Bài Xuân Tha Hương được Nguyễn Bính viết cách đây 60 năm, khi ông còn đang ở Huế. Ngày xưa, Nguyễn Bính sống với mẹ ở quê nhà, khi mẹ mất, Nguyễn Bính bỏ quê lên tỉnh thành – Hà Nội – tìm kiếm chút danh, chút lợi. Đuổi theo những đối tượng của sự ham muốn không lâu Nguyễn Bính đã nếm đủ mùi đau khổ. Trong những lúc khổ đau ấy, ông nhớ tới quá khứ, và nghĩ rằng chỉ có quá khứ mới đáng để cho mình sống thôi.
Trong Xuân Tha Hương, Nguyễn Bính viết:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Lúc này Nguyễn Bính đã cùng với một người bạn rời bỏ Hà Nội, đi vào Nam. Sau nhiều tháng sống lăn lóc, rã rời ở miền Nam, họ trở về Huế. Khi đó Huế đang là mùa mưa, mưa dầm dề, mưa thối đất thối cát, mưa từ ngày này sang ngày khác.
Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra tới mấy ngày
Mưa ở Huế không phải chỉ vài ngày, mà mưa suốt cả mười mấy ngày luôn, ai đã từng ở Huế thì biết. Với tâm trạng buồn chán, thất vọng, chẳng biết làm gì, đôi bạn dùng rượu để làm vơi bớt đi nỗi khổ đau.
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
Nón lá áo tơi ra quán rượu
Chơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành lạnh ngón tay
Không hiểu vì sao hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Đây là những kỉ niệm với Huế, năm 1941 và năm 1942, Nguyễn Bính viết bài Xuân Tha Hương để nhớ lại những kỉ niệm này.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Nguyễn Bính đã cùng một người bạn đi từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam trở ra Huế. Huế với Hà Nội cách nhau bởi bảy con sông: sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Đồng Hới, sông Quảng Trị, sông Bến Hải rồi tới sông Hương.
Em đi dang dở đời mưa gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương, trời, đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng…
Chúng ta thưởng thức tiếp đoạn ba:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ơi, tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng!
Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong!
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viễn vông
Trong khi mọi người đang lao vào tìm kiếm bằng cấp, đang cố gắng làm giàu thì mình lại từ bỏ tất cả để đi tu, đó có phải là đang mơ chuyện viễn vông không? Hãy thử hỏi chính mình, có phải mình cũng giống Nguyễn Bính: toàn mơ chuyện viễn vông, Niết bàn, Tịnh độ xa vời?
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viễn vông
Em biết giàu sang đâu đến lượt
Nợ đời nặng quá gỡ sao xong?
Chúng ta xuất gia vì một lý tưởng cao đẹp. Chúng ta biết con đường cần đi. Mỗi ngày, chúng ta biết cần làm gì. Mỗi giờ, chúng ta biết cần làm gì. Còn Nguyễn Bính rời quê hương với mục đích kiếm tìm một công danh, một tình yêu nào đó. Và ta biết rõ, công danh và sắc dục chỉ khiến cho người ta thất điên bát đảo mà thôi. Chỉ cần đọc vài câu là ta biết được tâm hồn của Nguyễn Bính lúc đó như thế nào.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng
Rượu cay nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng
Cố nhân chẳng biết làm sao ấy
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong
Qua những câu thơ trên, ta nhận biết được, những khổ đau, những giận hờn trong chuyện tình yêu của Nguyễn Bính.
Thôi em chẳng dám đa mang nữa
Chẳng buộc chân vào sợi chỉ hồng
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
Chắp nối nhau hoài cũng uổng công!
Và với giọng rất là chua chát:
Một trăm con gái đời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung!
Lúc này Nguyễn Bính không còn có thể tin tưởng được bất kỳ người con gái nào nữa. Bởi họ đã cho chàng leo cây, khiến chàng chật vật, lên xuống thất thường.
Người ấy xuân già chê gối lẻ
Nên người nong nả chuyện sang sông
Sang sông là đi lấy chồng. Đây là cách dùng hình tượng.
Đò ngang bến dọc tha hồ đấy
Quý hóa gì đâu một chữ «đồng»!
Đò ngang bến dọc, tức là nếu không lấy được người này thì lấy người khác. Hơi có chút mỉa mai, cay cú, xen lẫn với sự giận hờn những người con gái đã đi qua, và để lại những vết thương trong lòng Nguyễn Bình.
Vâng, em trẻ dại, em đâu dám…
Thôi, để người ta được kén chồng
Thiếu nữ hoài xuân mơ cát sĩ
Chịu làm sao được những đêm đông…
(Khốn nạn, tưởng yêu là khó chứ
Không yêu thì thực dễ như không)
Đây là tâm trạng của Nguyễn Bính khi tình duyên và công danh sự nghiệp thất bại.
Chị ơi, tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não nùng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông!
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Sương muối gió may rầu rĩ lắm
Còn vài hôm nữa hết mùa đông
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Dù thất bại ê chề, nhưng vẫn cố bám víu và hy vọng ở tương lai.
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Em không khóc nữa, không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Nguyễn Bính nói rằng, đây là bài thơ than khóc cuối cùng, nhưng sau bài thơ này Nguyễn Bính còn có tới hàng trăm bài thơ than khóc khác nữa.
Không than chắc hẳn hồn tươi lại
Không khóc tha hồ đôi mắt trong
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
http://www.daophatngaynay.com