Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào – Phẩm Quán Khứ Lai

Bài kệ 15

Khứ giả tắc bất trú 去者則不住
Bất khứ giả bất trú 不去者不住
Ly khứ bất khứ giả 離去不去者
Hà hữu đệ tam trú 何有第三住

Kẻ đi thì không ở
Không kẻ đi không ở
Ngoài kẻ đi không đi
Còn có ai để ở?

Phương pháp của thầy Long Thọ là như thế!

Khứ giả tắc bất trú

Khứ giả tức là người đi. Mình là người đi thì đâu có thể gọi là ở được? Kẻ ở không giống người đi, nói người đi đang ở là sai.

Bất khứ giả bất trú

Kẻ đi (goer) không ở đã đành rồi mà không kẻ đi (non goer) cũng không ở. Non goer khác với the one who does not go. Vì vậy tôi dịch là không kẻ đi không ở.

Ly khứ bất khứ giả

Hà hữu đệ tam trú

Ngoài kẻ đi (khứ giả) và không kẻ đi (bất khứ giả) thì làm gì có kẻ thứ ba gọi là “đang ở”? (Beside goer and non goer, there could not be any third element that can play the role of abiding).

Khi nhìn sâu vào chữ đi và chữ  thì chúng ta thấy quan niệm của mình về đi và ở rất là sai lạc. Trước khi quý vị đi vào trong thiền đường này thì năm uẩn của quý vị có khác với bây giờ. Quý vị đã gởi đi những tư tưởng, những động tác, gởi ra thán khí, những độc tố trong cơ thể, đã làm rơi rụng những tế bào da trên sân cỏ… Không có giây phút nào trong đời sống hằng ngày của quý vị mà không có sự đi xảy ra. Chúng ta đi trong từng giây từng phút, chúng ta cũng đến trong từng giây từng phút và chúng ta cũng trong từng giây từng phút. Đó là cái nhìn dưới ánh sáng của vô thường và vô ngã. Đức Thế Tôn có nói: Chuyển tức tức thị lai sinh.Một hơi thở ra, một hơi thở vào là ta đã đi sang một kiếp khác. Nhìn vào mình, ta thấy ta đang đi, đang ở hay đang tới? Có thể nói ta đang đi, đang ở và đang tới cùng xảy ra một lần. Nếu quý vị, nhất là các vị sa di và sa di ni có tụng đọc “Quy sơn cảnh sách” thì nhận ra câu này :

Chuyển tức tức thị lai sinh

Hà nãi yến nhiên không quá

Thở vào, thở ra, thì đã đi sang kiếp khác rồi, mà tại sao lại cứ làm biếng như vậy? Sao lại để thì giờ trôi qua như vậy? Không chịu học hỏi thêm? Không chịu đi thiền hành? Không chịu hạ thủ công phu?

Trong kinh “Tứ thập nhị chương” (The Sutra of Forty second Chapters), Bụt hỏi các thầy:

– Mạng người kéo dài bao lâu?

Có thầy trả lời:

– Dạ, bạch thầy! Một trăm năm.

Bụt mỉm cười.

– Vài chục năm.

Bụt mỉm cười. Có vị nói:

– Dạ, một ngày.

Bụt mỉm cười. Có một thầy nói:

– Mạng người chỉ trong một hơi thở.

Bụt mỉm cười nói:

– Được! Thầy nói đúng! Mạng người chỉ trong một hơi thở!

Đó là căn bản của câu: Chuyển tức tức thị lai sinh. Đổi hơi thở một cái là đã đi sang đời khác rồi. Sinh tử, luân hồi (mình tới, mình đi, mình ở) xảy ra trong từng giây từng phút. Nhìn cho kỹ thì thấy không có tới, không có đi, không có ở.

Vì vậy, khi nhìn thầy Giác Thanh chúng ta thấy thầy Giác Thanh đâu có đi đâu đâu? Không đi thì đâu cần phải tới. Không đi, không tới thì ở cũng không thành vấn đề. Phải vượt thoát ba ý niệm đi-ở-tới thì ta mới thấy được chân tính của thầy Giác Thanh và thấy được chân tính của chính mình. Mục đích của thầy Long Thọ là nói: Không có sự khởi sự mà cũng không có sự tồn tại. Nói kẻ ở, người đi cũng như những sầu than, tiếc thương của mình hoàn toàn căn cứ vào những ý niệm. Thấy được vậy có nghĩa là ta đã đạt được cái gọi là Trung đạo. Chúng ta tiếp xúc được với bản môn và thấy được tự tính của gió cũng như của thầy Giác Thanh là không tới, không ở, không đi.

Bài kệ 16

Khứ giả nhược đương trú 去者若當住
Vân hà hữu thử nghĩa 云何有此義
Nhược đương ly ư khứ 若當離於去
Khứ giả bất khả đắc 去者不可得

Nói kẻ đi đang ở
Điều đó là vô nghĩa
Không có hành động đi
Sao có chủ thể đi?

Khứ giả nhược đương trú

Chúng ta nói “người đi” có thể “ở”, người đi thì làm sao mà ở được? Đã đi rồi mà còn ở nữa thì quá nghịch lý!

Vân hà hữu thử nghĩa

Làm sao mà có nghĩa như vậy được? Làm sao mà mình vừa ở vừa đi? Vô lý quá! Nếu nói người ở cũng đi thì thật là vô lý!

Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng ta có thể đặt lại vấn đề: Người nào trong chúng ta mà không đang đi? Đi tới đâu? Đi tới cái mà ta nghĩ là cái già, cái chết, đi tới nghĩa địa. Trên bình diện suy tư đó thì ai cũng đang đi hết. Mục tiêu của mình là tới nghĩa địa, tới lò thiêu. Ở bình diện tích môn (giả danh) thì ai trong chúng ta mà không đang đi. Chúng ta đều nhắm về một hướng, hướng đó không phải là lý tưởng mà hướng đó là lò thiêu. Nhưng ai trong chúng ta mà không ở? Ai cũng đang có mặt, cũng đang cười nói. Đã ở rồi, sao lại đi được? Đang đi thì sao gọi là còn ở? Vì vậy cho nên lối suy tư của chúng ta là sai lầm, là vô lý.

Nhược đương ly ư khứ

Khứ giả bất khả đắc

Nếu lìa xa hành động đi thì làm gì có cái gọi là kẻ đi. Đây cũng là thiền quán. Phương pháp thiền quán của thầy Long Thọ rất ngộ nghĩnh. Thầy đã dùng biện chứng pháp để giúp cho chúng ta thấy được sự phi lý trong cách tư duy của chúng ta. Thường thường chúng ta hành động trên cách tư duy đó, mà hành động trên tư duy đó thì gây ra rất nhiều lầm lỡ. Tư duy mà không phải là chánh tư duy thì hành động không phải là chánh nghiệp. Chánh kiến, chánh tư duy rồi mới tới chánh nghiệp (action). Chánh kiến tuyệt đối là chánh kiến Không-Giả-Trung. Khi có cái thấy sâu sắc về không-giả-trung thì tư duy mới là chánh tư duy. Có chánh tư duy, không kẹt vào ý niệm đi-ở, còn-mất, có-không thì lúc đó mới có hành động hoàn toàn như Bụt và Bồ tát, đó gọi là chánh nghiệp (right action).

Vì chúng ta không có chánh kiến về trung đạo nên ta không có tư duy theo đường hướng của không-giả-trung. Hành động của ta lạc lầm, gây ra đau khổ, sợ hãi. Nghiệp của ta không phải là chánh nghiệp.

Bài kệ 17

Khứ vị khứ vô trú 去未去無住
Khứ thời diệc vô trú 
去時亦無住
Sở hữu hành chỉ pháp 所有行止法
Giai đồng ư khứ nghĩa 皆同於去義

Đi, chưa đi, không ở
Đang đi cũng không ở
Các pháp hành chỉ kia
Cũng cùng chung một ý

Có bốn tướng là sinh, trú, dị và diệt; nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn tới trú. Những điều mà thầy Long Thọ nói về ở (trú) cũng áp dụng được cho ba tướng khác như tới, đi, biến đổi (détériorer, deterioration).

Khứ vị khứ vô trú

Khứ thời diệc vô trú

Trong cái đi rồi (khứ) và cái chưa đi (vị khứ) không tìm ra được cái ở (vô trú). Trong lúc đi (khứ thời) cũng không có ở.

Sở hữu hành chỉ pháp

Giai đồng ư khứ nghĩa

Những khái niệm về hành (đi), về chỉ (ở) đều có thể suy xét theo cái tôi nói về khứ. Nói về một cái là có thể hiểu được cả bốn cái.

Tôi đọc cho quý vị nghe một bài thơ tôi làm đầu năm 1964:

“Cũng như dòng suối về gặp đại dương

Ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới

Tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường”

Đây là tâm sự của tất cả chúng ta. Chúng ta, ai cũng có thầy, có sư anh, sư chị, ai cũng có người thương. Chúng ta phập phồng lo ngại, một ngày nào đó, người kia đi rồi thì mình sẽ bơ vơ. Người kia có thể là thầy, là sư anh, sư chị hay là người thương của mình. Ba câu đầu nói về tâm trạng đó.

Cũng như dòng suối về gặp đại dương, thế nào rồi anh cũng phải đi và tôi sẽ bơ vơ. Thế nào rồi thầy cũng phải đi và con sẽ cảm thấy lạc lõng.

Ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới. Phải làm một cái gì đó, phải trao lại cho em (cho con) một cái gì đó tại vì ngày đó em (con) sẽ bơ vơ. Nếu có cái đó thì em (con) có thể đi được một đoạn đường. Đó là sự đòi hỏi của tất cả mọi người đối với người thương của mình. Người thương có thể là thầy, là sư anh, sư chị hay là người mà mình nương tựa. Trong câu này chúng ta đang có vướng mắc (attachement).

Tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường. Tội nghiệp quá!  Con đang cần thầy! Em đang cần anh! (I need you! I still need you!). Thầy để lại cho con một cái gì đi! Anh chị để lại cho em một cái gì đi! Nếu không, ngày mai thầy đi, anh đi, chị đi thì em sẽ chết, em sẽ bơ vơ, lạc lõng.

“Cũng như dòng suối về gặp đại dương

Ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới

Tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường”

Đây là một sự đòi hỏi rất con người. Và đây là câu trả lời của người anh:

Tôi sẽ không ra đi

Hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến

Nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím

Là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ

Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi

Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi

Tôi sẽ không ra đi,

hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến.

Đây là cái thấy của vô khứ vô lai. Chúng ta thấy rất rõ là không có người đi, không có thời gian đi và không có nơi chốn đi. Tác giả nói một cách rất dịu dàng và khéo léo để khai thị cho người đệ tử của mình, cho người em của mình.

Tôi sẽ không ra đi. Đó là câu tuyên bố rất lớn! (I will never die! I will never leave you!). Thầy sẽ không bao giờ bỏ con! Anh sẽ không bao giờ bỏ em! Chị sẽ không bao giờ bỏ em! Câu đó đủ rồi, nhưng tại vì người con, người em có nhiều vướng mắc quá nên phải nói tiếp. Tôi sẽ không ra đi thì đã đủ lắm rồi, vì bản chất của tôi là vô khứ. Nhìn kỹ sẽ thấy được bản chất của tôi là vô khứ. Đã thấy được thì tại sao còn phải lo nữa?

Tôi sẽ không ra đi, hoặc tôi có ra đi nhưng không bao giờ tôi đến: câu này biểu lộ rõ ràng là tôi đâu có đi đâu đâu? Nếu không có đến thì làm gì có đi?

Nơi khởi hành có trăng, mây, gió, nước.

Và nơi tôi đến đón chờ cũng có hoa vàng trúc tím

Nếu nói là tôi có đi thì nơi tôi khởi hành có trăng, mây, gió, nước, rất là mầu nhiệm. Nơi tôi đến, nơi đón chờ tôi cũng sẽ có hoa vàng, trúc tím. Đi đâu thì tôi cũng ở trong bản môn mà thôi, nghĩa là tôi không có đi. Trăng mây gió nước hoặc hoa vàng trúc tím đâu có khác nhau. Trăng mây gió nước là biểu hiện của pháp thân, mà hoa vàng trúc tím cũng là biểu hiện của pháp thân.

Mỹ từ chúng ta tặng cho Đức Thế Tôn là Như Lai, người từ chân như tới và sẽ trở về chân như. Chỗ nào mà không phải là chân như? Như Lai có nghĩa là vô khứ và vô lai. Không những bản chất của Như Lai là như vậy mà bản chất của một bông hoa, một cơn gió, một đám mây cũng là như vậy. Ta phải thấy bản chất đó thì ta mới đạt đạo. Thi ca có cái đặc biệt là đưa ra hình ảnh cho mình thấy được. Cách của thầy Long Thọ là dùng biện chứng pháp, cách của tác giả bài thơ là dùng hình ảnh.

Tôi sẽ không ra đi

Hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến

Nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím

Là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ

Nếu ta tự thấy ta là một đọt lá, là một bông hoa thì ta thấy rằng người ta thương, chưa bao giờ ta không có người đó và sẽ không bao giờ ta không có người đó.

Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi.

Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi

Khi chúng ta nhìn trời xanh thì trời xanh thành đối tượng của tri giác ta. Trời xanh có thể được nhìn thấy trong mắt của ta. Có khi có những đám mây mờ không cho ta thấy trời xanh, ta tưởng trời xanh không còn nữa. Nhưng trời xanh luôn luôn có đó. Thi sĩ Trụ Vũ có nói rằng:

Cũng vì mắt thấy trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời

Khi ta thương Bụt, quán chiếu về Bụt thì tâm ta phản chiếu Bụt trong đó.

Cũng vì mắt thấy biển khơi

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

Chủ thể và đối tượng trở thành một, đối tượng của sự nhớ thương và người nhớ thương là một chứ không phải hai. Trời xanh đó luôn luôn có mặt cho ta, nhưng vì không thấy nên ta mới lo sợ, tiếc thương. Cái làm cho ta không thấy là vô minh của ta, tức là những đám mây che phủ bầu trời xanh. Nếu ta thấy được màu trời xanh đó ngay trong mắt của mình thì không bao giờ ta không có trời xanh. Vì không thấy cho nên ta sợ hãi. Có lúc ta thấy có, có lúc ta thấy không. Ta nghĩ trời xanh ngày mai sẽ không còn nữa, cho nên ta đau khổ. Ngày mai thầy chết, con sẽ ra sao? Ngày mai anh chết, em sẽ ra sao?

Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi.

Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi

Ta cứ tỏ ra nơm nớp sợ hãi hoài. (How could I survive when you are not there?)

“Cũng như dòng suối về gặp đại dương

Ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới

Tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường”

Tôi sẽ không ra đi

Hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến

Nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím

Là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ

Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi

Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi

Ta ngồi chơi với con ta, ngồi chơi với em ta và từ từ tìm cách khai thị:

Sáng nay

sau giấc ngủ của trăng sao,

vũ trụ làm rơi những giọt nước mắt

trong như pha lê,

Êm dịu sương khuya,

hãy khóc cho hồn ngươi thêm đẹp

Nước mắt sẽ biến hồn hoang vu

thành nơi vườn quê tươi sáng,

thanh lương thấm lòng trái đất, nâng niu lộc mướt chồi non,

Ngày xưa những khi ngồi nhìn em khóc,

tôi cũng đã ưng khóc để được dỗ dành.

Con có muốn khóc thì con cứ khóc đi cho khoẻ, tại vì trong con có những nơm nớp, lo sợ. Trong câu này có rất nhiều từ bi! Người mẹ ngồi bên đứa con và ôm đứa con: “Nếu cần thì con cứ khóc đi!”.

Sáng nay sau giấc ngủ của trăng sao, vũ trụ làm rơi những giọt nước mắt trong như pha lê: Vũ trụ mà còn khóc được thì con cũng có thể khóc được, đừng xấu hổ.

Êm dịu sương khuya,

hãy khóc cho hồn ngươi thêm đẹp.

Nước mắt sẽ biến hồn hoang vu

thành nơi vườn quê tươi sáng,

Thanh lương thấm lòng trái đất,

nâng niu lộc mướt chồi non,

Ngày xưa những khi ngồi nhìn em khóc,

tôi cũng đã ưng khóc để được dỗ dành

Ở Tây phương, họ nói con trai không được khóc. Tại sao con trai không được khóc? Được khóc trong sự chứng kiến, vỗ về của người thương là một hạnh phúc rất lớn. Trong lòng ta có những nỗi buồn lo, sợ hãi mà ta không bộc lộ được. Khi có một người thương của ta, có thầy ta, có anh ta, chị ta ngồi một bên và ta được bộc lộ ra bằng những giọt nước mắt, thì hãy cứ khóc. Tác giả bài thơ này có rất nhiều từ bi, tác giả không nói: “Không có được khóc! Không có đến, không có đi! Đồ ngu!” Tác giả nói: “Con cứ khóc đi! Không sao đâu! Tại vì ngày xưa thầy cũng vậy. Ngày xưa thầy cũng muốn khóc để được dỗ dành”. Thấy người khác khóc, được dỗ dành; ta cũng muốn khóc để được dỗ dành. Nó rất con người (human nature). Ta cũng có thể bắt đầu từ chỗ đó. Nhưng mà từ từ ta phải lớn lên.

Ôi thiên nhiên

Bà mẹ tóc xanh, xanh mướt đất trời, nụ cười đem về đầy bướm chim hoa lá,

Là lá là hoa em đã có tôi từ vô thỉ

Và trong nhận thức mong manh em, tôi thực chưa bao giờ từng hiện hữu tử sinh.

Em có nhớ ngày đầu tiên khi mẹ đưa tôi về, nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới thấy bóng hình tôi hiển lộ?

Ngày mai bóng hình mất đi

Em hãy mỉm cười

Và bình thản tìm tôi trở lại

Tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất

Để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực

Chưa bao giờ đi

Chưa bao giờ đến

Qua thời gian, qua nhận thức, qua chủ khách tồn sinh.

Ôi thiên nhiên, bà mẹ tóc xanh, xanh mướt đất trời, nụ cười đem về đầy bướm chim hoa lá.

Chúng ta được dạy là phải trở về với thiên nhiên. Những khổ đau, nóng bức của ta, nếu ta giao cho thiên nhiên ôm ấp thì ta sẽ đỡ khổ nhiều lắm. Một thi sĩ Pháp, trong cơn đau khổ, cũng đã nói tương tợ:

Mais la nature est là

Qui t’invite et qui t’aime

Plonge toi dans son sein

Qu’elle t’ouvre toujours

Et tandes que tout change pour toi

La nature est la même

Et le même soleil se lève sur tes jours.

Alphonse de Lamartine (Le wallon)

Bài thơ có nghĩa là: Nhưng mà thiên nhiên còn đó, mời mọc, ôm ấp, thương yêu, dịu dàng. Hãy đi vào trong vòng tay của thiên nhiên. Vòng tay của thiên nhiên luôn luôn mở rộng cho ta. Trong khi tất cả đều thay đổi, vô thường, đi, tới, thương, ghét, thành, bại, thì thiên nhiên vẫn là thiên nhiên, là bà mẹ của ta. Phải trở về để bà mẹ ôm ấp những ưu tư, sầu muộn, nóng bức của mình. Và vẫn mặt trời ấm áp đó, mỗi ngày vẫn mọc lên và chiếu sáng những ngày tháng của đời ta.

Ôi thiên nhiên, bà mẹ tóc xanh, xanh mướt đất trời: Thiên nhiên ở đây được gọi là bà mẹ tóc xanh.

Nụ cười đem về đầy bướm chim hoa lá: Khi thiên nhiên cười thì bướm chim hoa lá biểu hiện. Chúng ta có thể ôm lấy những cái đó để làm êm dịu nỗi đau thương, nóng bức của mình.

Là lá là hoa em đã có tôi từ vô thỉ. Và trong nhận thức mong manh em, tôi thực chưa bao giờ từng hiện hữu tử sinh.

Tôi là một thực thể vượt ra khỏi ý niệm sinh tử. Tại vì nhận thức của em mong manh cho nên em không thấy được bản chất vô sanh bất diệt của tôi, cho nên em mới lo, mới khóc.

Em có nhớ ngày đầu tiên khi mẹ đưa tôi về, nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới thấy bóng hình tôi hiển lộ?

Bóng hình tôi là cái tướng, và ngày đó chỉ có sự biểu hiện thôi. Tôi không có sanh, tôi chỉ biểu hiện. Mẹ tức là thiên nhiên, là vũ trụ, là duyên sinh, là những điều kiện phối hợp lại, thành ra tôi biểu hiện. Và em bắt đầu thấy được tôi qua tri giác em nhờ những yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành và thức (năm nhóm). Năm nhóm là năm uẩn. Năm uẩn vướng mắc gọi là thủ uẩn, năm uẩn giải thoát thì mầu nhiệm vô cùng. Đức Như Lai có năm uẩn, chúng ta cũng có năm uẩn. Nhưng chúng ta kẹt vào năm uẩn nên năm uẩn trở thành tù ngục. Đức Như Lai có năm uẩn nhưng năm uẩn đó là thế giới của Pháp thân.

Ngày mai bóng hình mất đi. Em có nhớ ngày đó không? Bóng hình là cái tướng làm đối tượng cho cái tưởng của em. Em nghĩ khi bắt đầu có cái tướng đó thì tôi bắt đầu có và khi tướng đó ẩn tàng thì tôi không có nữa. Đó là sự biểu hiện và sự ẩn tàng.

Ngày mai bóng hình mất đi

Em hãy mỉm cười

Và bình thản tìm tôi trở lại

Hãy tìm tôi ngoài năm uẩn mà em đã bị kẹt vào. Tôi nghĩ em đã kẹt vào năm uẩn đó, vì vậy em đã không thấy tôi ở những thời gian khác, ở những không gian khác. Hãy tìm tôi với một nụ cười! Tìm ở đâu?

Tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất

Để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực

Chưa bao giờ đi

Chưa bao giờ đến

Qua thời gian, qua nhận thức, qua chủ khách tồn sinh.

Tìm tôi như thế nào để thấy được tôi không qua những tướng biểu hiện mà ngày xưa em đã vướng mắc. Phải nhận ra được sự có mặt của tôi trong thời gian, trong nhận thức và trong sự liên hệ chủ thể và đối tượng, để thấy tôi là một thực thể không sanh không diệt, không đi không ở. Đó là cách duy nhất để vượt thắng những lo âu, những thao thức, sợ hãi. Ngày mai bóng hình mất đi, tức là những cái mà ta gọi là đi rồi như hình bóng của thầy Giác Thanh mà ta tưởng là không còn nữa.

Tìm tôi và tiện dịp em tìm em

Nét khám phá nguyên sơ

Chỉ cho em thấy rằng em là bất diệt

Em sẽ thấy

Không có gì đi, mất

Và với một mũi tên thôi, em bắn rơi một lần hai lá cờ huyễn tượng

Tìm tôi và tiện dịp em tìm em: Ta thấy được người thương của ta là ta thấy được chính mình.

Tìm tôi và tiện dịp em tìm em

Nét khám phá nguyên sơ

Chỉ cho em thấy rằng em là bất diệt

Mầu nhiệm biết bao nhiêu! Không những Đức Thế Tôn là vô sinh bất diệt, là thọ mạng vô lượng, mà chính chúng ta cũng vậy. Ta cũng vô sinh bất diệt, ta cũng có thọ mạng vô lượng như Đức Thế Tôn. Thấy được tính vô sinh bất diệt, không tới không đi của một chiếc lá thì cũng thấy được tính vô sinh bất diệt, không tới không đi của bản thân mình. Rất là mầu nhiệm!

Em sẽ thấy

Không có gì đi, mất

Và với một mũi tên thôi, em bắn rơi một lần hai lá cờ huyễn tượng

Mũi tên này là mũi tên của sự quán chiếu. Đối tượng quán chiếu là Bụt, là thầy, hay có thể là người ta thương. Khi thấy được bản chất của Bụt (của thầy hoặc của người thương) thì tự nhiên ta cũng thấy được bản chất của ta. Bản chất của ta cũng như bản chất của Bụt, của thầy hay của người thương là không đi, không tới, không có cũng không không.

(With one arrow you can bring down two flags of illusion). Hai lá cờ huyễn tượng đó là người đi  kẻ ở, có người đi mới có kẻ ở; hai lá cờ đó là sinh  diệt, có sinh nên mới có diệt; hai lá cờ đó là có  không, có có mới có không. Chủ đích cao nhất của người tu là phải giương cung lên để bắn rơi một lần hai lá cờ huyễn tượng, để tới được trung đạo, vượt thoát những cặp đối nghịch như sinh-diệt, có-không, còn-mất, một-nhiều, đi-ở.

Chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh

Tôi đang mỉm cười an nhiên trong phút giây hiện tại

Nụ cười nở mãi trong bài ca mùa Xuân bất tận

Trong nụ cười kia em cũng sẽ thấy em còn mãi

Bởi vì em quả thực chưa bao giờ từng hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh.

Chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh: Bản môn sẽ xuất hiện ngay trong tích môn. Không cần chạy trốn tích môn mà ta vẫn có thể nhận thức được bản môn.

Tôi đang mỉm cười an nhiên trong phút giây hiện tại

Nụ cười nở mãi trong bài ca mùa Xuân bất tận

Trong nụ cười kia em cũng sẽ thấy em còn mãi

Bởi vì em quả thực chưa bao giờ từng hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh.

Bản thể của em cũng như bản thể của tôi là vô sinh bất diệt, nó vượt thoát khỏi ý niệm ảo tưởng tồn sinh (I have existed, I am existing). Chúng ta không có hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh. Chúng ta có mặt mầu nhiệm trong bản môn vô sinh vô diệt, vô khứ vô lai. Chỉ cần nhìn vào nụ cười của tôi là em có thể thấy được mùa Xuân bất tận, mùa Xuân không thay bằng mùa Hạ hay mùa Đông, mùa Xuân của bản môn, trong kinh gọi là Bất thắng Xuân, tức là một mùa Xuân không có mùa Xuân nào so sánh được. Bất thắng Xuân là danh từ của Trần Nhân Tông, phái Trúc Lâm Yên Tử.

Và đây là đoạn cuối của bài thơ:

Nụ cười hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai

Tận cuối đường ảo tượng

Không có gì đã qua và đã mất

Không có gì sẽ qua và sẽ mất

Và suối chim khuyên em hôm nay

“Hãy cứ là bông hoa hát ca”.

Nếu nhận thức được nụ cười hôm nay thì ngày mai, giờ phút ta giác ngộ, ta cũng có thể thấy được nụ cười đó, nó sẽ không mất. Nụ cười của Đức Thế Tôn, nụ cười của thầy, của sư anh, của sư chị, không phải ngày mai sẽ mất đi. Nụ cười của thầy Giác Thanh là một nụ cười rất đẹp, đừng tưởng rằng nụ cười đó đã mất. Giờ phút mà chúng ta tỉnh thức, vượt thoát ý niệm đi và ở thì tự nhiên nụ cười đó vẫn luôn còn mãi với ta.

Nụ cười hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai

Tận cuối đường ảo tượng

Không có gì đã qua và đã mất

Không có gì sẽ qua và sẽ mất

Và suối chim khuyên em hôm nay

“Hãy cứ là bông hoa hát ca”.

(Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng – thơ Nhất Hạnh)

Đó là chuyện hay nhất: Hãy cứ là bông hoa hát ca! (Be a flower singing!). Đó là sự thực tập của ta.

Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng giậu

Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

(Bướm bay vườn cải hoa vàng – thơ Nhất Hạnh)

Sự thực tập của ta là không cần phải đi đâu hết, không phải lo lắng gì hết, một khi ta đã an trú được trong thể tính của trung đạo, của Niết bàn. Cái hay nhất mà ta có thể làm là mỉm cười.

Trong bài “Tìm nhau” có câu:

Ô hay

Vầng trăng thảnh thơi vừa trả lại cho con

Những gì con ngỡ rằng đã mất

Chúng ta tưởng ta đã đánh mất tuổi trẻ, đánh mất tình yêu, đánh mất cha, đánh mất mẹ. Nhưng sự thật thì không có gì đã qua và đã mất, tất cả đều còn y nguyên trong thực tại nhiệm mầu của bản môn.

Câu kết luận là lời của người anh: Cái hay nhất mà em nên làm trong hiện tại là làm như suối, chim đã khuyên em: “Hãy vẫn cứ làm bông hoa hát ca!”. Hãy tồn tại, có mặt như một bông hoa hát ca, bông hoa của Quách Thoại.

Bông hoa vẫn không ngưng lời hát ca

Tất cả hát theo bài hát ngàn đời của nhiệm mầu hiện hữu

(Trường ca Avril – thơ Nhất Hạnh)

Chúng ta đọc lại đoạn cuối:

Nụ cười hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai

Tận cuối đường ảo tượng

Không có gì đã qua và đã mất

Không có gì sẽ qua và sẽ mất

Và suối chim khuyên em hôm nay

“Hãy cứ là bông hoa hát ca”.

Hồi còn trẻ, tôi có viết một bài gọi là “Hãy nguyện cầu cho bóng tối thêm sâu hỡi ngàn sao lấp lánh”:

Ngày mai nếu có nghe

Hãy nghe lời ta như nghe suối reo

Hãy nghe lời ta như nghe chim hót

Như xem liễu lục bông hồng

Như ngắm hoa vàng trúc biếc

Như nhìn bạch vân minh nguyệt

Phải tập nghe tôi như nghe lời suối reo, như nghe tiếng chim hót, như thấy liễu lục bông hồng, như ngắm hoa vàng trúc biếc. Như vậy mới đúng là nghe!

“Hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca”. Đó là lời khuyên cuối. Không lo sợ, hãy tận hưởng cái mầu nhiệm của Pháp thân và cống hiến cho nhân loại, cho vũ trụ, cho mọi loài nụ cười của mình.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.