Tôi có người bạn học chung lớp hồi tiểu học, nay lên trung học hai đứa lại học chung. Đã vậy, chúng tôi lại ở chung xóm nữa nên chuyện thân nhau là lẽ thường. Bạn tôi tên Dũng. Trong xóm cũng như ở trường đều gọi Dũng là Dũng dẹo vì chân của Dũng bị tật từ tấm bé. Tôi không bao giờ gọi Dũng bằng tên đó vì sợ bạn mình mặc cảm nhưng một đôi khi, tụi bạn cùng lớp hay cùng xóm cũng buộc tôi phải gọi như vậy khi hỏi tôi “Dũng nào?”. Có nhiều Dũng quá (Dũng hí, Dũng cồ, Dũng Hà-ra…), nói Dũng không thôi thì ai biết là Dũng nào. Tánh Dũng cộc cằn, khó chịu nhưng đã kết làm bạn với ai thì Dũng đối xử hết lòng, tốt bụng. Vậy cho nên chúng tôi mới chơi thân với nhau một thời gian dài được. Dũng học không khá lắm, mà được cái siêng năng, bài học bài tập lúc nào cũng đầy đủ nên tôi thường qua nhà Dũng để chép lại những bài học của lớp trước khi về nhà. Gia đình tôi không biết tôi trốn học vì lẽ đó. Dĩ nhiên là tôi không thể che giấu mãi, nhưng được ngày nào hay ngày nấy. Như vậy, trong những ngày trốn học đó, tôi sống trong phập phồng, đôi lúc rất căng thẳng. Tôi muốn trốn thoát vĩnh viễn sự đè nén khó chịu đó nhưng chẳng biết làm sao. Tôi muốn chống lại chuyện đi học nhưng không chống nổi sự hãi sợ đối với ba mẹ, với thầy giáo, với anh chị lớn trong gia đình. Vẫn còn những trói buộc, những kềm chế, áp đặt trên cuộc sống đầy mộng tưởng của mình. Mộng tưởng của tôi nào có gì tốn kém, hao hụt gì cho gia đình, cho xã hội! Chỉ là cái mơ ước cỏn con được vui đùa thảnh thơi, với trời cao đất rộng mà thôi! Chỉ là cái mơ ước bé xíu muốn vất tung, đạp đổ hết những sách vở, giấy bút của học đường mà thôi!
Đang khi tôi bị chìm đắm trong nỗi chán chường và hãi sợ đối với những người lớn trong gia đình (các anh chị) và trong học đường, mẹ tôi đã vô tình mở cho tôi một cơ hội. Sáng thứ bảy tuần đó, mẹ sai tôi đem cuốn sách tự học tiếng Nhật lên chùa Hải Đức cho Thầy Hải Tuệ.
Nếu tôi nhớ không lầm thì ngôi chùa này tôi đã có theo mẹ đến một vài lần khi còn bé xíu, bốn năm tuổi. Một lần khác, cách đây vài năm–khi tôi được tám, chín tuổi–tôi và đứa em kế đi lễ hội Phật Đản ở chùa Tỉnh hội; hai đứa luồn theo đám đông, thấy thiên hạ đi đâu thì mình cứ đi đó, cuối cùng đến chùa Hải Đức này lúc nào chẳng hay. Lúc đó vào buổi tối, lại đông người, chúng tôi đâu có nhìn ngắm hay thưởng thức được cái gì hay ho của ngôi chùa nổi tiếng này. Chỉ ham vui mà đi thôi. Bây giờ, tôi theo lời hướng dẫn của mẹ, đến chùa một mình vào buổi sáng.
Chùa Hải Đức nằm trên đồi Trại Thủy, chiếm gần hết chiều dài của đỉnh đồi với khu chánh điện, nhà trù (bếp), trai đường rồi hai dãy tăng phòng rộng lớn có thể chứa khoảng trên hai trăm tu sĩ. Có bốn ngả dẫn đến chùa: một ngả đi ngang chùa Phước Điền và xóm chùa dưới chân núi để lên tam cấp dẫn đến phương trượng, tổ đường và khu nhà trù (tức là nhà bếp) – có một đoạn rẽ trái để ra trước chánh điện (gọi là đường Bình minh); một ngả từ Phường củi (Phương Sài) theo con đường dốc trài trài dẫn lên ngõ tam cấp trước cột cờ và chánh điện (nối với đường Bình minh nói trên); một ngả là đường đất thoai thoải, ngoằn ngoèo ở lưng chừng đồi bắt đầu từ phía hông trái của chùa Tỉnh hội và chấm dứt ở dãy bệnh xá của chùa Hải Đức (gọi là đường Hoàng hôn); và ngả cuối cùng là con đường rộng (xe cam nhông có thể chạy lên được) từ Kim Thân Phật Tổ (trên đỉnh núi phía sau lưng chùa Tỉnh hội) dẫn đến dãy tháp chuông lớn và dãy tăng phòng mới cất của chùa Hải Đức (thường gọi là dãy “nhà mới”).
Tôi chọn con đường thứ tư này để lên chùa Hải Đức. Mẹ tôi nói đường này đi rất mệt vì phải leo tam cấp từ sau chùa Tỉnh hội lên Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật Thích Ca thật lớn xây trên đỉnh núi, tượng ngồi, mặt xoay về hướng biển Nha Trang) rồi mới men theo con đường núi bên hông tượng Phật mà qua chùa Hải Đức. Mẹ khuyên tôi hãy đi con đường bên hông chùa Tỉnh hội (đường Hoàng hôn), khỏi leo tam cấp mà lại có bóng mát nữa, nhưng tôi muốn đi đường có tam cấp sau lưng chùa Tỉnh hội hơn, vì dù sao, theo lời chỉ dẫn thì con đường này có vẻ dễ đi hơn, không sợ bị lạc.
Hì hục leo hết mấy trăm bậc cấp, tôi lên đến trước Phật đài (ở Nha Trang người ta đặt tên thắng cảnh này là Kim Thân Phật Tổ). Vừa khỏi bậc tam cấp cuối là tôi đón nhận ngay luồng gió biển quen thuộc thổi qua lồng lộng. Lúc ấy du khách thưa thớt. Lác đác vài người đứng chụp hình, lễ bái. Tôi sung sướng đứng lại một lúc ở khoảnh sân trước Phật đài, nơi có những luống hoa chuối và cây kiểng đủ loại trồng chung quanh. Từ đây tôi có thể nhìn khắp thành phố Nha Trang. Sau lưng Phật đài là chùa Hải Đức, xa hơn nữa là vườn dừa xanh um, ngút ngàn, chạy dài từ cầu Xóm Bóng đến tận các dãy núi phía tây Nha Trang. Phía bắc là Phường Củi với những xóm nhà lụp xụp và con sông nhỏ (tôi không biết tên) dẫn ra cầu Hà-ra, nước chảy lặng lờ, ghe thuyền lác đác, hai bên bờ sông những dừa là dừa. Phía nam, tức bên trái của Phật đài là đồng ruộng bát ngát của khu Đồng Nai, Xóm mới, chạy vào tới Đồng Bò và dãy núi Hoàng Ngưu. Phía đông, tức phía trước mặt Phật đài, là thành phố Nha Trang hiền hòa như e ấp dưới nắng mai. Chỉ một số nhỏ cao ốc khiêm nhường vươn lên. Xa hơn nữa là biển Nha Trang, kéo một vạch thẳng xanh thẫm, lấp loáng ánh bạc ở mé đông. Những cánh buồm, những ghe thuyền qua lại, chỉ còn thấy nhỏ li ti như những hạt bụi đen trắng, điểm nhẹ trên dòng nước biếc. Các hải đảo như đậm nét hơn khi nhìn từ xa. Biển, núi, trời, mây, như dính với nhau mà lại rời nhau với từng đường ranh phân biệt rõ nét. Y như một bức tranh. Y như một giấc mộng. Ôi, tôi thật muốn khóc. Vâng, tôi muốn khóc lên trước vẻ đẹp của đất trời mênh mang thơ mộng này.
Từ KimThân Phật Tổ qua chùa Hải Đức, tôi phải đi ngang các dãy phòng tăng trước. Lúc ấy đang là giờ nghỉ trưa của quý thầy. Tôi rón rén đi nhẹ trên đất sỏi để khỏi làm kinh động không khí tĩnh mịch nơi đây. Nghe mẹ nói rằng ở viện có gần hai trăm vị sư. Vậy mà ở các dãy tăng phòng lại im phăng phắc. Chỉ còn tiếng ve kêu, chim hót. Có một vài vị sư không ngủ, đang ngồi học hoặc lim dim tọa thiền dưới mái hiên, một cách im lặng. Có vị mắc võng nằm đọc sách dưới những gốc cây ở mé đồi. Thấy tôi đi ngang, có vị đưa tay ngoắc, vẫy, như chào đón một tục khách ghé thăm cõi tiên, rồi tiếp tục đọc sách, hoặc úp sách che mặt mà ngủ. Họ cạo đầu, bận áo vải nâu hoặc lam đơn sơ, cũng học cũng đọc sách, nhưng phong thái nhẹ nhàng, không có vẻ gì là phải chạy theo, dấn bước theo những nề nếp khuôn khổ của cuộc đời. Tâm tư tôi có lẽ không sáng sủa gì lắm trong vấn đề hiểu biết sách vở, nhưng tôi nhớ rất rõ rằng nó thật bén nhạy trong sự khám phá và cảm nhận những cái đẹp bí ẩn và huyền nhiệm của thiên nhiên và con người. Thật vậy, lúc ấy, nhìn các vị sư trong khung cảnh chùa là tự dưng tôi biết cuộc sống của họ có những niềm vui vô cùng cao khiết mà tôi sẽ không thể tìm thấy được nơi trần gian loáng thoáng ẩn hiện dưới chân núi nầy.
Tôi tìm gặp thầy Hải Tuệ, người mà mẹ tôi muốn đem dâng cúng cuốn sách “Tự học tiếng Nhật”. Thầy không nghỉ trưa mà ngồi đọc sách nên tôi vừa đến phòng khách là gặp ngay thầy. Thầy tiếp tôi tại phòng khách. Biết tôi chưa ăn trưa, thầy kêu một dì vải mang cho tôi một mâm cơm nhỏ. Tôi ngồi ăn một mình, thầy ngồi ở bàn gần đó, vui vẻ trò chuyện với tôi, thân mật cởi mở. Xong việc, tôi bái thầy mà về. Trở lại Kim Thân Phật Tổ. Từ đây, tôi ngồi lại một lúc ở thềm Phật đài, nhìn ra biển rộng lóa ánh mặt trời ở xa xa. Tôi biết ngoài cuộc sống tầm thường, buồn tẻ của thế gian, có một phương trời cao rộng đang mời mọc, chờ đón tôi.
“Hồi sáng me sai con đem đồ lên chùa Hải Đức, con thấy có nhiều thầy trên đó lắm.” (Anh chị em tôi gọi mẹ bằng me chứ không gọi mẹ hay má như người ta).
“Ừ, trên đó là trường tăng mà.”
“Trường tăng là gì vậy me?”
“Là trường để dạy chư tăng, dạy quý thầy đó. Trường tăng là gọi nôm na vậy thôi, chứ đúng thì phải gọi là Phật học viện.”
“Làm sao để được thành thầy vậy me?”
“Thì đi tu, làm chú tiểu, học tập trau luyện đủ mọi thứ rồi lớn lên làm thầy chứ sao. Nhưng nói thì nói vậy chứ đi tu không phải dễ đâu, phải có căn mới được.”
“Có căn là có cái gì vậy me?”
“Đại khái là có cốt, cái số hay cái mạng làm thầy tu đó mà.”
“Vậy con muốn đi tu có được không hở me? Me thấy con có căn không?”
Mẹ tôi ngừng bút, giật mình ngó tôi. Một lúc lâu, bà nói:
“Chuyện đó thì khó biết lắm. May ra có quý thầy ở chùa nhìn tướng con mới biết được. Con muốn đi tu hở?”
“Dạ, con muốn,” tôi đáp ngay.
Mẹ tôi im lặng, suy nghĩ một lúc lâu:
“Chắc ba không cho đâu.”
“Me xin cho con đi.”
“Được rồi, để ba về me sẽ nói với ba chuyện này.”
Tôi mừng rỡ, chờ đợi. Nhưng khi ba tôi về, mẹ vẫn chưa nói ngay. Hình như mẹ muốn chờ lúc thuận tiện. Ba tôi hiền lắm, vậy đó mà bỗng dưng tôi thấy sợ ông và nghe hồi hộp trong lòng khi chờ đợi mẹ xin phép cho mình đi tu. Tâm trạng chờ đợi trong hồi hộp và lo sợ đó, chắc là giống tâm trạng của một chàng trai đòi cưới vợ hay một cô gái đòi lấy chồng. Ba mẹ tôi nói chuyện như thì thầm với nhau vậy. Chưa biết kết quả ra sao.
Đêm đó tôi ngủ không được. Thật lạ kỳ! Tự nhiên ước muốn đi tu ập đến sau khi đi chùa Hải Đức về. Ý muốn vừa khởỉ lên là tôi nói, tôi xin ngay với mẹ chứ không suy nghĩ hay chần chờ gì. Trước đó tôi không hề nghĩ đến dù rằng tôi rất chán sống. Vậy mà khi nghĩ đến, nó thôi thúc đến độ như nếu không được cho phép đi tu thì cuộc đời tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Thực ra tôi cũng là một đứa bé siêng năng đến chùa tụng kinh Pháp Hoa vào mỗi tối ở chùa sư nữ gần nhà, nhưng việc tụng kinh mỗi tối đó không hề khích lệ tôi đi tu bao giờ cả. Có lẽ bây giờ thì khác: vẻ tương phản rất rõ giữa cuộc sống nhàm tẻ của việc đi học với khung cảnh thanh thoát của cảnh chùa đã thúc đẩy tôi việc chọn lựa này.
Sáng mai, ba hôn tôi rồi đi làm, vậy mà chẳng thấy dấu hiệu gì là ông đã nghe chuyện của tôi cả. Tôi rón rén đến bên cạnh mẹ, giả đò không đề cập đến chuyện đi tu, nhưng thực tâm là tôi chỉ chờ đợi mẹ tự động nói kết quả thảo luận giữa bà và ba tôi đêm qua. Mẹ tôi nói mà có vẻ như ái ngại, sợ tôi buồn:
“Ba nói con đi tu là tốt lắm, nhưng con hãy còn nhỏ tuổi quá. Mười, mười một tuổi mà đi tu thì còn sớm lắm. Ba nói con ráng học cho xong tú tài rồi đi tu cũng đâu có muộn!”
“Xong tú tài là bằng chị Hồng bây giờ phải không me? Vậy là mấy năm nữa?”
Mẹ tôi nhẩm tính một lúc rồi nói:
“Bây giờ con học đệ lục phải không? Vậy tức là còn khoảng năm, sáu năm nữa thôi.”
Năm, sáu năm nữa thôi. Mẹ tôi nói vậy mà không biết được nỗi thúc giục cấu xé tâm hồn bé thơ của tôi. Tôi đau khổ. Ừ, đau khổ sớm quá. Ước vọng đơn giản như vậy mà cũng không được gia đình đáp ứng! Tôi mếu máo, lặng lẽ rời mẹ, vào trong góc tối của bàn thờ, cái chỗ tăm tối mà có lần tôi suýt tự tử tại đó, ngồi thút thít một mình. Một chốc sau, mẹ tôi bước vào dỗ dành:
“Ráng đi con, chừng vài năm nữa rồi ba me cho con đi tu.”
Tôi vùng vằng, giận lẫy. Hai ngày sau, tôi bỏ nhà ra đi. Nhưng chưa phải là chính thức đi tu. Lúc đó không hiểu sao tôi chẳng nghĩ đến chuyện trốn ngay lên chùa Hải Đức hay bất cứ một ngôi chùa nào ở Nha Trang. Có lẽ vì một thân một mình đến gõ cửa các chùa làm tôi e ngại. Huống chi tôi chưa rành rẽ gì chuyện xuất gia. Theo như mẹ tôi diễn tả chuyện đi tu, tôi thấy hình như rắc rối lắm, khó khăn lắm, sức thường không làm nổi. Làm sao một đứa bé như tôi dám đến chùa một mình, tự xin cho mình được xuất gia! Tôi đến nhà Dũng, cứ ở lại đó, ăn ngủ, không chịu về. Ba nó chẳng thắc mắc gì, cứ tưởng con nít ham vui, chạy qua chạy về, chứ đâu có biết tôi bỏ nhà mà đi. Nhưng thực ra nhà Dũng đâu có xa xôi gì: cùng một xóm với nhà tôi thôi. Ông anh kế của tôi chỉ đến ngay trước nhà Dũng, đưa ngón tay ngoắc một cái. Vậy là tôi gói ghém hành lý đơn sơ của mình, về ngay. Chí xuất gia thì mạnh lắm nhưng chí trốn nhà thì hãy còn yếu. Bị phát giác nơi trốn là đã chịu thua cuộc rồi. Về nhà bị ông anh lớn la một trận, đòi đánh. Mẹ tôi can ngăn, rồi dùng lời dịu ngọt mà dỗ dành. Thôi thì đành nhẫn nại chờ cơ hội khác.
Xin đi tu làm một đứa bé hiền lành chỉ biết có kinh kệ mà chẳng được đáp ứng, còn bị hiểu sai, bị xuyên tạc nữa. Tôi buồn quá, lại kiếm giờ rảnh xuống biển ngồi. Tôi mua một cái bong bóng bay để viết lên ước nguyện của mình. Thấy ông già bán bong bóng đi ngang tự nhiên tôi nẩy ra ngay ý định viết lời ước nguyện của mình lên cái bong bóng. Tôi dùng bút nguyên tử viết nhanh, không cần suy nghĩ: “Lạy Phật Trời, xin giúp cho con được đi tu”. Viết xong thấy vẫn còn nhiều khoảng trống, tôi viết thêm: “Con tên là … con của ông … và bà … Con ở số nhà … Xin giúp cho con được đi tu”. Viết xong, tôi đọc lại thật kỹ xem còn muốn nói gì nữa không. Rồi tôi thả chiếc bong bóng bay lên bầu trời đầy mây trắng. Tôi ngồi dõi theo chiếc bong bóng bay cao, bay cao, cho đến khi nó nhỏ dần rồi mất hút ở đâu sau những cụm mây, không sao nhìn thấy được nữa. Tôi hy vọng một ông tiên hay bà tiên nào đó bay ngang sẽ bắt gặp chiếc bong bóng ước nguyện của tôi. Rồi ông tiên, bà tiên đó sẽ đem chiếc bong bóng vào trình lên Đức Phật, hay trình cho ông Trời. Các ngài sẽ động lòng và tìm cách giúp đỡ tôi, cho tôi được toại nguyện. Thả bong bóng rồi, tôi thấy nhẹ trong lòng vô cùng. Tôi sung sướng mỉm cười một mình và tự khen mình đã nghĩ ra được cách viết thư thật bảo đảm và nhanh chóng đến Phật Trời. Tôi về nhà chờ đợi kết quả. Nhiều ngày trôi qua vẫn không thấy dấu hiệu gì là Phật Trời giúp tôi cả. Tôi buồn lắm, nhưng tôi không dám oán trách các ngài. Tôi nghĩ chắc là phải có lý do chính đáng nào đó nên các ngài không đáp ứng được lời cầu xin của tôi; cũng có thể là thư bong bóng do tôi gởi đã đi lạc… hoặc bị bể trước khi đụng tới tầng mây thứ chín.
Vài tháng sau, tôi lại trốn nhà mà đi. Lần này cũng vậy, chưa phải là đi tu thực sự, nhưng cứ trốn nhà cái đã rồi tính sau. Tôi muốn làm vậy để ba mẹ và gia đình biết rằng chuyện tôi đòi đi tu là chuyện nghiêm chỉnh chứ không phải chuyện đùa. Lần này, tôi không dại gì mà tới nhà Dũng như lần trước. Với mấy chục đồng để dành trong túi, tôi đi lang thang suốt ngày ngoài phố. Thời giờ thừa thãi lắm, phải tiêu sao cho hết mà không thấy chán. Ở Nha Trang có năm rạp xi nê (lúc đó chưa có rạp Nha Trang và Hưng Đạo), rạp nào tôi cũng vào được mà không tốn tiền. Cứ đem cái uy của ba tôi ra là được miễn phí thôi. Các ông, các bà bán vé, soát vé, biết mặt anh em chúng tôi mà. Cứ chường mặt ra nói: “Con vô nghe chú” hoặc “Cho con một cái vé đi cô” là được vô. Anh chị em lớn của tôi thì không đi coi xi-nê theo kiểu đó. Chỉ có bọn nhóc như tôi thì cứ mượn danh ba để vào cửa mà thôi. Nhờ vậy mà trong mấy ngày trốn nhà, tôi vào rạp xi-nê vừa coi vừa ngủ cho hết thì giờ.
Ra khỏi rạp, thấy đói bụng thì đi mua một ổ bánh mì. Kiếm chỗ nào hơi khuất để ngồi gặm. Ba mẹ tôi dạy không được vừa đi vừa ăn ngoài đường. Khát nước. Uống nước mía. Sang lắm. Chưa biết thế nào là sự cần kiệm. Hết phim để coi thì lại mò xuống bãi biển. Buổi tối thì lẻn vào chùa sư nữ gần nhà. Chùa có mở trường mẫu giáo gồm hai lớp, một lớp trên lầu, một lớp dưới lầu. Tôi trốn trên lầu. Trước khi đóng cổng chùa, các sư cô kiểm soát hai phòng học; liếc nhìn một cái rồi khép cửa phòng học lại. Tôi yên tâm nằm ngủ dưới đất. Bàn học của mấy đứa mẫu giáo nhỏ quá không đủ cho tôi nằm dù tôi chẳng cao bao nhiêu. Sớm mai khi các sư cô mở cổng, quét dọn, tôi làm bộ như mới đến chùa, kiếm cái chổi quét giúp các sư cô. Quét xong, kiếm miếng nước uống. Sư cô bảo uống sữa nóng đi. Sáng nào các sư cô cũng nấu một thùng sữa (loại sữa bột của Mỹ do cơ quan từ thiện nào đó đem đến cho chùa) cho các em học sinh mẫu giáo đến trường tẩm bổ. Uống sữa rồi, sư cô lại đưa cho một ổ bánh mì nóng dòn kẹp mì căng hay đậu hủ chiên rất ngon. Bánh mì nầy cũng dành cho các em mẫu giáo. Nhưng phần bánh và sữa lúc nào cũng dư thừa, chia thêm cho tôi cũng không hao hụt gì. Huống chi tôi là một đứa bé trai siêng năng tụng kinh Pháp Hoa mỗi tối ở chùa này, sư cô nào lại chẳng biết. Vậy là ăn bánh uống sữa chắc bụng rồi, tôi lại tiếp tục đi lang thang, ra phố, xuống biển cho hết ngày. Nhưng lần nầy tôi lại bị bắt về trong một trường hợp rất là buồn cười: tôi đang lang thang ngoài phố bỗng gặp người chị lớn đi ngược chiều. Tôi chào chị. Chị cười và gật đầu nhẹ một cái. Lúc đó tôi quên mất là mình đang trốn nhà mà chị tôi cũng không nhớ. Chào nhau xong thì cũng vừa tiến sát lại gần nhau. Bất chợt bà chị nhớ lại, và ngay lúc ấy, tôi cũng nhớ lại cái thực tế là mình đang trốn nhà! Tôi tính vụt chạy, nhưng bà chị đã chụp được cánh tay tôi, nắm thật chắc:
“Đi về! Trốn đi đâu nữa! Cả nhà đang sốt ruột tìm mà không biết sao!”
Tôi theo người chị về tới nhà. Lại bị ông anh lớn sừng sộ bộp tai mấy cái. Người chị kế thì ngắt véo, nói xỉa nói xói. Tôi không khóc. Tôi chỉ hối hận là đã làm cho ba mẹ tôi rầu lo suốt hai ngày nay mà thôi. Và tôi buồn là ở nhà vẫn không hiểu được lý do trốn nhà của tôi. Ai cũng cho rằng tôi lười biếng đi học, ham chơi sa đà, thích đi bụi đời với bạn bè xấu. Có lẽ chỉ có ba mẹ tôi là có thể hiểu vì sao, nhưng ông bà quên mất rồi thì phải! Hình như ước nguyện đi tu của tôi đã được hiểu như là một sự bốc đồng, một ước muốn có tính nhất thời như thích áo thích quần vậy. Hơn nữa, chuyện đi tu của một đứa con trai nhỏ trong gia đình vui nhộn này rất khó tin. Ai có thể tưởng tượng được chuyện có một đứa con, một đứa em, đòi đi tu!
Vậy là tôi phải tiếp tục sống – có nghĩa là đi học, vì chuyện đi học chiếm gần hết thì giờ của tuổi thơ mà! Nhưng cũng chỉ kéo dài đâu chừng hai tháng là cùng. Hai tháng đó là hai tháng đầu năm, nhà nhà vui xuân, vui Tết. Tôi cũng như bao đứa trẻ khác, ham vui, chạy theo sự nhộn nhịp tưng bừng của hội xuân. Ngày Tết trường đóng cửa, học sinh tiểu và trung học đệ nhất cấp được nghỉ từ bảy đến mười ngày. Như vậy thì cuộc sống yên vui quá rồi. Tôi quên luôn chuyện xuất gia chưa thành của mình, cứ vui chơi ba ngày Tết. Đến ngày mồng bốn, mồng năm, không khí Tết coi bộ đã nhàn nhạt đi rồi. Dù bọn trẻ như tôi vẫn chưa phải đến trường nhưng ba và các anh chị lớn của tôi đã đi làm, đi học trở lại. Sắp hết Tết rồi. Sắp đi học trở lại rồi. Lúc đó tôi mới sực tỉnh. Rằng không có cuộc chơi nào kéo dài. Rằng nếu là con em của một gia đình chú trọng văn hóa thì phải học, học, học cho đến khi thành tài, có bằng cấp… Rằng đã chấp nhận chuyện đến trường hằng ngày là phải chấp nhận từ bỏ những mộng ước, những đam mê vui đùa hay sự phóng tâm vào những chân trời cao rộng xa xăm. Cái thực tế trời, biển, núi, mây, thực ra chẳng phải thực tế. Người ta nhìn chúng là những cái đâu đâu, như tranh, như mộng (kẻ nào ham thích cảnh thiên nhiên thì hẳn là lãng mạn, thiếu thực tế!) Thực tế của cuộc đời là nhà cửa, xe cộ, trường học, bảng đen, giấy bút …
Tôi buồn bã xuống bãi biển ngồi. Nhìn trời biển mênh mang, lòng tôi càng thêm thấp thỏm, như bị thúc giục mời gọi một chuyến lang bạt kỳ hồ nào vậy. Ai bảo trái tim bé xíu của tuổi thơ không biết quặn đau nhỉ? Trong túi tôi, tiền Tết hãy còn. Tôi định bụng phải để dành thêm chút tiền nữa để có thể trốn nhà đi xa hơn. Sẽ có một ngôi chùa nào đó trên núi cao: buổi sáng sương mờ đẫm đầy vai, buổi chiều mây bạc lưng chừng núi, dưới thấp biển rộng quấn quanh chân, trên cao trời biếc giăng ngang đầu… Sẽ có vị sư hiền như ông tiên, ngồi trên tảng đá mà lắng nghe chim rừng kêu hót. Sẽ có tôi hồn nhiên như một tiểu đồng, quét những chiếc lá vừa rụng quanh hiên…