Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào – Phẩm Quán Hữu Vô

Bài kệ 10

Định hữu tắc trước thường 定有則著常
Định vô tắc trước đoạn 定無則著斷
Thị cố hữu trí giả 是故有智者
Bất ưng trước hữu vô. 不應著有無

Nói có là chấp thường
Nói không là chấp đoạn
Cho nên kẻ trí giả
Không vướng vào có không.

 

Định hữu tắc trước thường

Nếu quyết định chắc chắn rằng sự vật là có (definitive existing, existence définitive) thì ta vướng vào ý niệm thường (permanence).

Định vô tắc trước đoạn

Nếu quyết định sự vật là không có thì ta kẹt vào ý niệm đoạn (annihilation).

Kiến chấp đầu là thường kiến, kiến chấp thứ hai là đoạn kiến. Thường kiến là quan điểm cho rằng sự vật là thường hằng (permanence). Đoạn kiến là quan điểm đối lập lại, cho rằng khi sự vật diệt rồi thì hoàn toàn không có gì nữa hết. Điều này có liên hệ tới vấn đề linh hồn.

Cơ đốc giáo tin rằng Thượng đế là thường hằng và linh hồn cũng thường hằng. Đạo Bụt phủ nhận thường và phủ nhận đoạn chứ không phủ nhận thường để rơi vào đoạn. Thực tại là không thường cũng không đoạn. Nói Đức Thế Tôn thuyết giảng về đoạn diệt, tức là chủ trương về đoạn (annihilation), là oan ức cho Ngài. Người ta, nhất là người Tây Phương, hay cho rằng, nếu không phải là thường thì dĩ nhiên phải là đoạn. Sự thật thì chấp vào đoạn cũng là chấp vào thường, tại vì không có thường thì làm sao có đoạn? Nếu cố chấp sự vật là có thì kẹt vào ý niệm thường mà cố chấp sự vật là không thì kẹt vào ý niệm đoạn.

Thị cố hữu trí giả

Bất ưng trú hữu vô

Thị cố là cho nên. Vì vậy cho nên những người có trí không nên kẹt vào ý niệm có và ý niệm không.

Hữu là existence, là être.  là non-existence, là non-être. Người có trí tuệ thì không bị kẹt vào có (hữu) mà cũng không bị kẹt vào không (vô). Hữu là asti (bhāva),  là nāsti.

Chúng ta phải nhìn mình, nhìn người thương hay người ghét của mình bằng con mắt như vậy; chúng ta phải nhìn Bụt, nhìn Chúa bằng con mắt đó, tức là không thấy có một thực thể nào thường hằng hay một thực thể nào đoạn diệt cả. Chúng ta phải nhìn bằng con mắt của trung đạo.

Bài kệ 11

Nhược pháp hữu định tánh 若法有定性
Phi vô tắc thị thường 非無則是常
Tiên hữu nhi kim vô 先有而今無
Thị tắc vi đoạn diệt. 是則為斷滅

Nếu pháp có tự tánh
Không không thì là thường
Trước có mà nay không
Đó lại là đoạn diệt.

Nhược pháp hữu định tánh
Phi vô tắc thị thường

Nếu sự vật có một tự tánh quyết định và nó không phải là không thì đó là chấp vào thường.

Tiên hữu nhi kim vô
Thị tắc vi đoạn diệt

Tiên là trước đây, kim là bây giờ. Tiên hữu nhi kim vô: Trước đó nó có mà bây giờ nó không có. Đó là kẹt vào ý niệm đoạn diệt (annihilation). Thấy một người đang ngồi đó thì ta cho là người đó có. Khi người đó chết rồi thì ta cho người đó là không. Đó là khuynh hướng suy nghĩ thông thường của những người không tu, không biết quán chiếu. Chính một số lớn các nhà khoa học cũng nghĩ như vậy. Họ có kiến thức khoa học nhưng cái nhìn của họ chưa khoa học lắm. Có rất nhiều nhà khoa học rơi vào đoạn kiến mà không biết, chỉ có một số ít vượt thoát đoạn kiến mà thôi, đó là những nhà khoa học siêu việt nhất.

Chúng ta đã nghe nhiều bài giảng về luân hồi, về sự tiếp nối. Khi đốt lên một cây đèn cầy thì đèn cầy bắt đầu sống động, nó phát ra ánh sáng, hơi nóng, mùi thơm và đồng thời cũng chế tạo ra những chất như acide carbonique. Vật gì đang đốt cũng cần dưỡng khí và thán tố (carbone). Sự sống là sự đốt cháy, không có sự đốt cháy là không có sự sống. Đèn cầy là một ví dụ rất đẹp về sự sống. Trước hết nó có thán tố và sau đó nó cần dưỡng khí. Trong người chúng ta cũng vậy. Thực phẩm của ta có rất nhiều chất than, như cục đường có chất than rất nhiều. Khi thở vào là ta đưa không khí vào trong phổi. Trong không khí có dưỡng khí giúp cho sự đốt cháy và ta phát ra được nhiệt lượng. Nếu không có sự đốt cháy trong người thì ta không thể có nhiệt độ là 37ºC. Trong người chúng ta có sự đốt cháy từng giây từng phút, và trong khi đốt cháy thì ta cũng phát ra những yếu tố khác.

Thức ăn, nước uống và không khí mà ta tiêu thụ vào là những input (những cái ta cho vào). Ta sản xuất ra những thứ khác gọi là output (những cái ta cho ra), như là ta đi cầu, đi tiểu, toát mồ hôi hay ta thở ra. Trong khi đốt thì đèn cầy cũng thải ra thán khí. Một thành phố như thành phố Paris thải ra vô số thán khí trong 24 giờ một ngày. Nếu như không có những khu rừng lớn thì không thể nào hút hết thán khí đó và con người sẽ chết. Vì vậy rừng cây rất là quan trọng đối với con người. Rừng cây có khả năng tiêu thụ acide carbonique và chế tạo ra dưỡng khí trở lại cho mình. Đốn một cây là ta đốn chính mình.

Đứng về phương diện vật chất thì đèn cầy chế tác ra ánh sáng, sức nóng và thán khí. Ta không thấy nó đang đi về đâu và đang làm gì cho nên khi đèn cầy cháy hết thì ta nói nó không còn nữa. Sự thật thì đèn cầy đang đi vào trong vũ trụ ở những dạng khác nhau. Không thấy đèn cầy nữa thì ta nói nó từ có trở thành không. Điều đó rất phản khoa học, không có gì từ có mà trở thành không, cũng không có gì từ không mà trở thành có. Con người mình cũng vậy. Mỗi giây mỗi phút mình đều thở ra và mình đang đi vào vũ trụ. Đó là đứng về phương diện sắc.

Đứng về phương diện tâm thì ta có những tư duy, những lời nói, những hành động, và những cái đó tiếp nối ta gọi là tam nghiệp(thân, khẩu và ý). Nó gây tác động dây chuyền trong vũ trụ. Nó chính là ta. Vì vậy khi thân xác này tan rã thì ta không tan rã, ta còn rất nhiều trong vũ trụ. Chỉ có con mắt của khoa học, của trí tuệ mới thấy được sự tiếp nối của ta mà thôi.

Thân của thầy đây, khi nó tan hoại nằm xuống mà nói là Thầy không có nữa là sai lắm. Thầy có trong ta, Thầy có ở nhiều nơi. Nếu có con mắt trí tuệ, con mắt khoa học thì thấy Thầy vẫn có đó, không thể nói Thầy từ có mà trở thành không. Nói như vậy là rất phản khoa học. Điều đó đúng với tất cả mọi người và mọi loài. Một bông hoa, một đám mây, một em bé đều như vậy, không thể nào từ có mà trở thành không. Nếu nói trước đó nó có mà bây giờ nó trở thành không thì đó là một điều rất là ngây thơ, rất là phản khoa học. Một nhà khoa học đích thực, một người biết quán chiếu, một người có tu tập thì phải thấy cho được sự thật làkhông có cũng không không.

Trước đây chúng ta đã học không sinh, không diệt, không tới, không đi. Bây giờ chúng ta học không có, không không. Chỉ khi nào ta thấy được sự thật đó thì ta vượt thoát sự sợ hãi, vượt thoát được sợ hãi rồi thì ta mới có hạnh phúc đích thực. Nếu ta cứ nơm nớp lo sợ rằng một ngày kia ta sẽ từ có mà trở thành không thì hạnh phúc của ta không lớn được. Tu học là để đạt được cái thấy đó, cái thấy không có cũng không không. Tu học không phải chỉ là để xoa dịu một vài lo lắng, đau buồn của ta mà thôi. Vì vậy sự quán chiếu về thực tại của sự vật để thấy được tính không có cũng không không rất là quan trọng.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận)
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 9-2012

http://thuvienhoasen.org/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.