Ngày xưa…
Ngày xưa trong một khu rừng ven bờ sông Hằng Độ, xuất hiện một con Nai hiền. Nai đẹp vô cùng, sừng màu trắng vươn cao như pha lê lóng lánh: da óng ánh vàng như gấm đính thêm từng hành minh muôn màu. Cả thân hình Nai thanh tú ấy có thể đã tập trung hết mọi vẻ đẹp của trần gian. Nhưng đôi mắt Nai buồn lắm thế? Có cái chi u ẩn như thương cho cuộc sống mê lầm.
Nai chính là hiện thân của một vị Bồ tát. Nai nghe và nói được tiếng người. Thú trong rừng thương Nai, quay quần bên Nai như một bà mẹ hiền, theo lời Nai như một bậc thầy sáng suốt. Nai đem tình thương hòa vào cuộc sống muôn loài, núi rừng vì thế ít nhuộm màu hồng, con cháu trong rừng chỉ ăn cỏ cây.
Vốn biết thân mình là một miếng mồi thế nhân hằng ao ước, Nai chỉ ở trong rừng sâu, không để cho loài người được thấy. Những đêm trăng sáng. Nai vui cùng muôn thú cảnh thanh bình. Nhưng mà nếu cuộc đời chỉ là có thế thì còn đâu nước mắt đầy vơi?
Có một sáng mùa thu, rừng vừa qua cơn mưa lớn. Nước sông Hằng chảy mạnh. Những dòng suối nhỏ từ lâu vẫn hiền hòa róc rách giữa những triền đá trắng phau, hôm nay mở rộng bờ hung hăng như trăng lớn phun nước vào dòng sông cả. Nai đủng đỉnh xuống bờ sông uống nước.
Nhìn dòng nước cứ mãi tuôn đi, bọt trắng tóe tung trên mặt sông một màu xanh biếc, Nai bỗng thấy lòng ngập tràn chua xót. Không biết bao giờ vạn vật mới thôi quay cuồng trong bóng tối vô minh để trở về với thanh tịnh? Nai tử nhủ: “Nếu cần thì thân này có tiếc chi?”.
Bỗng một tiếng kêu cứu từ xa vọng lại:
– Ai cứu tôi với! Trời ơi, tôi sẽ chết mất giữa dòng sâu.
Tiếng kêu càng lúc càng rõ. Nai ngước mắt nhìn ra giữa dòng sông Hằng hung bạo: Một người đang chới với trên một thanh củi mục. Có lẽ y đã chìm đò ở phía trên kia và nhờ niú được thanh củi mục mà khỏi chết. Nhưng tình thế thì cũng đã ngặt nghèo lắm. Y nổi lên chìm xuống, đôi tay co quắp một cách tuyệt vọng. Chắc sức cũng đã yếu rồi. Tiếng kêu càng lúc càng khan, mất dần trong tiếng reo hát điên cuồng của sóng nước. Nai biết giờ phút quyết định sự sống còn của người kia đã đến. Không lẽ làm ngơ? Lòng Bồ tát bỗng dạt dào một tình thương cao cả. Đau khổ của người là đau khổ của mình, cứu người là tự cứu mình. Nhìn người quằn quại ai thấy vui chi?
Nai lao nhanh xuống dòng nước lũ. Tình thương đã làm nên tất cả. Không quản nhọc nhằn và nguy hiểm, Nai lướt qua sông lớn và cõng người kia lên bờ. Người kia tỉnh lại, ngạc nhiên vô cùng khi biết một con Nai đẹp đã cứu mình thoát nạn. Quá cảm động y quỳ xuống đội lên đầu công đức của Nai. Y nói:
– Hỡi vị Nai thần, tôi không biết làm sao để nói tất cả tấm lòng. Ngài đẹp lắm, nhưng chính lòng vị tha của Ngài mới đẹp hơn cả. Kể từ nay, thân tôi là của Ngài, tùy Ngài sử dụng.
Nai hiền rưng rưng nước mắt. Quả thật không ngờ lại có người biết ơn đến thế. Nai nói:
– Ông ơi, tôi tưởng sẽ không bao giờ tìm được một người tốt ở cõi thế sa đọa này. Lòng biết ơn của ông đã làm cho tôi vô cùng sung sướng. Nhưng nói làm chi đến chuyện trả ơn. Ông còn vợ con ở nhà, không nên nán lại đây lâu, chắc họ đang nóng lòng chờ đợi. Nhưng ông đừng đem chuyện gặp tôi đây mà nói lại với ai, họ sẽ không ngại gì mà đến tìm bắt tôi. Hãy sống vì đời, vì người. Là thú rừng, tôi không biết nói lời gì đẹp đẽ hơn.
Người kia hứa chắc với Nai, xá tạ xong y lên đường về chốn cũ.
Lúc y về đến thành chính là lúc Hoàng hậu vừa chiêm bao thấy một con Nai vàng kỳ dị. Bà thấy trên một ngôi báu cao sang có một con Nai hiện đang giảng pháp bằng tiếng người. Mình Nai gắn đầy châu ngọc, da Nai óng ánh như những lớp gấm đẹp nhất của đời. Hoàng hậu liền đem chuyện ấy thỏ thẻ với nhà vua.
Bà nói:
– Tâu Bệ hạ, thần thiếp nghĩ không còn vật chi quý giá hơn con Nai vàng trong mộng ấy. Nếu vườn thượng uyển này mà có nó… trời ơi, Bệ hạ hãy tìm cách bắt đi!
Vua tin ngay lời Hoàng hậu, ở đời đã có được mấy người đàn ông không nghe lời vợ, không nghe lời thỏ thẻ của một người đàn bà, nhất là người đàn bà đẹp? Thế là vua cho truyền khắp nước:
“Trong sử có chuyện một con Nai vàng mình đầy châu ngọc. Đã nhiều người thấy nó, nhưng không biết bây giờ ở đâu. Nếu ai bắt được, hay chỉ cho người khác bắt, vua sẽ thưởng cho quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”.
“Quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”. Ai mà không ham? Người được Nai cứu lắng nghe cho rõ lời truyền rao của vua rồi bất giác y nhìn xuống chiếc áo đã sờn, đôi hài há miệng: Y nghèo quá! Một tiếng thở báo trước cơn giông tố của lòng. Y biết chắc chắn vợ con y đã hai hôm rồi nhịn đói. Ngay những lúc có y ở nhà, nai lưng người ra đối lấy bát cơm, gia đình y vẫn không lúc nào no đủ, huống hồ là y đã đi vắng những hai ngày.
Y nhắc lại lời truyền rao: “Nếu ai bắt được, hay chỉ cho người khác bắt, vua sẽ thưởng cho quyền cai trị một làng giàu có và vô số bạc vàng”. Có thể như thế được không? Sung sướng giàu sang đến thế ư? Trong lòng con người vừa thọ ơn bỗng nổ ra một trận chiến gay go giữa tham lam và đức hạnh. Đức hạnh như nói với y: “Anh có thể quên được công đức của Nai hiền sao? Nếu không có Nai thì bây giờ có anh không? Cứ bội ước đi rồi không còn một kiếp nào anh cất đầu lên được!”. Nhưng tham lam nhỏ to than thỉ: “Hãy chỉ chỗ của Nai đi! Anh sẽ được vinh hoa phú quí, vợ con anh sẽ được no đủ”.
Lòng y thật như guồng chỉ rối. Y không biết nên theo đạo đức hay giàu sang, trung thành hay phản bội. Con quỷ tham lam gớm guốc vẫn cứ kề bên than thỉ. Cuối cùng, quỷ tham đã thắng. Một chút lương tâm còn nuối lại trong lòng, y tự nhủ:
– Ta quyết chỉ chỗ Nai ở cho nhà vua. Kể ra thì cũng tàn nhẫn thật nhưng còn dịp nào để được giàu sang. Bạc tiền và danh vọng trên hết!
Y cười lên sặc sụa, cái cười khoái trá của một con người sắp thỏa mãn. Nhưng y có biết không, bắt nguồi từ cái cười ấy, gương mặt y từ hiền lành chất phát bỗng trở thành gớm ghiếc lạ thường. Nếu soi gương, chắc y ngạc nhiên về sự đội thay của mình lắm.
Y vào cung tâu vua biết chỗ ở của Nai hiền. Như mở nước cờ, vua ra lệnh đi săn Nai ngay buổi chiều ấy, khu rừng bị quân lính nhà vua vây kín. Từng đàn chó dữ ào ạt sủa cắn vang động cả một vùng. Chúng lục lội từng hóc núi, bụi lùm. Tiếng kèn săn rền vọng lên như một lời kết tội.
Nai choàng dậy trong giấc ngủ. Sau cơn hoảng hốt ban đầu, Nai biết mình không thể thoát khỏi tay người hung ác. Cũng vừa lúc ấy, vua và người được Nai cứu đến kề bên.
Y đưa tay chỉ chỗ cho Vua:
– Đó, Bệ hạ xem, con Nai vàng kỳ dị!…
Những tia nắng cuối của chiều thu chiếu lên mình Nai lộng lẫy, từng hang châu ngọc lóe sáng muôn màu. Vua say nhìn Nai đẹp. Cung tên đã sẵn sàng, bọn lính định bắn quị linh thú, nhưng vua ngăn lại:
– Đừng bắn, hãy bắt sống cho ta!…
Nhưng chưa đuổi bắt thì Nai đã tự dẫn mình đến trước mặt vua và nói lớn:
– Thưa Ngài, tôi không hiểu tại sao Ngài có thể tìm được chỗ trú của tôi!
Nhà vua ngạc nhiên – có thể nói là sửng sốt – vì Ngài chưa từng thấy Nai nào lại biết nói tiếng người. Vua đáp:
– Hởi Nai thần, chính người này đã chỉ cho ta.
Mặt Nai và vua đồng một lúc quay về người được Nai cứu. Bỗng nhà vua kêu lên kinh hãi: mặt người kia chỉ trong một khắc trở thành lở loét gớm ghê. Mủ máu chan hòa trên gương mặt trước kia hiền lành chất phát.
Nai lên tiếng giảng:
– Thưa Ngài không có gì lạ cả. Đó chính là cái quả báo mà nguyên nhân là sự vong ân của y. Thưa Ngài, người này trước kia đã được tôi cứu khỏi chết đuối, nhưng y đã quên lời hứa mà chỉ chỗ của tôi cho vua. Tham lam đã làm mờ mắt nhân gian. Trong bóng tối vô minh ác nghiệt con người quên hết liêm sĩ và ân tình. Ôi tham lam, gốc nguồn của bao tội lỗi! Vua chợt hiểu. Ngài bỗng thấy ghét cay ghét đắng người được cứu. Quay mũi tên về phía y, vua hét lên dữ dội:
– Kẻ vong ân bội nghĩa kia, mi đã làm nhơ nhuốc danh người. Ta quyết vì đời cho mi chết! Dây cung trương lên, nhưng Nai hiền đã đến chận phía trước. Mình Nai đã biến thành bình phong che chở cho người kia đang run như một cái đuôi thằn lằn. Nai nói với vua:
– Không nên Ngài ạ! Quả báo bao giờ cũng đến với người gây nhân như hình với bóng. Không cần và cũng không có một người nào thưởng phạt hay định đoạt quả báo cả. Chính gương mặt lở loét kia đã trừng phạt y nhiều lắm. Tôi xin Ngài hãy tha cho y. Phần tôi, tôi đang chờ Ngài quyết định.
Vua bỗng thấy ánh sáng đạo. Ngài thấy kính phục Nai hiền cùng tột. Ngài kêu lên:
– Đối với kẻ mưu hại mình Nai còn tỏ lòng từ bi cao cả như thế. Nai ơi, trong lốt thú rừng man dã ấy, chính Nai mới thật là người, một con người đúng nghĩa. Còn chúng tôi đây, Tuy mang lốt người, nhưng quả thật chưa bằng muông thú.
Rồi vung tay ra hiệu, vua hét vào tai tên phản bội:
– Ta tha cho ngươi. Hãy đi đi, đi cho khuất loài người.
Y lầm lũi bỏ đi, mặt cúi gầm xuống đất. Bóng y đổ dài trên nền cỏ rừng, lưng y quay lại phía mặt trời, y đang bước lần, bước lần vào bóng tối…
Vua nói với Nai:
– Thưa Ngài, Ngài đã hoàn toàn tự do. Từ nay, không ai trong nước này lại động đến thân Ngài nữa.
Về phần tôi, những lời cao đẹp của Ngài đã làm tôi trong phút chốc giác ngộ được chân lý. Tôi sẽ khắc những lời đó vào tim và đem chí hướng từ bi của Ngài gieo vào lòng nhân loại.
Thế rồi vua từ giả Nai, kéo quân về chốn củ. Rừng trở lại thanh bình như xưa. Người và vật từ nay hiểu nhau, không còn tìm cách sát hại nhau nữa. Rừng già thổi vọng tiếng kèn săn hung hăng, máu hồng thôi hoen trên cỏ màu xanh. Con cháu trong rừng ngày một đông thêm, phơi phới lớn lên, không lo loài người tàn bạo.
Và đêm đêm, lúc trăng ngà dọi bóng xuống rừng hoang, đàn thú hiền lành quây quần chung quanh Nai như để nghe lời giảng đạo.
Huyền Thanh
Ở hiền thì gặp lành,
Hễ ai làm dữ tan tành ra tro.
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120315482/tap-i-10.html