Đâu cần phải chống cự
Mỗi khi gặp khó khăn, ta thường than thở số phận mình sao đen bạc hơn bao kẻ khác. Bình tĩnh và nhìn kỹ lại đi, không có gì đặc biệt lắm đâu, không thể cho rằng khổ đau nào lớn hơn khổ đau nào, vì sự cảm nhận và sức chứa nơi tâm hồn mỗi người mỗi khác. Có khi, “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Cho nên, điều đầu tiên mà ta cần tự nhủ, đó là, nghịch cảnh vốn là chuyện thường tình, nó tự đến rồi nó sẽ tự đi. Vấn đề là ta phải ứng phó như thế nào để nó không tạo ra và để lại sự tàn phá nào đáng kể.
Điều cần thiết nhất là phải lập tức quay về chính mình, tìm mọi cách giúp cho cảm xúc lắng xuống, bình tâm suy xét và đánh giá chính xác mức tổn hại của khó khăn đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Có khi đó chỉ là thói quen dị ứng với những điều bất như ý, thái độ không sẵn sàng đón nhận cảm giác khó chịu bất ngờ xảy đến, chứ không hẳn là một hoàn cảnh khó khăn. Mà, dù đó đích thực là một hoàn cảnh khó khăn, thì ta cũng đừng để sự sợ hãi kinh điển từ nơi bản thân, hoặc sự cộng hưởng năng lượng tiêu cực từ những người xung quanh, làm cho trí tưởng tượng thổi phồng và bóp méo sự thật.
Nên nhớ rằng, ta là cả bầu trời cao rộng thênh thang, còn khó khăn kia chỉ là những trận gió bão. Gió bão dù điên cuồng đến đâu thì cũng không động tới được bầu trời xanh. Hãy luyện tập cho mình kỹ năng quan sát và tách bạch giữa cái tôi tổng thể (bao gồm cả hiểu biết, thương yêu, tài năng, đức hạnh…) và hiện tượng tâm lý nhất thời. Tức là ta không đồng nhất mình với cơn bão cảm xúc, không đánh mất mình, không bị nó thao túng và điều khiển ra lời nói và hành động chống cự để rồi phải hối tiếc.
Muốn làm được điều kỳ diệu ấy, ta phải chịu khó luyện tập thói quen quan sát thái độ của mình trong mọi tình huống, nhất là mỗi khi nghe những lời góp ý thẳng thắn hoặc chê bai. Điều quan trọng là phải quan sát bằng thái độ không thành kiến và không thiên vị. Đừng cộng thêm vào và cũng đừng bỏ sót bất cứ điều gì đang xảy ra với cảm xúc, đừng làm mờ đục cái kinh nghiệm thuần túy ấy bằng những hình ảnh hay ý niệm mà ta đã lưu trữ sẵn trong tâm. Khi ấy, ta sẽ phát hiện ra trong ta chỉ còn lại cái cảm giác khó chịu hoặc cái đau thôi, một nguồn năng lượng tạm thời, chứ không phải là nỗi khổ của cái tôi như ta tưởng tượng hay đã từng nghe bao kẻ khác khẳng định và than oán.
Dĩ nhiên, không thể nào có ngay thái độ này khi mới bắt đầu luyện tập, vì ta hay có thói quen điều khiển và nhồi nặn tâm mình theo kiểu mẫu tốt đẹp nào đó. Và, đôi khi, ta còn tự lừa dối mình bằng những lời an ủi dịu ngọt, chuyện nhỏ thôi mà, có nhằm nhò gì đâu, nhưng tâm hồn lại nát nhàu và vỡ vụn mà không hay biết hoặc không nhìn nhận. Chỉ khi nào ý thức được giữ tâm quan trọng hơn giữ cảnh, ánh sáng tỉnh thức được duy trì lâu bền, thì ta mới có đủ khả năng tháo chiếc bẫy cảm xúc ấy ra từng mảnh nhỏ.
Nếu đã quyết chí luyện tập mà lòng vẫn không thể nới rộng ra hơn để đón nhận khó khăn, ý chí cũng không mạnh mẽ hơn để thấy đây là bài thực tập quý báu, thì ta đừng cố gắng quyết liệt nữa. Hãy thư giãn và nghỉ ngơi, rồi từ từ sẽ quay lại sau.
Hãy chú tâm vào những điều như ý cũng đang hiện hữu quanh ta kìa. Đó là những điều kiện của hạnh phúc, đừng quên. Đừng cứ chăm bẵm vào vũng tối đen, sẽ vô tình quên đi sự có mặt của các vì tinh tú. Khi nhìn thấy được cái lấp lánh kỳ diệu của các vì tinh tú, có thể ta sẽ không còn muốn nhìn vào cái vũng tối u ám nữa. Thậm chí ta không còn thấy đó là vũng tối đáng sợ, mà đó là cái nền phải có để tinh tú xuất hiện và tỏa sáng.
Đến một lúc nào đó ta sẽ tỉnh ngộ rằng, cảm giác sung sướng nhất thời và hạnh phúc chân thật là hai cái hoàn toàn khác nhau. Một cái đến từ đối tượng hấp dẫn bên ngoài, còn một cái có sẵn từ sự bình yên bên trong. Cái bình yên của tâm hồn chính là chấm dứt sự mong cầu và chống cự cho cái tôi, không thêm cũng không loại, trạng thái chấp nhận bản thân tuyệt đối, thấy mọi thứ xung quanh đều là chất liệu của sự sống, của hạnh phúc.
Và đến một lúc nào đó ta cũng sẽ nhận ra rằng, đấu tranh vì người và chống cự cho mình là hai cái rất khác biệt nhưng rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Một cái đến từ tình thương và sự sáng suốt, còn một cái đến từ quyền lợi của cái tôi và cảm xúc nông nổi. Nếu đích thực vì công lý, vì quyền lợi chung của tập thể hay cộng đồng, không xen kẽ chủ nghĩa cá nhân, cộng với tầm nhìn rộng rãi – không có kẻ xấu xa mà chỉ có tư tưởng và hành động sai lầm – thì phương thức đấu tranh tối ưu mà ta sẽ chọn đó là bất bạo động. Bởi cách đấu tranh này không tỏ ra hiếu chiến, tôn trọng đối phương, giải quyết vấn đề bằng lý trí, và ngầm hy vọng có sự thay đổi bên trong mà không để xảy ra những đổ vỡ đáng tiếc. Nói chung, cần có sự chuyển hóa hơn là tiêu diệt. Đây là con đường đấu tranh trí thức, nhân văn, vì dù gì thì cũng không quên tình đồng loại với nhau.
Điều kỳ lạ là hễ bớt mong cầu thì tự nhiên sẽ bớt chống cự, bớt tham thì sẽ bớt sân, vì tham và sân chẳng qua là hai loại phản ứng trước thuận-nghịch, tốt-xấu, được-mất, thành-bại… phục vụ cho cái tôi nông cạn. Khi quay về sống với chính mình nhiều hơn, không đặt hạnh phúc và mạng sống vào những thứ vật chất vô tri hay cảm xúc thất thường của kẻ khác, ta sẽ không còn nhiều lý do để tranh đấu nữa. Cái tôi bây giờ là một thực tại sinh động, mầu nhiệm, hòa điệu với vạn vật xung quanh, luôn tràn đầy năng lượng và sẵn sàng nâng đỡ mọi tâm hồn còn hoang mang trên con đường hạnh phúc.
Đăm đăm vào vũng tối
U ám nửa cuộc đời
Chợt dõi về xa vắng
Tinh tú lộng đầy trời.
Minh Niệm
http://giacngo.vn/phathoc/luockhao/2013/03/05/175408