh) khác. Các duyên này cũng không phải tự nhiên mà có. Chúng cũng là một “quả” do vô số “duyên” khác tạo nên. Như thế, “một” hiện-tượng có liên-quan (dù gần dù xa) với “tất cả” các hiện-tượng của vũ-trụ.

Nói “hiện-tượng” đây tức là nói một “dòng hiện-tượng”. Bởi vì khi nói đến một hiện-tượng, ta thường nghĩ đến cả lịch-trình phát-sinh, trưởng-thành, hư-hoại và tan-rã (thành, trú, hoại, không) của hiện-tượng ấy. Có hành, trú, hoại, không, tức là có chuyển-biến, mà có chuyển-biến thì cố nhiên nó không phải là “một” hiện-tượng đồng nhất bất-biến. “Nó” là một “dòng hiện-tượng”, bởi vì “nó” của phút sau đã không phải là “nó” của phút trước. Với lại, trước khi “nó” (dòng hiện-tượng) phát hiện, ta bảo rằng chưa có “nó”. Kỳ thực, “nó” đã có trong muôn ngàn nhân-duyên tiền hữu rồi, sở-dĩ ta không nhận được “nó” là vì ta không thấy được “nó” bằng cặp mắt thiển-cận mà thôi.

Bạn tôi có “ráp” một cái xe đạp ở Saigon từ năm 1945 tại hiệu Dur – Fort, giá 400đ. Cái xe ấy cũ dần, hư dần, bạn tôi đã thay nào ổ líp, nào viền, nào lốp, nào vỏ, nào tăm. Bạn tôi lại thay cả tay lái, và vừa rồi, gãy khung xe, bạn tôi liệng vào xó hè, không dùng nữa. Bạn tôi chỉ nó mà bảo tôi: ” Đó là chiếc xe mà tôi mua ở Saigon năm 1945 giá 400đ đấy “. Bạn tôi không ý-thức được sự thay đổi của chiếc xe kia và vẫn một mực “đồng nhất” cái xe năm nay với cái xe trước đây 12 năm. Lẽ ra, trong “quá-trình” biến chuyển của chiếc xe, bạn tôi phải thấy chiếc xe hôm sau khác với chiếc xe hôm trước, và hơn thế nữa, chiếc xe phút sau khác với chiếc xe phút trước.

Tệ hơn nữa là bạn tôi cho rằng chiếc xe chỉ “có” từ khi bạn tôi mua và “hết có” từ khi nó gãy khung. Bạn tôi không biết rằng chiếc xe đã “có” từ trước khi bạn tôi mua, và hơn nữa, “có” từ vô-thỉ, trong các nhân và duyên của nó. Bạn tôi lại cũng không biết rằng cái xe vẫn “có” sau khi nó gãy khung, hư hoại nằm sau xó hè. Nó nằm đó, nằm mãi đó để biến chuyển, để tiếp tục dòng đẳng-lưu nhân quả của nó, tương-quan và tương-duyên với vạn vật khác. Con của bạn tôi sẽ tháo một cái chuông lắp vào xe nó, biết đâu. Cháu của bạn tôi sẽ tháo một cái tăm để mài nhọn, làm chiếc dùi đóng sách, biết đâu. Và biết đâu đống sắt còn lại ấy sẽ “luân-hồi” vào trong một dụng-cụ khác bằng kim-khí…

Bạn tôi chấp rằng chỉ có một cái xe đồng-nhất bất biến, mà kỳ thực, chỉ có một hiện-tượng “xe” luôn luôn chuyển biến. Đó là “vọng-tưởng” thứ nhất.

Bạn tôi, vì cái ý-thức vụ-lợi, chỉ cắt xén một giai-đoạn của thực tại để mà cho rằng “có”, và cho tất cả những giai-đoạn giai-đoạn trước và giai-đoạn sau đều là “không”. Cái quan-niệm về có và không sai-lạc ấy là một “vọng-tưởng” thứ hai.

Hai thứ vọng-tưởng kia phản-chiếu một nhận thức sai-lầm chung cho tất cả mọi người.

Muôn vàn hiện-tượng có biến chuyển, vì thế có sinh diệt thành hoại, nên ta cảm thấy cái có và cái không của vạn vật. Quan-niệm về có và không của chúng ta hoàn-toàn do sự sinh diệt của ngàn muôn hiện-tượng mà có. Kỳ thực, muôn ngàn hiện-tượng chỉ kế tiếp nhau mà phát hiện theo luật tương-quan tương-duyên, cái có và cái không của chúng chỉ là giả-tưởng do trí-óc “vọng-tưởng” của ta tạo ra mà thôi. Không có gì thêm vào, cũng không có gì bớt đi. ” Rien ne se crée, rien ne se perd  ” câu nói này thật là chí-lý. Vậy thì có và không chỉ là những giả tướng của các hiện-tượng sinh-diệt. Trí-óc ta nhận “có”, là khi nào ta thấy được một hiện-tượng do nhân-duyên cấu-hợp ; trí-óc ta nhận “không”, khi ta thấy hiện-tượng ấy theo nhân-duyên mà tan rã. Cái ” có, không ” của ta quan-niệm, là cái khôngcủa các đợt sóng, chứ không phải của nước. Muôn ngàn đợt sóng thấp, cao, lớn, bé, đua nhau thành hoại, có, không ; còn nước (bản-thể của muôn ngàn đợt sóng ấy) vẫn không bao giờ chịu luật có, không, thành, hoại của các đợt sóng vốn là hiện-tượng của mình.

Về mỗi đợt sóng, ta có thể phân-biệt đầu đuôi, mất còn, to nhỏ. Những danh-từ này chỉ để nói cho sinh-diệt của các làn sóng, không thể gán vào cho nước.

Về các hiện-tượng, ta phân-biệt có thỉ, có chung, có nhân, có duyên, có lớn, có nhỏ. Nhưng những danh-từ thỉ chung, nhân-duyên, lớn nhỏ ấy không thể gán cho vũ-trụ, cho thực-tại, cho bản-thể. Hiện-tượng tuy còn mất sinh diệt, bản-thể vẫn bất-biến, trường-tồn. Hai đầu đòn cân tuy có lên có xuống, có chậm mau, có sau trước, nhưng chính bản-thân cái đòn cân vẫn là đòn cân, không có lên xuống, chậm mau, sau trước gì cả.

Thực tại là cả một cái gì vượt ra khỏi sinh-diệt, tồn vong, không có. Thế mà người ta nỡ xem thực-tại như là những hiện-tượng có sinh-diệt, có thỉ chung, và bắt trí óc phải tìm ra “nguyên-nhân đầu tiên ” của nó.

o

o o

Trong biển sinh-diệt, “một” hiện-tượng là nhân cho “tất-cả” các hiện-tượng khác, và cũng là quả do tất cả mọi hiện-tượng khác làm nhân. “Một” do “tất cả” mà thành, “tất cả” đều do một mà phát hiện. Trong một có tất cả, trong tất cả có một, lý ” nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất ” ấy vốn là căn-bản của luật nhân-duyên tương-hợp tương-thành.

Trong thế-giới tương-quan tương-duyên nhiệm-mầu của hiện-tượng, trí óc ta cứ có tật cắt xén, phân chia thành từng cá thể riêng biệt rồi đi tìm một nguyên nhân cá-thể ấy.

Quan-niệm nhân-quả của một chiều (một nhân một quả) của Aristote ngày xưa đã là sai lạc lắm rồi. Nay muốn ngược dòng nhân-quả một chiều ấy để tìm đến nguyên-nhân đầu tiên thật không còn gì dại-dột và ngây-ngô hơn nữa.

Các giả-tướng sinh-diệt, có không, chung thỉ, hoàn-toàn do óc vô-minh vọng-tưởng của con người tạo ra cả. Một ngày kia, thể nhập vào THỰC-TẠI, vào cuộc sống muôn đời, ta không còn thấy những giả tướng sinh diệt có không kia nữa. Thực-tại là thực-tại. Nó không “có” và không “không” như các hiện-tượng sinh-diệt. Thực-tại vượt ra ngoài giả tướng có không. Nếu như thực-tại có “có”, thì cái “có” ấy chẳng phải là cái “có” của giả tướng nhân-duyên. Nếu nó có “không”, thì cái “không” ấy cũng chẳng phải là cái “không” của giả tướng nhân-duyên. Thực-tại không “có” một cách giả tạm như hiện-tượng sinh-diệt, nên gọi là “diệu-hữu”: thực-tại không “không” một cách giả tạm như hiện-tượng sinh-diệt nên gọi là ” chân-không “.

Diệu-hữu và chân-không là hai danh-từ dùng để mô tả thực-tại bất-biến, bất-sinh bất-diệt, vô-thỉ, vô-chung. Con người khi thể-nhập vào lòng thực-tại thì bao nhiêu giả tướng sinh, diệt, thành, hoại, thỉ, chung đều tiêu-tan cả.

Để làm sáng tỏ nguyên-lý này ta nên lấy một thí-dụ:

Một hôm, ta trông thấy một chú bé mủm mỉm dễ thương, tay chân hồng-hào nằm ngủ trong nôi. Mười năm sau, ta trở về, trông thấy một cậu bé tay chân cứng cát, chạy nhảy nô đùa và tỏ ra rất láu lĩnh. Ta bảo: ” Chà, cậu bé mau lớn làm sao “. Trong trí, ta hình-dung cậu bé lúc mới sinh, ta so-sánh hình-ảnh ấy với hình-ảnh bây giờ, ta thấy có biến chuyển, có trước sau, có lớn nhỏ, nghĩa là có thời-gian. Cha mẹ của cậu bé thì ít suy-tưởng như ta và ít thấy như ta. Họ ở gần cậu bé luôn, và không thấy cậu bé “mau lớn” như ta thấy. Nhưng nếu cố ngồi nhớ lại một vài hình bóng ngày xưa của cậu bé và đem so-sánh những hình bóng đó với hình-ảnh bây giờ, họ cũng thấy được một ít những biến-chuyển, đổi thay. Đến như chính cậu bé ấy thì cậu không hề có cảm-tưởng rằng cậu đã lớn, cậu đã biến chuyển hàng năm, hàng ngày, hàng giây phút. Cậu không cảm-nhận được sự sinh-diệt của các tế-bào trong cơ-thể cậu. Cậu không có những ý-tưởng về sinh-diệt, trước sau, lớn nhỏ, biến chuyển hay không biến chuyển; tóm lại, trong sinh-hoạt bản-thân, cậu không có ý-thức về không-gian và thời-gian. Vì sao thế? Vì chính cậu là thực-thể, cậu đã ” thể-nhập vào thực-tại “. Nếu cậu tự đối-tượng-hóa để suy-nghiệm, cậu hồi-tưởng một vài hình ảnh cũ của bản thân rồi đem so-sánh nó với hình-ảnh hiện thời của mình, cậu cố ý-thức được rằng các tế-bào trong cơ-thể cậu đang sinh diệt từng giây phút, thì cậu sẽ cảm thấy tất cả những biến-chuyển, sinh diệt, thành hoại, thỉ chung, còn mất, nghĩa là cậu sẽ thấy có thời-gian và không-gian. Chính vì “đối-tượng-hóa” mình như vậy, nên cậu sinh ra lo sợ, suy-nghĩ, bực dọc… Giá đừng bao giờ cậu “đối-tượng-hóa” mình cả, thì cậu sẽ suốt đời sống trong an-lạc hồn-nhiên.

Vậy con người nằm trong thực-tại, con người chính là thực-tại, là những hiện-tượng của thực-tại bất-sinh bất-diệt. Vì vô-minh, con người đã đối-tượng-hóa thực-tại, cho nên đã lo sợ, buồn vui, thương ghét, đã khổ đau vì những giả tướng sinh diệt, thành hoại, thỉ chung. Và nay con người lại muốn điên-đảo thêm, khổ đau khắc-khoải thêm, cho nên mới bôn-ba đi tìm cái “bắt đầu” của vũ-trụ, cái ” nguyên-nhân đầu tiên ” hư-ảo không bao giờ có vậy.

 

 

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.