Mai hôm ấy, kinh thành Xá Vệ rộn rịp trong cảnh phố phường buổi sáng. Trên các đường lớn ngựa xe tấp nập; từng đoàn người qua lại trong những bộ áo màu sặc sỡ. Các cửa hàng đông nghẹt những người mua. Tiếng guốc giày của những người quí phái liên tiếp vang lên tạo thành những âm thanh ồn ào náo nhiệt. Nhưng đi sâu vào các đường hẻm thì những cảnh sống hình như vui tươi, giàu mạnh của số đông người trong hai giai cấp Sát Đế Lợi và Bà La Môn ấy không còn nữa, mà những cảnh bần cùng, đen tối của hai hạng người Tỳ Xá và Chiên Đà La hiện ra quá rõ rệt: những chiếc nhà lá thấp lè tè, chật hẹp, đóng cửa từ sáng sớm… Những đứa trẻ đang đùa giỡn chọc ghẹo nhau trên vệ đường. Những người tàn tật nghèo khổ lũ lượt đi từ nhà này sang nhà nọ xin nhờ sự bố thí một cách khó khăn…
Như lệ thường, sáng nay Đức Thế Tôn vào thành để giáo hóa. Bình đẳng, không phân biệt nghèo, giàu, sang, hèn; Ngài đi hết phố này đến xóm khác.
Ni Đề, một thanh niên thuộc giai cấp Chiên Đà La, giai cấp thấp nhất ở Ấn Độ, đang gánh một gánh phân chạy lon bon trên con đường xóm, thấy Đức Phật, chàng bối rối, sợ sệt, vội rẽ qua đường khác và tự thanh trách; chàng nghĩ rằng mình đã sinh vào nơi thấp kém mà còn phải làm những việc đê hèn như thế này nữa, thật là vô phước quá, đồng là người thì tại sao người ta lại dìm nhau trong cuộc sống? Tuy rẽ qua đường khác nhưng đôi mắt chàng vẫn đăm đăm hướng về hình ảnh trang nghiêm; sáng rực hào quang của Đức Phật. Một sự ước ao trào dậy trong lòng chàng: Ôi! Biết bao giờ ta được trực tiếp gặp Đức sáng suốt kia. Càng nhìn lòng chàng càng cảm mộ. Tuy chưa gặp Đức Phật lần nào, song đức hạnh hoàn toàn của Ngài, chàng được nghe nhiều người kể lại.
Hiểu tâm niệm Ni Đề qua những cử chỉ rụt rè và đôi mắt đăm chiêu, Đức Phật bước nhanh về phía Ni Đề. Thấy Phật đến, Ni Đề hoảng hốt: Vì tự thấy mình nhớp nhúa không đáng gần Phật, phần sợ người bắt tội nên chàng nhanh chân lẩn tránh.
– Con ôi! Như Lai đến với con đây! Sao con lại tránh? Đức Phật ở xa nói lại với một giọng trong thanh, êm ái.
Để đôi thùng xuống, run rẩy Ni Đề quỳ thưa:
– Bạch Ngài con không dám… Có điều chi dạy bảo xin Ngài ban cho, xin Ngài đừng đến gần con…
Đức Phật bước thêm và đến sát Ni Đề. Ni Đề cúi xuống và sắc mặt biến xanh, ra vẻ sợ sệt lắm. Nở một nụ cười chan chứa tình thương Đức Phật nói:
– Con ơi! Không ai có quyền bắt tội con đâu, vì chính Như Lai đến với con, chứ không phải con đến với Như Lai. Hơn nữa Như Lai nay không phải là người trong giai cấp vua chúa như Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa, mà là người của tất cả chúng sanh, nhất là hạng người đau khổ như con. Như Lai muốn nói với con một vài câu chuyện… Nghe qua những lời nói dịu hiền và có lý của Đức Phật, Ni Đề bớt lo sợ và nhìn Đức Phật một cách kính mến, chàng thưa:
– Chẳng hay Đức Thế Tôn vẫn đoái hoài đến người cùng khổ này sao? Và con đây cũng được Như Lai dạy bảo và được thật hành theo đạo của Như Lai nữa sao?
Một cách nghiêm nghị Đức Phật hỏi: Ai đã làm cho các con thắc mắc những điều ấy?
– Bạch Thế Tôn: những đạo sĩ Bà La Môn thường nói chỉ có giai cấp họ và người trong dòng Sát Đế Lợi mới có quyền thờ kính Hiền Thánh và có quyền giao thiệp với người đồng giai cấp, chứ bọn con thuộc dòng hạ tiện không có phép làm những việc của họ làm và phải trọn đời phục dịch họ…
Ni Đề muốn nói nhiều nữa song Đức Phật ngắt lời và hỏi:
– Vậy con không biết Như Lai ra đời để cứu khổ cho chúng sanh bằng cách phá tan những sự mê tín dị đoan, ỷ lại thần quyền và đưa chúng sanh đến cuộc sống bình đẳng và an vui sao?
Thôi, giờ đây, con có muốn sống một đời sống tươi đẹp và rộng rãi không? Và con muốn sống gần Như Lai không?
Sung sướng muốn chảy nước mắt, Ni Đề đáp: – Đó là điều mà con tưởng không bao giờ thực hiện được; nếu được Như Lai cứu độ thì đó là một phước lành của con vậy.
Dịu dàng Đức Phật cầm tay Ni Đề dắt đến bờ sông gần đấy… Tắm rửa xong, Ni Đề theo Đức Phật trở về Tịnh xá Kỳ Hoàn được Phật và Giáo Hội thâu nạp cho là Tỳ kheo, qua một thời gian tinh tấn tu luyện vị Tỳ kheo mới nhập đạo này đắc quả Tu Đà Hoàn rồi lần chứng quả A La Hán.
Bấy lâu Ba Tư Nặc vương bất bình và không hiểu tại sao Đức Phật là người của dòng hào thế Thích Ca mà lại độ đệ tử phần nhiều là những người ở hai giai cấp dưới. Nay lại được nghe Đức Phật vừa độ cho Ni Đề, ông càng bất bình hơn nữa. “Đảnh lễ – ai chứ ta không đảnh lễ anh chàng Ni Đề được…!”. Ba Tư Nặc vương lẩm bẩm như vậy. Càng nghĩ càng tức giận, Ba Tư Nặc vương liền cùng với các vị cận thần đi đến Tịnh xá Kỳ Hoàn để xin Phật đừng độ cho Ni Đề là Tỳ kheo và từ rày về sau đừng cho những người thuộc cấp hạ tiện (theo quan niệm của ông và những người trong hai giai cấp trên) xuất gia.
Vừa đến tam quan Tịnh xá Kỳ Hoàn, thấy một vị Tỳ kheo đang ngồi trên một hòn đá lớn khâu vá chiếc áo cũ, Ba Tư Nặc vương liền đến nhờ vị Tỳ kheo ấy vào bạch Phật xin cho ông yết kiến. Nhận lời, vị Tỳ kheo liền xuyên qua hòn đá và ẩn mình đâu mất, làm cho Ba Tư Nặc vương và các cận thần hoảng sợ nhưng vô cùng khâm phục!
Một lát sau, cũng từ hòn đá ấy hiện ra, vị Tỳ kheo khi nãy trả lời cho Ba Tư Nặc vượng:
– Đại vương cứ vào, Đức Thế Tôn đã hứa cho.
Ba Tư Nặc vương bái chào rồi đi ngay vào tịnh xá.
Đảnh lễ Đức Phật xong, Ba Tư Nặc vương liền hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Thầy Tỳ kheo vừa xin cho con vào yết kiến là ai và tên là gì mà có thần thông quảng đại như vậy? Thầy đã xuyên qua đá cứng một cách nhẹ nhàng, tự tại…
– Đại vương! Ấy là Ni Đề, người gánh phân ở thành Xá Vệ mà ta đã độ cách đây hơn một tháng, nay đã chứng quả A La Hán nên đã có những thần lực như vậy.
Thấy Ba Tư Nặc vương im lặng và ra chiều suy nghĩ, Đức Phật ôn tồn nói thêm:
– Này Đại vương! Trong đất bùn nhơ nhớp nở lên những cánh sen đầy hương thơm tinh khiết. Đại vương có thích và có ưa hái khống?
– Bạch Thế Tôn! nếu là hoa đẹp hương thơm thì không ai không quý và không muốn hái để ngắm nghía và trang hoàng cả.
– Đại vương! Cũng vậy tuy là người ở trong các giai cấp dưới (ấy là do con người phân chia), nhưng nhờ sự trau dồi đức hạnh, rèn luyện trí tuệ mà trở thành Thánh Hiền thì người trí tuệ có nên cung kính cúng dường không?
– Bạch Thế Tôn! Đã là Thánh Hiền thì rất đáng cho phàm phu chúng con cung kính cúng dường lắm!
– Lành thay! Đại vương quả là người sáng suốt biết quý trọng “giá trị chân thật” của con người.
Mặt trời làm tan mây mù ra sao thì những lời của Đức Phật cũng làm tan những ý niệm khinh rẻ chán ghét Ni Đề và các người trong hai giai cấp dưới của Ba Tư Nặc vương thế ấy… Bắt đầu từ đó ông vô cùng kính phục tài năng và đức hạnh của Ni Đề, vị Tỳ kheo mà ông đã gặp ở tam quan.
Ba Tư Nặc vương lại xin Phật cho thỉnh A La Hán Ni Đề ngày mai vào nội thành để giáo hóa cho hoàng tộc và nhân dân và cũng để ông cúng dường luôn thể. Phật hứa cho, Ba Tư Nặc và các vị cận thần đảnh lễ và trở ra tam quan để trực tiếp cung thỉnh vị A La Hán thần thông tự tại khi nãy.
Được vị A La Hán này chấp nhận, Ba Tư Nặc vương vô cùng sung sướng. Trên đường về ông không ngớt tán thán Đức Phật, đấng hiện thân của bình đẳng và Giáo Hội của Ngài là một đoàn thể đầy đủ tài năng và đức độ.
Thiện Châu
Không có giai cấp khi trong máu người cùng đỏ.
Không có giai cấp khi trong nước mắt người cùng mặn.
0O0
Vui Trong Đau Khổ
Một hôm, Đức Phật cùng đệ tử vào thuyết pháp trong thành La Duyệt Kỳ, lúc ra về gặp chành thanh niên đang lùa một bầy bò vừa ăn no, chúng nhảy vọt vào húc nhau. Thấy vậy, Đức Phật nói mấy bài tụng sau đây:
“Người đi chăn đưa roi chăn, lùa bầy bò; Cũng như thế già chết chăn nuôi và lùa kéo sinh mạng đi mà nào ai có biết!
Xưa nay, hàng trăm hàng ngàn người chứ không phải một, chứa chất của cải cho lắm, cung dưỡng thân thể cho nhiều, nhưng rồi không ai khỏi điêu tàn chết chóc.
Sống nghĩa là ngày đêm sinh mạng bị công kích, bị tước dần, cho nên sự sống bị tiêu mòn đi in như bờ đất bị nước soi lở”.
Lúc về Tịnh xá, tôn giả A Nan bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vừa rồi trên đường về Đức Phật có nói ba bài tụng nhưng chúng con không hiểu hết ý nghĩa, xin Thế Tôn từ bi chỉ giáo cho.
– A Nan! Trên đường về vừa rồi ông có thấy người lùa bầy bò không?
– Bạch có.
– Người ấy là người thợ hàng thịt. Bò của anh ta có đến ba ngàn con, cứ ngày lùa ra ngoài thành tìm nơi cỏ tốt cho ăn rồi lựa con nào to béo thì làm thịt để bán. Giết hơn một nữa rồi mà bầy bò ấy không con nào biết số phận của mình ra sao cả. Chúng vẫn thản nhiên vui vẻ, húc nhau, nhảy vọt, kêu rống, ăn chơi… Ta cảm thương chúng nó nên mới nói mấy bài tụng vừa rồi.
Nhưng A Nan nầy! Có phải riêng chỉ người chăn bò và bầy bò ấy mới như thế đâu, nhân loại cũng có lắm người vùi mình trong hoàn cảnh tương tợ như thế. Họ chấp trước “Bản Ngã”, không biết bản ngã chỉ là sự chuyển biến liên tiếp, vì thế, họ tham lam dục lạc cung dưỡng thân xác, rồi sung sướng khoái chí họ sát hại lẫn nhau, húc chết sự sống của nhau mà không biết là mình đang húc nhau với cái chết! Trong khi đó, bên cạnh sự sống, vô thường chết chóc lanh lẹ tiến đến, thế mà họ vẫn ngang nhiên không hay không biết, có khác gì bầy bò kia?
Phật dạy như thế, trong số được nghe có những người xưa nay cung dưỡng thân thế quá đáng liền tỉnh ngộ, tự cố gắng khuyến khích mình sống theo sự thật. Nhờ thế, nên không bao lâu họ đều chứng được vô sanh.
Hồng Mai
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120317987/tap-i-11.html
Một ngày đã qua, thế là chúng ta đã bước gần đến cái chết một bước, mạng sống cũng giảm lần. Như cá ít nước có vui gì! Ta phải siêng năng tu tập như cứu lửa cháy trên đầu. Nên nghĩ đến vô thường, cẩn thận đừng có buông lung!