Nhắc đến cầu an không thể bỏ qua ý niệm cúng sao giải hạn. Không biết tự bao giờ tập tục này đã trở thành ‘chùm gởi’ bám chặt vào đạo Phật và trở thành ‘dịch vụ’ trong đạo Phật. Mặc dù danh từ cầu an được dùng để giảm nhẹ tính chất mê tín của nó nhưng về hình thức cử hành thì nó cũng còn nguyên vẹn. Tập tục do con người tạo ra nhưng con người không dám bỏ bởi một mặt do có nhu cầu và mặt khác do siêu lợi của nó.
Nếu ta làm một cuộc khảo sát các chùa có tổ chức lễ cầu an đầu năm thì kết quả sẽ là một trăm phần trăm các chùa đều có nghi thức đọc tên cầu an kèm theo tên sao hạn xấu. Thầy cô nào cũng thừa nhận rằng đây là phương tiện để dẫn dắt Phật tử vào đạo nhưng Phật tử vào đạo mấy chục năm rồi cũng vẫn cứ được dẫn dắt theo tập tục này. Lẽ ra, Phật tử thuần thành hiểu rõ nhân quả và biết rõ sao hạn là mê tín do quý thầy cô giảng dạy thì sớm từ bỏ nó nhưng ít người làm được. Lẽ ra, các chùa không cung cấp ‘dịch vụ’ này nữa nhưng hầu như ít ai dám làm vì sợ mất Phật tử và vì chưa có sự đồng bộ chung. Phải chăng ma lực của mê tín quá mạnh hay là do siêu lợi chi phối!? Phải chăng Phật tử kiên cường khó chuyển hay là do ta đang dễ duôi chiều chuộng!?
Rõ ràng, quý thầy cô và Phật tử thuần thành đều biết rõ là Phật không ở đó nghe tên Phật tử để mà gia bị hay làm việc tiêu tai giải nạn. Thứ nhất, không có bài kinh nào (cả Nam tông và đại thừa) Phật dạy về đều này. Ngược lại, Phật đưa ra quan điểm rõ ràng thông qua ví dụ hòn đá nặng phải chìm và vết dầu nhẹ phải nổi trên mặt nước dù có ra sức cầu nguyện. Thứ hai, sao hạn do chính con người đặt ra để lý giải các hiện tượng thiên nhiên cũng như sự thăng trầm của kiếp người nhằm trấn an nỗi sợ hơn là sự thật. Bằng chứng là không có cơ sở khoa học nào để bảo vệ quan điểm này ngoại trừ niềm tin. Thứ ba, chỉ việc đọc tên mà không làm điều thiện nào thì không thể có kết quả bình an được. Nếu quý thầy cô đủ năng lực cầu an cho Phật tử thì chính quý thầy cô không có ai chết vì tại nạn, hay rủi ro nhưng thực tế thì không phải vậy. Thế thì, việc cầu an – cúng sao theo hình thức xưa nay là chỉ để đáp ứng nhu cầu quá nặng của Phật tử và tín đồ nói chung hơn là cách thức cầu an đúng nghĩa – sự tu tập chuyển hóa thân tâm. Do vậy, thiết nghĩa cũng nên cải cách hình thức tập tục này.
Sau ba ngày Tết, các chùa nên đồng loạt khai kinh trì tụng cầu quốc thái, dân an. Sự tu tập này được chư vị tổ sư thích nghi và truyền lại rất có ý nghĩa bởi nó thể hiện lòng tri ân và trách nhiệm của người con Phật đối với tổ quốc và nhân dân. Chính sự tu tập là chánh nhân đưa đến hòa bình an lạc chứ không phải những lời cầu suông. Trên tinh thần ấy, Phật tử thuần thành đâu cần nhất thiết phải chờ tới ngày mùng tám hay rằm rồi tranh nhau ‘bắt’ quý thầy cô phải dâng tâu sớ, đọc tên trong khi mình biết rõ là chỉ có người sống mới nghe và hài lòng. Sao ta không bắt đầu từ ngay khai kinh, nếu có thời gian, cùng về chùa cùng tụng kinh tu tập để tạo năng lượng bình an gởi đến mọi người. Sao ta không tận dụng thời gian tập trung vào tu tập, học hỏi giáo pháp thay vì suy nghĩ lo lắng tốt xấu lăng xăng trong đầu cho đến khi nghe tên mình được đọc lên mới gọi là an. Phật tử chúng ta hãy cùng suy ngẫm lại xem!
Tất nhiên, tu tập thì cần có nội dung và hình thức, cần thân lẫn tâm vì hai cái chưa từng tách khỏi bao giờ. Cho rằng có sự tách rời là một ngộ nhận, một sự sai lầm.
Về hình thức, Phật tử có thể tự mình ghi tên gia đình theo phiếu có sẵn và tự đọc cầu nguyện theo ước muốn riêng chứ đừng nên ‘bắt’ quý thầy cô đọc. Phật tử thương tưởng và kính trọng tăng ni cúng dường thì phước báo rất nhiều còn ‘ngã giá’ cho quý thầy cô thì tội nghiệp cho họ và cũng cho Phật tử nữa. Hãy để cho quý thầy cô làm phận sự tu tập của họ hơn là làm những việc mang hình thức tín ngưỡng. Nếu Phật tử cầu trí tuệ, phước báo thì có thể cúng đèn, cúng hoa với lòng thành kính dâng lên đức Phật. Phật tử cũng có thể đóng góp nhà chùa bằng cách dùng một thứ gì đó do nhà chùa phát hành. Những hình thức như vậy đáng khích lệ vì nó thiết thực và mang tính giáo dục.
Về nội dung, không có sự bình an hay phước báo nào mà không xuất phát từ những hành động cụ thể thiết thực. Phật tử cùng thực tập với tăng ni, phát tâm chia sẻ tài vật, tình thương và sự ứng xử tình người là đang tạo phước báo lớn đưa đến bình an. Chẳng hạn, thay vì chiếm một chỗ trong chánh điện để nghe thầy đọc tên mà trở nên bực dọc với ai đó thì tốt hơn hết là lễ Phật xong đi thiền quanh chùa một cách bình an. Sự bình an thực sự có thể có mặt trong ta nếu ta biết cách. Do vậy, cách cầu an và cầu nguyện hay nhất và đúng cách là tập trung vào tu tập quán chiếu để định tuệ phát sinh, nhờ đó, ta thấy rõ nguyên nhân bất an mà dùng pháp để chuyển hóa. Làm cho tâm ta an và người khác an là cách cầu an hữu hiệu nhất.
Sẽ có sự đồng tình và phản đối khi có điều gì đi ngược lại thói quen. Chỉ mong rằng mọi người hãy lắng lòng thật sâu mà suy ngẫm và tự hỏi chính mình. Lời Phật dạy vẫn còn đầy đủ để chúng ta soi sáng. Phương tiện tổ vẫn hữu dụng cho những ai khéo dùng bởi nó giống con dao hai lưỡi. Chỉ e rằng từ phương tiện bị lạm dụng mà thôi. Mùa xuân sắp đến, ước nguyện rằng mọi người sẽ đón Tết an vui và lành mạnh.
Thích Hạnh Chơn
http://www.thuvienhoasen.org