Bài kệ 5
Hữu nhược bất thành giả 有若不成者
Vô vân hà khả thành 無云何可成
Nhân hữu hữu pháp cố 因有有法故
Hữu hoại danh vi vô. 有壞名為無
Cái có đã không thành,
Cái không sao thành được?
Nhân vì có cái có,
Cái có diệt thành không.
Khi dùng danh từ không thì ta có thể bị kẹt vào ý niệm không. Khi dùng danh từ có thì ta có thể bị kẹt vào ý niệm có.
Hữu nhược bất thành giả, vô vân hà khả thành: Cái có nếu không được thành lập (establish, confirm) thì cái không làm sao được thành lập? Rất là đơn sơ mà rất là hay! Khi nghe Bụt nói “cái đó không có” thì ta bị kẹt vào cái không, chưa thoát khỏi cái có đã kẹt vào cái không. Vừa nghe nói tiếng đàn không có tự tánh thì ta cho là tiếng đàn không có tự tánh. Ta dễ bị kẹt như vậy đó!
Lâu nay ai cũng cho Trung Quán Luận là luận Đại thừa và thầy Long Thọ trong khi viết Trung Quán Luận là một người xiển dương Đại thừa. Sự thật không phải như vậy, Trung Quán Luận không phải là Đại thừa. Tất cả kinh điển được trích dẫn trong Trung Quán Luận đều là kinh điển Nguyên thỉ. Thầy Long Thọ không có trích dẫn một câu kinh Đại thừa nào. Sau này thầy có giảng kinh Bát Nhã, nhưng khi viết Trung Quán Luận thì thầy không phải là người Đại thừa, không trích dẫn kinh Đại Thừa và không xiển dương Đại thừa. Trung Quán Luận là một tác phẩm không Đại thừa, không Tiểu thừa. Với Trung Quán Luận chúng ta thấy là tất cả những tư tưởng uyên áo của Đại thừa đã nằm sẵn trong kinh điển Nguyên thỉ. Cái hay của Trung Quán Luận là không cần trích dẫn một câu kinh Đại thừa nào mà vẫn nói lên được cái chân diệu của Đại thừa.
Kinh Bảo Tích (kinh Đại thừa) nói: “Anh tin rằng có. Nhưng khi nghe Bụt bảo là không thì anh tin vào không. Hết chui vào cái này thì anh lại chui vào cái kia. Thà rằng chấp có như núi Tu Di còn hơn là chấp không.”.
Ngay trong luận Trung Quán thầy Long Thọ cũng có nói rõ ràng: “Nếu cái có mà còn không có thì làm sao có cái không? Cái có mà không thành lập được thì làm sao thành lập được cái không?”. Cái không là do cái có mà có. Tay phải là do tay trái mà có, nếu không có tay trái thì làm sao có tay phải? Có là một cực đoan và không cũng là một cực đoan. Con đường trung đạo vượt thoát những cực đoan (extreme), vượt thoát những cặp đối nghịch như có-không, sinh-diệt, tới-đi. Bài kệ rất đơn giản và rõ: Nếu cái có không thành lập được thì làm sao cái không thành lập được?
Đây là lý luận:
Nhân hữu hữu pháp cố, hữu hoại danh vi vô
Là vì có cái có (nhân hữu hữu pháp cố) và cái có tiêu hoại cho nên có cái không (hữu hoại danh vi vô). Nếu không có cái có thì làm gì có cái không. Các nhà học giả cứ nói đạo Phật chủ trương là “không có gì hết!”. Hễ tin vào không là tin vào có, tại vì không có cái có thì làm sao có cái không? Cái có có, rồi nó tiêu diệt đi thì mới thành ra cái không! Vậy thì vấn đề không phải là có (being) hay không (non-being), vấn đề không phải là sự chọn lựa giữa có (être) và không (non-être) mà vấn đề là siêu việt ra khỏi có và không. Có và không không phải là thực tại. Nó chỉ là ý niệm, là vọng tưởng của mình thôi.
Bài kệ 6
Nhược nhân kiến hữu vô 若人見有無
Kiến tự tánh tha tánh 見自性他性
Như thị tắc bất kiến 如是則不見
Phật pháp chân thật nghĩa. 佛法真實義
Kẻ nào thấy có, không
Thấy tự tánh, tha tánh
Kẻ ấy không thấy được
Nghĩa chân thật Phật pháp.
Nhược nhân kiến hữu vô
Kiến tự tánh tha tánh
Nếu một người thấy có cái có và có cái không, thấy có tự tánh và có tha tánh. Thì người đó làm sao? Thầy Long Thọ trả lời:
Như thị tắc bất kiến
Phật pháp chân thật nghĩa
Như vậy thì người đó không thấy được nghĩa chân thật của Phật pháp, người đó không hiểu Phật pháp chút xíu nào. Nghĩa chân thật của Phật pháp là vượt thoát có-không, siêu việt cả hữu-vô.
Bài kệ 7
Phật năng diệt hữu vô 佛能滅有無
Như Hóa Ca chiên diên 如化迦旃延
Kinh trung chi sở thuyết 經中之所說
Ly hữu diệc ly vô. 離有亦離無
Bụt dập tắt có không
Trong kinh Ca chiên diên
Ngài đã nói giáo lý
Lìa có cũng lìa không.
Kinh Ca chiên diên là một kinh Nguyên thỉ, không phải kinh Đại thừa, có trong tạng Pali mà cũng có trong Hán tạng. Trong sáchNhật tụng thiền môn năm 2000, chúng ta có kinh này gọi là kinh Trung đạo nhân duyên. Trung đạo là the Middle path hay the Middle way. Kinh mang số 301 của Tạp A Hàm trong Hán tạng. Trong tạng Pali gọi là Kaccayanaggotta-sutta trong Samyutta Nikaya II, 16-17.
Phật năng diệt hữu vô
Bụt có khả năng dập tắt ý niệm có-không. Chữ Niết bàn có nghĩa là dập tắt (extinction), trước hết là sự dập tắt những ý niệm như là ý niệm có-không. Niết bàn có nghĩa là tự do, tự do đối với những ý niệm. Lấy hết những ý niệm đi thì ta có tự do vô biên. Vì những ý niệm cho nên ta tự giam hãm ta vào những cái khung (không gian và thời gian) rất chật hẹp. Ví dụ ta nghĩ ta chỉ có 18 ngày, 18 tháng hay 18 năm để sống. Đó là những ý niệm giam hãm mình. Tiếp xúc được với Niết bàn, tức là dập tắt được những ý niệm đó thì cái khung đó, nhà tù đó không còn nữa. Ta không còn sợ hãi và không ai có thể đóng khung ta được. Niết bàn được dịch là Freedom. (Freedom from all views, all notions including the notion of being and non-being).
Niết bàn cũng có nghĩa là diệt. Diệt ở đây không phải là từ có mà trở thành không. Diệt là diệt ý niệm có-không. Nhập diệt không phải là từ có mà trở thành không. Nhập diệt là đi vào thế giới vượt thoát cả có và cả không. Nghe nói người đó nhập diệt, ta nghĩ người đó không còn nữa là sai không biết bao nhiêu mà kể.
Như Hóa Ca chiên diên
Kinh trung chi sở thuyết
Ca chiên diên là thầy Kaccayana. Hóa là dạy dỗ, chuyển hóa sự sai lầm. Trong kinh “Hóa Ca chiên diên” có nội dung là:
Ly hữu diệc ly vô
Ly có nghĩa là lìa. Lìa có cũng là lìa không, bỏ có là bỏ không. Bỏ có mà chưa bỏ không là chưa thật sự bỏ có. Khi nào bỏ đượckhông thì mình mới có thể bỏ có được, vì có và không là hai cái đối lập nhau.
Bài kệ 8
Nhược pháp thực hữu tánh 若法實有性
Hậu tắc bất ưng vô 後則不應無
Tánh nhược hữu dị tướng 性若有異相
Thị sự chung bất nhiên. 是事終不然
Nếu pháp có thật tánh.
Thì không thể thành không.
Tự tánh có dị tướng,
Điều này không hợp lý.
Nhược pháp hữu thực tánh
Nếu các pháp thật có tự tánh, có cốt lõi, có thực thể, sự vật thật có thì,
Hậu tắc bất ưng vô
theo nguyên tắc, nó không thể nào trở thành không được. Theo định nghĩa thì tự tánh là một cái gì không thể từ không mà trở thành có hay từ có mà trở thành không. Nếu sự vật thật sự có, thì sau đó nó làm sao mà trở thành không được?
Tánh nhược hữu dị tướng
Thị sự chung bất nhiên
Tự tánh mà có hình tướng của sự biến đổi thì không hợp lý (bất nhiên). Bất nhiên là không phải như vậy (absurd). Thị sự là chuyện này. Chuyện này rốt cuộc không hợp lý. Chuyện nào? Chuyện tự tánh có biến đổi.
Có bốn tướng trạng là tướng sinh, tướng trú, tướng dị và tướng diệt. Các pháp đi ngang qua bốn tướng đó. Nó sinh ra, tồn tại một thời gian, từ từ thay đổi và rồi cuối cùng nó không còn nữa. Dị có nghĩa là thay đổi.
Đã là tự tánh, là cái có đích thực rồi thì làm sao biến đổi được? Tự tánh là cái gì mà không đi ngang qua sinh-trú-dị-diệt? Mà đi ngang qua sinh-trú-dị-diệt thì không phải là tự tánh, không phải là có thật. Nó chỉ là tuồng ảo hóa mà thôi (magic show). Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Nếu sự vật thật sự có thì làm sao sau này nó trở thành không được? Tự tánh đích thực của sự vật mà đi qua tướng biến đổi thì không hợp lý, tự tánh là phải chắc thật.
Trong khi ngồi thiền, ta phải quán năm uẩn của mình để thấy là ta không có tự tánh. Có năm uẩn, nhưng năm uẩn đều là không có tự tánh. Thấy được điều đó là vượt thoát mọi khổ đau, ách nạn. “Bồ tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu, thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát mọi khổ đau, ách nạn.” Chúng ta cũng phải làm như vậy!
Trong đời nhà Hán, ở phương Nam, có một vị vua người tên là Triệu Việt Vương. Ông ta thành lập một nước ở phương nam gọi là nước Nam-Việt gồm có mấy tỉnh miền Nam nước Tàu bây giờ và cả lãnh thổ Việt-Nam. Thời đó có rất nhiều bộ tộc mang tên Việt gọi là Bách Việt (một trăm bộ tộc mang tên Việt). Bây giờ ở miền Phúc Kiến cũng còn có người gốc Mân Việt. Phật học viện của chùa Nam Phổ Đà có tên là Mân Nam. Mân Việt là một trong những bộ tộc Việt. Vương quốc Nam-Việt gồm thâu một số các tỉnh miền Nam Trung Quốc và cả lãnh thổ Việt-Nam bấy giờ. Kinh đô của nước Nam-Việt ở miền Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông.
Cách đây khoảng 11, 12 năm người ta phát hiện ra lăng mộ của Triệu Việt Vương và hài cốt của ông vua. Trong một chuyến hoằng hóa ở Trung Quốc, thì phái đoàn Làng Mai có dịp đi vào thăm mộ của Triệu Việt Vương. Với kỹ thuật mới của ngành khảo cổ, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều chi tiết của nền văn hóa thời đó, trước Thiên chúa giáng sinh mấy trăm năm. Người ta tìm ra ngọc ấn của vua, những dụng cụ vua dùng thường ngày, vàng ngọc, thuốc, thực phẩm vua thích ăn. Người ta cũng tìm được thi hài của ngự y hoàng triều – ông bác sĩ của vua bị chôn sống theo để sang bên kia vua có người chăm lo sức khỏe. Ngoài ra còn có thi hài của cô cung nữ vua sủng ái yêu chuộng và thi hài của ngự trà – người đầu bếp đều cùng chôn sống theo để qua bên kia vua có người nấu ăn đàng hoàng.
Khi các thầy, các sư cô, các đạo hữu đi tham quan thì tôi cũng đi từng bước. Tôi nhận thấy rõ ràng là may mà ta được thấm nhuần ân đức của Đức Thế Tôn. Ta có được tuệ giác của Ngài nên không bị vướng vào quan điểm về thường, về ngã. Ta thấy rằng, ngay trong giờ phút hiện tại ta đã đi luân hồi không những đi theo chiều dọc mà còn đi theo chiều ngang dưới những hình thức khác. Tuệ giác của vô ngã, của vô thường, của tương tức không làm cho ta kẹt vào những ý niệm đã trở thành đức tin của người thời đó. Họ nghĩ rằng khi chết thì họ đem theo tất cả tự ngã của họ, đem theo tự tánh bất diệt của họ sang thế giới bên kia, cho nên khi đi sang thế giới bên kia cũng phải cần bác sĩ, người hầu hạ, v.v…
Nếu không có ánh sáng của Đức Thế Tôn thì làm sao chúng ta thoát ra khỏi ý niệm như vậy. Ta làm khổ mình bằng những lo sợ, rồi ta làm khổ người khác bằng cách chôn sống họ. Học ở Đức Thế Tôn về vô thường, vô ngã, phi hữu, phi vô là ta được giải thoát rất nhiều. Ta không còn là nạn nhân của những ý niệm như vậy. Ân đức đó quá lớn! Nếu có người cho ta tiền bạc, nhà cửa, danh vọng thì ta cũng không cảm thấy biết ơn như là khi ta nhận được giáo lý đó của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn phóng hào quang và làm tan biến những khối si mê trong lòng ta, để ta có thể thấy được sự vật trong thực tại của nó là vô thường, vô ngã, là không có cốt lõi, là tương tức. Thấy được như vậy thì ta không đòi chôn, đòi thiêu những người thương của ta theo ta khi ta chết. Ta không bị kẹt vào những cái như vậy.
Những điều chúng ta học ở đây rất là quan trọng! Nó không phải là huyền đàm. Ta học thì ta phải quán chiếu. Cái mà Đức Thế Tôn ban tặng cho ta lớn lắm, không thể nào có thể đền đáp trong một kiếp được đâu. Những người có quyền hành lớn như Triệu Việt Vương không có được một giọt nước cam lộ của Đức Thế Tôn nhỏ vào trong tim của ông. Nếu có được thì ông đã không làm như vậy. Ông đã đi qua bao hy vọng, thất vọng, sợ hãi, lo lắng, không biết mình sẽ ra sao sau khi chết. Được học hỏi, hiểu và quán chiếu chánh pháp, được sống đời sống hằng ngày theo ánh sáng của chánh pháp, đó là một hạnh phúc rất lớn.
Chúng ta phải nuôi tâm trạng biết ơn thì ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. Ở đời có bao nhiêu người được nghe, được học và được quán chiếu những điều như vậy? Người ta rất bận rộn, nào là trả tiền nhà, tiền điện thoại, tiền thuế, đi chợ, nấu ăn, đi làm, lái xe. Người ta không có thì giờ tiếp nhận, học hỏi và soi sáng cái tâm của mình. Chúng ta là người có phước rất lớn!
Bài kệ 9
Nhược pháp thực hữu tánh 若法實有性
Vân hà nhi khả dị 云何而可異
Nhược pháp thực vô tánh 若法實無性
Vân hà nhi khả dị? 云何而可異
Nếu pháp có tự tánh,
Thì làm sao biến dị?
Nếu pháp thật không tánh,
Cũng làm sao biến dị?
Đây là hai câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất:
Nhược pháp thật hữu tánh, vân hà nhi khả dị: Nếu tự tánh của sự vật là thực hữu, thì làm sao sự vật có thể thay đổi được? Dị là thay đổi. Nếu quả thật bản chất của sự vật là có (hữu) thì nó không cần sinh ra (sinh), tồn tại (trụ), nó không thể nào thay đổi (dị) và không thể nào diệt đi được (diệt). Cho nên nói sự vật là thật có thì không đúng tại vì nếu nó thật có thì không bao giờ nó trở thành ra không, nó không bao giờ thay đổi được. Vậy thì lý luận của câu hỏi này là: Nếu sự vật là thật có thì làm sao nó thay đổi và trở thành không được? Đó là định nghĩa của thật hữu (really existing).
Câu hỏi thứ hai:
Nhược hữu thực vô tánh, vân hà nhi khả dị: Nếu bản chất của các pháp là thật sự không thì làm sao có sự biến đổi và trở thành có được? Khi nghe câu hỏi đầu thì chúng ta có thể nghĩ rằng luận chủ (tác giả) chủ trương là các pháp không có tự tánh, nghĩa là sự vật không có. Nhưng chúng ta lầm, lầm to! Vì vậy có câu hỏi thứ hai: Nếu các pháp mà thật sự không thì làm sao nó thay đổi mà trở thành có?
Bài kệ này giúp ta thoát ra khỏi ý niệm về có và về không. Còn vướng vào không thì còn vướng vào có, vướng vào có là vướng vào không. Trong vở kịch Hamlet có câu: To be or not to be, that is the question! (Có hay không, đó là vấn đề!). Theo giáo lý của thầy Long Thọ thì: Có hay không, không phải là vấn đề. (Being or non-being, to be or not to be, that is not the question).
Trong kinh Kaccanyanagotta-sutra (Hóa Ca Chiên Diên kinh), Đức Thế Tôn có dạy rất rõ về vấn đề này. Ngài nói: Rơi vào ý niệm cólà một thái cực mà rơi vào ý niệm không là một thái cực khác. Ngài dạy giáo lý Trung Đạo là vượt thoát có và không. Đó không phải là kinh Đại thừa mà là kinh Nguyên thỉ. Trong sách Nghi thức tụng niệm đại toàn cũng như trong Thiền môn nhật tụng năm 2000 có kinh đó, kinh rất ngắn nhưng rất căn bản, rất quan trọng.
Nếu pháp có tự tánh
Thì làm sao biến dị?
Nếu pháp thật không tánh
Cũng làm sao biến dị?
Biến dị là thay đổi từ có tới không, hay thay đổi từ không tới có.
Giáo lý của Đức Thế Tôn rất là rõ, là vượt thoát có-không. Vậy mà rất nhiều người cứ buộc tội Đức Thế Tôn là dạy giáo lý hư vô. Nhất là các học giả Tây Phương, họ không hiểu được, họ cứ nghĩ là giáo lý đạo Bụt chủ trương hư vô.